Tuesday, March 5, 2024

Chuyện của tiều phu thời nay

Tiều phu về rừng (1) - Osin và Tiều phu 

Cả Osin và Tiều phu từng là những nghề bị coi rẻ ở VIệt Nam. Gã tiều phu lừng lẫy nhất trong lịch sử là Thạch Sanh đã bị lừa đảo, thua thiệt và tù đày. Ngày nay tiều phu đã trở thành lực lượng tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, ví dụ như gã tiều phu Cologne kêu gọi đốt củi khô để tránh ô nhiễm không khí 🙂. 

Còn Osin thì từ chỗ bị gọi là con ở, con sen, nay đã trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội. Nhiều vị đại gia, chính khách đều nể các cô. Có cô còn biết nhiều bí mật của xếp hơn là phu nhân. Vai trò của các cô osin trong các gia đình có người già vô cùng quan trọng. Ngày mai nếu toàn bộ lái xe tắc xi Việt Nam đình công, không lo, Grap và Uber sẽ thay thế. Nhưng một cuộc tổng đình công của các bà osin sẽ là một cơn ác mộng cho xã hội Việt Nam.

Vậy mà gã tiều phu thời @ này lại vinh dự kiêm cả nghề osin. 
Cô Nương, người giúp việc của má tôi sẽ về Bến Tre ăn Tết từ 28 đến mùng 8 tết. Vì Má sống ở Sài Gòn một mình với cô mấy năm nay, nên tôi phải đảm nhiệm công việc osin trong suốt thời gian này. Tôi về đến nhà hai giờ trước khi cô lên xe đò về quê, kịp tặng cô món quà nhỏ và nhận bàn giao. Cô hẹn sẽ quay lại hai ngày trước khi tôi đi, để anh em còn nói chuyện với nhau. Đây không phải là lần đầu tôi làm osin cho Má. Hơn nữa đối với đàn ông xứ trời tây, việc nhà, việc bếp núc chẳng phải là điều gì đáng kể.

Điều tôi muốn kể là về các cô osin của Má. Từ ngày ba tôi ốm 1995, nhà tôi khi đó còn ở ngoài Hà Nội đã phải nhờ người ở cùng để chăm cho ông. Từ đó đến nay, nhà tôi đã trải qua không biết bao nhiêu người giúp việc ở chung trong nhà. Tôi chỉ quen một vài người trong số họ và đều rất cảm thông với các số phận đó. Tất cả họ đều có cảnh ngộ éo le ở quê. Nhất là các cô từ Bình Định quê tôi vào Sài Gòn ở với má, đều hoặc có ông chồng, hoặc ông bố nát rượu, hay bị đánh, bị hành hạ, phải tìm lối thoát mới cho cuộc đời. Cũng có cô chồng chết, bỏ con thơ ở với ông bà, vào thành phố kiếm tiền gửi về quê.
Họ ra thành thị làm việc với mục tiêu kiếm tiền, nhưng lại mang theo trong đầu lối sống nông thôn, từ cách kho cá, cách rửa bát đến lời ăn tiếng nói, nên không tránh khỏi bất đồng với chủ nhà. Ngược lại, người thuê osin thì luôn muốn tận dụng sức lao động của họ cho đáng đồng tiền mình bỏ ra. Có những cặp vợ chồng son, đi làm thấy bè bạn bàn tán về cô giúp việc, cũng bỏ tiền ra thuê một cô để có thể tham gia câu lạc bộ „chơi Osin“. Cô giúp việc bỗng bị biến thành hàng hóa một cách rất thời thượng. 
Khi đã coi con người là hàng hóa thì mọi quan hệ đều đổ bể. Các „ông bà chủ 4.0“, mới thoát khỏi nông thôn vài năm trước, nói với nhau: „Bọn nhà quê ấy kinh lắm, đừng để chó liếm măt, rồi có ngày nó đè đầu cưỡi cổ mình!“. Trong một xã hội mà không có luật pháp nào bảo vệ những kẻ không hộ khẩu, không có bảo hiểm xã hôi, không ai bênh vực trước các đòn hiểm của chủ, những người bán sức lao động không cam chịu bị coi thường luôn có những cách trả đũa cũng bẩn tương xứng. Cái vòng xoáy bất tín, bất nhân đó cứ thế phun ra đủ các chuyện bi hài về „Nạn Osin“, tô điểm thêm cho bức tranh xã hội đang như nồi canh hẹ ở Việt Nam lúc này.

Khi tôi nói chuyện với bạn bè hay đồng nghiệp có chức sắc ở Việt Nam, họ rất e ngại phải nghe tôi nói từ „Nhân quyền“. Họ luôn liên tưởng đến các tuyên bố của Human Right Watch hay Amnesty nọ kia. Đối với tôi nhân quyền bắt đầu từ trong nhà, đơn giản là quyền được nghỉ, được chơi của con trẻ, là quyền của cô giúp việc được được ăn uống cùng mâm, được tâm sự bình đẳng với chủ nhà. Nhân quyền đâu phải là cái gì cao xa, là con ngáo ộp mà hễ cứ nghe thấy là co rúm lại?

Cuối năm 2002, tôi về chịu tang ba tôi, thấy một thằng bé 6 tuổi, ăn mặc kiểu thôn quê, ra mở cửa. Đó là thằng Phúc, con đầu của Xuân, người đã chăm sóc ba tôi mấy tháng rồi. Xuân quê ở Thạch Thất, lên Hà Nội kiếm việc làm sau khi chồng nó qua đời. Anh bộ đội trẻ chết bệnh ung thư để lại cho Xuân 2 đứa con, thằng Phúc sáu tuổi và cái Trang bốn tuổi. May mắn sao, Xuân được tổ dịch vụ giới thiệu về giúp Má. Thương nó lúc nào cũng lo lắng về hai đứa con đang ở với ông bà ngoại, Má bảo nó về đưa Phúc lên ở, để ông bà ngoại chỉ lo cho Trang. Thế là Phúc coi Má như cụ, coi tôi như ông trẻ. Xuân mừng lắm và nó chăm Ba như chăm người thân. Xuân đã có kinh nghiệm nuôi chồng ốm mấy năm liền.
Ngày tang lễ, Xuân ở nhà lo cơm nước cho bà con họ hàng từ Quy Nhơn ra tiễn đưa Ba. Sau tang lễ, tôi về thấy mắt nó đỏ hoe, tôi biết nó cũng thương Ba. Tôi bảo: Cháu thương ông như vậy thì bà và chú cũng coi cháu như người nhà!

Ba đi rồi, Má bảo Xuân về đưa nốt cái Trang lên Hà Nội ở. Thật ra lúc này Xuân chỉ còn phải lo cơm nước cho Má, nhưng Má cưu mang cả gia đình nó. Hai đứa trẻ thì ăn ở không hết bao nhiêu, nhưng vấn đề lớn nhất là chỗ học, lại học trái tuyến. Vợ tôi vốn là giáo viên nên còn vài bè bạn trong ngành. Từ Đức, nàng điện về, liên hệ để thằng Phúc được vào lớp 1, vừa trái tuyến, vừa miễn mọi loại phí. Các cô bạn vợ tôi cũng thương Xuân nên có việc gì ra tiền cũng gọi nó đến làm giúp, góp phần trang trải những thứ phí mà đến công chức cũng còn phải sợ. Có lúc nó không đóng được, cô nọ còn dúi tiền cho Xuân, bảo mang ra ban giám hiệu đóng. Trường hợp Xuân đã giúp vợ chồng tôi tin vào sự tử tế còn lại ở quê nhà.

Năm 2004, Má quyết định bán nửa căn hộ ở Hà Nội để vào Sài Gòn mua nhà và sống ở đó. Là người Nam, bà không chịu được gió mùa xứ Bắc. Xuân vướng bố mẹ già ở Thạch Thất nên không thể đi theo bà. Mọi thứ đồ đạc trong nhà không thể mang đi, bà đều cho Xuân, kể cả cái TV màu, để nó ra ở riêng. 
Tôi phải nhờ Hải, bạn tôi, giám đốc khách sạn Thương Mại bên hồ Giảng Võ nhận Xuân vào làm lao công. Cô gái Thạch Thất nhỏ bé đó đã chấp nhận tất cả, vừa làm lao công ở khách sạn, vừa đi làm osin thêm ngoài giờ cho các cô giáo để nuôi hai đứa con giữa một Hà Nội đắt đỏ. Có cô giáo thương nó nên lại nhận nó về làm lao công cho trường Trưng Vương. Giờ Xuân đã là nhân viên chính thức trường Trưng Vương đắt giá nhất Hà Nội. Trình độ trung cấp kế toán đã giúp nó thoát khỏi nghề lao công, trở thành phụ tá cho bà hiệu trưởng. 

Cô Osin Xuân năm nào, nay đã thành công chức nhà nước, lên bà ngoại. Ảnh chụp cùng con trai cháu Trang tại quán phở phố Hòa Mã. Tiều phu thành "ông cố"
— with Đỗ Xuân.

Những người giúp việc sau này của Má không có được sức bật và may mắn của Xuân. Họ thậm chí còn mang nặng mặc cảm của những người phụ nữ bất hạnh. Vì vậy sự thông cảm với một bà cụ ngoài 90 đôi khi không suông sẻ. Nhưng lòng nhân từ đã giúp Má vượt qua rất nhiều chặng.

Tuy đã 94, Má vẫn minh mẫn, tự quản lý toàn bộ công việc trong nhà, từ việc gọi thợ sửa ống nước bị dò rỉ, đến chỉ đạo cô Nương  trồng rau trên gác thượng. Vì Má từng làm ở Việt Nam Thông tấn xã từ 1955 đến ngày về hưu, nên tôi hay trêu chọc bà bằng cái giọng tuyên huấn. Tôi coi cuộc sống của bà với osin là „Con thuyền của các bà góa“. 

Tôi bảo: Sự lãnh đạo tài tình của Má đã dẫn dắt con thuyền của các bà góa đi từ bến bờ này đến bến bờ khác!

Hoặc: Nhờ sự lãnh đạo tài tình của má, thằng tiều phu bị vợ chê là vụng về đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ osin, kể cả mâm cỗ giao thừa 🙂

Với tôi, Má còn hơn cả con thuyền, hơn cả sự lãnh đạo vinh quang. Ngày nào đó không còn Má, ai sẽ là chiếc cầu nối tôi với quê  hương như hôm nay?

Sài Gòn, rạng sáng 2 Tết Mậu Tuất - Không ngủ được vì trái múi giờ.

Hai mẹ con

(còn tiếp)

Nguyễn Xuân Thọ

No comments:

Post a Comment