1. Năm 1933, nhà tâm lý học giáo dục Jean Piaget, tác giả của lý thuyết nhận thức cho rằng sự phát triển của trẻ được phân chia thành các giai đoạn khác nhau với các mức độ năng lực khác nhau. Chính vì vậy, ông cho rằng đa số trẻ dưới 12 tuổi không đủ năng lực học triết học, do triết học là "suy nghĩ về cách suy nghĩ". Tuy vậy cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, quan điểm này đã bị bác bỏ bởi các nghiên cứu hiện đại hơn.
2. Quan điểm của chúng tôi không phải là có dạy được Triết học cho trẻ em được hay không, mà là cần dạy thế nào để có ích cho trẻ và không quá khó cho thày. Quan điểm này tương đồng với quan điểm của nhà tâm lý học nhận thức khác là Vygotsky về Vùng phát triển gần (ZPD) mà sau này được các nhà tâm lý giáo dục khác như Wood phát triển thành phương pháp luận "bắc giàn giáo" (Scafffolding). Lý thuyết này cho rằng, những tri thức quá khó đối với trẻ sẽ trở nên dễ tiếp thu bởi người hướng dẫn có tri thức và cách tiếp cận đúng. Như vậy, bên cạnh cách tiếp cận chúng ta cần trả lời câu hỏi tại sao cần dạy Triết học cho trẻ nhỏ.
3. Triết học trước hết làm phát triển việc sử dụng ngôn ngữ ở mức độ cao. Học Triết học sớm sẽ giúp trẻ diễn đạt các ý tưởng phức tạp một cách sáng sủa, biết cách giao tiếp một cách duy lý khi chia sẻ và bất đồng. Các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, học Triết học giúp cải thiện đồng thời việc học Toán và Ngữ văn. Đặc biệt, học Triết học cải thiện có hiệu quả cao năng lực diễn đạt của trẻ có khó khăn bẩm sinh trong việc sử dụng ngôn ngữ.
4. Học Triết học được chứng tỏ là sẽ nâng cao khả năng nhận thức, khuyến khích trí tưởng tượng và các ý tưởng sáng tạo ở trẻ, kích thích sự tò mò và đặt những câu hỏi sâu sắc ở trẻ. Đặc biệt, Triết học nếu được dạy đúng không hề khô khăn và làm trẻ rất say mê.
5. Các mục tiêu về phương pháp tư duy của giáo dục phổ thông thậm chí từ Tiểu học thực chất đều là phương pháp triết học như: "đánh giá các ý tưởng bằng lập luận, phát triển từ vựng và xây tri thức, tiếp thu, đánh giá ý tưởng của người khác, mô tả và giải thích có hệ thống sự hiểu biết bằng các đưa ra giả thuyết và khai thác các ý tưởng"
6. Câu hỏi tiếp theo là dạy triết học cho trẻ như thế nào? Đương nhiên, chúng ta không thể đem giáo trình đại học cho trẻ., cũng như không nên dạy nghề sớm hoặc tập cử tạ cho trẻ. Tuy nhiên Triết học cũng như vận động và kỹ năng thiết kế thực hành, có thể bắt đầu bằng các vấn đề thực tiễn. Chẳng hạn, nếu trẻ có thể sử dụng các phạm trù nhân-quả, lượng-chất, chung-riêng, quy luật-ngẫu nhiên để phân tích các hiện tượng, sự kiện và hành động quan sát được trong thực tế, chúng sẽ ở một trình độ nhận thức vượt trội.
7. Chúng tôi cho rằng một chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt, đòi hỏi năng lực nhận thức vượt trội cần bắt đầu phải có nội dung Triết học thay vì kỹ năng lập trình hay tính toán.
8. Để minh họa, chúng tôi đã đưa ra cách dạy phạm trù nhân-quả cho học sinh tiểu học bằng cách phân biệt nguyên nhân-lý do, kết quả-ý nghĩa trong một bài khác. Ở đây chúng tôi sẽ nói về phạm trù lượng-chất. Trẻ sẽ phân biệt được mô tả chất (định tính) và mô tả lượng (định lượng) qua đó thấy được sự cần thiết của phép đo đếm (toán học: ý nghĩa của các con số) và luật lượng đổi chất đổi (vật lý: phân biệt nguyên tố Carbon và các hợp chất như kim cương, graphit, graphene). Như vậy, STEM sẽ đến với trẻ một cách tự nhiên và sâu sắc ở một tầm nhận thức cao và có thể là con đường khơi dậy tài năng.
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment