Bạn bè tôi thường lớn tuổi hơn tôi nhiều – thiên hạ gọi cách đánh bạn như thế là “chơi trèo”. Oan cho tôi. Những cuộc gặp gỡ tình cờ rồi thành bạn diễn ra thế nào thì nó là thế ấy.
Tôi gặp Bùi Xuân Phái lần đầu ở cà phê vỉa hè Hàng Vôi. Nhác thấy Nguyễn Sáng và tôi đi tới, Bùi Xuân Phái nâng chén cà phê thay lời chào.
Bùi Xuân Phái ghé vào tai Nguyễn Sáng:
- Tay nào đấy?
- Cánh ta. Chơi được.
Bùi Xuân Phái chìa tay cho tôi. Chúng tôi trở thành bạn từ hôm ấy.
Cao, mảnh khảnh, da trắng xanh, gương mặt hao hao tượng Chúa Cứu Thế làm ra biệt danh: Ông Giê-Su Khốn Khổ ở Phố Hàng Thuốc Bắc.
Ông Giê Su thì xong rồi, nhưng khốn khổ thì phải có chút giải thích.
Chả cứ tôi, mọi người đều biết Bùi Xuân Phái có một đam mê không giống ai: những mái nhà phố cổ. Chúng còn lại nguyên vẹn từ những năm xa xưa của đất kinh kỳ với ngói âm dương được nung trong những lò dân dã. Anh vẽ rất nhiều những mái nhấp nhô ấy. Chúng cao thấp không đều, nhưng tất cả đều nâu sậm. Những bức tranh rồi mang một tên chung: Phố Phái.
Chẳng ai bắt gặp, dù chỉ một lần, Bùi Xuân Phái đứng sau giá vẽ ở đâu đó. Anh không bao giờ sao chép cảnh vật. Anh la cà khắp các phố xưa, ngắm chúng, nhập tâm chúng, rồi khi nổi hứng mới đưa chúng lên khung vải, mảnh gỗ hoặc bất cứ vật liệu nào rơi vào tay, kể cả vỏ bao thuốc lá.
Cách Bùi Xuân Phái vẽ gần với trường phái quốc họa Trung Hoa. Gần thôi, chứ không giống. Tề Bạch Thạch vẽ tôm sau khi ngắm chúng phóng, chúng búng, chúng lượn lờ chán chê mê mỏi trong chậu, trong thau. Ngựa của Từ Bi Hồng phi nước đại trong tranh cũng là sau nhiều ngày nhiều giờ ông dõi theo những chiến mã tung vó trên thao trường cho đến khi chúng hằn vào vô thức mới cầm lấy cây cọ. Ngựa của Từ Bi Hồng bị các nhà sinh vật học phê phán: phi thế là sai cách, ngựa không hề phi như vậy. Họ không biết Tề Bạch Thạch đã tóm tắt về nghệ thuật trong một truyền ngôn bất hủ: “Nghệ thuật là vừa giống vừa không giống. Giống quá là mị đời. Không giống là dối đời.”
Gọi anh là Ông Giê Su Khốn Khổ bạn bè không có ý xúc phạm ai - cả anh cả Chúa. Biệt danh ấy chỉ là một liên tưởng bất giác. Chứ Bùi Xuân Phái hoàn toàn không để ý tới bộ diện của mình. Anh phớt lờ mọi cái nhìn của thiên hạ.
Tôi từng được ngồi đối ẩm với Bùi Xuân Phái không phải một lần trên cái gác xép chỉ có thể ngồi không thể đứng. Thứ gác xép này có nhiều trong thời gian ấy. Nó tăng diện tích ở, nhưng với Bùi Xuân Phái nó là giang sơn riêng của anh, ở đấy anh vẽ, anh tiếp khách, anh nghỉ ngơi, anh suy tưởng. Bàn trà của anh, tôi nhớ, nhưng không biết gọi nó bằng tên gì – một cái chõng tre liliput, trên đó có đủ ấm và chén cọc cạch, chúng không có họ hàng với bàn trà đủ bộ Thế Đức gan gà của Nguyễn Tuân
- Tranh của tôi là tranh úp mặt vào tường, ông ạ – Bùi Xuân Phái tư lự vươn tay về phía những bức tranh xếp xộc xệch cái to lẫn cái nhỏ, to nhất thì bằng cái bảng đen tự tạo của tôi trong tuổi học trò, nghĩa là không cùng cỡ với tranh treo tường ở những nhà sang - Chúng làm sao có thể chường mặt ra trong những cuộc triển lãm hay những ga-lê-ri.
Tôi gật. Tôi thở dài.
- Mình không có tiền để làm tranh to – anh nói – To không đồng nghĩa với đẹp.
Ông Giê Su này khốn khổ thật sự, thiên hạ không ngoa.
- Hoạ sĩ là cái gì? – anh tâm sự - Nó là thằng câm. Nó chỉ biết nói bằng đường nét, bằng màu sắc. Thiên hạ hiểu nó muốn nói gì là qua cái ấy. Chỉ qua một cái ấy mà thôi.
Viết về tranh Bùi Xuân Phái là việc của những nhà phê bình hội hoạ, cả quan phương lẫn dân phương. Không phải tôi. Tốt nhất là không viết.
Hoạ sĩ nào mà chẳng muốn tạo ra phong cách riêng, dấu ấn của riêng mình. Nhưng không phải cứ muốn là được. Tôi có vài bạn hoạ sĩ chẳng được ai nhắc đến. Họ bị dòng thời gian cuốn trôi tận đẩu tận đâu, nói tóm lại – vô tăm tích.
Người không màng đến thời gian, không thèm để ý tới sự khen chê của thiên hạ, chỉ làm theo ý thích dẫn dắt thì còn lại. Một trong những người như thế là Bùi Xuân Phái.
Một hôm, trà lá xong xuôi, anh giúi vào tay tôi một bức:
- Cái này ông cầm về.
Tôi giãy nảy:
- Không. Tôi không nhận đâu. Đã không có tiền mua sơn mua toan biếu ông mà lại nhận tranh ông cho thì tôi là cái thằng nào?
- Cứ lấy đi. Coi như một kỷ niệm.
Đó là một bức tranh nhỏ với hai nhân vật được cách điệu hoá – một nam một nữ đang múa. Nhìn tranh mà nghe thấy trống phách.
Tôi không lấy là không lấy. Tôi là thằng có lương tâm. Tôi làm báo, lương còi cọc, chưa hết tháng đã hết tiền. Tôi viết như bổ củi, hết bài này đến bài khác, ký tên này tên khác, có tờ giữ hẳn mục xảo thuật trong phim.
Bùi Xuân Phái sống lâu hơn cái chết của mình. Bằng chứng là tranh của anh được các nhà sưu tập săn lùng, coi như của cực quý. Tranh nhái Bùi Xuân Phái nhiều vô số kể. Mà cũng giống lắm, mới chết. Người mua tranh anh phải cậy các chuyên gia hội hoạ phân biệt giùm. Nhái cũng là một nghệ thuật. Hoạ sĩ vẽ nhái phải thuộc nằm lòng phong cách của hoạ sĩ thật. Không thế làm sao nhái.
Tôi không có ý định viết về hội hoạ. Không phải lĩnh vực tôi am tường. Tôi viết về anh là viết về một nỗi nhớ bất chợt.
Những nỗi nhớ bất chợt như thế luôn xảy ra với tôi.
✍️Vũ Thư Hiên
Cái ''dòng thời gian'' đáng sợ mà Vũ Thư Hiên nói quả tình đã ''cuốn trôi'' nhiều thế hệ – vô tăm tích, tận đẩu tận đâu cho đến bây giờ... chẳng ai còn nhận ra họ và bản thân họ cũng chẳng nhận ra mình trong cái xh mới này!
ReplyDelete