1. Chúng ta vẫn nói hoặc nghe người ta nói khoa học công nghệ là để phục vụ con người. Chúng ta nói vậy, nghe nói vậy, nhưng có thực sự hiểu vậy và nghĩ vậy? Tiếng Anh có một câu đơn giản ngắn gọn, dễ hiểu, không phải danh ngôn gì, nhưng nói bằng tiếng Việt cứ thấy sai sai không hiểu vì sao: We say it but not really mean it. Chúng ta nói điều đó, nhưng không thực sự có ý đó.
2. Đương nhiên và dễ hiểu hơn là các thiết chế xã hội được cho là được dựng nên để phụng sự con người, các quan chức là công bộc, nhưng thực ra có phải vậy không thì đó là chuyện khác. Thực tế thì đó đều là những phép hùng biện, hoặc danh pháp có chủ đích, để mị nhân tâm. Tuy vậy, tôi sẽ không nói sâu về việc này, rất dễ bị chụp mũ.
3. Quay trở lại vấn đề khoa học công nghệ. Đa số các nhà khoa học làm khoa học là do ý thích và sinh kế. Sống vì ý thích và sinh kế không có vấn đề gì, không phải là một cái tội. Vấn đề chỉ có khi một số nhà khoa học có thiên hướng chính trị muốn vận động, nên mới tự khoác lên cho mình những trách nhiệm lớn lao, mặc dù không phải vậy. Stephen Hawking từng nói "Làm khoa học cũng giống như làm gái điếm, vừa sướng vừa được tiền." Tôi không muốn phân tích bình phẩm đúng sai về giá trị chân lý của mệnh đề này. Điều đáng để ý là động cơ nghiên cứu của Hawking cũng như của tuyệt đại đa số các nhà khoa học chân chính.
4. Việc khoa học có ý nghĩa thực tế phục vụ con người là sản phẩm phụ, rõ ràng là tất yếu, nhưng nằm ngoài bản ý của các nhà khoa học. Đôi khi, các nhà khoa học cũng có tự vấn, phản tỉnh, băn khoăn về sứ mệnh thực sự của mình. Nhưng họ sẽ vớ ngay lấy một lý lẽ nào đó tiện nhất, dù mơ hồ, và lập tức ngừng suy nghĩ thêm về vấn đề đó, thở phào thoát trách nhiệm. Rõ ràng việc tìm hiểu về điều gì xảy ra ở khoảng cách 13.8 tỷ năm ánh sáng, các sự cố va chạm ở năng lượng hàng triệu TeV hay khoảng cách Planck không có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống hôm nay.
5. Công nghệ có tính mục đích cao hơn. Tuy vậy, việc nó có mục tiêu phục vụ con người cũng mị nhân tâm chẳng kém. Công nghệ thông tin là một ví dụ. Cuộc chạy đua công nghệ trong kỷ nguyên Win-Tel có thực là vì phục vụ con người hay vì túi tiền của hai tập đoàn Microsoft và Intel. Rất nhiều công nghệ ra đời để người bán và người mua rủ nhau vào một cuộc chơi không có mục tiêu thiết thực.
6. Vì sao khoa học công nghệ lại lảng tránh vấn đề con người? Thực ra, KHCN có thể đề cập tới vấn đề con người, vừa có thể kiếm tiền, và kiếm rất tốt đằng khác. Theo tôi, đó là vấn đề thỏa hiệp với Tôn giáo. Tôn giáo bây giờ chúng ta hiểu là đa số các vị thầy tu đôn hậu, cười hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, minh triết đúng mực, đáng yêu như các đức Hồng Y, Giáo Hoàng, Tổng giám mục hay các đại lão hòa thượng từ bi. Ngày xưa không phải như thế, Tôn giáo là một quyền lực chính trị, có mật vụ, có vũ trang, bạo lực, các chức sắc tôn giáo chỉ cần nhướng mày là đầu rơi máu chảy. Đạo Hồi, Ki tô, không nói mà đạo Phật, Hindu, Lão, Khổng cũng vậy. Quyền lực tuyệt đối nên tôn giáo rất độc tài, ai nói trái là đóng xiên, nướng chả, barbecue liền. Nhiều khi chuyện cũng chẳng có gì liên quan tới giáo lý, chỉ là Trái Đất tròn hay méo.
7. Có nhiều nhà khoa học cũng gấu, nhưng chẳng qua đó là tính người, biết gì phải nói ra. Cho dù seminar dưới hầm, cây sậy cũng có tai có ngôn ngữ như trọng chuyện vua Midas có tai lừa. Rồi cây kim trong bọc mãi cũng phải thòi ra, Trái Đất quả thực quay quanh Mặt trời, có gien di truyền, có biến dị. Khoa học đắc thắng. Nhưng chúng ta hoàn toàn nhầm nếu nghĩ rằng Khoa học chiến thắng tuyệt đối. Có một hiệp ước ngầm giữa Khoa học và Tôn Giáo: Khoa học nghiên cứu thoải mái về thế giới Vật chất, có thể tìm hiểu đôi chút về thể xác và một vài hiệu ứng thần kinh. Tuy vậy, các vấn đề Tâm trí, Tinh thần, Ý thức,... thuộc về Tôn giáo. Ngươi không động đến ta, ta không động đến mi. Các nhà khoa học có thể theo tôn giáo, nói cho đúng hơn là các con chiên được phép làm khoa học. Chính vì thế mà Khoa học không vượt lằn ranh đỏ để nghiên cứu Ý thức và các hiện tượng của tâm trí, tư duy. Chúng ta chẳng biết gì nhiều về mình. Vì thế Công nghệ lại càng không thể phục vụ Con người cho đúng nghĩa mà chỉ là công cụ kiếm tiền.
8. Nếu bạn cho rằng chúng ta đã hiểu rõ các quy luật vận động của cơ thể, cách phát lực và chịu lực của cơ bắp trong võ thuật, quỹ đạo của trái bóng đá hay tenis, quy luật và chạm của billard,... từ thời Newton, thì bạn hết sức nhầm. Chúng ta không hiểu về những vấn đề đó bằng hạt quark. Có những bài toán công nghệ đơn giản phục vụ thiết thực con người, không ai muốn làm. Chúng ta cần thị trường cần tiền. Theo bạn thì vấn đề trẻ tự kỷ, chứng trầm cảm vô căn và việc xác định khối lượng neutrino cái nào quan trọng và thiết thực hơn. Quỹ nghiên cứu về hai vấn đề này cái nào lớn hơn?
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
Bùi Đức Ngọc
ReplyDeleteCái tựa của bài viết tự nó đã có sức hấp dẫn: Khoa học công nghệ hướng tới con người. Nhưng đọc xong, mình vẫn thấy rất mông lung, và hơi hoang mang vì không thấy nó hướng tới con người chỗ nào hay như nào. Có lẽ do bài viết đề cập đồng thời nhiều vấn đề khác nhau cả về bản chất lẫn không gian và thời gian…,rồi lại bất ngờ nêu câu hỏi : vì sao khoa học công nghệ lại lảng tránh vấn đề con người? Nếu chỉ bàn trong phạm vi hẹp ở Vietnam ta thôi, thì cái câu “ We say it but not really mean it” hoàn toàn tương đương với câu trong Nam người ta vẫn hay nói : nói dzậy chớ hổng phải dzậy! Thì từ xưa tới nay ở ta đời nào cũng thế, từ “ hiền tài là nguyên khí quốc gia” cho tới “ trí thức là rường cột nước nhà”. Cho nên, khi GS. Stephen Hawking nói “ làm khoa học….vừa sướng vừa được tiền” có lẽ do ông chưa được qua Việt Nam làm việc. Thế nên, “ Khoa học công nghệ hướng tới con người” vẫn là mục tiêu rất được mọi người, nhất là giới khoa học mong đợi, đặc biệt là về chính sách cụ thể.
Tuan Hoang Anh
ReplyDeleteNhững câu hỏi suy tư kiểu như thế này có nhiều trong sách của Harari, nhưng thực sự chẳng ai biết đc tương lai nhân loại sẽ về đâu.
Aiviet Nguyen
DeleteTuan Hoang Anh, Trong bài này anh không có ý định, bàn về tương lai nhân loại. Chỉ bàn về mục tiêu của khoa học công nghệ. Harari không nói mấy về chuyện này.
Tuan Hoang Anh
DeleteAiviet Nguyen, vâng anh, nhưng theo Harari thì tương lai nhân loại gắn liền với khcn. Thậm chí ông ấy đã đưa ra 1 số kịch bản có thể xảy ra.