BÀI HỌC PHẦN LAN
Trong tất cả những quốc gia có biên giới với Liên Xô ở châu Âu sau thế chiến II, Phần Lan là nước duy nhất không bị áp đặt chế độ XHCN và vẫn giữ được độc lập tương đối với nước này. Vào thời điểm ngày 30 tháng 11 năm 1939, khi tấn công Phần Lan bằng 300 ngàn binh sĩ, người Nga không nghĩ rằng họ sẽ gặp phải một đối thủ ngoan cường đến khó tin như thế. Những gì xảy ra tại Phần Lan sau đó làm cả thế giới bất ngờ.
Sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công, người Phần Lan nhanh chóng giành lấy độc lập từ tay của nước Nga và cũng như nước Nga, Phần Lan bị giằng xé giữa cuộc đấu tranh giữa phe Bạch vệ và phe Đỏ. Phe Đỏ ở Phần Lan được hậu thuẫn rõ ràng bởi Liên Xô trong khi phe Bạch vệ lại có cùng tư tưởng với các tướng bảo hoàng của Nga. Chỉ huy phe Bạch vệ Phần Lan là tướng Carl Mannerheim, người vốn có tổ tiên là nguồn gốc Thuỵ Điển và là tướng lĩnh cao cấp của Sa Hoàng Nga trong thế chiến thứ I. Nội chiến Phần Lan khốc liệt đến nỗi nó đã giết chết 36 ngàn người (gần 1.2% dân số Phần Lan vào lúc ấy) bằng những cách tàn bạo và không khoan nhượng nhất. Nếu tính vào dân số của Nga vào thời điểm ấy thì sẽ tương đương với 1.2 triệu người chết, nếu tính Trung Quốc thì tương đương 4.6 triệu người chết trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Thắng lợi của phe Trắng trong Nội chiến Phần Lan đã giúp thay đổi tiến trình lịch sử của Phần Lan.
Sau nội chiến, người Phần Lan tiến hành hoà giải với nhau một cách nghiêm túc, họ không tiến hành cuộc đấu tranh về ý thức hệ nữa mà cùng nhau xây dựng nước Phần Lan vững mạnh. Thực ra phe Đỏ của Phần Lan đã bị giết gần hết trong Nội chiến, số còn lại thì phần lớn chạy qua Liên Xô để xây dựng nước Nga vững mạnh. Đất nước này yên ổn theo con đường tư bản cho đến năm 1939, khi thế chiến thứ II bùng nổ.
Trong chiến lược của Stalin, tất cả các nước giáp ranh với Xô Viết sẽ phải thần phục hoặc sáp nhập vào họ để đẩy biên giới ra càng xa càng tốt để họ có thể tránh một đòn tấn công bất ngờ của Đức Quốc Xã. Ba nước Baltic bị ép để đưa các đại biểu Xô Viết vào Quốc hội. Sau đó quốc hội các nước này lại bầu cử việc đồng ý sáp nhập vào Liên Xô sau đó. Liên Xô còn tấn công vào phía Đông Ba Lan, Bắc Bukovina và Bessarabia của Romania. Với Phần Lan, người Xô Viết đòi họ phải dời toàn bộ biên giới về phía tây eo đất Karelia 30 km và phá dỡ toàn bộ công sự đã xây trên eo đất này cũng như cho Liên Xô đóng căn cứ hải quân trên vịnh Helsinki. Đối với người Phần Lan mà nói, việc từ bỏ eo đất Karelia coi như là tự sát vì eo đất này là vùng đất địa hình dễ phòng thủ nhất trên lãnh thổ Phần Lan vào thời điểm đó. Toàn bộ người Phần Lan, từ phe Trắng đến phe Đỏ cũ đều đồng lòng chống lại một hiệp ước bất bình đẳng như vậy. Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Đây là một trận chiến gần như không cân sức nhất trong lịch sử Thế Chiến II nhưng kết quả lại bất ngờ nhất. Liên Xô có 170 triệu dân- Phần Lan 3.7 triệu. Liên Xô dồn 500 ngàn quân đánh Phần Lan-Phần Lan chỉ có 120 ngàn. Phần Lan không có tăng, không có máy bay, súng phòng không thưa thớt. Họ như cá nằm trên thớt! Dự kiến của Xô Viết là sẽ chiếm Helsinki trong vòng 2 tuần, thực tế là không bao giờ. Dự kiến của Xô Viết là sẽ chiếm Phần Lan và biến họ thành một quốc gia Cộng Sản, thực tế cũng không làm được. Trận chiến làm người Xô Viết thiệt hại nặng nề và ám ảnh đến chính sách của họ với Phần Lan sau này.
Tháng 11/1939, Xô Viết tuyên bố Phần Lan bắn đạn pháo lạc sang phần đất của họ và làm chết vài binh sĩ (Khruschev sau này thừa nhận Stalin đã cho người bắn những quả pháo ấy để kích động chiến tranh). Liên Xô tràn qua nhanh chóng và chiếm ngôi làng biên giới gần nhất với họ trong tuần đầu tiên và lập tức thành lập chính phủ cộng sản Phần Lan do lãnh tụ Kuusinen làm chủ tịch. Người Phần Lan chẳng quan tâm đến vị lãnh tụ sống ở Liên Xô lâu hơn quãng đời ở Phần Lan, họ đoàn kết sau lưng Thống chế Mannerheim, người đã đánh tan phe Đỏ trong nội chiến và bình thản đón nhận chiến tranh.
Ba Lan đã bị Đức đánh bại trong vòng 4 tuần, nhưng Phần Lan, với số dân ít hơn 10 lần, trụ vững đến hơn 4 tháng. Người Nga dùng chiến thuật chia cắt Phần Lan bằng cách dồn toàn bộ sức mạnh đánh vào eo đất Karelia, vốn là một vùng đất rất hiểm trở và hẹp nhất Phần Lan. Người Phần Lan là những người đầu tiên trên thế giới sáng chế ra Cocktail Molotov, là loại vũ khí chống tăng cá nhân, dùng chai lọ đổ vào đầy xăng và một số hợp chất khác để làm nổ xích xe tăng. Một số lính Phần Lan nằm bất động trong hố cá nhân để chờ xe tăng Liên Xô đi qua và nhét gỗ vào giữa bánh xích, xe tăng bất động thì những đồng đội của họ sẽ xông vào bắn thẳng vào các tăng thủ đang ngồi trong đó. Tỷ lệ hi sinh đến 70% cho những người ở đội tăng này! Những người Phần Lan gan dạ còn dùng những chiếc ván trượt, khoác lên mình bộ quân phục trắng, và chia cắt quân Xô Viết bận áo tối màu thành từng khúc và dứt điểm từng khúc. Mùa đông Phần Lan làm cho những cái bóng áo trắng bắn tỉa trở thành nỗi ám ảnh cho quân đội Liên Xô. Cho đến nay, vẫn chưa ai phá được kỷ lục bắn tỉa của Simo Hayha, người đã bắn chết hơn 500 lính Xô Viết trong 4-5 tháng chiến tranh.
Mùa đông Phần Lan năm ấy thật kinh hoàng với phe Xô Viết. Nhiệt độ -43 độ C đủ làm đông cứng bất cứ một loại vật liệu gì nói chi đến con người. Có khoảng 60 ngàn lính Liên Xô đã chết trong điều kiện tồi tệ như thế. Tuy nhiên, mặc dù đã tiêu diệt được 2 sư đoàn Liên Xô ở eo đất Karelia và làm Liên Xô thiệt hại 400 ngàn quân (bao gồm 5000 tù binh được trao trả về Liên Xô và bị Stalin ra lệnh xử bắn sau đó), nhưng thiệt hại của phía Phần Lan cũng khổng lồ không kém nếu tính tỉ lệ dân số và họ buộc phải ký hiệp ước hoà bình với LX ở Moscow. Phần Lan mất đi 10% lãnh thổ, 12% dân số phải mất hết nhà cửa, 2 trung tâm công nghiệp lớn và 30% sản lượng công nghiệp của mình. LX còn nhiều đặc quyền khác nhưng những điều khoản khắc nghiệt đã đẩy người Phần Lan vào tình thế ngặt nghèo vừa mất lãnh thổ, vừa mất vị trí phòng thủ.
Có một người đứng đằng xa nhưng quan sát rất kỹ cuộc chiến, Hitler. Ông ta cho rằng quân Liên Xô là một đạo quân yếu kém, tấn công một nước nhỏ cũng không xong nên đã phê duyệt kế hoạch Barbarossa của Von Paulus (tình cờ là ông Thống chế đầu tiên bị bắt trong lịch sử). Người Phần Lan gia nhập cuộc chiến này với Hitler, nhưng ngay khi giành lại lãnh thổ bị mất thì họ dừng, không tấn công xa hơn, ngay cả khi người Đức yêu cầu họ phối hợp cùng đánh Leningrad. Người Phần Lan do không tham chiến cùng Đức nên không chịu những thảm cảnh bị bao vây giết sạch như quân Hungary hay Romania ở Stalingrad. Phần Lan cũng không bắt người Do Thái giao cho Đức như hầu hết các đồng minh khác của họ. Điểm này làm cho Phần Lan chịu các điều khoản dễ chịu hơn nhiều so với các đồng minh khác của Đức trong chiến tranh. Họ chỉ phải thi hành lại hiệp ước Moscow và mất thêm vài mỏ nicken ở phía Bắc. Về phần người Đức, sau khi được chủ nhà Phần Lan "mời" rút quân ra khỏi nước họ thì đã phá huỷ toàn bộ cơ sở công nghiệp có giá trị ở Lapland.
Chiến tranh mùa Đông và cuộc chiến sau đó sát cánh với Đức làm người Phần Lan thiệt hại 100 ngàn người, toàn bộ cơ sở công nghiệp gần như bị phá hoại, mất lãnh thổ và có nguy cơ bị trở thành nước cộng sản phụ thuộc vào Liên Xô. Điều gì giúp nước này chẳng những không thành một nước cộng sản mà còn là một nước giàu mạnh theo thị trường tự do bậc nhất ở châu Âu?
Khoản bồi thường nặng nề 300 triệu đô la đã trở thành động lực lớn để người Phần Lan thay đổi cách làm công nghiệp của họ. Họ phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, thành lập các nhà máy công nghiệp nặng. Họ đặt ra một chính sách nhượng bộ tuyệt đối với người Liên Xô thông qua việc hiểu rõ chiến lược của người Nga chỉ đơn giản là vấn đề địa chính trị. Họ phát triển một mạng lưới thân thiết với các lãnh đạo Xô Viết thông qua hai tổng thống biết rõ văn hoá Nga là ông Paasikivi và ông Kekkonen. "Khi tôi đã có Paasikivi thì tôi còn cần gì đến Đảng Cộng Sản Phần Lan?" trích Stalin. Tuy nhiên hai tổng thống này hoàn toàn không phải là con rối của LX. Họ biết lúc nào cần nhượng bộ thì nhượng bộ, lúc nào cần leo thang là leo thang. Nỗ lực ngoại giao con thoi của họ đã tạo sự an toàn tuyệt đối cho Phần Lan những năm sau chiến tranh thế giới II và làm tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của nước này. Phần Lan là nước thân phương Tây nhất trong số các láng giềng của Liên Xô và là nước thân Liên Xô nhất trong các quốc gia phương Tây. Thành tựu của Phần Lan thì đến nay mọi người đều đã biết. Giáo dục thì hạng 1 thế giới, nền kinh tế sáng tạo thứ 3 thế giới. Điện thoại di động Nokia thì ai cũng đã biết, mặc dù chết đã lâu rồi nhưng vẫn là một thành tựu độc đáo của Phần Lan. Chú chim giận dữ Angry Bird cũng được sinh ra từ Phần Lan. Thu nhập đầu người lên đến 42,966 USD/ năm, cao hơn Nhật Bản. Dân ta cũng có nhiều người du học Phần Lan do nhận được học bổng hoặc tự túc.
Liên Xô đối xử với Phần Lan một cách "nhân đạo" nhất trong số các láng giềng của họ. Đảng Cộng Sản Phần Lan bị chính Liên Xô cấm hoạt động trên đất Phần Lan, họ giảm việc bồi thường và rút khỏi toàn bộ Phần Lan, cho phép Phần Lan đi theo con đường Phương Tây trong việc phát triển kinh tế. Có lẽ cũng một phần e ngại những con người dũng cảm ở Phần Lan nên Liên Xô chưa bao giờ bức ép họ đến cùng như mùa đông năm 1939.
Bài học lớn nhất từ Phần Lan là việc họ biết nhu biết cương. Chiến đấu thì dũng cảm, làm kinh tế thì khôn ngoan, ngoại giao thì đu dây giỏi. Chưa nước nào dám đánh trực diện như vỗ mặt vào Liên Xô như Phần Lan, cũng chưa nước nào nịnh Liên Xô như Phần Lan sau thế chiến. Họ sẵn sàng hoãn bầu cử tổng thổng năm 1974 để chiều ý người Liên Xô về ứng cử viên mà Liên Xô yêu thích.
Người Phần Lan đạt tỉ lệ đồng thuận cao sau Nội chiến. Dù Đỏ hay Trắng, Phần Lan là trên hết, không ý thức hệ nào cao hơn Phần Lan. Do đó họ luôn đồng thuận về môi trường xây dựng kinh tế tự do là tốt nhất dành cho Phần Lan.
Người Phần Lan có nền giáo dục độc đáo dựa trên đặc tính dân tộc và tính sáng tạo cao. Tuy phụ thuộc Thuỵ Điển cả trăm năm, phụ thuộc Nga thêm cả trăm năm nữa nhưng các lãnh đạo của Phần Lan như Thống chế Mannerheim (Trung tướng quân đội Sa Hoàng cũ), Passikivi (thạo tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ), Rakkonen đều muốn xây dựng Phần Lan theo bản sắc Phần Lan chứ không copy theo mô hình nào cả. Họ có thể copy theo hệ thống phương Tây nhưng không chống Nga tuyệt đối như phương Tây. Họ có thể nịnh Nga nhưng không xây dựng mô hình xhcn. Họ là độc nhất ở châu Âu!
Lãnh đạo Phần Lan sáng suốt không có tham vọng lãnh thổ. Trong suốt chiến tranh Xô Đức, người Phần Lan hầu như đứng nhìn vùng lãnh thổ bỏ ngõ phía bên kia chứ không vượt biên giới trước chiến tranh. Họ biết khi nào cần chiến đấu dũng cảm nhưng cũng biết giới hạn của chính mình. Chiếm rồi giữ nổi không? Đó là vấn đề.
Việt Nam có thể học rất nhiều thứ từ Phần Lan trong tương lai của chúng ta. Chúng ta như một phiên bản tương phản của Phần Lan, ở chỗ chúng ta không biết dừng, không biết nhu và cương đúng lúc cũng như không biết hoà giải sau chiến tranh. Đến lúc phải nhìn ra thế giới và học hỏi những điều hay của họ.
Duy Anh Nguyen
No comments:
Post a Comment