Thursday, December 1, 2022

Bàn luận về Ý THỨC trong cuộc sống & sự sống

 Quan hệ giữa sự sống và ý thức

      1. Không bao giờ nên tranh luận về các mệnh đề chứa các khái niệm chưa hoặc không thể định nghĩa. Tuy vậy, có thể bàn xem các khái niệm đó nên điều chỉnh thế nào để  các mệnh đề có tính phổ quát hay tiện dụng trở nên đúng.

      2. Vấn đề quan hệ giữa sự sống và ý thức cũng vậy.  Chúng ta có thể tranh cãi hoặc đơn giản chấp nhận việc người không còn ý thức (bao gồm cả nhận thức, tiềm thức, vô thức) là còn sống hay không. Thừa nhận một khằng định như vậy có nghĩa là chúng ta đã đặt một hạn chế lên các khái niệm sự sống và ý thức. Vấn đề chỉ ở chỗ khẳng định đó có tiện dụng cho tư duy và hành động không.

      3. Định nghĩa chặt chẽ về sự sống có thể không đơn giản. Vì vậy chúng ta hãy lấy một vài dấu hiệu của sự sống. Cố nhiên, không thể đòi hỏi chúng phải là điều kiện đủ. Trước hết, chúng ta hãy mượn tạm các dấu hiệu phổ biến như ”trao đổi chất”. Trao đổi có nghĩa là thu và phát. Ở người và động vật là đồng hoá và dị hoá, ăn và bài tiết. Ở thực vật có diệp lục tức là có quang hợp, thu ánh sáng, oxy, phát carbonic. Ở sinh vật cấp thấp hơn cũng có việc hấp thụ các chất, năng lượng trong môi trường phát ra các chất phế thải.

     4. Vậy thì trái tim của một con ếch đã bị giết chết, được ngâm trong dung dịch dưỡng chất, tiếp tục đập, thu và phát chất liệu có thể coi là còn sống? Hay một cái máy tự động, thu năng lượng mặt trời, phát sóng điện từ, liệu có phải là cơ thể sống không. Như vậy chúng ta cần bổ sung một dấu hiệu khác “tự tái tạo và sinh sản”.  Cây cối sẽ nẩy lộc, đâm chồi cũng coi như là biểu hiện của sự sống. Tuy vậy, có lẽ các dấu hiệu này cũng chưa đủ, xác chết cũng vẫn tiếp tục mọc râu, tóc, móng chân tay, nhưng không thể nói là sống. 

     5. Một dấu hiệu nữa thường dùng để xác định sự sống là phản xạ. Không phải phản xạ nào cũng có thể coi dấu hiệu của sự sống. Cơ bị kích thích thì co, cũng như kim loại gặp nóng thì dãn ra, lạnh thì co lại. Phản xạ của cơ thể sống bao gồm sự tập nhiễm, có điều kiện giống như là quá trình học, tức là có nhớ, lưu thông tin, xử lý, có tiếp nhận thông tin. Nói một cách khác tức là có ý thức ở dạng mà các nhà lý luận duy vật hay nói có chức năng ”phản ánh, sao chụp TÍCH CỰC thực tại khách quan”. Thêm tính “tích cực” để cho phép “sao chụp” đó không cần nguyên bản, có thể hư cấu, thêm mắm muối, cho phép sáng tạo (là bản chất của học tập). 

    6. Cũng cần nói thêm ở đây tôi có “ăn gian” bớt xén một chút một cách có chủ ý. Các tài liệu lý luận duy vật, thường định nghĩa ý thức là “phản ánh, sao chép sáng tạo hiện thực khách quan VÀO BỘ ÓC CON NGƯỜI”. Nói cách khác họ chỉ xét tới ý thức con người hoặc họ coi con người (sống) mới có ý thức. Chúng ta sẽ mở rộng ý thức để bao gồm các dạng ý thức của sinh vật nói chung, thậm chí cả loại ý thức độc lập với vật chất (nếu có). Tuy vậy, dường như chúng ta đang cố định nghĩa khéo léo để dẫn tới mệnh đề: sự sống gắn liền với có ý thức.

    7. Như trên chúng ta đã thấy 2 tính chất “trao đổi chất” và “tự tái tạo và sinh sản” không đủ đặc trưng cho sự sống, mà phải thêm tính chất thứ 3 “phản xạ có điều kiện”. Tính chất thứ 3 nếu bỏ hạn chế duy vật, gắn liền với người, vô hình trung đã thừa nhận sống gắn liền với “có ý thức”. Ý thức ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể các sinh vật cũng có miễn là có tiếp nhận, lưu trữ, xử lý và sử dụng thông tin để điều khiển hành vi. Thậm chí chúng ta có thể mở rộng “ý thức” cho máy móc. Ví dụ như mạng neuron nhân tạo trong AI có thể coi là có ý thức nhưng chưa thể coi là vật sống, vì sự sống phải thoả mãn đồng thời tối thiểu 3 tiêu chí nói trên. Chúng ta có thể định nghĩa sự sống gắn liền với protein.

    8. Tạm thời như vậy về quan hệ giữa sự sống và ý thức, mà nếu không phân tích khúc chiết khéo tranh luận và giải thích cả ngày. Còn các vấn đề: 1) Ý thức tối thượng ( độc lập với vật chất) sẽ có quan hệ thế nào với sự sống. 2) Sự sống và không có sự sống có ranh giới mờ, sự sống của toàn thể có thể khác với sự sống của bộ phận 3. Ý thức nhân tạo sẽ thua kém hay hoàn thiện hơn  ý thức tự nhiên? 4. Quan hệ giữa ý thức tối thượng và ý thức vật chất. Chúng ta sẽ lần lượt bàn sau.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment