(tiếp theo)
Amsterdam có tham vọng biến rác thành vàng. Cách đây 3 năm, hội đồng tp thông qua chương trình "Amsterdam bền vững", dự kiến phát triển nguyên lý kinh tế xoay vòng, trong đó xem và sử dụng rác như một nguồn tài nguyên, khi 800.000 cư dân của tp thải ra mỗi người 322kg rác hàng năm. Còn phải lôi ra khỏi thùng rác công cộng những cái có thể tái sử dụng. Trước năm 2015, chỉ có 19% đi vào lò nung, đặc biệt là kim loại. Mục tiêu là đến năm 2020 phải đạt được 63%. Các dân biểu Quốc hội sốt ruột: "Amsterdam quá lề mề". Mấu chốt? Thiếu chỗ. Người dân hiếm khi lựa rác tại nhà. Nếu làm như vậy, họ phải mang rác có thể tái sử dụng như giấy, thủy tinh đến những nơi thu gom cá biệt. Nhưng công việc này được trả tiền hậu hĩnh. Chẳng hạn, tp ước tính chuyển rác hữu cơ (ở đây người ta ăn uống rất phí phạm) thành protein cho gia súc, biogas và nhựa phân hủy, có thể thu được mỗi năm 150 triệu euro. Mặt khác, 1/3 trong số 1,5 triệu tấn vật liệu xây dựng nhập khẩu hàng năm có thể tiết kiệm được nhờ vật liệu tái sử dụng.
Jakarta có Bantar Gebang, người ta chỉ gọi nó là núi. Nằm cách thủ đô Indonesia 30km, nắm giữ một kỷ lục bi đát: đống rác lớn nhất hành tinh, với hơn 40 triệu tấn rác, chất đầy trên diện tích 110ha, có chiều cao 25m. Còn phải cộng thêm mỗi ngày 7.000 tấn rác do 10 triệu cư dân Jakarta thải ra. Vì thế, "ngọn núi" đã đến lúc bão hòa. Tp hy vọng kéo dài tuổi thọ của nó đến năm 2032 bằng cách chôn bớt một phần và phủ lên tất cả bằng tấm bạt dày được gọi là "màn phủ địa chất" (geomembrane) để tránh làm ô nhiễm đất và giảm bớt mùi hôi thối. Từ bãi rác đến lò thiêu, rác thải gây ra 3% hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Nhưng Bantar Gebang chỉ là phần nổi của tảng băng vì chỉ có 1/3 rác của tp được người ta thu gom. Phần còn lại được ném xuống 13 con kênh và mạng lưới thoát nước chằng chịt của tp. Từ đó dẫn đến nghẹt dòng nước và gây ra nạn ngập thường xuyên khi trời mưa. Ngoài ra, theo dòng nước rác còn đổ ra biển. Sau TQ, Indonesia đứng thứ nhì trong việc thải rác nhựa ra đại dương.
Sao Paulo không có người thu gom rác đường phố, không có rác tái chế. Đó là niềm tin lâu nay của người dân ở đây. Giống như 12 tp khác của Brazil, tp vừa công nhận sự hiện hữu của dân thu gom rác tự phát. Brazil có khoảng 400.000-500.000 dân thu gom rác không chính thức, xử lý 90% rác thải các loại. Chính quyền Sao Paulo với 12 triệu dân và 12.000 tấn rác thải mỗi ngày, bắt đầu hỗ trợ 22 hợp tác xã quy tụ hàng ngàn công nhân. Manuel Rosaldo, thuộc Đại học Berleley (California), chuyên gia về rác thải cho biết: "Nhưng phần lớn trong số 20.000 công nhân thu gom rác của tp lại thích làm riêng trên đường phố hơn bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn khi vào hợp tác xã. Vấn đề là họ thường xuyên bị cảnh sát làm khó dễ". Một mô hình đáng để học theo là tại Bogota, thủ đô của Colombia, tp ghi nhận có 14.000 công nhân thu gom rác. Họ được phát đồng phục, đeo huy hiệu và trả giá mỗi kg rác thu gom được cao hơn các đại lý ve chai tư nhân.
Đinh Công Thành (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment