Monday, October 21, 2019

Gàn

Tôi nghĩ xã hội cần có những người gàn và biết tôn vinh những người gàn mới có thể hướng tới sự tốt đẹp. Nhìn hành vi những người gàn sẽ thấy những bất thường ta không thể hiểu. Nhưng ta không phải là họ, mà cuộc sống có bao nhiêu điều ta không trải nghiệm hết, sao biết họ không có lý, vì nói cho cùng lý cũng phụ thuộc vào trải nghiệm nội tâm hay ngoại hướng.
Bá Di Thúc Tề không ăn gạo nhà Chu, anh em ôm nhau chết đói trên núi Thú Dương là gàn. Nhưng các ông là biểu tượng cho việc con người thà chết không vi phạm nguyên tắc. Dù nguyên tắc của các ông bất kính với nhà Chu là lý tưởng của sĩ tử, nhưng sĩ tử vẫn kính trọng hai ông, cho thấy nhà nho cách đây mấy nghìn năm không giáo điều hủ lậu như ta ngày nay.
Vĩ Sinh hẹn với một cô gái vào canh 3 ban đêm ở một chiếc cầu đá "không gặp không về". Cô gái không đến, chắc cũng cho là đùa, nước lên, Sinh ôm cầu chết đuối. Gàn đến thế là cùng. Mà chết vì ai cơ chứ, một cô gái trong xã hội phong kiến đã nhỏ nhoi thấp kém, lại hẹn gặp trai lúc nửa đêm chắc chẳng phải loại phòng khuê gì. Nhưng Vĩ Sinh chết chính vì lý tưởng chữ Tín và chết cho chính mình, chẳng vì gái nào hết. Vì vậy Sinh cũng được kính trọng.
Một em gái, con ngoan trò giỏi, lớp trưởng, uống thuốc sâu tự tử vì bị nghi lấy cắp 500 nghìn. Về lý trí tôi cũng thấy gàn. Cuộc sống dù chó má đến mấy nhưng chỉ được sống một lần, hãy cố sống. Sống còn vì những người thân yêu. Dư luận có đáng kể gì, nếu mình không thẹn với lòng. Nhưng tôi không thể biết được em yêu sự trong sạch và những người xung quanh đến nhường nào. Vì vậy tôi vừa xót xa vừa kính trọng em. Em đáng là một câu truyện truyền kỳ, trong cái thời tình yêu sự trong sạch và yêu thầy, yêu bạn trong sáng thiếu biết bao nhiêu.
Có thể tôi cũng là một người gàn và viển vông. Gàn và viển vông quá mức cũng không tốt. Nhưng không gàn và viển vông tí nào thì "sao dám gọi là người". Vì thế tôi kính trọng những người gàn, nhìn núi Lạng Sơn không nghĩ đến thịt quay đặc sản ngon lànhmà đau lòng khóc Tô Thị. Thiếu họ, chúng ta sẽ dần quên làm người.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

9 comments:

  1. Gàn dở thì chẳng ra sao, nhưng mà mỗi người mỗi tính. Gàn mà đúng thì dù gây sốc vẫn nên thừa nhận. Ko nên quá xét nét, vừa nhỏ mọn, vừa chẳng khôn vì thiếu khách quan.

    ReplyDelete
  2. Châu Hồng Lĩnh: Lenin, lãnh tụ của giai cấp vô sản có lần nghe chị vợ đọc tập truyện ngắn Tình yêu cuộc sống của Jack London trong đấy có một truyện ngắn nào em quên mất rồi, có tay thuyền trưởng vì một lời hứa cũng chả có gì quan trọng lắm, ra biển trong cơn bão rồi chết vì bão biển.
    Lenin phán: "Đúng là bọn tư bản giãy chết. Hôm nay không đi thì mai đi có làm sao đâu".
    Sống dưới ánh sáng chủ nghĩa Leninist mà đòi làm người tốt cũng khó phết :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Châu Hồng Lĩnh, Chắc tay thuyền trưởng đó nếu được chọn sẽ xin chết ngay ở nhà máy vì phát đạn đó thay vì chết trong giường bệnh ở Gorky, Mai hay hôm nay đằng nào chả chết, vấn đề là chết thế nào. Đúng là bọn tư bản rửng mỡ 🙂

      Delete
    2. Châu Hồng Lĩnh: Aiviet Nguyen, Nhân đây lại bàn về tính nhân đạo của chủ nghĩa cộng sản.
      Dưới chế độ cộng sản, nếu có ai bị coi là kẻ thù giai cấp thì sẽ được xơi một viên đạn, chết là hết chuyện; hoặc cùng lắm là sẽ được vinh dự đi học tập cải tạo, được nhà nước nuôi miễn phí, khỏi lo khoản cơm áo gạo tiền.
      Còn dưới chế độ tư bản, ai bị coi là kẻ thù thì chúng nó chỉ làm cho người đó bị thất nghiệp thôi. Thế là sống lay lắt, không nhà, không tiền, không xe, không nghề nghiệp, không chết được vì nó trợ cấp bố thí cho tí thức ăn đểu mà sống mòn. Sống không bằng chết. Thế mới là chế độ vô nhân đạo, đày đọa con người.

      Delete
    3. Aiviet Nguyen: Châu Hồng Lĩnh, Quá vô nhân đạo

      Delete
    4. Gia Ninh Trần: Châu Hồng Lĩnh, Bọ & cá gỗ thuần chủng !

      Delete
    5. Châu Hồng Lĩnh: Chú Hoài,
      Cháu cũng chỉ được một nửa bên ngoại là cùng. Chú mới đúng là thuần chủng :D

      Delete
  3. Ha Huy Khoai: Trong bài "https://hahuykhoai.wordpress.com/.../tri-t%C6%B0%E1%BB.../" tôi cũng có đụng chạm đến chữ "gàn": Để trở thành người sáng tạo, tức là làm được cái gì đó đầu tiên, người ta không tránh khỏi phải “gàn” một chút! Nếu không gàn, thì làm sao có cách nghĩ ít nhiều khác người được? Vậy nên các nhà toán học hay được gán cho chữ “gàn”. Các nhà thơ cũng thế, mà có lẽ những người làm khoa học, nghệ thuật đều như thế. Anh gàn không thích nhắc lại những điều đã có người nói, mà thích nói khác, thậm chí nói ngược. Dĩ nhiên, không phải anh gàn nào cũng trở thành nhà khoa học. Có đến chín mươi chín phần trăm câu nói khác người là gàn thật! Nhưng rất có thể, một phần trăm còn lại chứa đựng cái gì đó mới mẻ, bản chất, mà những người khác vì đã quá quen cách nghĩ cũ nên chưa phát hiện ra?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Ha Huy Khoai, Bản thân thế nào là gàn thật cũng không có tiêu chí

      Delete