Saturday, July 8, 2017

Xóm nhỏ quanh tôi (2)

Gọi là "xóm" mà chẳng phải là "xóm" như ở quê, vì nếu viết là "khu phố quanh nhà tôi" có lẽ đúng hơn. Nhưng từ khi vào Nam, tôi đã thích cách gọi cái chỗ/đám nào lộn xộn là "xóm nhà lá" nên "xóm" này là gọi cho vui cái nơi được khoanh lại trong những bước chân của tôi mỗi ngày qua lại thuộc địa bàn phường 1, phường 2, phường 15 và phường 17 thuộc quận Phú Nhuận (trước 30.4.1975 gọi theo tên đơn vị hành chính của chính quyền VNCH là xã Phú Nhuận).
Sau khi ông già bán căn nhà ở đường Trần Quang Khải (Tân Định, Q.1) và chia cho mỗi đứa con một khoản tiền để mua nhà ở riêng, tôi chuyển về đây từ năm 1996 nhưng chẳng mấy khi để ý quanh nhà mình có gì, nó ra sao, cuộc sống như thế nào...? Tôi chỉ bắt đầu thật sự để ý đến nhà cửa, không khí và con người quanh tôi từ khi tôi thường xuyên đi bộ theo những lộ trình khác nhau vào những buổi sáng sớm (trước đây) và bây giờ, sau 4 giờ chiều.

Con đường đi bộ của tôi lúc đầu theo hướng Nguyễn Trọng Tuyển (trước là đường Nguyễn Minh Chiếu) rẽ vào Nguyễn Đình Chính (Minh Mạng cũ) rồi ra Nguyễn Văn Trỗi (Cách Mạng cũ), quẹo ngang Huỳnh Văn Bánh (Nguyễn Huỳnh Đức cũ) để về con đường tôi ở. Sau đó, tôi chuyển hướng ra bờ kênh, vòng qua chợ Phú Nhuận rồi về nhà. Lộ trình mới của tôi bây giờ là luồn trong 2 con đường Cô Bắc, Cô Giang để ra bờ kênh rồi trở về, thời gian tổng cộng là 30 phút. Tôi cố gắng đi bộ thường xuyên, cả những ngày trời xấu/mưa nhỏ vì thấy đi bộ như vậy rất tốt, có tác dụng rõ rệt với sức khỏe và hình thể. Nếu thấy trời chuyển mưa, tôi thường mang theo cây dù, tuy vậy vẫn phải chịu ướt nhẹp vài lần vì mắc mưa do tật chủ quan.

Cũng như các nơi khác ở TP.HCM, vùng này gồm nhiều dân tộc chung sống với nhau, đông nhất là người Kinh, rồi đến người Hoa, người Chăm và một số ít người thuộc các dân tộc khác. Vì vậy chùa chiền và nhà thờ cũng chen lẫn nhau như người theo đạo Hồi, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Tin Lành... Lăng Võ Di Nguy (số 19 Cô Giang ) cũng là một di tích lịch sử/văn hóa nằm cùng đường với nhà thờ Phú Hải cách đó không xa.

Từ tháng 10.1975, khi còn là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc, tôi thường chạy xe qua đây trên con đường lúc đó còn mang tên Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) mỗi lần đi ''dợt banh'' cùng đội tuyển bóng đá của trường ở sân Golf (nay là công viên Gia Định). Lúc đó, đô thành Sài Gòn là thành phố có bộ mặt sáng sủa và hơn hẳn về mọi mặt nếu so với vùng đô thị quanh nó. Đi từ Sài Gòn hướng ra ngoại ô, chỉ cần qua khỏi cầu Kiệu và cầu Phan Than Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) là có thể thấy ngay sự khác biệt giữa Sài Gòn và Gia Định. Sự khác biệt còn rõ hơn khi qua cầu Tân Thuận hoặc cầu chữ Y và những cây cầu khác trên Kênh Đôi để qua đường Phạm Thế Hiển (Q.8). Thủ Thiêm khi đó cũng như Nhà Bè đều là vùng đất hoang sơ, nhà cửa thưa thớt, xập xệ/sơ sài với những khu ruộng và dừa nước xen lẫn kênh rạch sình lầy. Nông thôn và thành thị cách biệt nhau chẳng là mấy.

Chiến tranh kết thúc, thành phố hồ hởi chờ đón những chuyển biến lớn lao từ chiến thắng của ''bên thắng cuộc''. Cắt đứt với viện trợ Mỹ, Sài Gòn sống đơn sơ và thiếu thốn hơn nhưng nhiều người vẫn hy vọng vào cuộc cách mạng, vào những con người sẽ mang những cái mới tốt đẹp hơn, công bằng hơn từ miền Bắc XHCN để thay đổi những gì là thối nát, là ''phồn vinh giả tạo'' được dựng lên từ lối sống Mỹ.
Khi đó, chỉ có những người khá giả và viên chức nhà nước có thẩm quyền mới sử dụng xe hơi và xe gắn máy, trên đường phố là xe đạp và xe thô sơ các loại tràn ra đường cùng với những bộ đồ bộ của các bà các cô. Những cây xăng lác đác người tấp vào đổ xăng. Người đi đường dần dần trở nên xa lạ với những vạch sơn trên mặt đường và những trụ đèn xanh đèn đỏ. Luật lệ và trật tự đô thị cũng thay đổi dần. Thói chạy xe lạng lách, tàn dư còn lại của chế độ cũ cùng với đĩ điếm, xì ke/chích choác sau ngày 30.4.1975 vốn chỉ có mấy tay chơi thích biểu diễn/đua xe thi thố thì sau này trở thành thói bon chen, len lách, vượt đèn đỏ... của dân chúng. Sự buông lỏng/bê bối ngày càng tràn lan, nề nếp giao thông quy củ trước đây của thành phố trở nên tán loạn/vô tổ chức trên mọi con đường lớn nhỏ và cùng với sự quản lý lỏng lẻo/yếu kém về nhiều mặt của chính quyền, đến bây giờ là nạn kẹt xe mà ngay cả cảnh sát giao thông cũng phải bó tay bất lực.

(còn nữa)

4 comments:

  1. Thời phong kiến
    Thôn Phú Nhuận được xem là thành lập từ năm 1698 và được ghi nhận trong danh sách làng xã theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, lúc đó thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Dân cư quy tụ về Phú Nhuận, phần lớn thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, hoặc di dân từ Đàng Ngoài vào. Tên "Phú Nhuận" (chữ Hán: 富潤) hàm nghĩa mong muốn thêm giàu có trù phú của những người lưu dân.

    Giữa thế kỷ 19, thôn Phú Nhuận phát triển, trở thành làng. Làng Phú Nhuận thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Làng Phú Nhuận liên tục phát triển trở thành một làng lớn của phủ Tân Bình. (Wikipedia)

    ReplyDelete
  2. Thời Pháp thuộc
    Ngày 1 tháng 1 năm 1911, tỉnh Gia Định chia thành bốn quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn. Làng Phú Nhuận thuộc tổng Dương Hòa thượng, quận Gò Vấp.

    Ngày 11 tháng 5 năm 1944, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định tách một số vùng (nằm kế cận Khu Sài Gòn - Chợ Lớn) của tỉnh Gia Định để lập tỉnh Tân Bình. Tỉnh lỵ tỉnh Tân Bình đặt tại làng Phú Nhuận. Tỉnh Tân Bình khi đó có duy nhất một quận là quận Châu Thành (lập ngày 19 tháng 9 năm 1944).

    Tỉnh Tân Bình tồn tại đến tháng 08 năm 1945 thì giải thể. Làng Phú Nhuận trở lại thuộc tổng Dương Hòa thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cho đến năm 1956. (Wikipedia)

    ReplyDelete
  3. TÔi chúa ghét trong cùng 1 tp có nhiều đường trùng tên nhau. Trước đây các đường này nằm ở SÀi GÒn và Gia Định, nhưng bây giờ còn tệ hơn, cùng là đường Trường SƠn, quận TÂn BÌnh cũng có (trong sân bay) và quận 10 cũng có (trong cư xá BẮc HẢi). Rồi đường CỬu Long cũng vậy... CÓ lẽ con cháu của các bậc tiền bối cách mạng quá yêu mấy cái tên này nên lạm dụng một cách tùy tiện và vô tư chẳng cần nghĩ đến cái sự phi lý của nó chăng?

    BỖng dưng nhớ cái tên đường Boszorkány dẫn đến ký túc xá sinh viên (Pollack Mihály Műszaki Főiskola) ở Pécs, sao xứ người ta phong phú và rộng mở như thế còn xứ ta lại nghèo nàn và chật hẹp quá. Đầu óc/chữ nghĩa của những người chuyên trách về đường sá của tp chỉ có bấy nhiêu thôi sao?

    ReplyDelete
  4. Các bạn có thể xem bài Xóm nhỏ quanh tôi (1) post ngày 06.03.2017.

    ReplyDelete