Wednesday, June 16, 2021

Coffee Time: Quan ta cho chí Quan Tây...

 «Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn 

Cho nên quân nó dễ làm quan...» 

~ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu 

.:&:. 

Nguyen Van Bao 

June 11, 2015  

LÀM QUAN: TA vs. TÂY 

Quan là người được một cấp quyền lực nào đó như vua, quốc hội, thủ tướng... bổ nhiệm, ăn lương nhà nước để đảm trách một công việc trong bộ máy cai trị. 

Khái niệm "quan" rất khác nhau giữa các nước. 

Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, với 5783 thành viên, từ các viện sỹ đến vị Chủ tịch Viện đều không phải là quan, bởi họ không ăn lương nhà nước. Tương tự như vậy với các tổ chức khác như Viện Khoa học, Viện Văn chương, Hiệp hội Golf, Hiệp hội Bóng đá... Nhà nước kệ chúng mày. Thích thì phong nhau làm viện sỹ, giáo sư, trao giải này giải nọ, tự bỏ tiền túi ra mà làm. 

Nhà nước chẳng hơi đâu quản. 

Ở ta loại như vậy là quan tất. Từ chị bí thư chi đoàn thanh niên thôn đến ông chủ tịch liên đoàn bóng đá quốc gia. 

Các nước văn minh thì nhà nước cố gắng quản càng ít càng tốt. Cái gì làm chắc chắn lỗ, tư nhân không làm, thì nhà nước mới làm. Còn ta thì ngược lại, quản càng nhiều càng tốt, hằng ngày căng đầu vắt óc nghĩ xem sẽ quản thêm cái gì. Quốc hội, bộ trưởng trực tiếp can thiệp giá bát mỳ sân bay. 

Thời bao cấp có một cơ quan ngang bộ là Uỷ ban Vật giá Nhà nước, đứng đầu là một bộ trưởng. Quản tất. Đến mức dân gian lưu truyền "cứt cũng phân, phân như cứt". Sau 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường, tình hình chẳng khác là bao: cứt lên hạng mỳ tôm. 

Đã làm QUAN thì phải QUẢN, chưa có thêm cái để quản thì phải nghĩ ra mà quản. Không được quản thì ăn gì? 

Hồi chưa sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, ngày chủ nhật tôi đưa anh bạn Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đi Đồng Mô đánh golf. Anh bạn bảo cậu lái xe "cứ phóng vô tư, Tổng cục chưa trang bị máy bắn tốc độ cho Công an Hà Tây." Xe bị cảnh sát giao thông Hà Tây tóm sống vì vượt tốc độ. 

-- Tài nhỉ, các cậu lấy đâu ra máy bắn tốc độ? 

-- Chúng em tự đầu tư, không chờ Tổng cục trang bị. 

Mô hình PPP (*) là đây. Có nên phổ biến cho bên quân đội không? 

Những năm 198X, cụ nhạc tôi, Trưởng ty Thương nghiệp tỉnh, năm nào cũng phải ký bảng giá cho các hợp tác xã cắt tóc và các ông cắt tóc rong. Giá cắt tóc người lớn: 3 hào; bộ đội, công an, thương binh, trẻ con dưới 10 tuổi: 2 hào. Bộ đội, công an bằng thằng cu 10 tuổi! Nghiêm lắm, mấy tay cắt tóc rong cũng phải treo bảng giá. Thu vượt là ăn đòn ngay: bị cắt sổ gạo, chết sặc tiết. 

Sao lại quy định dưới 10 tuổi là trẻ con? Chịu. Đến bây giờ cũng chưa rõ "trẻ con" là phải dưới mấy tuổi. Tôi hỏi luật sư, luật sư cũng không biết. Khách đi máy bay -- theo quy định của Hàng không. Nạn nhân tội phạm ấu dâm -- bên Tư pháp có quy định khác. Công viên nước đo chiều cao. Nhà hàng buýp-phê đo dạ dày... 

Lúc tôi 5 tuổi, ba cho 2 hào đi cắt tóc. Bác cắt tóc hứng lên gội đầu cho tôi rồi đòi 3 hào. Tôi chỉ bảng giá: 

-- Trẻ con 2 hào mà?  

-- Ty Thương ngiệp quan liêu ban mỗi giá cắt tóc, không ban giá gội đầu. Người ta vẫn trả thế mà cháu. 

-- Không biết, trẻ con 2 hào. Bác làm bẩn đầu lại cho cháu. 

-- Thằng giời đánh này con ai thế? 

Tôi nói bừa tên bác bí thư hay đến nhà uống cà phê với ba tôi. Chẳng biết bí thư tỉnh hay thị xã. 

-- Lạy ông ranh, biến đi cho tôi nhờ. 

Quan mà không liêu mới lạ, tôi dư 2 hào để ăn kem. 

Chắc tại từ xa xưa Vua tổ chức thi hương, thi đình, ai đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì được bổ làm quan. Chả biết quan gì, nhưng chắc kiếm chác được nên toàn dân cắm đầu học ba chữ nho vớ vẩn để làm quan. Dân gian truyền "cướp ngày là quan" thì chắc phải cướp được. Có khi chả kiếm chác được gì nhưng dân cứ gian thế. 

Cơ quan tôi có cô thư ký tên là Thám Hoa. Nghe tên, tôi bảo: 

-- Anh chị của em tên là Trạng Nguyên và Bảng Nhãn phải không. 

-- Anh có thần giao cách cảm à? 

-- Không, nhưng anh thạo môn xem phao câu đoán tên người. 

Được biết thời trước Cách mạng tháng Tám, quan là phải từ cấp huyện trở lên. Bọn cấp xã không có lương nhà nước, chỉ ăn lộc dân đen. Cả nước, quan các loại chỉ độ 3~4 vạn. Bây giờ "quan số" tính bằng triệu, nghe phát kinh. Xã Q.V. ở Thanh Hoá, chỉ có 8301 dân mà 500 quan: mỗi quan quản chưa đầy 17 thằng dân!!! Riêng quan xã, cả nước có tới 5 triệu rưởi. Nếu tính cả quan huyện, quan tỉnh, quan quốc gia nhẽ đến 6~7 triệu. Hình như đây là bí mật nhà nước. Bộ trưởng Nội vụ không biết thì ma nào biết. 

Cho đến 1990, khi Đổi Mới chưa ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường lao động thì toàn dân đi học chỉ để vào biên chế nhà nước, làm quan. Làm gì có lựa chọn nào? 

Nhà nước mà cho học đến hết trung cấp, đại học thì thế nào cũng bổ làm quan ở đâu đấy. Không vào được viện nọ viện kia làm chuyên viên quèn thì cũng về phòng giáo dục, phòng thuỷ lợi của huyện nào đấy. Lương tháng chỉ đủ sống một tuần, nhưng chẳng ai dám nghĩ khác. Ai cũng có việc làm nhưng chẳng ai làm việc. 

1988, tôi nói với ba tôi là tôi sẽ không nhận quân hàm thiếu tá, bỏ quân đội theo mấy ông bạn lập công ty. Đang ăn cơm, ông cụ trợn mắt, nghẹn ngào như trông thấy con hổ mang bành. Cả nhà phải xúm vào vỗ lưng, xoa ngực hơn 10 phút. Ông lấy nhiệt kế đo thân nhiệt cho tôi, thấy 36,7 độ, lắc đầu: "Thằng này bị sao nhỉ?" "Ba nghĩ con bị sao?" "Nghĩ mày bị sốt cao, mê sảng..." 

Thế đấy, một con bò còi với 90 triệu con bê cắm mồm vào bú. 

Làm quan là con đường tiến thân duy nhất cho những kẻ được coi là nguyên khí quốc gia, tinh hoa dân tộc, dù chỉ là quan tôm, quan tép. Các bác sỹ ở bệnh viện phải chia nhau suất trông xe để thêm thu nhập, đặng khỏi quên dao kéo trong bụng bệnh nhân. 

Bọn viết kịch bản "Gặp nhau cuối năm" chỉ cần chép nguyên những chuyện thời bao cấp, đảm bảo khán giả cười vỡ bụng. 

Quan nước khác thì sao? 

Tôi có ông thầy dạy môn tài chính người Mỹ. Hai vợ chồng ông là giáo sư đại học, lương cả hai khoảng 300 ngàn đô-la. Ngày ấy ông bà có một cô con gái 13 tuổi, tài sản gồm 5000 hec-ta rừng ở bang Vermont với ngôi nhà bằng gỗ phong tuyệt đẹp giữa rừng. 

Năm 1992 bạn của ông, Bill Clinton, đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông được Bill mời làm Thứ trưởng Thương mại, phụ trách Trung Quốc. Ông nhận lời. 

Lương Tổng thống Mỹ khi đó 200 ngàn đô. Dưới Tổng thống, lương Bộ trưởng Ngoại giao cao nhất, 170 ngàn. Thứ trưởng Thương mại 120. Ngoài lương chẳng có gì. 

Theo chồng về thủ đô, bà vợ thất nghiệp. Đang ở cái biệt thự to vật trên mảnh đất 5000 hec-ta, ông phải thuê một căn hộ 90 mét vuông để ở, Chính phủ chỉ cho có từng ấy tiền thuê nhà. Tiếp khách công vụ chỉ được chi không quá 50 đô/người. 

Đến nhiệm kỳ thứ hai, Bill mời ông làm Bộ trưởng Thương mại. Ông từ chối: 

-- Con gái tớ năm nay vào đại học, vợ thất nghiệp, lương không đủ trang trải học phí cho nó. Cậu thông cảm, cho tớ xin nghỉ việc Chính phủ. Tớ không đủ tiền để làm quan. 

Dời Chính phủ, ông thầy tôi được hãng Ford mời làm Giám đốc Ford Trung Quốc. Lương cứng 300 ngàn. Mỗi phần trăm tăng trưởng thị phần được thưởng thêm 500 ngàn. Kèm theo là biệt thự, xe riêng và lái xe 24/24. Ngân sách tiếp khách công vụ thì vô tội vạ, gấp trăm lần hồi làm Thứ trưởng. Hết nhiệm kì 4 năm làm cho Ford ông kiếm được 3 triệu, gấp 6 lần lương Thứ trưởng, thừa tiền cho con gái học đại học, còn lại làm từ thiện, đi các nước chậm phát triển dạy học miễn phí. Khi chúng tôi đi thực tập, ông cứ phăm phăm xách va-li giúp các nữ sinh, trả tiền tip cho lái xe, trong khi bọn đàn ông chúng tôi phì phèo hút thuốc. Nghĩ mà xấu hổ. 

Tôi hỏi ông: 

-- Lương quan chức thấp thế, bổng không có, làm quan làm gì? 

-- Phụng sự nhân dân, phụng sự quốc gia. Phải có tài thì Tổng thống mới mời làm quan chứ. Oách phết đấy. Ho phát Trung Quốc vãi tè. Nhưng nó ho mình cũng vãi... 🤣 

Lương quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống không cao so với giáo sư đại học và rất thấp so với chức vụ quản lý ở các công ty. 

Chừng hai phần ba các tổng thống Mỹ là nghèo. Bill Clinton khi dời Nhà Trắng mang theo khoản nợ 7~8 triệu đô, phải viết hồi ký để có tiền trả nợ. 

Có tổng thống khi đương chức có hàng ngàn bạn bè đến ăn chạc, bà vợ hồn nhiên mua chịu rượu thịt để tiếp khách, tất nhiên Chính phủ không thanh toán các hoá đơn này. Khi tổng thống chết con cái phải bán cả đồn điền của ông nội để lại mới đủ trả nợ cho bố. 

Tổng thống Mỹ có rất nhiều quà tặng của nguyên thủ các nước, bất kể giá trị bao nhiêu thì đều là tài sản quốc gia, do Bộ Tài chính quản lý. Khi dời chức vụ, Tổng thống có thể mua lại các quà tặng đó làm kỉ niệm. Khi Clinton thăm Sài Gòn, tháng 11 năm 2000, bác Nguyễn Minh Triết, lúc ấy đang là Bí thư TPHCM, tặng vợ chồng Bill một tấm thảm. Tuỳ tùng hỏi giá và ghi lại: $400. Khi dời Nhà Trắng, vợ chồng Bill muốn giữ lại tấm thảm này làm một kỷ niệm về Việt Nam, phải trả cho Bộ Tài chính Mỹ 400 đô. 

Khi đương chức, Thủ tướng Anh Thatcher được Vua Arab Saudi tặng một chuỗi kim cương giá khoảng 50 ngàn bảng. Theo luật, món quà là tài sản của Văn phòng Thủ tướng Anh. Sau này, khi Tony Blair làm Thủ tướng, trong một lần tiếp khách, vợ Tony lấy chuỗi kim cương kia ra đeo. Bà Thatcher có mặt hôm đó tế nhị nhắc rằng đấy là tài sản của Văn phòng Thủ tướng, chỉ đích thân Thủ tướng mới được đeo, vợ Thủ tướng không được. 

Bà Blair từ đó không đeo chuỗi kim cương kia nữa. "Em chả thèm..." 😰 

----------------------- 

(*) Mô hình PPP: Mô hình "nhà nước - tư nhân cùng đầu tư" (Public-Private Partnership funding model).

6 comments:

  1. Hoàng Quôc Thành
    Xin mời tứ trụ đọc rồi cả chính phủ học . Các vị thiếu chữ thiếu nghĩa mà nổ rần trời . Bài viết vừa hay vừa chi tiết .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoàng Quôc Thành, bác này am hiểu nhiều chuyện/việc nên viết rất khúc chiết, rõ ràng, đâu ra đấy.

      Delete
    2. Hoàng Quôc Thành
      Nguyễn Cao Bình, Rất hiểu biết .

      Delete
  2. Phan Anh Sơn
    Bài hay quá, cám ơn anh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Cao Bình
      Phan Anh Sơn, anh phải năn nỉ mãi chủ nhà bên kia mới cho copy để up lên đấy 🤫

      Delete
    2. Phan Anh Sơn
      Nguyễn Cao Bình, Dạ

      Delete