Tôi dành 2 ngày để đọc cuốn Hồi ức này. Trong biển sách được tặng hoặc vì quý mến bè bạn phải dự ra mắt và mua sách, thú thực, không phải cuốn nào những người như tôi cũng đều cắm cúi đọc. Đơn giản vì quỹ thời gian mà thôi. Còn phải làm bao nhiêu việc mà tôi gọi là “thuế làm người Việt” và còn…phải viết báo mà vợ chồng tôi từng gọi là “đi cày” để sống nữa.
Nhưng tôi đã đọc Nguyễn Xuân Thọ (Tho Nguyen) như là phải đọc. Mỗi người VN đều là một cuốn tiểu thuyết, tôi tin như vậy. Nếu chúng ta chăm viết sách và có khả năng viết sách như người Mỹ, tôi tin rằng chúng ta có hàng chục triệu đầu sách loại hư cấu và phi hư cấu. Vâng, không ở đâu dài chiến trận và cũng dài hậu quả khủng khiếp như ở VN. Không ở đâu con người bị quăng quật và cuối cùng, giỏi sinh tồn như người Việt cho dù, như ai đó đã nói, sau 1975, người Việt chúng ta đã tan thành nhiều mảnh văng đi khắp thế giới.
Đây là một cuộc đời không đại diện cho ai nhưng ít ra, cũng là số phận dích dắc giống hàng vạn người như anh ta: con nít miền Nam được (hay bị) đi tập kết – lớn lên hẩm hiu cùng với miền Bắc kiệt quệ - ra nước ngoài học việc để biết mình thuộc xứ sở lạc hậu cỡ nào - lại quay về nơi đó phục vụ công cuộc và… rốt cùng dứt áo ra đi hẳn, mang tiếng tha hương. Biết một cuộc đời là để biết một sợi chỉ khác đã xâu vào cùng với nó biết bao nhiêu câu chuyện vừa bi tráng, cơ mật, vừa bi hài, tựu trung vào mỗi hai chữ: bị kịch.
Buổi ra mắt sách, rất nhiều người lần đầu biết Nguyễn Xuân Thọ (như tôi) và họ hay đặt vấn đề “làm thế nào để có tự do như nước Đức”, hoặc là “hai nước Đức đã thống nhất như thế nào với một cái guồng đông STASI như thế”, nói chung là đọc Tho Nguyen trên FB, người ta muốn nghe những điều cho một VN tương tự mai kia. Hồi ức của Thọ không gay cấn, không chính trị nhạy cảm cũng không để khảo cứu, cứ đọc mới biết vì sao nên đọc. Hôm ấy tôi chỉ nói rằng vui, vì viết như thế này mà Nxb Tổng hơp TP HCM in được là vui với những tín hiệu mà có đọc thì mới biết. Đây là Nxb đã in Đinh Trang Mộng của Diêm Liên Khoa đấy các bạn.
Biết một trong những người VN gan góc để giỏi giang ở Đức, ở nước Đức nhé các bạn. Biết những người Việt khác gọi là Kiều (như Thọ thì gọi là Cộng) và hai dòng người Việt ấy đã ôm lấy nhau như thế nào ở trời Âu. Biết những người Đức sau 1945 Thế chiến và sau bức tường Berlin sụp đổ để rồi chốt hạ cảm xúc với chương cuối về một người bạn của Thọ, một trí thức Đức tài ba con trai của một công thần lập quốc Đông Đức đã dấn thân, đã tù tội và đã tiếp tục dấn thân ra sao trên con đường hòa bình thống nhất nước Đức.
Tuyệt diệu các bạn. Tôi đã trào nước mắt vui và hy vọng. Những trang viết hay một cách chừng mực, chuẩn xác và những cuộc gặp đầy tình người sau rốt đã khiến phải thốt lên Cảm ơn tác giả, cảm ơn Nguyễn Xuân Thọ đã bõ công để cho chúng ta nhìn một góc quá khứ và một góc thế giới bằng chữ.
No comments:
Post a Comment