Chiều 26.2 từ Sài Gòn tôi ra đến Nội Bài được bạn Trần Văn Thái đón như mọi lần. Thái và tôi cùng học ở trường Bưu điện CHDC Đức từ 1967. Năm 2006 hai anh em đã về tận trường cũ, tán cô tiếp tân cho mỗi thằng ngủ đúng phòng ngày xưa một đêm để „hoài cổ“.
Sau khi ghé qua nhà Thái ở Ciputra để thăm Hòa và các cháu, hai anh em lại lên xe đi Quảng Bá, đến phòng thu Phù-Sa Lab dự ra mắt CD „Album Dissent của Mai Khôi Chém Gió“. Từ trước tết, ca sỹ Mai Khôi đã mời tôi đến thăm Phù-Sa Lab bằng được nên tôi phải tranh thủ ghé đó một lát, trên đường vào nội thành. Kế hoạch chính của tôi là sẽ dành buổi tối đầu tiên ở Hà Nội gặp bố vợ tôi ở Hàng Bạc, cuộc gặp gỡ mà tôi mong đợi.
Trước cửa phòng thu Phù-Sa Lab
— with Do Nguyen Mai Khoi.
Gặp lại tôi, Mai Khôi reo lên mừng rỡ. Dù đang rất bận chuẩn bị cho ra mắt CD, Khôi vẫn dẫn tôi đi giới thiệu mọi nơi, với mọi người. Tôi thấy khá nhiều khách nước ngoài đang chờ buổi biểu diễn, có cả mấy nhà báo Úc hoặc Anh. Camera, microphone boom chạy qua chạy lại vui mắt. Ben, chồng Khôi vui mừng nhắc đến chuyến thăm Köln hè 2017.
Định đến dự biểu diễn âm nhạc, nhưng tâm trí tôi bỗng bị hút vào những bông hoa và con giống trưng bày ngay giữa tiền sảnh. Mấy chục bông hoa dệt bằng chỉ và những con giống làm bằng sợi ny-lon là sản phẩm của những người tử tù oan đang làm chấn động dư luận Việt Nam. Những cái tên: Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải chắc chắn không lạ với những ai quan tâm đến công lý ở Việt Nam. Cả ba đang đợi ngày hành quyết và họ đang tìm cơ hội mong manh cuối cùng để thoát chết. Họ gom túi ny-lon màu, xé ra, se lại thành các sợi để làm các con giống. Họ nhờ các bạn tù kiếm chỉ màu từ bên ngoài để làm những bông hoa. Nhìn những bông hoa rất sống và con giống có hồn, tôi nghĩ rằng chỉ có những người lương thiện mới có đủ kiên nhẫn và tình yêu cuộc sống để làm như vậy.
Hoa và con giống của các tử tù treo ngay tiền sảnh Phù-Sa Lab
— in Tay Ho, Ha Noi, Vietnam.
Những bông hoa và các bức thư của các tử tù gửi ra bên ngoài
Có thể Chưởng và Mạnh trong thời gian qua đã làm cho cán bộ quản giáo cảm thông với sự oan ức nên cả hai tuy vẫn bị cùm, bị biệt giam vẫn được phép tự làm con giống, làm hoa. Mạnh đã tuồn được ra ngoài một lá thư có kèm hình vẽ cách bị cùm như thế nào. Đúng là chế độ nhà tù thời trung cổ!
Riêng Hồ Duy Hải thì bị cấm hết mọi việc. Ngay cả lúc mẹ đến thăm thì cũng không được nói về bản án, chỉ được hỏi thăm sức khỏe. Một nhà hoạt động xã hội đỡ đầu Hải cho biết, anh quen Hải nên tin rằng con giống từ trại của Hải gửi ra là của các bạn tù muốn giúp Hải, chứ Hải không đươc phép làm, không được viết thư. Hải muốn gửi quà cảm ơn luật sư và những người đang kêu oan cho cậu. Biết vậy, các bạn tù đã làm giúp.
Những con giống làm bằng sợi ny-lon, được xe bằng cái túi ny-lon xé nhỏ.
Nếu Hải làm, con giống sẽ đẹp lắm - anh nói: Hải khéo tay và rất tình cảm.
Tôi mua một bông hồng giá 100 USD, để tỏ tình đoàn kết với những người tử tù đang kêu oan. Tiền thu được sẽ dùng giúp các nạn nhân vận động pháp lý. Việc Mai Khôi và bè bạn dùng sự kiện âm nhạc đưa lời kêu cứu tuyệt vọng của họ đến công luận làm tôi xúc động và tôi phải tìm hiểu kỹ.
Nguyễn Văn Chưởng bị bắt vì nghi chủ mưu một vụ án mạng tháng 7.2007 ở Hải Phòng và đã bị tuyên án tử hình ngày 12.06.2008. Bất chấp mọi bằng chứng ngoại phạm, tòa án chỉ dựa vào lời thú tội của Chưởng được lấy bởi ép cung nhục hình để tuyên án. Trong thực tế. không chỉ nghi can Chưởng bị nhục hình mà các nhân chứng Trần Quang Tuất và Trịnh Xuân Trường cũng bị tra tấn để tạo ra chứng cứ hợp với kết luận của điều tra viên. Trong các phiên phúc thẩm và giám đốc thẩm sau đó, bất chấp các tố cáo ép cung của nghi can và các nhân chứng, tòa vẫn y án.(1)
Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chuưởng kêu oan trước của Tòa án Nhân dân tối cao
Nếu đọc hồ sơ của các tử tù Lê Văn Mạnh(2), Hồ Duy Hải(3), một vết đen ghê rợn xuyên suốt là hành động tra tấn ép cung để các nghi can phải nhận tội. Chỉ cần một lần không chịu đau nổi, phải nhận tội thì sau đó mọi chứng cứ ngoại phạm, mọi kêu oan, phản cung đều trở nên vô nghĩa. Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận còn cho là Hải phải chết để thế mạng cho con cháu một quan chức cao cấp. Tôi chưa dám khẳng định cáo buộc này. Nhưng nếu đúng vậy, thì đây là chủ nghĩa Hitler thời đại mới: Dùng xác người này để nuôi người khác.
Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ tử tù Lê Văn Mạnh gào thét trước phiên tòa để kêu oan cho con trai
Vụ án Hồ Duy Hải đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Tổ chức Ân xá quốc tế mới đây đã phát động chiến dịch toàn cầu đòi hủy án tử hình của Hồ Duy Hải (4)
Nhờ thủ phạm ra đầu thú mà ông Nguyễn Thanh Chấn (5) được giải oan cuối năm 2013, sau 10 năm tù. Tiếp đó, sau mỗi vụ án sai bị hủy như Hàn Đức Long (6), Huỳnh Văn Nén (7), báo chí lại lên tít giật gân „ Vụ oan sai chưa từng có trong lich sử tố tụng…“. Vụ nào cũng chưa từng có, trong khi chúng xảy ra thường xuyên ở đất nước này !
Các tử tù nói trên sống được đến hôm nay, một phần nhờ mạng xã hội mà sức mạnh của nó hầu như đã minh oan cho Chưởng tại quê nhà. Nghe nói con Chưởng hiện đi học không mất tiền. Thêm vào đó là sự đoàn kết của những người đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Gia đình các nạn nhân tử tù nay đã hiểu rằng đòi công lý cho con em mình cũng gắn liền với các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Ông Nguyễn Trường Chinh, bố Chưởng thường đi đầu trong các cuộc tranh đấu chống cướp đất, chống hủy hoại môi trường cũng như chống Trung Quốc xâm lược. Ông biết rằng, tất cả các vấn nạn đều liên quan đến nhau. Điều cuối cùng, không kém phần quan trọng, là sự xuất hiện những luật sư có nhân cách.
Mấy năm trước đây, khi chưa có các yếu tố nêu trên, đã có biết bao nhiêu người bị giết oan?
Ở các nước châu Âu, án tử hình đã được bỏ từ lâu, dù có nền tư pháp độc lập, có điều luật cấm nhục hình và ép cung. Lý do thật đơn giản: Nhà nước không giết người! Nước CHDC Đức khét tiếng với bộ máy STASI cũng bỏ án tử hình từ năm 1987.
Việt Nam không chấp nhận tam quyền phân lập nên trong tư pháp cũng không có sự độc lập giữa tòa án, công an và viện kiểm sát. Hiện nay 3 cơ quan đó được chỉ đạo thống nhất như một. Sự thống nhất đó được củng cố bằng tra tấn, ép cung. Ép cả nghi can và nhân chứng để đạt năm thành một. Nếu đe dọa, dằn mặt hoặc mua được luật sư sẽ có sáu thành một. Đầu ra của cỗ máy đó sẽ có vô số bản án bất minh. Trong trường hợp tuyên án tử hình thì đó là cỗ máy giết người hoàn hảo.
Thư của Lê Văn Mạnh gửi ra ngoài, vẽ lại cảnh cùm chân trong xà lim - Nhà tù thời trung cổ hay nhà giam XHCN?
„Tư pháp“ được dịch là justice, mà justice còn có nghĩa là công lý. Chỉ có sự cọ sát, giám sát giữa tất cả các bên, từ công tố, viện kiểm sát, công an, tòa án đến nhân chứng, luật sư hai bên và nghi can trong một vụ án mới mong tìm ra sự thật, tạo ra công lý. Nếu dồn tất lại dưới một sự lãnh đạo toàn diện thì chỉ sinh ra thứ „công lý bất công“.
Hiện nay các án tử hình trên chưa thi hành vì cái ác và cái thiện đang ở thế giằng co mong manh. Chỉ một sợi tóc, nhà nước vì dân sẽ giết dân vô tội!
Hãy đừng để cha mẹ các nạn nhân cô đơn trong cuộc đấu tranh đòi mạng sống cho con cái họ. Sự bất công có thể đến với bạn, với con cái bạn bất cứ lúc nào. Khi đó bạn sẽ trách ai?
Cảm ơn Mai Khôi, Ben, em Thinh Nguyen, anh Nguyễn Nhất Lý đã giúp tôi đối diện với một thực tế cay nghiệt trong chuyến đi này.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải đang kêu oan cho con.
Nguyễn Xuân Thọ
(còn tiếp)
Köln ngày 20.03.2018
No comments:
Post a Comment