Thursday, November 9, 2023

Xung đột @ Trung Đông

 TƯƠNG LAI NÀO CHO HAMAS

[Giữa lúc có những đồn đoán về số phận của các lãnh đạo Hamas, để hiểu rõ hơn tổ chức này, không thể không đọc bài của chuyên gia Trung Đông, Nguyễn Ngọc Hùng (Ngoc Hung Nguyen)]

Cuộc chiến Gaza giữa Hamas với Israel lần này xem ra không thể có chuyện ngưng bắn mà Hamas vẫn tồn tại căn bản như bao lần trước đây kể từ 2007 đến nay. Israel, được Mỹ bật đèn xanh, lần này quyết “xóa bỏ Hamas”, nói đúng hơn là quyết xóa bỏ vị thế cầm quyền của Hamas ở Gaza!

Nội dung của việc “xóa bỏ Hamas” chủ yếu bao gồm: Loại bỏ giới lãnh đạo cao cấp nhất của Hamas ở Gaza; phá hủy căn bản hạ tầng cơ sở của Hamas ở vùng lãnh thổ này; và không để cho Hamas tiếp tục cai quản Gaza cả về hình thức và nội dung.

Trong tình thế hiện nay, với quyết tâm rất cao của Israel, được sự đồng tình của Mỹ, Hamas khó mà tồn tại ở Gaza như một thế lực cầm quyền, có tổ chức chính quy với đầy đủ nhân tài vật lực như họ từng có từ 2007 đến nay. Thậm chí, Hamas còn khó tránh khỏi nguy cơ bị phá vỡ tổ chức, bị mất phần lớn các nhân vật lãnh đạo chỉ huy của họ đang tồn tại ở Gaza!

Hamas ra đời từ năm 1987, với danh xưng chính thức là “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”; đồng thời họ tự nhận là phần nối dài của tổ chức Anh Em Hồi giáo Ai Cập sang Palestin. Chủ thuyết tư tưởng của Hamas là Hồi giáo nguyên gốc, mà thế giới thường gọi là Hồi giáo cực đoan. Chủ thuyết này có nền tảng là Giáo luật Hồi giáo Shariyah (trên căn bản được xác định bởi Qoraan) và mục tiêu cuối cùng là khôi phục nhà nước Hồi giáo theo khuôn mẫu mà Sứ thần- Tiên tri Mohammed đã sáng lập từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Mục tiêu giai đoạn của Hamas là đấu tranh vũ trang để giải phóng “lãnh thổ Palestin lịch sử” (khu vực từ sông Jordan ở phía đông tới Hồng Hải ở phía tây); không che dấu quyết tâm xóa Israel khỏi bản đồ khu vực. Cuộc chiến đấu này vừa mang tính chất giài phóng lãnh thổ, giành độc lập cho Palestin, vừa mang đậm bản chất tôn giáo, nghĩa là Hamas nhân danh “Hồi giáo chân chính” đòi xóa bỏ Do Thái giáo với nghĩa đen của cụm từ này!

Vì những nguyên lý căn bản nêu trên, Hamas trước sau không chấp nhận tính “đại diện chân chính duy nhất cho Palestin” của Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) do cố lãnh tụ Arafat thành lập; bởi Hamas không chấp nhận đường lối đấu tranh giành độc lập của PLO; nhất là sau khi Arafat ký Thỏa thuận Oslo năm 1993 với Israel, trong đó chấp nhận từ bỏ đấu tranh vũ trang chống Israel.

Bởi thế, từ khi thành lập đến nay, Hamas luôn hành động độc lập với PLO và Chính quyền Palestin, mà hiện nay do Mahmoud Abbas làm Tổng thống. Thậm chí, từ 2007, Hamas đã dùng vũ lực tiếm quyền cai quản phần lãnh thổ Gaza từ tay Chính quyền Palestin, đẩy Chính quyền này dạt sang Bờ Tây!...

Nhưng, dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của Hamas ở Palestin từ 1987 đến nay. Đó là một phần không thể bác bỏ được của cuộc đấu tranh Palestin giành quyền thành lập một nhà nước độc lập trên khu vực lãnh thổ của mình đã được LHQ ấn định từ năm 1947. 

Không phải chỉ một mình Hamas là tổ chức vũ trang Palestin đứng ngoài PLO, nhưng Hamas là tổ chức mạnh nhất trong số này, cả về nhân lực và vật lực. Thậm chí, Hamas còn ngang ngửa với Phong trào Fatah- thực chất là đảng cầm quyền Palestin suốt từ 1988 đến nay, và Fatah là nòng cốt của Chính quyền Palestin do Mahmoud Abbas làm Tổng thống.

Năm 2005, Hamas lần đầu tiên tham gia tổng tuyển cử bầu Hội đồng lập pháp (cơ chế nghị viện) Palestin và đã thắng áp đảo so với Fatah. Do đó, TT Abbas phải bổ nhiệm người của Hamas đứng ra lập chính phủ và Hamas giữ nhiều ghế quan trọng trong Chính phủ ấy, trong đó có ghế Bộ trưởng Nội vụ. Bộ trưởng này có quyền phụ trách lực lượng An ninh Palestin vốn toàn người của Fatah. 

Chính quyền Palestin không được phép có quân đội, nên lực lượng an ninh là lực lượng vũ trang duy nhất; do đó, Fatah không trao lực lượng an ninh này cho người của Hamas lãnh đạo, mà đặt dưới quyền trực tiếp của TT Abbas. Đây là nút thắt khiến nổ ra xung đột hồi 2007 giữa Hamas với Chính quyền Palestin khi ấy vẫn đóng đại bản doanh ở Gaza, mà kết cục là Fatah thua, Chính quyền Palestin phải “di chuyển” sang Bờ Tây từ đó đến nay.

Hơn 16 năm qua, Hamas thực sự là thế lực cai quản hoàn toàn Gaza, độc lập với Chính quyền Palestin của TT Abbas. Bị Israel bao vây tứ phía, cả mặt đất, vùng biển và không phận, mà Hamas vẫn tồn tại và trụ vững. Đó là một sự trụ vững kiên cường và hiệu quả kỳ lạ! Hamas luôn duy trì cơ chế thủ lĩnh chính trị, với chức danh “Chủ tịch BCT Hamas” ở Qatar. Thủ lĩnh chính trị này giữ mối quan hệ mật thiết với các đồng minh như Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ... để đảm bảo những sự trợ giúp sống còn đối với Hamas ở Gaza. Thủ lĩnh chính trị này cũng duy trì quan hệ chính trị với Nga và Trung Quốc để được sự che chở quốc tế, nhất là ở HĐBA LHQ.

Hamas chẳng những giữ vững địa vị độc tôn kiểm soát Gaza, mà còn gây dựng được lực lượng ngầm đáng kể ngay tại Bờ Tây, bất chấp sự ngăn cản của Chính quyền Palestin và sự bố ráp liên tục của lực lượng Israel nhằm loại bỏ các “ổ Hamas” ẩn nấp ngoài Gaza. 

Hamas cũng có nhiều nhóm thành phần hoạt động mạnh mẽ tại các khu vực tị nạn của người Palestin, do LHQ tài trợ, vân tồn tại ở các quốc gia láng giềng như Liban, Jordani, Syria...

Với đa số người Palestin bình thường, cũng như đông đảo tín đồ Hồi giáo ngoan đạo ở thế giới Arab, Hamas vẫn tồn tại như một biểu tượng của tinh thần “tử vì đạo” đáng được khâm phục!

Bởi thế, lần này có thể xảy ra kịch bản tồi tệ nhất với Hamas là họ bị xóa sổ căn bản như một thực thể cầm quyền tại tại Gaza; nhưng nói là “tiêu diệt Hamas” thì chắc chắn không thể!

Nhưng nếu Hamas vẫn kiên trì đường lối dùng vũ trang chống lại Israel như lâu nay, vẫn không thay đổi chủ trương xóa Israel khỏi bản đồ khu vực, thì kết cục cuộc đấu tranh sẽ không đi đến đâu, mà chỉ chuốc thêm bạo lực, chết chóc, tàn phá... đến vô định!

Con đường duy nhất để tồn tại một cách hữu hiệu và tích cực của Hamas là họ phải tự thay đổi về bản chất. Hamas phải từ bỏ bạo lực, chấp nhận đấu tranh hòa bình theo luật pháp quốc tế với mục tiêu giành quyền thành lập một nhà nước Palestin có đầy đủ chủ quyền, sống yên hòa bình đẳng bên cạnh láng giềng Israel. Mục tiêu này nhất định sẽ đạt được bằng cuộc đấu tranh chính nghĩa kiên trì của Palestin, được sự ủng hộ của cả thế giới Arab và cộng đồng quốc tế!

Với nội bộ Palestin, Hamas hoàn toàn có thể trở thành một thế lực lãnh đạo khi họ từ  bỏ bạo lực và tham gia thực sự vào đấu tranh nghị trường, như họ đã từng thắng hồi cuối năm 2005!

09/11/2023

NGUYỄN NGỌC HÙNG

No comments:

Post a Comment