Tự nhiên hôm nay, nhớ đến bài này thấy bâng khuâng, nhớ Huế, nhớ Hà Nội, nhớ một chiều Sóc Trăng, nắng bay nghiêng nghiêng, xao xuyển.
Nhắc đến thơ Nguyễn Bính, mọi người hay nhớ đến "nhà nàng ở cạnh nhà tôi" với "hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Mình thấy mấy thứ đó chỉ dễ thương thôi, bài "Xóm Ngự Viên" mới thật là tuyệt tác. Để khi nào rảnh bình thử.
Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính
Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự Viên
Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hè
Khách du lần giở trang hoài cổ
Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên.
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên
Đức vua một sớm đầu xuân ấy.
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen
Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm
Cung nữ đa tình vua thiếu niên
Một đôi công chúa đều hay chữ
Hoàng hậu nhu mì không biết ghen.
Đất rộng can chi mà đổi chác
Thời bình đâu dụng chước hoà Phiên
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: “Hô lai bất thượng thuyền”
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ
Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Đã giả xong rồi nợ bút nghiên
Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
Đường hoa, má phấn tranh nhau ngó
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên
Thắp hương tôn nữ xin trời phật
“Phù hộ cho con được phỉ nguyền”.
Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý
Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên
Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy?
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn.
Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?
Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lở sông bồi cảnh biến thiên
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen.
Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên.
Nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn...
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên.
Huế, 9-1941
Chú thích:
1. Xóm Ngự Viên: Qua cầu Trường Tiền rẽ phải, phía chợ Đông Ba, đi thẳng là cầu Gia Hội. Qua cầu Gia Hội, đường rẽ ba ngả. Đường dọc theo sông Hương là đường Trịnh Công Sơn. Bây giờ ở đây có rất nhiều quán ăn và quán cà phê bình dân thơ mộng. Trước đây chục năm vùng này nghèo, hoang vu và xập xệ. Đi thẳng là đường Chi Lăng, là một trong những phố lớn của Huế. Rẽ tay phải dọc theo sông Đông Ba là đường Bạch Đằng. Đường này là một trong những đường âm u bí hiểm nhất Huế. Qua chùa Diệu Đế, cũng là một chùa u tịch nổi tiếng ở Huế là đường Ngự Viên. Ngày xưa khoảng đất rộng từ đây tới cầu Đông Ba từ thành Nội đi ra và tới chùa Ông là xóm Ngự Viên. Thời đầu nhà Nguyễn đây là một danh thắng của Huế, nhiều hoa thơm, cỏ lạ, danh thụ, danh thảo, nên nhà vua thường ra đây chơi ngâm vịnh với các cung nữ nên gọi là Ngự Viên (vườn vua đến). Đây có lẽ không phải là Ngự Uyển hay Thượng Uyển, vì vườn đó phải nằm trong Cấm thành để vua có thể đi dạo, không phải ra khỏi thành có binh mã tiền hô hậu ủng. Đến cuối đời Nguyễn, Ngự Viên bỏ hoang nên nhiều dân nghèo đến lập xóm ở.
2. "Hô lai bất thượng thuyền": Nguyên văn là "Thiên tử hô lai bất thượng thuyền" nghĩa là nhà vua cho gọi tới nhưng không chịu lên thuyền vua. Câu này trích trong bài thơ của Đỗ Phủ "Ẩm trung bát tiên ca" (Bài ca về 8 ông tiên trong cuộc rượu). Bài này nói về 8 nhà thơ nổi tiếng đời Đường, thích rượu, giỏi thơ được gọi là 8 vị tiên thơ (thi tiên), đứng đầu là Lý Bạch. Có tích nói rằng, có lần Lý Bạch đang uống rượu ngắm cảnh bên sông, thuyền vua đi qua. Nhà vua trông thấy Lý bèn cho gọi lên thuyền, Lý không chịu tới.
3. Gót sen: Đường Minh Hoàng yêu Dương Quý Phi bèn cho người dát vàng theo hình hoa sen trên lối đi của nàng và tán thưởng mỗi bước của nàng nở hoa sen bằng vàng.
4. Tôn nữ: Con gái nhà hoàng tộc gọi là tôn nữ. Có lẽ đây là một câu chuyện thật về một tôn nữ "thả tú cầu" (có lẽ chỉ là một cách nói biểu tượng) để kén chồng, mong lấy được ý trung nhân, có lẽ là một vị khoa bảng (Quan Trạng). Biết đâu không phải là ông nội tôi, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn. Tuy nhiên vị tiến sĩ tân khoa đi lấy người khác nên cô tôn nữ này thất vọng đau khổ, khóc lóc nhìn trăng lên
"Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên"
(Sáo là bức mành, rèm). Sau này cô tôn nữ này gia cảnh sa sút "đan từng chiếc áo". Bây giờ, bên bờ sông Hương, bên tay trái cầu Trường Tiền, trước cửa Thượng Tứ, đến tối có quán chè bình dân ngoài trời ngon nổi tiếng của mợ "Tôn đích" có thể làm ta nhớ đến những người tôn nữ ngày xưa có số phận giống như vậy.
5. "Khúc hậu đình hoa", một khúc ca cung đình, được xem là trác tuyệt được sáng tác bởi một vị hoàng đế là Trần Hậu Chủ Trần Thúc Bảo, say mê ca múa thơ văn đến nỗi mất nước. Trần Hậu Chủ mê hai mỹ nhân Khổng Quý Tân và Trương Lệ Hoa, cho dựng gác Lâm Xuân, gác Ỷ Kết, lầu Vọng Tiên bằng gỗ trầm hương, dát thêm vàng ngọc, để cùng mỹ nhân thưởng ngoạn. Dưới lầu trồng cây quý, hoa lạ, dựng đá làm núi Nghênh Phong, tháo nước làm hồ Ngoạn Nguyệt... Hằng đêm lại bày tiệc vui, họp các quan học sĩ làm thơ xướng hoạ... Những bài thơ hay cho chép thành tập, đem phổ nhạc để ca nhân xướng hát, gồm ba tập: Nghinh xuân nhạc, Ngọc thụ, và Hậu đình hoa. Trong ba tập, Hậu đình hoa gồm những bài thơ, bài hát du dương, tình tứ nhất. Câu trong bài ý nói khi nền quân chủ suy tàn, nhã nhạc cung đình thành thứ rẻ tiền, giới bình dân "hát tự nhiên" không có tâm trạng gì.
Đỗ Mục, đời Đường có bài Bạc Tần Hoài nổi tiếng có nhắc tới bài "Hậu đình hoa"
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa"
Tôi tạm dịch
Khói trăng rung sông lạnh mù sa
Đêm bến Tần Hoài cạnh tửu gia
Gái chơi biết chi nhục mất nước
Nhởn nhơ hát khúc "Hậu đình hoa".
No comments:
Post a Comment