Sunday, April 4, 2021

Đất nước hình thành từ thất bại sau 1 trận đánh

 Thay đổi văn hoá, kị binh nhẹ và giáp nặng giáo dài

    Kỵ binh nhẹ Hungary từng là nỗi khiếp sợ cho toàn thể Âu châu. Vó ngựa của Hungary đã vào Paris, đến Tây Ban Nha, đi lại trên nước Ý như chỗ không người. 

    Kỵ sĩ Hung sử dụng cung tên, đoản kiếm và rìu. Cung tên bắn xa, đoản kiếm ưu thế so với trường kiếm trong cận chiến, rìu phá tan giáp trụ nhẹ. Cả châu Âu đầu tư vào kỵ binh nhẹ để mong đối địch với kỵ sĩ Hungary. Nhưng vô vọng, cưỡi ngựa, bắn cung, sử rìu và đoản kiếm phải có dòng máu Hungary. Không ai hơn được họ. Các đoàn kỵ binh hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục xé các binh đoàn có thể đông hơn, nhưng chậm chạp vụng về thành từng mảnh nhỏ và nghiền nát các mảnh đó. 

      Tuy vậy, tại trận Augsburg, chú nhóc tì Otto của Đức đã xuất hiện với các khối trận hình vuông, khiên dày, giáp nặng và cứng, kết hàng chặt chẽ. Các viên tướng Hung trải trăm trận, xung kích từ sáng đến tối không tài nào phá vỡ được khối thiết giáp, bị lính Đức thừa dịp chĩa giáo dài ra xiên như xiên chả. Kết quả các tướng kiệt hiệt nhất đều bỏ mạng tại Augsburg. 

     Tuy vậy, quân Hung thua trận và thương vong do say mê công kích. Họ bỏ đi, không bị truy đuổi nên vẫn còn lực lượng. Đa số người Hung vẫn nghĩ đó chỉ là tai nạn. Đối với họ kỵ binh nhẹ, cung tên, rìu, đoản kiếm là đỉnh cao đã được tôn vinh, trải qua bách chiến bách thắng. Thiết giáp nặng là một lũ vụng về, một kỵ sĩ Hungary có thể đối địch cả chục người như bỡn. Chỉ có một tướng trẻ là Geza, nghĩ nát óc vẫn không thể ra cách khắc chế thiết giáp nặng và giáo dài. Nếu quy mô vài trăm người, chỉ cần một toán kị binh vài chục người có thể làm cỏ trong nháy mắt. Nhưng nếu có vài ngàn quân thiết giáp, không có cách xuyên thủng, càng hùng hổ càng bị xiên bởi giáo dài.

      Geza trở thành vua Hungary, ông quyết tâm từ bỏ văn hoá truyền thống, với vinh quang chiến trận và sở trường kị binh nhẹ. Ông biết chắc rằng, nếu cứ tiếp tục với các giá trị văn hoá viển vông như vậy, dân tộc Hung sẽ trở thành kẻ thù của toàn châu Âu và chỉ có hai con đường: tuyệt diệt hay bị tống cổ khỏi châu Âu như một lũ mọi rợ.

      Geza gửi con trai là Istvan sang Đức và làm rể cho một công tước Đức. Ông biết rằng mình không còn thời gian thay đổi cả một nền văn hoá, nên gửi gắm điều đó lại cho con là Istvan. Geza qua đời, Istvan nối ngôi, quyết theo đạo Thiên Chúa để hội nhập với Châu Âu. Giới quý tộc kị sĩ chống lại chủ trương này. Cầm đầu là Kopany, lãnh chúa vùng Zala, vai chú của Istvan, một trong những tướng kiệt hiệt nhất của quân kị Hung. Để có tư cách chiếm ngai vàng của Istvan, Kopany tuyên bố là hôn phu của mẹ Istvan để có tư cách giành ngôi báu và đem quân về thành Veszprem để tóm cổ thằng nhóc hỗn láo. Khi quân kị của Kopany đến gần Veszprem thì gặp các đội thiết giáp nặng của Đức từ phía nhà vợ của Istvan huy động tới đã bày trận sẵn. Kị binh lớp lớp xung trận đều không thể phá được khối trận dày đặc bị giáo dài xiên như xiên chả. 

     Đến chiều, quân của Kopany mệt mỏi, chỉ còn lại 2-3 phần, đội ngũ tan tác, toan rút lui, thì các khối phương trận dày đặc đã bịt kín mọi phía. Các khối sắt thép từ từ ép lại giáo đâm tua tủa nghiền nát từng nhóm kị binh hoảng loạn và vô vọng. Kopany bị giết, chặt đầu treo lên cổng thành Veszprem. Xác bị xé làm 4 mảnh gửi đi treo trên các thành còn lại của Hungary. Hungary chính thức chấm dứt văn hoá kẻ cướp và từ giã nghệ thuật cưỡi ngựa, bắn cung, làm hiến pháp, xây dựng nhà thờ, trường học, trồng lúa mì, nấu rượu nho, trở thành dân tộc văn minh. Istvan được phong Thánh trở thành vị quân chủ lỗi lạc nhất lịch sử, tên tuổi gắn liền với Hiến pháp Hung. Dân tộc Hung nổi tiếng thông minh. Bắt đầu từ việc sử dụng giáo dài thô vụng, chậm chạp, khắc chế kị binh nhẹ tưởng như là tinh hoa nghệ thuật dân tộc.

Tp. Augsburg ngày nay

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

4 comments:

  1. Có lẽ, sau trận thua tan tác, người Hung đã thay đổi. Và cùng với sự hình thành 1 quốc gia mới ở châu Âu, những cỗ xe thiết giáp thay thế cho kỵ binh từng được Leonardo da Vinci phác họa, đã trở thành tiền đề cho xe tăng, một phương tiện chiến tranh mới đem lại những sự thay đổi cục diện trên chiến trường cho đến chiến tranh TG lần thứ 2.

    ReplyDelete
  2. Ta Hoang Linh
    -> a Bình:
    Nhưng sau này, kỵ binh nhẹ của Mông cổ lại ưu thế vượt trội hoàn toàn vs Mọi thể loại chiến thuật của châu Âu...!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ta Hoang Linh, người Hung và Thành Cát Tư Hãn đã nâng kỵ binh nhẹ lên đỉnh của cách đánh trên lưng ngựa. Ai là vua của lối đánh bằng ngựa sẽ làm chủ tình thế.
      Quân Mông Cổ giành chiến thắng hoàn toàn còn nhờ vào khả năng công thành và tài vận dụng chiến tranh tâm lý, đặc biệt trong các việc mở rộng sự đe dọa, khủng bố đối với các thành phố, thị trấn khác chưa bị xâm chiếm.

      Delete
  3. Note: Vào năm 955, quân đội Đức và Séc dưới thời Vua Otto I của Đế chế La Mã Thần thánh đã tiêu diệt một lực lượng Magyar gần Augsburg.

    ReplyDelete