Việt là Thái hay Việt là Kinh-Mường?
Có khá nhiều huyền thoại về nguồn gốc người Việt. Các học giả phương Tây từ đầu thế kỷ 20 như Maspero đến tận gần đây như Taylor, Chamberlain đều tìm cách giải mã những huyền thoại này. Các công trình của cả một thế kỷ đã cho thấy rằng các huyền thoại đó được sáng chế ra sớm nhất là vào thế kỷ X và các văn bản gốc còn lại về chúng cũng không sớm hơn thế kỷ XIV.
Gần đây, có một số người, được thúc đẩy bởi tinh thần dân tộc có tính thời cuộc, lại tiếp tục pha trộn các huyền thoại này với các phát hiện mới nhất về gene, khảo cổ học bằng một phương pháp gần với sáng tác văn học hơn là khoa học. Các học thuyết mới này có một điểm chung là nói chắc như đinh đóng cột, quy chụp những người phản bác, nhưng làm lớp trẻ ít đọc bối rối lầm lẫn không ít.
Gần như là định trước, họ gạt bỏ một số chi tiết trong các huyền thoại và giữ một số chi tiết khác với tư cách là sử liệu chắc chắn mà hoàn toàn không có một tiêu chí phân biệt nào.
Chẳng hạn huyền thoại về sự tồn tại của nước Việt Thường từ nam đồng bằng sông Hồng tới nhà Chu ở bắc sông Dương Tử để hiến chim trĩ trắng đã được phá bỏ từ lâu. Việt Thường được xác định là một quốc gia nằm trong khoảng Vân Nam, Miến Điện và Bắc Ấn Độ.
Việc gán ghép tổ tiên của người Kinh-Mường hôm nay như là chủ thể chính của Bách-Việt ở nam Trường Giang là một trong những giả thiết thô sơ nhất.
Việt Nhân Ca chính là văn bản sớm nhất còn lưu giữ trong sách Thiết Uyển có từ thời Chu. Câu chuyện về một vị hoàng thân nước Sở nghe cô gái chèo thuyền người Việt hát một bài, và ông đã ghi lại và dịch ra tiếng Sở. Bài ca này sau này có ảnh hưởng lớn tới thơ ca Trung quốc thông qua thi hào Khuất Nguyên.
Tuy nhiên, các phân tích về ngữ âm của các tác giả trên thế giới đều cho thấy rằng ngôn ngữ trong Việt Nhân Ca là của người Tráng (người Nùng, người Tày Việt Nam cũng thuộc nhóm người này). Công trình gần đây của Edmondson cũng cho thấy ngôn ngữ của Việt Nhân Ca có sự đồng nhất với tiếng Thái. Như vậy giữa người Tráng và người Thái có một sự giao thoa nhất định về ngôn ngữ, mặc dù họ không có liên hệ gần trong lịch sử.
Chamberlain (1998) và Edmondson (2007) đều dựa trên ngôn ngữ như là một phương pháp để tìm ra các nguồn thông tin cứ liệu khoa học bên cạnh các phương pháp khảo cổ và sinh học. Họ đều thấy rằng tiếng Việt hiện đại có mức độ pha trộn với các từ gốc Hán nhiều hơn so với tiếng Thái và các tiếng của người Tráng.
Các cứ liệu về địa chất cũng cho thấy rằng vào thời nhà Chu, đồng bằng sông Hồng chưa hình thành, đang ngập mặn, không thể hình thành một quần thể đông dân. Đồng bằng sông Hồng hình thành muộn hơn vào đầu công nguyên. Cư dân đầu tiên đến vùng này là ai? Theo Taylor, Chamberlain và một số học giả khác thì đó chủ yếu là người Thái và một số tộc người Việt bị Hán Hóa. Các tộc người Việt Hán Hóa này có thể nguồn gốc khác nhau, có thể có từ thời Tần Hán, Nam Việt của Triệu Đà.
Sử nhà Đường còn ghi lại những cuộc đánh phá triền miên của người Thái (Nam Chiếu) và An Nam Đô Hộ phủ của Cao Chính Bình, Triệu Xương, Cao Biền nhằm chiếm lại quyền kiểm soát đồng bằng sông Hồng.
Theo Taylor (1983), mốc đánh dấu chắc chắn sự hiện diện của người Việt cổ đầu tiên là vương quốc của Mai Hắc Đế ở phía Nam của đồng bằng sông Hồng, có thể bao gồm một số đất đai của vương quốc Chăm, Nam Lào cho đến Nghệ An ngày nay. Người Việt cổ theo nghĩa như vậy chính là người Mường, tiến hành hàng loạt cuộc bắc tiến vào đồng bằng sông Hồng bắt đầu từ thời Lý Trần, Đại Việt còn chia Kinh-Trại và hoàn tất vào đầu đời Lê sau khởi nghĩa Lam Sơn, sau khi di dân hàng loạt ra Bắc.
Nhóm người Mường này đã kết hợp với nhóm Kinh ở đồng bằng sông Hồng từ trước tiếp tục Hán hóa để trở thành người Kinh hiện đại. Trong khi đó các tộc Mường còn lại ở Hòa Bình, Thanh Hóa ít bị Hán Hóa hơn.
Nói một cách khác, tổ tiên người Việt hiện đại tuy có liên hệ nhưng không phải chủ nhân chính của Bách Việt trong thư tịch cổ Trung Quốc. Đó là người Tráng và người Thái. Việc gán ghép này là do tổ tiên chúng ta lấy quốc hiệu là Việt (Việt Nam, Đại Việt).
Vậy thì người Viêt Mường cổ có liên hệ gì với người Chăm và đa đảo ở phương Nam. Chắc chắn là có. Tuy nhiên, cần phải có các nghiên cứu mới để phát hiện thêm các vấn đề mới. Về nguyên tắc, sử Việt Nam phải dựa trên sử của Đại Việt và sử của Champa. Việt Nam ngày nay là pháp nhân thừa kế của hai quốc gia Đại Việt và Champa, không có lý gì tách lịch sử Champa ra khỏi lịch sử Việt Nam. Trong quá khứ, đó là thái độ kỳ thị mang tính Hán Hóa đối với phần dân tộc không chịu Hán hóa.
Lịch sử Việt Nam cũng cần phải có chương riêng về lịch sử người Thái và người Tráng là tổ tiên của người Thái, Tày, Nùng hiện nay trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải có một chương về Phù Nam, Chân Lạp, Vạn Tượng là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành Việt Nam.
Các phương pháp kết hợp khảo cổ, ngôn ngữ, sinh học và địa chất sẽ mang lại rất nhiều cứ liệu mới có thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tuy nhiên trước hết phải có một quan điểm bớt tính lên gân dân tộc chủ nghĩa cường điệu hóa.
(Bài viết mang tính ghi chép nên không ghi tài liệu tham chiếu. Ai cần xin liên hệ trực tiếp)
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment