Saturday, November 11, 2023

Trên đỉnh hay đỉnh của đỉnh?

 Không đối thủ

1. Hồi tui làm cái báo cáo tốt nghiệp khoá đào tạo CEO ở Mỹ (giảng viên 1/2 là CEO các tập đoàn lớn tới hướng dẫn), có 1 chương gọi là phân tích đối thủ cạnh tranh, tui bỏ trống, không viết. Khi thầy hướng dẫn hỏi thì tui nói, quan điểm của tui là không có đối thủ cạnh tranh, mình biết gì người ta đâu mà phân tích, cái nhìn thấy chưa chắc đúng. Tốt hơn là tập trung vào bản thân mình và phát triển so với chính mình ngày hôm qua, làm thành vượt trội để không ai so sánh được. Tui không có cho ai là đối thủ hết, kể cả từ lúc nhỏ xíu đi học. Từ đó, chưa hề có khái niệm ghét hay ganh hay đố kỵ bất cứ ai. Làm gì có ai cạnh tranh lại nổi với người kia, luôn rèn đức luyện tài, phóng khoáng và hào sảng, thì người và trời đều tìm cách giúp thì ai đấu lại? Ông thầy nghe tui nói xong thì nhún vai, nói não mày lạ. 

2. Có câu thành ngữ "kẻ tám lạng người nửa cân", nhiều người không biết nói 800g sao bằng 500g được? Thực tế là hồi xưa, một cân chia thành 16 lạng, nên tám lạng hay nửa cân là bằng nhau (1 cân lúc đó tương đương 600g, vàng tới bây giờ vẫn dùng, 1 lạng vàng (lượng vàng, cây vàng) bằng 600/16 = 37.5gram). Câu này dùng để so sánh giữa 2 người ngang tài ngang sức nhau. 

Giáo dục các nước Á Đông này hay tổ chức thi. Lý luận của họ là 1 người giỏi nên thi thố để biết mình đang ở đâu, so sánh cao thấp để phấn đấu. Đó là mặt tích cực, nhưng ít người làm được. Mặt tiêu cực là, khi thấy người kia hơn mình thì sẽ sinh lòng đố kỵ ghen ghét, hoặc thấy người kia thua, sẽ sinh ra kiêu ngạo hả hê. Tính đố kỵ này chỉ có ở người trung bình. Thường thì 1 người, khi tự đặt mình ngang bằng nhau thì mới sinh ra 2 cái thuộc tính tiêu cực này. Một người ăn mày chỉ tức tối khi một người ăn mày khác được cho tiền, chứ không quan tâm đến các tỷ phú đang hốt tiền của cả thiên hạ. Ngược lại, người ăn mày kia vênh váo với các người ăn mày còn lại, chứ không phải vênh váo với tỷ phú được. Nhưng người tài giỏi thật, họ tự đặt mình ở một giá trị rất cao, mình sẽ không còn đố kỵ hay vênh váo với người xung quanh nữa. Mình nên set mình ở tầm cao, trí của mình là trí của cô giáo, không nên đố kỵ với em học sinh vì bé nó học giỏi, biết nhiều. Mình tài giỏi, kinh bang tế thế, thu nhập tỷ tỷ, có nhà máy xí nghiệp hotel resort rộng khắp Việt Nam, rộng khắp Á Châu thì không nên ganh ghét được bé nó kiếm dăm ba trăm triệu, dăm ba chục triệu. 

3. Khi nghĩ mình là người có giá trị cao - là người lớn, tự khắc sẽ không thể đố kỵ hay kiêu ngạo hay chấp nhặt cái nhỏ nhen - với trẻ con. Mình cũng không thể đi theo đám đông, không bàn tán chuyện giải trí hay đời tư người khác. Cứ âm thầm làm, kết quả tự động lên tiếng. Khi nghĩ mình là người có giá trị cao, tự động mình phải cho đi, giúp người, cho chứ không lấy, không tranh giành, không cùng level với nhóm người đó. Mình muốn, thì tự mình làm ra để mà có, không xin, không ăn cắp, không giành giật. Đường nào đông người thì mình mở lối khác mà đi. Không sao chép, không bắt chước. Đó là sự tự tin và giỏi. Truyện kiếm hiệp xưa, những bậc kỳ tài vượt trên người khác là nhóm "hận đời không đối thủ", nhưng thực ra là chỉ vui. Họ không coi ai là đối thủ hết. Từ điển não họ không có chữ competitor, rival, 对手.

4. Mình phải tự "set-up" mình ở bậc cao để cư xử sang trọng, đẳng cấp. Mình là soái là tướng nếu sinh ra thời xưa. Mình là người cho đi, là người ở trên cao bao dung nhìn xuống, là thiểu số cho việc và quản trị chứ không phải "8 lạng nửa cân" với đám đông. Mình còn so bì so kè, còn ghét còn kiêu với người này người kia, tức là mình tự set chỉ ở tầm nửa cân. Hoặc tám lạng. 

Đầu óc nhỏ xíu xiu, uổng. 

Ăn Trưa Cùng Tony

1 comment:

  1. Hồi còn làm cho GTD, khi tôi hỏi 1 nhân vật cấp cao của Häfele về giá cả và sức cạnh tranh với hàng TQ giá thấp. Vị này trả lời: họ ko cạnh tranh với hàng chợ!

    ReplyDelete