Sống là phải có rác. Rác có nhiều loại, thường được nói đến nhiều nhất là loại rác thông thường mà chúng ta vẫn loại bỏ hàng ngày. Những loại khác còn có rác y tế, rác công nghiệp... và loại rác rưởi văn hóa/tư tưởng.
Big Apple (biệt danh của New York) là đại đô thị thải nhiều rác nhất thế giới: mỗi năm 8,5 triệu dân ở đây thải ra hơn 6 triệu tấn rác (trung bình mỗi người 2,2kg/ngày). Tới giữa thế kỷ 20, NY xử lý phần lớn rác bằng cách tuồn ra biển. Hiện nay rác được chuyển bằng đường bộ (xe lửa và các phương tiện khác) và đường sông đến các bãi rác ở các tiểu bang gần đó như Ohio, Pennsylvania... Cách đây 3 năm, chính quyền đã tấn công thẳng vào vấn đề: đạt mức 0 rác trong vòng 15 năm. Thị trưởng Bill de Blasio (tái đắc cử tháng 1.2017) đã đề ra mục tiêu siêu thực này với tên gọi "One New York" bằng cách giảm 90% rác thải đưa đến bãi vào năm 2030, và cổ vũ tái chế rác ngay trong tp bằng cách tài trợ cho các công ty xử lý nhỏ. Tp cũng phát động chiến dịch thu gom rác hữu cơ trong số 3 triệu nhân viện của mình để làm phân bón.
Tokyo có 3 loại rác thải chủ yếu: có thể cháy (moeru); rác hữu cơ không cháy được (moenai); rác tái chế được (risaikuru). Theo đó, người ta tổ chức thu gom 2,7 triệu tấn rác thải ra mỗi năm của 9 triệu dân thủ đô Nhật Bản. Tokyo đặt lên hàng đầu chương trình 3R: giảm - tái sử dụng - thu hồi rác. Chẳng hạn, với những chiếc smartphone cũ, thành phố sẽ chế tạo ra 5.000 huy chương dành cho Thế vận hội sẽ được tổ chức vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi rác hiện nay còn thấp: trên cả nước là 23%. Rác không cháy được đi ra bãi rác, trong khi phần lớn số còn lại vào 1 trong số 21 lò thiêu kỹ thuật cao đặt ngay giữa trung tâm tp. Ít nhất cũng có lợi: cung cấp điện cho 169.000 hộ dân và sưởi ấm các hồ bơi vào mùa đông.
Lagos, thủ đô kinh tế của Nigeria với 23 triệu dân, không ngừng phát triển với tốc độ bình quân 600.000 người/năm.Dân số gia tăng kéo theo vấn đề rác thải mà thách thức hiện nay đã là "quá quắt": mỗi ngày có từ 10.000-14.000 tấn rác thải ra, chưa đầy 70% số này được thu gom để đưa đến 3 đống rác lộ thiên của tp: Solous, Olusosun và Eru-Elepe. Kết quả: rác có mặt khắp nơi! Một số người Nigeria còn dùng rác để lấn đất ra biển và xây nhà. Tp vừa lập ra một dịch vụ công thu gom rác và xây một vài lò đốt, cũng mới ký hợp đồng với công ty xử lý tư nhân đa quốc gia Visionscape có mặt tại 14 quốc gia. Họ cũng chính thức cấm hoạt động của dân xe đẩy cart pushers chuyên thu gom rác có thể tái sử dụng trên đường phố để bán lại cho các vựa ve chai. Vô ích! Theo Côme Salvaira, chuyên gia về rác tại Viện Science Politique, "dân xe đẩy đóng vai trò quan trọng. Chính họ làm cho số lượng rác thải đổ ra các đống rác công cộng giảm bớt".
(còn nữa)
trích từ bài "Các đại đô thị trên thế giới xử lý rác như thế nào?" (KTNN No.996)
No comments:
Post a Comment