Tuesday, June 15, 2021

Vấn đề của những cây bút: Sự nhiễu loạn

 Ranh giới giữa báo chí và báo nô, ranh giới giữa nhà báo và bồi bút chưa bao giờ mong manh đến vậy! Thật nguy hiểm khi kẻ lưu manh trở thành nhà báo! Và sẽ càng nguy hiểm hơn khi báo chí trở thành công cụ bị thao túng nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm người thiếu chuẩn mực đạo đức và lệch lạc về nhân cách!

Nhiều chuyên gia cho rằng chưa bao giờ cả thế giới lại bước vào thời kỳ đen tối của sự bùng nổ và hỗn loạn thông tin như hiện nay. Theo đó, so với truyền thông xã hội đầy tạp nham với nhiều chiêu trò câu views, giật tít, và tràn lan tin tức thiếu kiểm chứng; báo chí càng cần phải khẳng định vị thế chủ đạo của mình trong việc cung cấp các thông tin trung thực, khách quan, không thiên lệch do sức ép của một thế lực nào. Đặc biệt hơn, báo chí được cho là quyền lực thứ tư đứng sau các quyền lực chính trị. Nghĩa là, bằng trí tuệ, chuyên môn, nghiệp vụ của mình; nhà báo phải biến ngòi bút của mình thành vũ khí sắc bén góp phần cải tạo xã hội; lên tiếng thay cho nhân dân; bảo vệ cho những người yếu thế và dễ bị tổn thương.

Nhưng không! Những diễn biến từ khi nổ ra vụ tố cáo “thần y” Võ Hoàng Yên đến nay càng cho thấy sự mạt hạng, hèn hạ và bẩn bựa có một bộ phận báo chí.

* Có lẽ, cục diện vụ tố cáo Võ Hoàng Yên có thể đã khác đi rất nhiều so với hiện tại; nếu như các ông tổng chỉ đạo phóng viên của mình tiến hành các cuộc xác minh kỹ lưỡng, minh bạch, làm rõ về những trường hợp tử vong đầy nghi vấn bởi sự điều trị của Võ Hoàng Yên.

* Có lẽ, những nạn nhân sẽ không còn tuyệt vọng trong hành trình đi tìm công lý cho chính mình và người thân của mình; nếu như báo chí là cầu nối đưa tiếng nói của họ đến gần hơn với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

* Có lẽ, phần đông dư luận sẽ hiểu hơn về Võ Hoàng Yên, về những chiêu thức lừa gạt bệnh nhân nghèo, ăn chặn tiền từ thiện, về những tội ác đã được bưng bít suốt nhiều năm của hắn và đồng bọn; nếu như báo chí tiên phong quan tâm điều tra; từ đó tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc; thay vì để cho một người phụ nữ phải đơn độc lên tiếng để vạch trần những thủ đoạn của tên lang băm lừa đảo này trên các nền tảng truyền thông phi chính thống.

Nhưng không! Chưa bao giờ báo chí lại rơi vào thời kỳ bát nháo, nhố nhăng và lố bịch như vậy!

Từ bao giờ, báo chí chính thống lại từ bỏ sứ mệnh cao quý của mình để trở thành những “ông tám, bà tám”, bắt chước các thánh hóng hớt; núp lùm trong các hội nhóm; để khai thác những câu chuyện trà dư tửu hậu thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội nhằm kiếm views, câu khách rẻ tiển. Từ bao giờ, một số nhà báo thuộc các toà soạn chính thống lại bán rẻ danh dự, lòng tự trọng nghề nghiệp, tự hạ mình xuống vị trí của những tên “báo nô” chuyên bẻ bút, kéo bè, kết cánh để bợ đỡ, ca tụng cho một cá nhân, một nhóm người nào đó hoặc trù dập, công kích nếu họ không đáp ứng, thoả mãn yêu sách của đám “bút nô” này [1].

Vụ việc Võ Hoàng Yên lần này càng cho thấy mặt trái của một bộ phận báo chí thời nay!

* Thay vì lên tiếng cho các nạn nhân, đám “báo nô” lại tự biến mình thành công cụ truyền thông của giới showbiz; biến tờ báo của mình thành diễn đàn cá nhân của các nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ thi nhau khoe thân, bào chữa, thanh minh, bảo vệ lẫn nhau. Đơn cử như, “nữ hoàng nội y” khoe 3 vòng nóng bỏng cũng trở thành đề tài khai thác bởi Báo Tiền phong. Nguyên văn tâm thư dài 5 trang của ca sĩ Elvis Phương xin khán giả tha thứ cho NS Hoài Linh được xuất hiện một cách chễm chệ, nghiễm nhiên trên nhiều trang báo điện tử chính thống như Tiền Phong, Vietnamnet, Kenh 14. Hay lời thở than của cô Á hậu hết thời nào đó khi bị nghi ngờ có sự khuất tất, dàn dựng trong vụ từ thiện giúp “Đột quỵ tự lái xếp hộp” cũng được đăng liên tục trên Vietnamnet, Báo Điện tử Gia đình & Xã hội, hay Laodong.vn. Ngay trong hôm nay; một loạt báo chí cũng hăm hở, hối hả, hớt hải lên tiếng thay cho nữ ca sĩ chuyên hát bồ-lế-rồ sau khi “dĩ vãng dơ dáy” của cô này bị bóc trần; trong đó tiêng Báo Thanh niên với hơn 3 bài của cặp nhà báo Thạch Anh – Lạc Xuân.

Thật nực cười! Báo chí đâu phải của riêng người mẫu, nghệ sĩ, danh hài hay bông hậu! Báo chí là tiếng nói của nhân dân! Thế nhưng, kể từ thời điểm Võ Hoàng Yên bị tố cáo chữa bệnh gây chết người, tôi chưa hề nhìn thấy lời cầu cứu của gia đình các nạn nhân được quan tâm đăng tải trên bất kỳ tờ báo điện tử nào ngoại trừ Chuyên trang Sao Báo Pháp luật. Không có cơ hội nào cho gia đình các nạn nhân trần tình về những uẩn khúc đằng sau cái chết tức tưởi của con, cháu, cha, mẹ của mình sau khi được điều trị bởi Võ Hoàng Yên. Không một phóng viên nào dấn thân để lắng nghe, tìm hiểu, cảm nhận nỗi dằn vặt, ám ảnh trong suốt nhiều năm của gia đình những nạn nhân này khi chính những quyết định của họ có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những tổn hại không thể sửa sai cho người thân của mình!

Mỗi một sinh mệnh có mặt trên cõi đời này đều đáng quý, đáng trân trọng như nhau. Lẽ nào đối với các nhà báo, giọt nước mắt của những bệnh nhân nghèo (là nạn nhân của Võ Hoàng Yên) không có giá trị bằng giọt nước mắt của những nàng á hậu, chị nghệ sĩ nhân dân nọ, hay anh nghệ sĩ ưu tú kia? Lẽ nào nỗi bi thương, uất hận đã và đang đeo bám những thân phận vốn nhiều thiệt thòi không đáng để hiểu, để thương, để lưu tâm hay sao?

Điều này có lẽ không hoàn toàn khó hiểu, khi đa phần các nạn nhân của Võ Hoàng Yên đều là những bệnh nhân nghèo, thiếu mối quan hệ, thiếu kiến thức pháp luật thì tài chính đâu để họ có thể chi ra cho các bài báo được viết theo đơn đặt hàng. Nhà báo Lê Thiếu Nhơn đã vạch trần sự nhớp nhúa, xấu xa trong mối quan hệ giữa báo chí và giới showbiz ngày nay: “Cầm một chút quà mọn, cầm một chút chi phí xăng xe và cầm thông cáo báo chí viết sẵn; cứ thế mà tác nghiệp một cách tạm bợ và láu lỉnh… Phim không cần xem, nhạc không cần nghe, sách không cần đọc… nhưng những bài viết đầy mỹ từ thơm phức vẫn xuất hiện dày đặc”. Đáng khinh hơn, một số các nhà báo ở mảng văn nghệ còn cấu kết với nhau, hình thành những nhóm lợi ích, những thế lực ngầm để bơm thổi, pr cho một “thần tượng”, nghệ sĩ, ca sĩ nào đó [2].

Đồng tiền thực sự có thể làm người ta trở bàn phím, bẻ cong ngòi bút! Chính sự khuất phục, cúi đầu trước mãnh lực đồng tiền của một số phóng viên là mảnh đất màu mỡ, dung dưỡng cho sự lệch chuẩn thẩm mỹ trong văn hoá – văn nghệ; sự dễ dãi trong quá trình làm nghề và thái độ ngạo mạn của một bộ phận thợ hát, thằng hề tự xưng mình là “ông hoàng, bà chúa” trong giới showbiz.

* Thay vì điều tra về tội ác của Võ Hoàng Yên, về những ca tử vong đầy khuất tất, thiếu minh bạch sau khi được điều trị bởi tên lang băm này; một số “bút nô” lại sa đà vào việc khai thác những câu chuyện bên lề, nhảm nhí, giật gân, phục vụ thị hiếu tầm thường. Thay vì dùng ngòi bút để bảo vệ nạn nhân, họ lại vận dụng khả năng ngôn từ đầy linh hoạt của mình bằng các tít báo lấp lửng, đánh lận con đen, khéo léo dắt mũi dư luận xoáy sâu cuộc sống riêng tư hay những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng – một trong những nạn nhân của “thần y” Võ Hoàng Yên; thậm chí có dấu hiệu “tấn công” vào Công ty Cổ phần Đại Nam của vợ chồng bà. Có thể kể đến các tít báo như: “Xuất hiện đoạn ghi âm cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng có nội tình với thần y Võ Hoàng Yên”; “Vợ ông Dũng lò vôi bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận”; “Huỳnh Ngọc Thiên Hương livestream chửi té tát bà Phương Hằng, tiết lộ là vợ bé của ông Dũng lò vôi”; “Bị bà Phương Hằng phơi đời tư bê bối, Vy Oanh cảnh cáo: Đừng vu khống”. Bẩn thỉu hơn, một số tít báo đầy lắt léo, dễ gây hiểu lầm, cố tình khoét sâu thêm mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bà Phương Hằng và nghệ sĩ như: “Kim Tử Long: Thấy buồn khi bà Nguyễn Phương Hằng nặng lời giới nghệ sĩ” (Thạch Anh – Lạc Xuân) trong khi nội dung livestream của Nghệ sĩ Kim Tử Long hoàn toàn khác so với những gì báo T.N giật tít.

Cho dù là doanh nhân hay đại gia, bà Nguyễn Phương Hằng vẫn là người yếu thế, là nạn nhân của một vụ lừa đảo! Lẽ ra là người tố cáo, bà Hằng phải được bảo vệ bởi báo chí chính thống! Nhưng từ bao giờ, nạn nhân của một vụ lừa đảo lại tiếp tục trở thành nạn nhân của những vụ soi mói, chỉ trích, bới móc đời tư bởi báo chí chính thống, lá cải và của sự bắt nạt trên mạng xã hội?

Có lẽ, sự thật sẽ mãi mãi bị buộc im tiếng nếu như không có những nền tảng truyền thông xã hội.

Có lẽ, bộ mặt xấu xa, thối nát ẩn nấp sau một vỏ bọc hoàn hảo được tô vẽ bởi thói đạo đức giả cùng những danh xưng đầy hào nhoáng như “thần y”, “nghệ sĩ” sẽ mãi mãi không bị vạch trần khi báo chí chính thống gần như không lên tiếng; thậm chí còn tiếp tay, giúp sức, dung túng cho sự phát triển và lớn mạnh của chúng!

Những kẻ bán hàng tinh ranh luôn có đủ thủ đoạn để khách hàng tự nguyện tìm đến mình và dĩ nhiên, với địa vị, quyền lực và năng lực tài chính hùng hậu; vợ chồng ông Dũng “lò vôi” dư sức đặt hàng để báo chí viết bài có lợi cho mình như các đại gia, doanh nghiệp khác vẫn hay làm miễn sao điều đó không vi phạm pháp luật.

Nhưng không! Bà Nguyễn Phương Hằng đã chọn lựa truyền thông xã hội để trực tiếp lên tiếng cho bản thân mình, cho những nạn nhân của mình thay vì dựa dẫm vào một toà soạn báo hay một đài truyền hình nào đó! Và có lẽ bà đã đúng với quyết định này khi một buổi livestream có khi đạt đến con số kỷ lục hơn 200 nghìn người theo dõi – một con số trong mơ của các cơ quan báo chí!

Không có kịch bản, không có dàn dựng, không có lời thoại được viết sẵn, sở dĩ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng thu hút được nhiều người có lẽ vì tiếng nói ấy rất thật, tiếng nói của những người yếu thế và không chịu sức ép của bất kỳ thế lực nào! Điều này cho thấy:

* Một khi; chỉ vì lợi nhuận, vì cẩu thả, tắc trách; mà báo chí bị dẫn dắt bởi các tin giả, thiếu kiểm chứng; không còn giữ được vai trò chủ đạo trong định hướng dư luận giữa thời buổi hỗn loạn thông tin…

* Một khi; chỉ vì đồng tiền, vì bợ đỡ cho một thế lực nào đó; mà báo chí không còn là chỗ dựa, không còn đứng về phía những người yếu thế…

… thì chính báo chí đang tự viết giấy khai tử cho chính mình trước sự leo thang của truyền thông xã hội!

Nguyễn Thắng (Góc nhìn báo chí - Công dân)

https://youtu.be/hhhfUGF6iRE

5 comments:

  1. Hoàng Quôc Thành
    Làm gì còn báo chí chính luận nữa . Còn thua cái gọi là " báo lá cải" . Thượng bất chính , hạ tất loạn . Trên thối đào đâu dưới thơm

    ReplyDelete
  2. Dui Nguyen
    Báo chí, truyền thông chính thống ư. Con số người theo dõi buổi phát của bà Hằng đã nói lên điều đó. Vừa rồi cũng có nghệ sỹ đã nói là không xem TV nữa thì tắt đi. Thực tế tôi đã tắt từ lâu. Trong mùa bóng đá, thể thao, nếu không có thời gian theo dõi các kênh nước ngoài thì sáng sớm chỉ xem đúng bản tin đó ở VTV1 và HTV7 phải xem 2 đài vì mỗi đài chỉ xem 1 đoạn thôi. Bởi vì....

    ReplyDelete
    Replies
    1. ...nó đã nhàm từ lâu và càng ngày càng nhảm!

      Delete
  3. Bui Thuc Yen
    Bi giờ bồi bút nhiều hơn bồi bàn rồi.

    ReplyDelete