1. Học sinh Việt Nam không có thói quen đọc sách. Rất nhiều sinh viên đại học mà tôi biết chưa đọc một cuốn sách nào từ đầu đến cuối, ngoài sách giáo khoa. Đa số không có thói quen đọc sách. Ngày không đọc là chuyện bình thường đến nỗi ngày có đọc khoảng 5-10 trang sách mới là chuyện lạ. Do đó, người lớn, những người đi làm, cán bộ quản lý, lãnh đạo, người làm chuyên môn, đặc biệt là các thầy cô giáo hầu như không có thói quen đọc sách. Chúng ta thường nhầm lẫn khi nghĩ các môn Toán, công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật không liên quan tới năng lực đọc. Trẻ dốt và sợ Toán, công nghệ bắt đầu bằng việc không thể đọc và diễn đạt các ý tưởng trong các môn này. Những trẻ được cho là khá Toán hay công nghệ nếu không tiếp tục phát triển năng lực đọc, không thể phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai. Tôi đã từng rất phiền muộn về khả năng đọc, hiểu và diễn đạt của các kỹ sư CNTT dưới quyền và các học trò, đồng nghiệp.
2. Chương trình đào tạo phổ thông dành một thời lượng rất lớn với mục tiêu rõ ràng là học ngữ văn để đọc sách. Tuy nhiên, chương trình không tạo được thói quen đọc sách, và ít hơn chưa tạo ra được năng lực đọc sách có thể đo đếm và càng không có phương pháp đọc sách để học sinh có thể tư duy, diễn đạt và nâng hiệu quả đọc. Du học sinh Việt Nam rõ ràng thất thế khi theo học tại các trường đại học trên thế giới, với khối lượng bài đọc hàng tuần trung bình cỡ 250-400 trang/tuần. Tuy chưa có số liệu thống kê, nhưng chỉ nhìn vào năng lực đọc của người lớn đã đi làm, sinh viên đại học, học sinh trung học, có thể thấy đa số du học sinh, dù là tinh hoa của học sinh Việt Nam đi nữa, không thể đạt quá 60% khối lượng nói trên. Về lâu dài sẽ là một khoảng cách khó san bằng về tri thức và năng lực tư duy.
3. Năng lực đọc sách không thể hình thành một sớm một chiều và phải rèn luyện từ tiểu học. Chúng ta dạy trẻ biết mặt chữ, đánh vần và coi việc đọc là việc của trẻ, mặc cho chúng vật lộn với vô số khó khăn, trước hết là thấy được ích lợi, yêu thích việc đọc sách, rồi tới các phương pháp để nắm được thông điệp, học được cách diễn tả ý tưởng và suy nghĩ quan sát để liên hệ những điều đọc được trong đời sống. Số trẻ đọc sách thường xuyên đã ít, đọc để hiểu, nhớ và vận dụng được kiến thức còn hiếm hơn nữa. Một số trẻ hiếm hoi thông minh, thích đọc, đọc nhiều sẽ thấy một mớ kiến thức lộn xộn, hỗn loạn, không thể diễn đạt nổi. Thật là xót xa. Người làm cha làm mẹ không nên chỉ than vãn, chê bai mà nên vào cuộc đồng hành với các con, trước hết là có nhận thức về việc đọc, không lấy mình làm tiêu chuẩn của con. Chúng ta không đọc sách vẫn sống, làm việc không đến nỗi thua kém người xung quanh, không có nghĩa con cái chúng ta cũng có thể tiếp tục không đọc sách hoặc đọc sách thiếu suy nghĩ. Rõ ràng chúng ta đã thua kém các nước khác về năng suất lao động và sự sáng tạo. Xin đừng chỉ ra cho tôi các ví dụ thành công "tự hào dân Việt", bởi vì ngoại lệ chỉ khẳng định quy luật.
4. Một trong những điều tôi băn khoăn nhiều nhất là việc "biết đọc" không có chỉ số cụ thể để định hướng cho việc dạy. Và chương trình, sách giáo khoa của chúng ta không được thiết kế cho việc đó. Vì vậy tôi muốn xây dựng một chương trình bổ sung cho trẻ dựa trên các chỉ số đó. Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu bằng tốc độ đọc. Tiêu chuẩn trên thế giới về tốc độ đọc trung bình của học sinh bước vào trường đại học phải từ 40-50 trang/giờ. Ở Tiểu học, học sinh phải đạt tốc độ độc 15-25 trang/giờ. Ở Trung học là 25-40 trang/giờ. Tất nhiên, hiệu quả đọc tính trên lượng kiến thức thu nhận được mới là quan trọng. Nhưng chúng ta nên chú ý rằng để đạt tốc độ trên 35-40 trang/giờ, học sinh đã phải có đủ kiến thức để có thể bỏ qua nhiều câu, nhiều từ không cần thiết hoặc đã biết quá rõ. Vì vậy tốc độ đọc cũng phản ánh kiến thức.
5. Một chỉ số khác, sẽ rất quan trọng để theo dõi học sinh Tiểu học, và cũng có thể sử dụng để đánh giá sinh viên đại học cũng như để thiết kế chương trình đào tạo là thời gian trẻ có thể tập trung để đọc liên tục. Thời gian này sẽ tăng qua quá trình rèn luyện với lộ trình tiêu chuẩn sau: 7-10 tuổi: 15-30 phút, 11-15 tuổi: 30-40 phút, 16-18 tuổi: trên 50 phút. Thời gian nghỉ giữa các khoảng thời gian đọc cũng giảm dần từ 20 phút xuống 5 phút. Điều đó có hệ quả đối với việc dạy trẻ Tiểu học là chúng ta cần bắt đầu tạo thói quen đọc cho trẻ, bắt đầu bằng 15 phút mỗi ngày và tăng dần tới 30-35 phút. Ngược lại đọc cũng là biện pháp rèn luyện tập trung tư duy.
6. Tốc độ đọc cũng phụ thuộc vào nội dung đọc. Nếu là một cuốn sách có chủ đề biết trước, tốc độ đọc sẽ nhanh hơn là một tập hợp các thông tin chọn ngẫu nhiên. Tốc độ đọc cũng phụ thuộc vào mức độ khó của nội dung. Chúng ta có thể tạm chia làm 3 loại như sau để tiện theo dõi. Dễ nhất là báo, tạp chí, tin tức. Sau đó đến truyện. Cuối cùng là sách chuyên môn.
7. Việc đọc cần phải rèn luyện đi đôi với viết và diễn đạt lại ý tưởng. Ở mức cao hơn diễn đạt phải ở mức trình bày, thuyết phục và tranh luận được. Ở mức này việc điều tiết được tốc độ suy nghĩ cho phù hợp với tốc độ diễn đạt cũng là quan trọng.
8. Cuối cùng việc đọc phải đạt được năng lực biết thâu tóm được thông điệp, nội dung cũng như ẩn ý. Học sinh phải phân biệt được đâu là thông tin quan trọng hay ít quan trọng hơn trong một văn cảnh. Đó chính là tiêu chuẩn đánh giá năng lực đọc cuối cùng của học viên chứ không phải là việc học sinh nhớ thuộc lòng được bao nhiêu như hiện tại.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment