Wednesday, March 13, 2024

Chuyện của tiều phu thời nay (tiếp theo)

Tiều phu về rừng (2): Dĩ vãng.

(tiếp theo)

Trong 2 tuần ở Sài Gòn, tiều phu chỉ quanh quẩn ở nhà để chăm Má. Tuy bà vẫn nhúc nhắc đi lại được trong nhà, tự lo vệ sinh thân thể được, nhưng tôi luôn lo sợ bà bị trượt ngã như năm 2015, phải nằm liệt mất mấy tháng trên giường. Mỗi khi bà cầm lấy cái phích nước là tôi lại la lên và chạy đến rót nước vì sợ bà bị bỏng. Má hay quên chuyện trước mắt, nhưng chuyện xưa thì nhớ như in.Vì vậy hai mẹ con hay ôn lại các chuyện xưa.

Sau khi tập kết ra Bắc 1955, bốn mẹ con được phân về ở tập thể Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), 26 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Ngôi nhà này nay là một quán ăn to nhất phố, xe ô tô đỗ kín ngoài đường. Cuối 1956, ba đi sửa sai Cải cách ruộng đất trở về, gia đình mới chuyển về ở ngay trong cơ quan VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt. 

Ảnh chụp trước cửa VNTTX ở số 5 Lý Thường Kiệt, năm 1957, cùng các khách quốc tế. Ba đứng hàng đầu, thứ hai từ trái sang. Cậu bé đứng thứ năm là anh Lộc, anh trai Thọ

Tôi còn nhớ đến tòa nhà 3 tầng theo kiến trúc Pháp, tường dày 50cm, vào bên trong mát lạnh. Hai tầng trên là các ban biên tập: Trong nước, Thế giới và VNA. Tầng trệt là khu vực in ấn, phát hành và hành chính, hậu cần, vốn là vương quốc của Ba. Phía sau, thông ra phố Phan Huy Chú là một tòa biệt thự cũ được chia cho 4 gia đình cán bộ chủ chốt, mỗi gia đình 1-2 phòng, bếp thì dùng chung ngoài sân. Các cán bộ được ở ngay trong cơ quan là những yếu nhân có trách nhiệm giải quyết các vấn đề 24/7 của cỗ máy thông tin này. Vì vậy đám trẻ chúng tôi hơi bị khép kín đối với trẻ ngoài phố. Bạn bè đến thăm cũng phải xin phép thường trực và công an vũ trang gác cổng.

Ba anh em tôi chơi thân với các con của bác Hoàng Tuấn, Tổng Biên tập VNTTX. Tôi phục nhất anh Nguyễn Tử Ánh, sau này là một nhà phát minh ra các loại máy thăm dò địa chất, được phong Anh hùng Lao động. Anh Ánh khi học cấp 3 đã lắp thành công máy thu thanh Ga-Len đầu tiên của giới nghiệp dư Việt Nam, anh là thần tượng của tôi. Nhờ mạng xã hội, mới đây tôi đã tìm ra anh Ánh và hôm rồi, hai anh em đã gặp nhau trong niềm vui vô bờ. Hai anh em ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, về những kỹ thuật mà hai anh em đã cùng làm khi tôi còn ở VTV. Qua anh Ánh tôi liên hệ được với Thu, em gái anh và Lan Phương, cô hàng xóm, con gái bác Trần Thanh Xuân.

Gặp lại anh Nguyễn Tử Ánh, hai lần anh hùng lao động. Một nhà phát minh thật sự của công nghệ điện tử VN. Hà Nội 03.03.2018

Đầu năm 1961 chính phủ Pháp trục xuất gia đình bác Xuân, Phân xã trưởng VNTTX tại Paris, trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Bác Xuân cao gầy, tóc cắt cua, có khuôn mặt thông minh, nhân từ. Gia đình bác chuyển từ một biệt thự ở Paris về sống ở khu tâp thể Ban Tuyên huấn. Rồi bác được cử làm phó tổng biên tập VNTTX, đến ở căn phòng bên cạnh gia đình tôi. 

Bọn chúng tôi thèm thuồng nhìn những đồ đạc ở Pháp mang về, từ đôi giày da của cu Nguyên, em Lan Phương, đến cái áo ấm bằng mút thơm phức mùi „tây“ của nó. Tôi cứ tiếc rẻ cái nồi bóng loáng mà Lan Phương đem ra nấu trên cái bếp mùn cưa trở nên đen thui.

Ở ngay trong cơ quan, tôi chứng kiến rất nhiều các cuộc họp kiểm điểm, đấu tố nhau triền miên của các cô các chú. Các cuộc họp thường ở hội trường cơ quan, sát nách phòng ở của gia đình tôi nên tôi nghe hết. Nhà tôi cũng là nơi các cô chú vào thì thầm bàn tán về vụ Nhân văn Giai phẩm. Lúc bảy, tám tuổi, tôi luôn sợ những ai bị tố là „hủ hóa“, vì cứ tưởng họ bị hủi.

Cũng nhờ ở ngay trong cơ quan Thông tấn xã nên lúc rỗi rãi, tôi đi chơi tha thẩn trong các phòng làm việc của các cô các chú hoặc vào thư viện nên được đọc nhiều thứ mà người thường không thể có. Tôi hay được các chú ở phòng thế giới cho những con tem rất đẹp từ Anh, Pháp, Mỹ gửi về. 

Ba tôi là người đẹp trai, hùng biện và auto didact (tự học). Ông học tại chức tổng hợp văn 5 năm liền để trở thành người viết kich, cải lương, được các huy chương vàng hội diễn. Ông giao du rộng với các văn nghệ sỹ và luôn có các cô văn công xinh đẹp ở xung quanh. Trong nhà tôi hợp với ông nhất nên hay được đi theo đến các hội diễn, các cuộc chiêu đãi. Những bản tin „Mật không phổ biến“, những quyển tạp chí Bách-Khoa từ Sài Gòn chuyển ra, Ba mang về, trong nhà chỉ có tôi ngấu nghiến đọc, dù không hiểu hết. Hồi đó tôi tự hào về Ba và vẫn mơ được đứng dưới hào quang như ông. 

Ba và thằng chíp hôi chụp tại vườn hoa Tao Đàn, trước cửa VNTTX, năm 1957

Rồi „Vụ án xét lại“(1) lan đến VNTTX và Ba dính đòn. Năm 1966 ông bị chuyển sang Cục đào tạo Bộ lao động(2) để huấn luyện chính trị cho học sinh học nghề trước khi ra nước ngoài. Trong cái rủi có cái may. Nhờ làm ở cục đào tạo nên khi tôi phải đi học sơ tán ở Bình Đà, đói giơ xương, Ba tìm cho tôi một xuất đi học nghề ở CHDC Đức, đúng cái nghề hôm nay tôi còn giữ: Kỹ thuật truyền hình. Đang học lớp 8 (hệ 10 năm), nhưng ham chơi, tôi đồng ý bỏ con đường học vấn để đi học làm thợ, đó là mùa hè 1967. 

Năm 1971, từ Đức trở về, tôi là một chàng trai trưởng thành, đầy sức sống, như Ba hồi trẻ. Nhưng vụ „kỷ luật xét lại“ đã biến Ba trở thành một con người khác hẳn, co cụm lại. Giữa Ba và tôi không còn sự hài hòa của những năm trước và đôi khi xảy ra xung khắc về những chuyện chẳng đáng gì.

Nhưng Má lại là người đảm bảo sự hài hòa trong gia đình. Là người phụ nữ được nuôi dạy theo khuôn phép phong kiến, Má hết lòng yêu thương chồng con.

Ba kể mỗi khi ông cưỡi ngựa, đeo súng lục, chỉ huy bộ đội về làng là Má lác mắt. 

Má cười bảo:“Trời ơi, ba mày cưới ngựa cu đó, chứ đâu dám cưỡi ngựa chiến"

-Cưỡi ngựa cu để nhỏ như má mày còn leo lên ngồi sau được đó! Ba trả lời.

-Có cưỡi ngựa chiến cao mấy thì tôi cũng leo được.

Má hay để ý đến những người bạn gái của tôi. Sau khi Ba thôi làm ở VNTTX thì năm 1969 nhà tôi cũng chuyển từ trong cơ quan 5 Lý Thường Kiệt ra ngoài, ở 14 Lý Thường Kiệt. Ngôi nhà này kẹp giữa Đại sứ quán Algeria, số nhà 12 và Đại sứ quán Anh số nhà 16. Chính tại đây, năm 1979, tôi đã chứng kiến vụ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (3) trốn vào Đai sứ quán Anh để trao tập thơ của ông. Từ số nhà 14 các trinh sát viên đứng nhìn sang nhà 16 trong suốt thời gian điều đình buộc nước Anh phải giao nộp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Trong Đại sứ Quán Anh có bà quản gia người Việt sống với con gái tên H. cùng tuổi tôi. Một ngày gặp H. mang rác ra đổ, chúng tôi làm quen và thấy thích nói chuyện với nhau. Vậy là chiều chiều, nghe tiếng gõ leng keng của xe rác là tôi giành lấy cái thùng rác mang đi đổ, để gặp H. Chỉ thế thôi, rất trong sáng, vì tôi biết H. sẽ cưới chồng.

Một hôm, anh Thấu, người hàng xóm, nói với má con tôi: Chú Thọ dạo này có vẻ kết cô H. nhỉ?

Má phán một câu xanh rờn: Úi trời, cái mối tình đổ rác ấy mà, có gì đâu anh Thấu! 

Thì ra Má biết cả và không khoái vụ đó. Sau tôi cũng nói cho Má yên tâm rằng chúng tôi chỉ là bạn.

Kể lại „mối tình đổ rác“, hai mẹ con cười ngặt nghẽo. Nhưng khi nói chuyện về xã hội đang sa đọa hôm nay, Má buồn lắm. Tuy nhiên Má vẫn tin là chỉ số nhỏ nào đó làm bậy, còn „ở trên vẫn đúng, tuy họ mất đoàn kết“. Tôi phân tích cho Má nghe về sự tha hóa của những ông quan mà Má biết, về mối đe dọa ngay trong từng cây rau ăn, trong từng cốc nước uống, ở ngôi chùa má vẫn gửi lòng tin v.v. để Má hiểu rằng vấn đề không phải từ một lũ cán bộ phường quận nữa, mà là hệ thống. Má đủ minh mẫn để hiểu và sốc, dù bà vẫn sợ phải từ bỏ lòng tin. 

Nhìn Má thẫn thờ, tôi thấy tội quá và chợt nghĩ mình hơi ác. Vào cuối đời, ở tuổi 94, Má chỉ còn gửi niềm tin vào dĩ vãng của mình, sao tôi nỡ làm vậy?

Köln ngày 10.3.2018

(Còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

Nguồn:  https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2109198755764853

No comments:

Post a Comment