Sunday, February 21, 2021

TÂM TĨNH THÂN ĐỘNG - BÍ MẬT CỦA DƯỠNG SINH

 Phan Anh Sơn: Bài viết đầu năm rất hay của thầy Phan Vũ Bình, mình chép lại để FB chia sẻ đến nhiều người hơn là share link. 

#sk_duongsinh #sk_phongbenh #sk_tamly #sk_vandong

Hôm nay đã là mùng 7 tết Tân Sửu, đối với nhiều người thì có lẽ số 7 không phải là con số đẹp, và nhiều nơi họ rất kiêng kị con số này. nhưng đối với mình lại trái ngược, số 7 là một con số rất đặc biệt, và cũng rất đẹp. Vì sao nó đẹp ư? Vì khá nhiều lí do.

Ngay khi Đức Phật vừa mới đản sanh, ngài đã bước đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói: “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chư thiên hoan hỉ, mặt đất rung động, ánh sáng ngập tràn các cõi. Và cũng trong ngày đức Phật đản sanh ấy, cây Bồ Đề nơi Kim Cương Đạo Tràng đâm chồi nảy lộc, tất cả các hoa ở vườn Lâm Tỳ Ni trăm hoa đua nở, năm trăm em bé cùng chào đời trong dòng tộc Thích Ca. Thật đúng là:

Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc

Ba ngàn thế giới đón Như Lai.

Tất cả các cõi đều hiện lên tướng tốt để chào đón bậc vĩ nhân đến với thế giới này. Vậy tại sao khi đức Phật đản sanh, ngài lại bước đi bảy bước, mà không phải là năm hoặc sáu. Bảy bước này có gì đặc biệt.

Nếu ai từng học qua Kinh Dịch đều sẽ biết đến bát quái, mỗi quái gồm 3 vạch. Khi hai quái chồng lên nhau thì thành 6 vạch-lục hào, và gọi 1 quẻ. Tám quái chồng chéo lên nhau mà thành 64 quẻ. Chỉ từ 64 quẻ mà có thể luận đoán mọi sự cát hung trong thiên hạ. 

Vì sao có thể luận đoán được cát hung? Vì 64 quẻ này tượng trưng cho sự biến hóa của âm dương. Đầu tiên cần phải nói, con người chúng ta đang sống trong thế giới tương đối, luôn có sự đối đãi nhị nguyên. Nhị nguyên ở đây là gì? Là có dài có ngắn, có cao có thấp, có xấu có đẹp, có trời có đất, có ngày có đêm, có âm có dương. Đó chính là sự đối đãi nhị nguyên, chính vì thế mà chúng ta luôn trôi lăn trong biển khổ sinh tử, chịu sự ảnh hưởng của âm dương. Chính vì vậy nên người nào hiểu được 64 quẻ trong Kinh dịch, hiểu được lẽ biến hóa âm dương thì có thể biết mọi việc trên đời. Đúng như câu nói:

Bát quái suy lai huyền diệu lý

Lục hào sưu tận quỷ thần cơ.

Ngoài ra, lục hào còn tượng trưng cho lục đạo luân hồi. Con người chúng ta, đang sống trong lục đạo thì điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta đang nằm trong lục hào. Tất cả chúng sanh, khi chưa giác ngộ đều sẽ trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Cho nên khi đức Phật đản sanh, ngài đã đi bảy bước, bảy bước này tượng trưng cho sự thoát khỏi trói buộc của sinh tử, bước ra khỏi lục đạo. Chính vì vậy số 7 là một số rất đặc biệt trong Phật giáo.

Hôm nay, nhân ngày đặc biệt của đầu năm, xin được viết một bài chia sẻ tới mọi người, bài viết nói về bí mật của việc - khỏe mạnh.

Nói về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, thì thực sự có rất nhiều trường phái. Mỗi trường phái lại nói một quan điểm, lý thuyết khác nhau, có các bài tập khác nhau. Trường phái A thì chú trọng ăn uống, trường phái B thì chú trọng hơi thở (khí công,..), trường phái C lại chú trọng các động tác tập luyện (yoga,...) Vậy, trường phái nào đúng. Và cốt lõi ở đây là gì. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với mọi người, một bí quyết cực kì đơn giản để khỏe mạnh và trường thọ, hiểu được bí quyết này thì dù bạn có tập gì cũng sẽ khoẻ mạnh. Và khi hiểu được bí quyết này rồi, bạn sẽ không còn quan tâm trường phái gì là nhất nữa. 

Vậy bí quyết này là gì? Chỉ ở bốn chữ: tâm tĩnh, thân động. Vâng, chỉ đơn giản như vậy thôi, mang tiếng là bí quyết nhưng thực sự nó chỉ đơn giản như vậy. Nhưng đừng bao giờ nghĩ nó đơn giản mà coi thường, để phân tích bốn chữ này, nói mãi không hết ý nghĩa được. Càng đơn giản bao nhiêu, nội hàm của nó càng sâu bấy nhiêu, càng gần với đạo bấy nhiêu.

Tại sao tâm cần yên tĩnh.

Tâm cần yên tĩnh chính là để khí huyết có thể bình hòa, không dễ dàng bị ảnh hưởng mà đi sai đường. Ai học khí công hay yoga đều biết một điều: ý điều khí, khí điều huyết. Cho nên tâm ý sẽ luôn luôn ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết. Tâm bình hòa thì khí huyết sẽ bình hòa, tâm xao động ắt khí huyết sẽ xao động theo. Xao động ở đây là gì. Vui quá cũng sinh ra bệnh, giận quá cũng sinh ra bệnh, lo nghĩ quá cũng sinh ra bệnh. 

Người thường xuyên phải lo nghĩ, công việc áp lực, mạch tả quan thường huyền khẩn. Khẩn ở đây có thể hiểu giống như khi chúng ta khẩn trương vậy, thân thể xao động bất an, đứng ngồi không yên. Mạch khẩn cũng y hệt như vậy, khi chúng ta khẩn trương, mạch cũng sẽ khẩn trương (khẩn), từ đó khí huyết cũng sẽ khẩn trương theo, không còn sự bình hoà thong dong vốn có nữa. Đó là từ tâm (lo nghĩ, áp lực) hiển hiện ra tướng (mạch), cái này gọi tâm sanh tướng. Cho nên với thầy thuốc đông y, xem mạch mà biết được tính cách của một người không phải là một việc gì khó cả. 

Tương tự, với người thường xuyên tức giận, mạch cũng sẽ tương ứng có sự biến chuyển. Và trong dưỡng sinh, để khỏe mạnh thì điều đại kị chính là tức giận. Bởi vì sao. Vì khi chúng ta tức giận, can hỏa sẽ bốc lên, can hỏa bốc khiến can huyết bị hư. Can hành mộc, thận hành thủy, thủy sinh mộc. Khi can hỏa bốc lâu ngày khiến can huyết hư, can huyết hư sẽ dẫn đến thận âm hư.Người thường xuyên tức giận, mạch tả quan thường sẽ uất và huyền khẩn. 

Ở trên đã nói về khẩn, còn mạch huyền là gì? Chính là mạch căng cứng như dây đàn. Vừa căng vừa cứng. Chúng ta có để ý một điều rằng, khi chúng ta tức giận, cơ thể của chúng ta căng cứng lên, giống như muốn đánh nhau đến nơi. Còn khi chúng ta bình tĩnh, cơ thể rất mềm mại. Mạch tượng cũng giống như vậy, khi chúng ta tức giận, mạch sẽ huyền khẩn; khi chúng ta bình tĩnh, mạch sẽ nhu hòa, mềm mại.

Chương 76 của Đạo Đức Kinh viết:

“Con người khi mới sinh thì mềm mại, mà khi chết thì cứng cỏi. Vạn vật cỏ cây, khi mới sinh thì mềm mại, đến khi chết thì khô héo. Cho nên cứng cỏi thì chết, mềm mại thì sống. Cho nên cứng cỏi thì kém, mềm mại thì hơn”.

Qua đây chúng ta hiểu được một điều rằng, cây cối có mềm mới non, mới dồi dào sinh lực. Cây cối khô quắt, cứng rắn tức là đã cằn cỗi sắp chết. Con người cũng vậy, trẻ thì mềm mại, già thì cứng cỏi. Người mạch nhu hoãn, tích cách đa phần nhẹ nhàng, cho dù có bệnh, đa phần cũng có thể nhanh chóng hết bệnh. Mà người mạch cứng mà cương, đa phần có tính cách ngoan cố bảo thủ dễ tức giận. Và những người này, giống như cây cỏ vậy, rất dễ dàng khô héo rồi đi đến tử vong. Tại sao ư? Bởi vì một người mà tính cách cương cường, dễ tức giận sẽ khiến can hoả bốc lên, can hoả mà càng bốc càng vượng thì sẽ càng tiêu hao thận thủy, giống như lửa quá to, đen nước trong nồi đun khô. Có thuỷ thì mềm mại, mất thuỷ thì khô cứng. Hậu quả kéo theo là những người này động mạch huyết quản rất dễ dàng bị xơ cứng và rạn nứt, thiết mất sự đàn hồi. Chỉ cần một cơn tức giận thoáng qua khiến huyết áp tăng lên, bùm, mạch vỡ ra, thế là đột quỵ. 

Và chúng ta có để ý một điều, trẻ em sức sống rất dồi dào, cân cốt rất mềm mại. Tại sao lại vậy?  Bởi vì trẻ em giống như cây cỏ mới sinh, tình chí rất ít phải lo nghĩ, cũng rất ít tức giận, tâm như tờ giấy trắng, vô lo vô nghĩ. Chính vì do có cái tâm vô lo vô nghĩ này nên khiến cho khí huyết lúc nào cũng thong dong bình hoà, khí cơ không bị đi sai đường mà thượng nghịch, cũng không dễ dàng uất mà hoá hoả, do đó sức sống sinh cơ rất dồi dào. Các bậc tu đạo, thường thường có thể phản lão hoàn đồng, bí quyết chính là đây. Chỉ cần tâm có thể phản lão trở về trong trắng như một đứa trẻ thì thân cũng sẽ phản lão theo mà thôi. 

Đọc đến đây mọi người đã hiểu rõ tầm quan trọng của tâm chưa, cực kì quan trọng đúng không ah. Và các bạn học đông y, các bạn có rút ra thêm một điều gì không. Đó chính là để hiểu sâu về mạch pháp, không cần học khóa học nào cả, y lý mà vững, mạch pháp tự nhiên sẽ tinh thông. Đừng mất thời gian chạy theo các khóa mạch pháp học xong đoán được bệnh, phán bệnh vanh vách, trong khi lại không hiểu tí gì về bệnh cơ của nó. Học vậy ích gì? Cứ y lý mà học, mạch từ đó mà ra. Y dã ý dã, nhiều thứ không thể nói ra được bằng lời, chỉ có thể từ tâm mà ấn ngộ.

Đấy là nói về tâm cần nên tĩnh. Tiếp tục, tại sao thân cần nên thường xuyên vận động. Cái này thì quá dễ rồi. Thân thể phải thường xuyên vận động để khí huyết thường xuyên lưu thông, quá trình thay cũ đổi mới luôn luôn được diễn ra, khí huyết không dễ dàng bị bế tắc, từ đó cơ thể mới có thể khỏe mạnh được. Kinh mạch trong cơ thể con người giống như một dòng sông vậy, khí huyết chính là nước trong dòng sông ấy. Nước trong sông luôn luôn chảy thì không có nước bẩn. Nước mà ngừng chảy sẽ hình thành ao tù, nước bẩn rác rưởi đọng lại. Tương tự, kinh mạch mà bế tắc, bệnh tật ắt sẽ sinh ra.

Tại sao lại bị bế tắc. Đa số do ăn uống nhiều và vận động ít. Những người thường xuyên đã ăn nhiều lại còn lười vận động, thường thường mạch hữu quan sẽ uất trệ bất sướng.

Tóm lại, bí quyết để khỏe mạnh nó không nằm ở một bài thuốc hay ở một bài tập khí công chữa bách bệnh nào hết, nó chỉ đơn giản ở bốn chữ: tâm tĩnh và thân động. Đơn giản vậy thôi.

Nó cũng giống như Thái dương hệ vậy, mặt trời là tâm, các vì sao quay chung quanh là thân. Tâm bất động, thân động thì sẽ hài hòa. Hay như trên trái đất chúng ta vậy, nếu chúng ta xem ở góc độ mặt đất là tâm và vạn vật sinh sống trên trái đất là thân. Đất thì lúc nào cũng bất động, còn vạn vật trên mặt đất lúc nào cũng vận động sinh trưởng và biến hóa thì trên trái đất này mới tràn đầy sinh cơ, sự sống. Nếu giả sử thân-vạn vật bất động thì sao, thì trái đất sẽ âm u đầy tử khí. Còn nếu như tâm-mặt đất không bất động mà động thì sao, thì sẽ thường xuyên xảy ra động đất sóng thần. Thiên tai, động đất, sóng thần nó chỉ là hình là tướng, tướng sinh bởi tâm. Tâm động ắt tướng động, tâm bình ắt tướng bình.

Viết đến đây lại nhớ đến câu chuyện về Lục tổ Huệ Năng, khi ngài đến chùa Pháp Tánh, có cơn gió thổi qua và lá cây rung động, có hai vị tăng cãi nhau, một vị nói đó là gió động, vị kia nói là lá cây động. Lục Tổ đi qua thấy vậy đáp: Không phải gió động, không phải lá động, chỉ là do tâm các ông động”.

Việc tu học cũng giống vậy, đạo lí rất đơn giản, tâm an như đại địa, thân động như nước chảy. Nếu mỗi ngày chúng ta phải làm rất nhiều việc, nhưng vẫn luôn bảo trì được cảnh giới nhất tâm bất loạn, thì thời thời khắc khắc đều có quá trình thủy thăng hỏa giáng, thời thời khắc khắc đều có sự âm dương giao hòa. Nếu vậy thì lo gì không khỏe mạnh.

Đọc đến đây chắc mọi người đã hiểu được phần nào, bí quyết của việc khỏe mạnh rồi. Những bệnh nhân tới phòng khám Chân Như, mình vẫn thường xuyên khuyên rằng, vứt hết các bài tập rườm rà, không cần theo một ông thầy dạy tập luyện nào cả, cứ về chạy bộ và thiền định, ắt sẽ khỏe mạnh. Luôn luôn nhớ một nguyên tắc, hướng nội cầu chứ không hướng ngoại cầu, thường xuyên tu tâm tích đức, tạo phúc cho thương sinh. Nếu làm được vậy, lo gì không trường thọ.

Đôi lời chia sẻ đầu năm, hi vọng mọi người sẽ hiểu. Kính chúc tất cả mọi người có một năm mới an lạc và vạn sự như ý.

(Phan Vũ Bình)

Nguồn: https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=843264359572406&id=100016665492282

No comments:

Post a Comment