Tưởng rằng những khái niệm này hiển nhiên không cần bàn, té ra đa số vẫn không hiểu thành thử bàn luận trật lất.
Trước tiên, ở bậc phổ thông không nên dạy Ngữ Văn (philology) và Ngôn Ngữ học (linguistics) như các môn học. Có lẽ hiện nay, người ta dùng sai ý nghĩa của Ngữ Văn nên mới đưa Ngữ Văn vào dạy trung học. Tôi đã từng nghe các giáo sư trong ngành Ngữ Văn định nghĩa Ngữ Văn = Ngôn Ngữ+ Văn học tức là một từ ghép cơ học hai ngành khác nhau này. Thực tế các khoa Ngữ Văn cũng có các bộ môn Ngôn Ngữ và Văn học.
Ngữ Văn là bộ môn khoa học nghiên cứu "lịch sử phát triển và tiến hóa của việc sử dụng ngôn ngữ". Vì thế Ngữ Văn bao gồm việc nghiên cứu, phê bình Văn học. Không nên nhầm Ngữ Văn và Văn học. Văn học bao gồm các tác phẩm viết, thơ ca, truyện, chính luận có giá trị thẩm mĩ và tư tưởng. Ngôn ngữ học nghiên cứu "quy luật của ngôn ngữ" là một câu chuyện khác, không phải là một bộ phận của Ngữ Văn.
Vì không phải ai cũng sẽ nghiên cứu ngữ văn hay ngôn ngữ học. Do đó ở bậc phổ thông, một số tri thức đại chúng về Ngữ Văn và Ngôn Ngữ học ứng dụng có thể được đưa vào các môn Văn học và Tiếng Việt, nếu chúng thực sự có ích đối với các mục tiêu của các môn này.
Môn Tiếng Việt trước hết là để dạy các kỹ năng sử dụng tiếng Việt bao gồm, nói, đọc, viết, nghe tiếng Việt trong các hoạt động trong đó liên quan tới văn học (dù quan trọng) chỉ là một phần nhỏ qua đó tích lũy tri thức, hình thành khái niệm, nhân sinh quan và thế giới quan.
Môn Văn học là dạy việc đọc, thưởng thức, tiếp thụ và bình phẩm các tác phẩm văn học để hình thành nhân cách, giá trị thẩm mĩ, tư tưởng, đạo đức và văn hóa.
Môn Văn học sẽ dựa trên các kỹ năng tiếp thụ từ môn tiếng Việt, nhưng mục tiêu nên tách bạch và khác nhau.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment