Friday, January 3, 2020

Ba điều sáng tỏ từ phát biểu của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng


Ngày 25/12/2019 tại “Hội nghị Toàn quốc Tổng kết Công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, Triển khai Nhiệm vụ năm 2020” của Ban Tổ chức Trung ương, ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, ông Trần Quốc vượng đề cập:

“Hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.

“Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội”, “chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm” (Infonet.vn,, 25/12/2019, https://infonet.vn/ong-tran-quoc-vuong-khong-lam-tot-cong-t…).

Những lời trên đây của ông trần Quốc Vượng đã làm sáng tỏ được 3 vấn đề cốt lõi sau đây.

1. Ông Trần Quốc Vượng đã xác định đúng “Cơ đồ xây dựng 75 có nguy cơ sụp đổ”.

Điều này không mới, vì TBT Nguyễn Phú Trọng trước đây cũng đã nói đến nguy cơ tồn vong của chế độ. Nhưng sự đề cập mới của ông Trần Quốc Vượng thêm một lần cho thấy nguy cơ sụp đổ là có thực, và lo lắng của chính quyền về sự sụp đổ là có thực.

2. Ông Trần Quốc vượng đã xác định đúng:

“Không ai mang máy bay và đại bác đến để lật đổ chúng ta”. “Ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta”, “chẳng phải do kẻ thù đâu”.

Nghĩa là ông Trần Quốc vượng đã chỉ ra rằng: Thế lực thù địch và phản động không phải đến từ ngoài chính quyền. Chính quyền không làm tốt thì “ta tự lật đổ ta” “chẳng phải do kẻ thù đâu”.

Như vậy, từ trước đến nay nhiều người trong chính quyền đã xác định sai thế lực thù địch và phản động.

3. Từ lo lắng về nguy cơ sụp đổ và từ xác định đúng thế lực thù địch, ông Trần Quốc Vượng đã rút ra kết luận “ Hết sức chú ý công tác nhân sự”; “Đây là vấn đề quan trọng”.

Phải hiểu cho đúng ý của ông Trần Quốc Vượng về kết luận “ Hết sức chú ý công tác nhân sự”; “Đây là vấn đề quan trọng”.

Một người đã nhìn thấy gốc rễ vấn đề như ông Trần Quốc Vượng thì đề xuất của ông không phải để giải quyết phần ngọn của nguy cơ sụp đổ cơ đồ, mà phải giải quyết phần gốc tại sao lại dẫn đến nguy cơ sụp đổ cơ đồ. Từ đó mà nhìn thấy rõ ba điều sau đây.

Một là, không bổ nhiệm những nhân sự chỉ biết hô hào bảo vệ chế độ bằng miệng, mà không nhìn thấy nguyên do tại sao lại sụp đổ. Đã không nhìn thấy nguyên do đích thực để sửa chữa, thì không thể nào bảo vệ chế độ mù quáng bằng cách hô hào và tuyên truyền miệng.

Hai là, cũng không bổ nhiệm những cán bộ chỉ lo diễn tập chống nhân dân biểu tình mà không biết nguyên nhân tại sao nhân dân lại biểu tình. Vì không bao giờ có thể dùng b.ạo l.ực để thắng được nhân dân. Những kẻ khát b.ạo l.ực như vậy chỉ làm cho chính quyền nhanh sụp đổ chỉ là một mặt, mà quan trọng hơn, ở mặt khác, là đắc tội với muôn đời mai sau vì đã đàn áp đồng bào của mình để duy trì quyền lực.

Vì thế, ba là, cần tìm kiếm những nhân sự biết rõ nguyên nhân vì sao cơ đồ có nguy cơ sụp đổ mà chữa trị – không phải bảo vệ chế độ bằng s.úng đ.ạn và t.ù đ.ày, mà bảo vệ chế độ bằng cách thuận theo ý nguyện của toàn dân.

Trong trường hợp này, toàn dân muốn một chính quyền như thế nào thì theo ý của toàn dân. Khi chính quyền theo ý nhân dân quyết định thì chính quyền sẽ tồn tại cùng với nhân dân.

Còn ngược lại, cơ cấu vào chính quyền những nhân sự chỉ biết c.ướp của công thành của riêng, c.ướp quyền lực của nhân dân thành quyền lực của riêng mình, áp đặt ý nguyện của chính quyền mà bắt nhân dân phải theo, vì quyền lợi của chính quyền mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân sẽ lật đổ chính quyền.

Cơ cấu những nhân sự như thế vào chính quyền thì chúng xem nhân dân là kẻ t.hù, chúng biến chính quyền thành kẻ t.hù của nhân dân.

“Ta tự lật đổ ta” là như vậy. “ Hết sức chú ý công tác nhân sự” là vì vậy.

Từ đó suy ra, phải “làm tốt” nhân sự để tránh “ta tự lật đổ ta” nghĩa là:

1. Không cơ cấu vào chính quyền những kẻ “cơ hội, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Những kẻ như thế chỉ biết đục khoét tiền bạc và tài sản của nhân dân, tàn phá nhà nước. Những kẻ như thế không chỉ tham nhũng vật chất, mà nguy hiểm hơn, còn tham nhũng quyền lực – rồi khuynh đảo pháp lý, đổi trắng thay đen, gieo rắc oan trái khắp mọi.

2. Cũng không cơ cấu vào chính quyền những kẻ hô hào bảo vệ chế độ bằng tuyên truyền miệng, giáo điều mù quáng ôm lấy điều cũ mà không chịu nhìn thấy sự vận động thực tế. Những kẻ như thế chỉ xiềng xích sự phát triển của dân tộc, làm cho đất nước ngày thêm tụt hậu so với các nước khác.

3. Càng không thể cơ cấu vào chính quyền những kẻ khát bạo lực, tâm can chỉ lo diễn tập đàn áp, bỏ tù, mà không dồn nghĩ đến các mưu kế làm cho dân giàu nước mạnh. Những kẻ đó cầm quyền chỉ biết đến bạo lực, nhìn dân thành kẻ thù, tự biến chính quyền thành kẻ thù của nhân dân rồi không tránh được bị lật đổ.

Hiểu cho đúng ý biện chứng của ông Trần Quốc Vượng, thì xác định đúng thế lực thù địch, thì đề ra được giải pháp đúng.

CNN/Quân Sự Việt Nam (30.12.2019)

No comments:

Post a Comment