Monday, June 14, 2021

Câu chuyện khác về những người Việt từ Đông Âu

 HUNGARY VÀ NGƯỜI VIỆT ĐÃ GÓP PHẦN THAY ĐỔI NÓ

         Nói đến người Việt nổi tiếng từng ở Hungary nhiều người nhớ ngay đến bác Quang A - nổi tiếng học tài, rồi làm ăn đình đám, rồi dịch bao nhiêu đầu sách… nay trở thành “nhà dân chủ” rất được quan tâm (có khi bị hơi quá quan tâm?). Hay Kiên “đầu bạc” - nhân vật mà tập sách này đã đề cập khá kỹ, tuy còn có thể kể thêm rất nhiều câu chuyện… Hay nhà vật lý, tin học kiêm người bình luận sử Trung Quốc rất hay Nguyễn Ái Việt B. 

Thế nhưng còn có khá nhiều các nhân vật theo tôi là kiệt xuất, mà ít người từng đi Hung học về cũng chả mấy để ý tới, mặc dù họ đều tài trí hơn người, có lẽ quốc tế đánh giá họ mới đúng được. Chẳng hạn anh G. - một vị học trường quân sự ở Hung (chuyên dành cho các cán bộ cấp cao - nếu Liên Xô cũ thì nó tương đương với trường học viện Voroshilov - chuyên đào tạo cấp tướng) có lẽ là người Việt Nam được học hành bài bản nhất về khả năng chỉ huy quân sự. Tuy thế anh chỉ lên được vị trí Phó tổng tư lệnh rồi về hưu, rất phí vì kinh nghiệm và kiến thức của anh không truyền lại được nhiều cho lớp đàn em. Hay nhà toán học Dương Tấn Th. - có lẽ mấy chục năm nay trong ngành toán của nước nhà chỉ có 3 người được đánh giá là thực tài toán học: Nguyễn Lê Anh, Ngô Bảo Châu và anh (muốn biết một nhà toán học có thực sự xuất sắc không thì cứ phải hỏi những người cùng thời, cùng ngành… ý kiến của họ mới xác đáng và có giá trị!).

Dương Tấn Th. học toán giỏi từ bé, không chỉ vì luôn đứng đầu hay vì các giải thưởng, mà vì cách hiểu về toán của anh hơn bạn bè một bậc, thậm chí các thầy cũng phải công nhận điều đó. Cũng như bậc đàn anh Lê Anh, tài năng toán học của Th. chỉ được một cơ quan duy nhất trọng dụng mà thôi, đó chính là Ban Cơ yếu, đáng tiếc là từ lâu đầu óc anh không còn bình thường nữa. Anh vẫn làm toán, chắc là về các số nguyên tố, hoặc là anh sẽ đạt được thành tựu chưa từng có đối với Việt Nam, hoặc sẽ là con số 0 tròn trĩnh. Và một nhân vật nữa, anh là người Việt được đất nước Hungary yêu quý và đánh giá cao nhất…

Người cha của anh H. có công thuyết phục quân Nhật (đóng ở trại lính Hà Đông) không chống lại Việt Minh - vào ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ấy, chính ông đã phóng xe máy vào Hà Đông, thuyết phục viên chỉ huy người Nhật án binh bất động, nên các cuộc mít tinh cướp chính quyền của Việt Minh ở trong nội thành mới thành công và làm nên lịch sử (chứ hồi ấy lực lượng ta yếu lắm, cả về số lượng lẫn súng đạn, khí tài…). Có lẽ vì vậy gia đình anh rất được cụ Hồ quý mến, bản thân anh được nhận làm “con nuôi của Bác”! Thế nhưng anh có một tuổi thơ của những năm Mỹ đánh phá Hà Nội, cũng khá “dữ dội” như con em của bao gia đình cán bộ khác. Bố anh sau này vào Nam chiến đấu, anh nhớ lời bố dặn, phải đi theo con đường “khoa học”. Năm 1970 cụ Nguyễn Mạnh Tường xui anh sang học luật thì không nghe, vì hồi đó có biết đâu, cứ nghĩ “khoa học” phải là “toán” cơ…

Như mọi bạn cùng lứa anh đi lính 1971 đến 1973, dọc đường lứa ấy thì Vũ Tr. (nghe đồn là “con thật của ông Cụ”) được gọi quay lại miền bắc, còn anh H thì vẫn “đi ta đi những trai làng Phù Đổng” - chiến trường Quảng Trị bom đạn như thế, anh là thương binh thứ thiệt, sau đó còn vào B2. Trên đường ra họ cho anh H phục viên…

Anh đi học đại học Sư phạm, lúc đầu chủ động xin vào khoa Lý (vì biết kiến thức rơi rụng nhiều rồi) nhưng Bộ Đại học trót xếp vào khoa Toán rồi, cứ thế mà học thôi. Học ở Xuân Hòa hơn một năm thì không chịu nổi, xin chuyển vào nam (phụ huynh của anh sống ở miền nam mà). Vấn đề: có đứa ghen ghét, ăn cắp gần hết giấy tờ (thẻ đảng, chứng nhận thành tích, giấy tờ thương binh…) - anh còn mỗi quyết định phục viên mà thôi.

Anh nhờ người xin lại các giấy tờ bị trộm, mất hơn 3 năm. Có kẻ còn viết đơn nặc danh, rằng anh đào ngũ (mặc dù có quyết định phục viên hẳn hoi) - bọn cán bộ tổ chức của trường ấy vẫn chơi đểu cậu lính cũ này vì anh không muốn cùng “cạ” với họ. Bác Trường Chinh có gọi anh tới, bảo là cụ Hồ đã mất lâu rồi, thôi coi như là con nuôi của bác ấy chứ đừng bảo ai là con nuôi của Cụ nữa - tổ chức nói thế thì chấp hành thôi, mà anh cũng đã bao giờ nhờ tới việc là “con nuôi” đâu…

Vào HCM môi trường khác hẳn, anh học luôn cả khoa Toán đại học Tổng hợp, sau đó học cao học kinh tế, tất cả chỉ hơn 2 năm. Ở đây anh gặp người đàn anh là anh Kiếm, anh Kiếm ra trường về Cục máy tính Uỷ ban KHKT NN, được cử vào làm tại IBM trong HCM, là người sau này sẽ giúp đỡ anh nhiều. Anh H đi làm từ cuối 1979, anh dạy đại học Thủy sản Nha Trang - dạy học là bước đệm để ra Hà Nội, vì hồi đó có quy chế không cho người mới tốt nghiệp đại học về TƯ. Mà anh bây giờ mới thấy mình thực sự đam mê khoa học, còn đi dạy sẽ không giúp anh làm khoa học được…

Về Bộ Thủy sản, anh làm việc dưới quyền Bộ trưởng Võ Chí Công, rồi Đỗ Chính, Nguyễn Tấn Trịnh, anh lại chuyển sang UB KHKT NN (chỗ anh Kiếm đấy), rồi về Thành ủy Hà Nội - được rèn luyện đủ kiểu.

Đi Hung theo tiêu chuẩn cá nhân được mời, nhưng được xếp vào đoàn của Bộ Đại học, không phải nghiên cứu sinh nên anh H vất vả hơn nhiều, phải vừa đi làm vừa học mà nghiên cứu. Anh viết luận án Tiến sĩ Toán, rồi luận án Tiến sĩ AI (trí tuệ nhân tạo) - rất sớm đấy! Làm xong đáng nhẽ về thì Đông Âu sụp đổ, đó lại là bước biến chuyển lớn đối với anh: sang nghiên cứu Kinh tế học tài chính. Từ 1990 về làm cho Bộ tài chính Hungary song song với làm cho Viện Toán Hungary, rồi sau chút là Viện Tự động hóa AI Lab và đại học kinh tế (chưa có người Việt bất kỳ nào được mời đến làm cho AI Lab). Anh H là người duy nhất!!! Thời gian đó anh đi Mỹ liên tục, tổng cộng 6 năm bên đó, sống trong môi trường khoa học đỉnh cao của thế giới.

Niềm tự hào mà khó chia sẻ được với ai: anh được mời làm việc cho Chính phủ Hungary (Bộ tài chính là Bộ quan trọng nhất), giúp cho Hung chuẩn bị vào EU với mọi thủ tục chuyển đổi quan trọng nhất! Tuy chỉ là một trong 41 chuyên gia các nước viết cho Hung kế hoạch chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường với mục tiêu cụ thể là EU nhưng có lẽ hơn nhiều người khác, anh H đã áp dụng toán vào chính công việc này, và thành tích của anh được họ đánh giá rất cao. Xin nhớ rằng người Hung thời XHCN thông minh nhưng bản tính soi mói, cứ nhìn đâu cũng ra “gián điệp”, rình mò nhau… còn thậm tệ hơn cả Đông Đức với Liên Xô nữa - nhưng khi đa đảng thì hoàn toàn tự do, thậm chí còn tạo điều kiện cho cả công dân nước ngoài phát triển, như anh H.

Họp nhìn ra thế mạnh của anh H: các hệ thống tính toán chiến lược kinh tế và tài chính công, hệ này có nền là hệ SAS của Mỹ, còn “lõi” của nó 100% do anh dựng hoàn toàn từ con số 0. Nó không những quá thừa để dùng cho nước Hungary, mà còn là hình mẫu cho tất cả các nước Đông Âu khác (trừ Đông Đức là có Tây Đức chống lưng). Gồm 100% kinh tế học tài chính, 200% là các mô hình xã hội, chính trị, quản trị nhà nước - tương đương với eGOV bây giờ.

Hungary từ sau này rất biết ơn anh, mặc dù thời XHCN đã từng xử tệ với anh từ 1984 (do một số người Việt xúc xiểm). Đổi lại, anh được làm việc với những đồng nghiệp vĩ đại, họ đến từ tất cả các quốc gia, tình bạn còn mãi… Chính vì khi đó không làm việc với đồng hương, nên rất ít người Việt biết tới anh.

… Đến khi xong việc tại Hung, anh về có gặp nói chuyện với bác Đỗ Mười, cụ mê quá, bảo anh cứ về làm 2 năm rồi cho chức Thứ trưởng - anh từ chối ngay vì xác định không làm cho Chính phủ, chỉ luôn sẵn sàng giúp đỡ ý kiến! Và anh làm đúng như vậy, sau này không chỉ một lần anh tự bỏ chi phí cá nhân để mời các chuyên gia kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới về nói chuyện chủ đề cho các lạnh đạo nước ta nghe (vì “bụt chùa nhà không thiêng” - anh vẫn đang tư vấn cho các chính phủ như Nhật, Sing, Hàn quốc, Hungary về các đường hướng phát triển cả dân sự lẫn quân sự, nhưng trong nước thì người ta sẽ nghe có mức độ thôi…).

Hiện nay anh là công dân danh dự của Hung, 10 lần được mời vào quốc tịch nhưng anh từ chối, thực ra nếu muốn nhận quốc tịch Hungary anh chỉ cần mất 40 phút thủ tục. Vì không còn ít tuổi nữa nên anh càng tăng cường nhịp độ làm việc, cả trong và ngoài nước. Anh H đã từng quản trị dự án xấp xỉ 12 tỷ USD…

Qua làm việc với người Hung anh học được lối suy nghĩ khá tương đồng với Elon Musk, chỉ thiệt thòi vì đang ở VN… Anh rất muốn cho các bạn trẻ hiểu ra  được lối suy nghĩ đó, có nó ta có thể bắt đầu những việc rất lớn và quan trọng mà không quá mất công học hành nghiên cứu về nó, hãy “đứng lên vai của những người khổng lồ”. Hy vọng sẽ được chia sẻ về một số dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao trong thời gian gần đây!

Trích "Đông Âu Anh Hùng Truyện"

của Nam Nguyen

17 comments:

  1. Nguyễn Ái Việt (Sang Hungary năm 1972, học Vật lý lý thuyết @ KLTE, Debrecen) còn được gọi là "Cây viết đương đại".

    ReplyDelete
  2. Nhân vật H là hư cấu hay người thật đang là sự quan tâm của nhiều người từng có thời gian sống, học tập và làm việc lâu dài ở Hungary.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoàng Quôc Thành
      Nguyễn Cao Bình, Hư cấu mà .

      Delete
  3. Hong Phong Vu SG
    Dương Tấn Thành thì đã nổi tiếng từ lúc còn nhỏ ở Hà Nội. Lúc đó được coi là “Thần đồng Hà Nội “

    ReplyDelete
  4. Thai Dung
    Dương Tấn Thành thì quá nổi tiếng trong và ngoài nước. Anh H. thì ko hiểu là ai dù sống cùng thời ở Hungary khá lâu

    ReplyDelete
  5. Trinh Victor

    Tớ ko hiểu người thật việc thật sao có chỗ lại ko nêu tên đích danh. Thành tớ có biết, năm 91 mình còn mang cho cậu ấy một bài đăng báo sang Hung.

    ReplyDelete
  6. Viet Pham

    ở Hung xuất hiện nhân vật kiệt xuất như bài báo mà không biết nhỉ?Chiến sỹ lão thành cách mạng : đi bộ đội bị thương,con nuôi của Hồ chủ tịch, tổng bí thư Trường chinh, gần gũi tổng bí thư, thủ tướng Đỗ mười, Tổng bí thu định cử làm thứ trưởng( bộ nào? bộ toán, tài chính, truyền thông hay thuỷ sản?) mà không qua quy trình.. trước hết tổng bí thư phải chỉ đạo khôi phục đảng tịch ( như bài báo là bị trộm mất giấy tờ về đảng, chưa thấy nói việc có là đảng viên không, để được giới thiệu phó phòng. Nếu là đảng viên thì Đảng cử sang Hung, các nước khác làm chuyên gia quốc tế à, đảng viên thì làm gì Đảng phải cho phép)
    Nhân vật bảo vệ 2 bằng tiến sĩ ở Hung, năm nào?
    Cố vấn cho chính phủ Hung? chính phủ của đảng nào?
    Hung mời 10 lần nhập quốc tịch, Hung ở đây là ai, ai có quyền mời người nước ngoài nhập quốc tịch , trong bối cảnh Hung là nhà nước pháp quyền ,bất kì ai cũng không chỉ đạo được luật pháp.
    AI chỉ mới thành trào lưu, năm 80, 90 chưa thể có chuyen gia AI ở Hung, cúng như vậy, đại học việt nam những năm 70 chưa có cao học , mà học 1,2 năm xong cả đại học cao học, vả lại thành phố HCM không có đại học tổng hợp.Ở vn chưa có ai rút ngắn được thời gian học vì hệ giáo dục không cho phép,nhân vật này thật đặc biệt.
    Cuối cùng : lục mãi trí nhớ vẫn không biết anh H là ai, hay bài này để dựng tiểu thuyết
    Nếu có nhân vật này đề nghị tác giả cung cấp cho cơ quan chức năng , vạch ra sự tắc trách trong sử dụng nhân tài; Hồ CT, Tổng bí thư Trường chinh, Đỗ mười. đã thấy tài mà đất nước không sử dụng? thật có lỗi...
    Còn có nhân vật tiểu thuyết như vậy thì cũng cảm thây áy náy, xấu hổ vì không có ai toàn tài như thế đã học ở Hung.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đỗ Thị Thu Dung
      Viet Pham, em hỏi tác giả nói anh H ở VN thỉnh thoảng qua Hung, vì anh H ko muốn nêu tên nên tác giả viết tắt như vậy ạ

      Delete
  7. Fonok Tibor
    🤔 H có vẻ như là một nhân vật ẩn danh khá mờ ám, nhưng thực tế chắc hẳn chỉ là một kẻ bệnh ảo tưởng thôi nhé 👻 Egy tipikus névtelen valaki, de a valóságban csak egy morbid őrült csirkeaprólék 🤣

    ReplyDelete
  8. Nguyen Vinh Trong
    Nhân vật hư cấu của tg thôi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Quốc Bình
      Nguyen Vinh Trong, Có lẽ không hư cấu đâu bác ạ, nhân vật trong status có nhẽ đang làm việc ở nước ngoài (Singapore?), lâu lâu có lên Bàn tròn BBC thảo luận.

      Delete
  9. Ta Hoang Linh
    -> ace:
    "...
    Xin nhớ rằng người Hung thời XHCN thông minh nhưng bản tính soi mói, cứ nhìn đâu cũng ra “gián điệp”, rình mò nhau… còn thậm tệ hơn cả Đông Đức với Liên Xô nữa..."
    Với cách nhìn nhận như thế, có lẽ sẽ có độ xô lệch rất lớn giữa chuyện & đời thực vs mọi vấn đề tác giả viết về Hungary... - Nhân rộng ra, có khi là cả Đông Âu nữa...
    ...?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Viet Pham

      Ta Hoang Linh, Hệ thống chế độ họ tổ chức toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc , vì vậy họ có mạng lưới báo cáo nhau, bà Katalin Kariko cũng buộc phải gia nhập hệ thống báo cáo ấy( như các tài liệu giải mật), nếu bà muốn có việc làm và yên ổn, bà sợ vì bố bà đã " lên bờ xuống ruộng" vì là người lãnh đạo nhỏ trong cuộc khởi nghĩa 1956, tuy nhiên bà đã không báo cáo ai, như bà nói.

      Delete
    2. Ta Hoang Linh
      -> a Việt:
      Hồi í, các nước "phe mình" đều áp dụng hình thức này cả... - Nhưng nói (Hung) "...còn thậm tệ hơn cả Đông Đức & Liên-xô"; ->
      Mềnh không tin cho lắm...

      Delete
    3. Viet Pham

      Hung thì có lẽ không bàn tay sắt như Đông đức, LX, nhưng cũng có .

      Delete
    4. Trinh Victor

      Ta Hoang Linh, Tớ nghe Nyilasi cũng nằm trong danh sách

      Delete
    5. Nguyễn Quốc Bình
      Ta Hoang Linh, Chuyện dân Hung tố giác lẫn nhau thì tôi không biết thế nào, song có thực tế là nếu có đâm va xe trên phố thì chỉ 1 loáng sau xe CS hụ còi tới liền. Ban đầu ngạc nhiên lắm, làm sao mà CS ở đâu mà mọc ra nhanh thế. Sau hỏi người Hung, họ bảo 'Có gì đâu, nhà nào cũng có điện thoại, bên đường các nhà mà thấy đâm va xe cộ có cãi cọ tí là nhấc máy gọi 07 báo liền thôi'.

      Delete