Monday, February 22, 2021

Chiến thắng kiểu Pyrros và thất bại Augburg

 1. Năm 280 trước Công nguyên, nhà vua Pyrros, xứ Ipiros, danh tướng Hy Lạp kiệt xuất đã chiến thắng quân La Mã tại Heraclea. Quân La Mã bị đánh cho tan tác, thương vong nặng nề. Tuy vậy Pyrros cũng mất đi một số lớn dũng tướng, cận thần xuất sắc nhất của mình. 

    2. Năm 279 trước Công Nguyên, Pyrros lại một lần nữa xuất sắc đánh quân La Mã tan tác tại Asculum. Liên quân Hy Lạp do Pyrros chỉ huy thắng trận nhưng cũng chịu thương tổn nặng nề. Nhà vua lại mất thêm các dũng tướng,  bản thân cũng bị thương. Sau chiến thắng có người ca tụng võ công của nhà vua. Pyrros chua chát nói "Thêm một chiến thắng thế này nữa, chúng ta sẽ đi đời."

  3.  Hy sinh của quân đội Ipiros không thể bù đắp. Liên minh Hy Lạp sau chiến thắng lại nghi kị nhau trở nên lỏng lẻo. Trong khi đó Lã Mã có nền kinh tế mạnh, dân số đông đảo, thể chế tổ chức mạnh mẽ lại luôn huy động được nguồn lực mới để bổ sung cho những mất mát. Năm 275 trước Công Nguyên, quân đội kiệt quệ của Pyrros đã thất bại tại Beneventum, chấm dứt chiến tranh của Pyrros với La Mã bằng thất bại sau cùng. 

   4. Từ đó có thuật ngữ "chiến thắng kiểu Pyrros" là những chiến thắng nhưng bị hao tổn nội lực không thể bù đắp và dẫn tới bại vong sau cùng. Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều chiến thắng kiểu Pyrros. Gia Cát Lượng mang quân ra Kỳ Sơn, nhiều trận thắng, giết các danh tướng Trương Cáp, Hác Chiêu, nhưng ngày càng suy yếu, dẫn đến diệt vong tất yếu. 

    5.  Quân đội Hungary với sở trường là kỵ binh nhẹ tung hoành khắp châu Âu, ra vào nước Pháp, rong ruổi nhiều lần trên bán đảo Ý, tự do tàn phá nước Đức, bắt Bizance phải triều cống. Các danh tướng bất khả chiến bại như Taksony, Lehel, Bulcsu, Kopany,... là nỗi kinh hoàng đối với toàn thể Âu Châu. Cuối cùng, tại Augsburg đã thất bại trước một nhà vua trẻ tuổi Otto, mà người Hung coi là tên nhãi nhép.  Các chiến tướng dũng mãnh nhất đều bị chặt đầu tại trận. Quân kỵ binh nhẹ với cung tên và đoản kiếm, sở trường bất khả chiến bại của dân tộc Hung bị nghiền nát bởi quân bộ mang giáp trụ nặng sử dụng khiên dày và trường thương của Otto. Cả dân tộc phải để tang thất bại này. 

    6. Thất bại Augsburg chấm dứt cuộc phiêu lưu của người Hung, buộc họ phải dừng lại, cày ruộng, đọc sách, theo tôn giáo và xây dựng nhà nước dựa trên hiến pháp. Nếu không có thất bại cay đắng đó, dân tộc Hungary có lẽ đã bị đẩy ra khỏi châu Âu nếu không bị tiêu diệt hoàn toàn. 

    7. Thất bại đôi khi là cần thiết và ích lợi. Chiến thắng đôi khi là hư ảo vì không thể bù đắp những tổn thương.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment