Sunday, October 15, 2017

Làm người

Trải qua hàng ngàn năm, cổ nhân đã đúc kết ra những kinh nghiệm vô cùng quý giá và truyền lại cho đời sau. Dưới đây là 8 đức tính của một người chân chính cô đọng trong 8 chữ để có một cuộc đời tươi đẹp có hậu phúc.


1. Nhẫn

Nhẫn (nhẫn nại, nhẫn nhịn) có thể dưỡng phúc.

Đời người ai cũng gặp phải những sự tình không thuận lợi, không hài lòng, khi ấy con người nhất định cần phải “Nhẫn”. Bởi vì, từ xưa đến nay, người làm được việc lớn tất phải là người có đại khí, người có đại khí tất có đại nhẫn.

Nhẫn không phải là nhu nhược, trốn tránh, chạy trốn mà là một dạng tích lũy của năng lượng. Người có “Nhẫn” trong tâm thường sẽ không phạm sai lầm do nhất thời gây ra. Ngược lại, có thể chỉ vì một câu nói mà tức giận, chiêu mời tai họa. Ngoài ra, người có được khả năng nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt của họ cũng sẽ đẹp hơn, khiến người tiếp xúc cảm thấy dễ chịu hơn.

2. Thiện

Thiện (lương thiện) có thể sinh ra đức.

Cổ nhân có câu: “Thông minh là một loại Thiên phú, còn lương thiện là một loại lựa chọn.” Từ xưa đến nay, lương thiện là loại đạo đức tốt đẹp nhất của con người thế gian.

Không có ai là không muốn làm bạn, làm hàng xóm hay hợp tác với người có tấm lòng lương thiện. Người lương thiện có thể thu phục người khác. Bởi vậy mà cổ nhân giảng, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.

Lương thiện có lẽ không thể khiến con người đạt được tất cả mọi thứ bản thân mong muốn nhưng sẽ giúp con người luôn có nội tâm thanh thản, an hòa.


3. Hỷ

Hỷ (vui, mừng) có thể dưỡng nhan! (Nhan là chỉ nhan sắc, vẻ mặt, nét mặt)

Tâm thái vui vẻ, khoái hoạt là bí quyết trường thọ của con người. Phương pháp tốt nhất để duy trì sự thanh xuân trẻ trung của con người chính là luôn giữ cho mình một nội tâm vui vẻ, thoải mái.

Người ta thường nói, mỉm cười là cách làm nở bông hoa xinh đẹp nhất ẩn trên khuôn mặt. Mỉm cười là một cách tạo nên vẻ mặt đẹp nhất của con người, là cách đơn giản và nhanh nhất để kết nối mọi người lại với nhau.

Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười.” Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiết và gần gũi với nhau hơn. Nếu như trên khuôn mặt thường xuyên nở nụ cười có thể đem thiện ý truyền đạt cho tất cả mọi người. Đây là cách hoàn toàn không phải hao tổn, lại tạo ra được giá trị lớn. Đây cũng chính là phương pháp làm đẹp tự nhiên nhất, kỳ diệu nhất.

4. Từ

Từ (từ bi, hiền lành) có thể dưỡng tâm.

Vì sao sau tuổi trung niên có những người có khuôn mặt hiền lành phúc hậu, có người lại có khuôn mặt hung dữ đầy oán khí? Đó một phần là bởi vì họ luôn từ bi, nuôi dưỡng một trái tim hòa ái đối với tất cả mọi người. Bởi vì “tướng do tâm sinh”, “tướng tùy tâm mà thay đổi” cho nên khi tâm đẹp thì diện mạo cũng sẽ đẹp.

5. Ái

Ái (tình yêu thương) có thể dưỡng hành.

Người mà trong lòng tràn đầy tình yêu thương thì “nhất cử nhất động” của người ấy cũng ngập tràn cảm xúc. Bởi có tình yêu thương người khác nên trước khi làm việc gì họ đều cân nhắc đến việc người khác sẽ cảm nhận ra sao, người khác có bị tổn hại gì không rồi mới hành động. Trái lại, một người mà trong lòng luôn so đo tính toán thì cho dù ở thời điểm nào cũng thường bị “khó dễ” đi cùng.

6. Thành

Thành (chân thành, chính trực) có thể dưỡng tính.

Chân thành là nguyên tắc quan trọng nhất trong kết giao, trong làm người và làm việc. Chúng ta, ai ai cũng mong muốn được người khác đối xử chân thành với mình vì vậy hãy đối xử chân thành với người khác trước, chúng ta sẽ nhận được điều tương tự. Một người thành thật trong sáng thì khí chất cũng phản ánh tâm hồn đẹp đẽ, ánh mắt của người ấy như tỏa ra ánh sáng.

Người trung thành, thật thà luôn được lòng người, được người khác tin tưởng. Nhìn một cách nông cạn, bề ngoài thì tưởng rằng người thật thà sẽ bị thiệt hại, bị cho là ngốc. Nhưng kỳ thực, người xưa lại cho rằng, bởi vì thật thà phù hợp với Thiên lý, nên họ là những người chắc chắn có được phúc báo trong cuộc đời.

7. Cần

Cần (cần cù, chăm chỉ) có thể dưỡng tài phú.

Người xưa có câu: “Ông trời sẽ đền bù cho người cần cù” là có ý nói rằng, một người siêng năng, cần cù sẽ được ông trời giúp, bù đắp cho.

Có người sau khi kiếm được tiền thì gần như tiêu cũng hết nhưng có người vẫn duy trì được khả năng tài chính của mình. Đó là vì, cần có thể phát tài, kiệm có thể lưu tài.

8. Khoan

Khoan (khoan dung, độ lượng) có thể tụ khí.

Một người khoan dung, thì lòng dạ nhất định rộng lớn. Những người này không so đo tính toán chi li, cũng sẽ không vì chiếm được chút lợi nhỏ mà vui mừng khôn xiết. Trái lại, người luôn tính toán chi li thì nhất định sẽ sống rất mệt mỏi.

Trong cuộc đời, đôi khi lùi một bước lại chính là tiến lên một bước. Lùi một bước, nhường nhịn một bước sẽ có nhiều bạn bè hơn, con đường sẽ mở rộng hơn về phía trước.

An Hòa dịch & th
(Trithucvn)

5 comments:

  1. Người xưa có lạc hậu và cổ hủ không khi đưa ra những đức tính trên như những chuẩn mực/giá trị trong cuộc sống? Chỉ cần trở lại những năm 60-70s, khi chúng ta còn trẻ sẽ thấy những quan niệm này gần như bị lấn át bởi những dòng thác tư tưởng khác, không cho con người tìm về bản chất con người đích thực mà cố gắng đưa niềm tin của con người vào người khác, vào sự "lãnh đạo", vào sức mạnh tập thể... trong đó những gì thuộc về cá nhân đều bị lên án dẫn tới sự tan rã hiện nay. Để bây giờ lại phải dựa vào thế giới tâm linh/siêu thực và tìm kiếm lại những giá trị cũ.

    ReplyDelete
  2. Chẳng cần phải suy tư nhiều, hãy đi theo chúng tôi đến 1 tương lai tươi sáng. Đó là lời kêu gọi của cách mạng đưa hàng triệu triệu con người đi vào "con đường đau khổ"...
    Chỉ cần dán nhãn "phản động", "nhân văn giai phẩm"... vào một ai đó là người đó, dù là siêu nhân hay là ai cũng trở thành "khốn khổ" vì những kẻ khốn nạn/cuồng tín. Vô số người từng là nạn nhân của "lũ người quỷ ám", đủ mọi thành phần trong xã hội, nhất là văn-nghệ-sĩ và trí thức

    ReplyDelete
  3. BẢn chất/giá trị của cuộc sống và con người là hướng đến những gì tốt đẹp, những giá trị thuộc về CHÂN, THIỆN, MỸ. NẾu đúng như thế, con người sẽ cảm thấy thanh thản, an vui và sống thật sự hạnh phúc. CÒn không như thế là lệch lạc, mất cân bằng và thậm chí còn đầy tội lỗi.

    ReplyDelete
  4. Cuộc cách mạng ở VN đã dẫn đến 1 XH ntn? Trong cái xh này, gồm những loại người nào? Loại có định dạng/bản chất thuộc về những giá trị vĩnh cửu hay không thuộc về những giá trị đó, hay là dạng đánh mất bản chất thật và đang tìm lại những gì đã mất, hoặc hoàn toàn không thuộc về những giá trị đó mà chỉ là dạng đang phân hủy/tan rã (xác sống/chết không được chôn)???

    ReplyDelete
  5. Hãy sống chân thật với người chân thành!

    ReplyDelete