Tuesday, November 19, 2019

Nhân vật điển hình trong Tam Quốc: Quan Vân Trường

Một trong những tác phẩm văn học tôi tâm đắc nhất là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Lúc còn nhỏ đọc Tam Quốc, tôi thích nhất là nhân vật Quan Vũ, tức Quan Công, một "soái ca" đúng chuẩn Nho giáo với đầy đủ nhân nghĩa lễ trí tín lại còn uy dũng vô song. Còn ghét thì dĩ nhiên là ghét "đại gian hùng" Tào Tháo. Đây cũng có lẽ là cảm xúc mặc định của những người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa với lối viết đầy tính thiên vị của La Quán Trung. Cho tới sau này khi có dịp đọc Tam Quốc Chí của Trần Thọ, bộ biên niên sử của thời đại Tam Quốc, tôi đã thay đổi cách nghĩ của mình về hai nhân vật nói trên và hiểu rõ hơn về dụng ý của người viết Tam Quốc Diễn Nghĩa trong việc xây dựng hình tượng trung và gian của Quan Vân Trường và Tào Mạnh Đức.

Hình tượng Quan Vũ hoàn toàn là một sản phẩm của trí tưởng tượng

Hình tượng uy phong lẫm liệt mắt phượng mày ngài, mặt đỏ râu dài, tay cầm thanh long yển nguyệt đao cưỡi ngựa xích thố là là một trong những hình tượng quen thuộc nhất với người Á Đông và đây cũng là hình ảnh được dùng để thờ phụng trong đền miếu. Hình ảnh này phổ biến đến mức sau này các bộ phim về Tam Quốc đều dựa trên hình ảnh này để tạo hình Quan Vũ. Khi bộ phim điện ảnh “Quan Vũ” (The Lost Bladesman) do Chân Tử Đơn đóng vai Quan Vũ với tạo hình mặt trắng, râu ngắn, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối kịch liệt vì họ cho rằng đó là sự bôi bác hình ảnh của một Quan Công mà họ tôn thờ. Nhưng trên thực tế, hình ảnh Quan Vũ mà chúng ta thấy hiện nay là một sản phẩm hoàn toàn của trí tưởng tượng của đời sau. Nếu dùng những yếu tố khoa học và lịch sử để lý giải thì hoàn toàn không hề quá khó để kiểm chứng sự ngụy tạo này:

1. Tác phẩm sử ký “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ được biên soạn vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên không có dòng nào miêu tả ngoại hình của Quan Vũ là mắt phượng, mày ngài, mặt đỏ, râu dài. Tạo hình này chỉ xuất hiện trong tác phẩm tiểu thuyết dã sử “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thế kỷ thứ 14.

2. Tạo hình của Quan Vũ trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung kỳ thực được dựng nên dựa trên lối vẽ mặt mang tính ước lệ tượng trưng của nghệ thuật ca kịch thời Nguyên-Minh. Mặt đỏ tượng trưng cho lòng trung nghĩa, râu dài tượng trưng cho nam tính oai phong. Thanh long yển nguyệt đao tượng trưng cho rồng xanh hộ mạng chứng tỏ Quan Vũ là người thần. Đây là hình ảnh marketing rất tốt về mặt chính trị và tôn giáo mà các triều đại phong kiến đã tận dụng trong suốt nhiều thế hệ.

3. Vũ khí thanh long yển nguyệt đao của Quan Vũ cũng như phương thiên họa kích của Lữ Bố, trượng bát xà mâu của Trương Phi đều là hư cấu. Những nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng trình độ đúc binh khí thời Tần-Hán không thể chế ra được những vũ khí như thế, nhất là cây đao của Quan Vũ. Hầu hết các chiến tướng thời Đông Hán đều sử dụng giáo hoặc kích giống loại tìm được trong mộ binh sĩ bằng đất nung “binh mã dũng” đời Tần. Thanh long đao đến đời Đường mới có.

4. Ngựa Xích Thố của Quan Vũ cũng là hư cấu nốt. Trước khi về tay Quan Vũ, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo. Trước khi về với Tào Tháo, ngựa Xích Thố là vật cưỡi của Lữ Bố. Đổng Trác dùng ngựa Xích Thố dụ Lữ Bố về với mình năm 190. Quan Vũ tử trận năm 220, nghĩa là 30 năm sau khi Xích Thố được nhắc tới lần đầu. Trên thực tế, tuổi thọ của loài ngựa thường không quá 30 năm. Tuổi thọ của ngựa chiến còn ngắn hơn, thường chỉ 15-20 năm. Cho dù Xích Thố sống được 30 năm thì nó cũng không thể tiếp tục tham gia chiến trận thời điểm Quan Vũ chết vì đã quá già yếu. Tam Quốc Chí của Trần Thọ chỉ nhắc tới Xích Thố của Lữ Bố chứ không hề nói Quan Vũ từng cưỡi Xích Thố. Chi tiết Tào Tháo tặng ngựa Xích Thố cho Quan Công là hư cấu của La Quán Trung để đề cao Quan Vũ.

5. Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thường được miêu tả như một nam tử hán đại trượng phu thấy sắc không động lòng. Gia đình riêng của Quan Vũ cũng ít được nhắc tới. Trên thực tế, Quan Vũ cũng như các quan lại thời phong kiến cũng tam thê tứ thiếp. Theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Quan Vũ có hai người vợ,hai người thiếp và bốn con: Quan Bình, Quan Hưng, Quan Phụng (hay còn gọi là Quan Ngân Bình, chính là người con gái mà Tôn Quyền muốn hỏi cưới cho con trai mình) và Quan Sách (Nhân vật Dương Hùng trong Thủy Hử lấy biệt hiệu là Bệnh Quan Sách). Tam Quốc Diễn Nghĩa đã hư cấu Quan Bình là con nuôi của Quan Vũ trong khi trên thực tế Quan Bình là con ruột. Đặc biệt Tam Quốc Chí của Trần Thọ có chép truyện Quan Vũ lúc đánh Lữ Bố đã cướp được Đỗ Thị, vợ của Tần Nghi Lộc, bộ tướng của Lữ Bố. Thấy Đỗ Thị có nhan sắc nên Vũ muốn giữ lại cho mình nhưng Tào Tháo đã phỗng tay trên của Vũ khiến Vũ hết sức bất mãn. Điều này chứng tỏ Quan Vũ ngoài đời thực cũng háo sắc như ai.

Những khuyết điểm chết người của Quan Vũ

Sử gia Trần Thọ trong Tam Quốc Chí không hề đánh giá quá cao về Quan Vũ. Ông nhận xét khá khách quan rằng: “Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy.” Bùi Tùng Chi khi bình luận về Tam Quốc Chí cũng đánh giá Quan Vũ không bằng Trương Phi: Xưa, Trương Phi hùng tráng uy mãnh, chẳng kém gì Quan Vũ, mưu thần nước Nguỵ là Trình Dục khen Quan Vũ và Trương Phi là vạn người khó địch. Vũ khéo đối xử với sĩ tốt mà kiêu ngạo với đại sỹ phu, Phi yêu kính người quân tử mà không thương xót kẻ tiểu nhân.“

Trong khi đó,Quan Vân Trường của La Quán Trung lại là một hình tượng anh hùng được xây dựng đúng theo khuôn vàng thước ngọc của ý thức hệ phong kiến: dũng mãnh, thiện chiến, học thuộc những lý luận của Nho gia và quan trọng nhất là trung thành tuyệt đối với triều đình. Tuy nhiên, chính vì ca ngợi Quan Vũ một cách quá đà mà La Quán Trung đã khiến nhân vật này mang đầy mâu thuẫn ngay trong tác phẩm của mình. Cái anh hùng của Quan Công chỉ nằm ở chỗ dũng cảm gan dạ của một chiến tướng, hay nói một cách khác, đó là cái dũng của một người có sức mạnh nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược. Được mô tả như một người văn võ song toàn nhưng những chiến tích lừng lẫy của Quan Vũ suốt truyện Tam Quốc như chém Hoa Hùng, giết Nhan Lương và Văn Sú giữa trận, hay qua năm ải chém sáu tướng của Tào Tháo đều là những chiến công thiên về sức mạnh cơ bắp và sự dũng cảm của một chiến binh. Lần dùng mưu duy nhất của Quan Vũ là đắp đập để nước sông tràn vào thành bắt sống Bàng Đức. Còn nhìn lại suốt cuộc đời làm tướng, tính cách của Quan Vũ bộc lộ những nhược điểm quan trọng:

1. Võ công không phải là nhất thiên hạ thời Tam Quốc: Nếu xét về võ công, Quan Vũ không địch lại Lữ Bố vì cả ba anh em Lưu, Quan, Trương phải chật vật lắm mới đấu nổi với Lữ Bố ở cửa Hổ Lao. Khi đấu với Hoàng Trung là một lão tướng 70 tuổi, Quan Vũ chỉ cầm hòa chứ không thắng nổi mặc dù tuổi trẻ hơn nhiều. Khi bị quân Tào vây, Triệu Vân có thể phá vòng vây trong khi trên mình còn mang theo Á Đẩu trong khi Quan Vũ thì không vượt ra được nên mới có chuyện bị Trương Liêu chiêu hàng về với Tào Tháo.

2. Không biết nhìn người: Lưu Bị vốn chẳng có tài cán gì, mười mấy năm chinh chiến ngoài cái hư danh hoàng thúc ra chẳng làm được tích sự gì cả, suốt ngày ăn nhờ ở đậu, bị Lữ Bố và Viên Thiệu coi khinh cho tới khi gặp được Khổng Minh. Tào Tháo binh hùng tướng mạnh là bá chủ Trung Nguyên đều do thực lực, đáng tôn làm minh chủ. Lưu Bị thua Tào Tháo dạt sang ở đậu Viên Thiệu, Quan Vũ về dưới trướng Tào Tháo 12 năm mà vẫn không hiểu được cái tầm của Tào Tháo. Người ta khen lòng trung của Quan Vũ nhưng cố tình lờ đi việc nhìn người kém cỏi của ông, không nhận ra ai có thực tài mà cống hiến.

3. Hành động cảm tính, vô kỷ luật: Khi được giao nhiệm vụ trọng yếu là chặn Hoa Dung Đạo để giết Tào Tháo, mặc dù lập quân lệnh trạng sẽ lấy đầu mình thay cho đầu Tào Tháo nếu không giết được Tào Tháo, Quan Vũ vẫn vị tình riêng mà tha cho Tào Tháo khiến cuộc chiến Xích Bích trở nên vô nghĩa vì không đạt được mục đích cuối cùng. Đó là một sự vô kỷ luật không thể chấp nhận được trong quân đội nhất là ở vị trí thống soái. Có lẽ Quan Vũ cũng hiểu rằng Lưu Bị sẽ không lấy đầu mình nên mới ngang nhiên ký quân lệnh trạng mà vẫn kháng lệnh.

4. Không coi trọng chữ tín: Mặc dù được ngòi bút La Quán Trung ca ngợi đầy đủ nhân nghĩa lễ trí tín, Quan Vũ đã thể hiện sự bất tín của mình khi hùa theo kế mặt dày của Lưu Bị và Khổng Minh mượn Kinh Châu của Đông Ngô không trả với mưu đồ chiếm vị trí chiến lược này làm của riêng. Khi Lỗ Túc mời Quan Vũ sang Đông Ngô để nói rõ phải trái, Quan Vũ giả say bắt Lỗ Túc làm con tin, một hành động hết sức lưu manh nhưng lại được La Quán Trung ca ngợi như một hành động anh hùng và mưu trí đơn đao phó hội. Kiểu hành xử của Quan Vũ chả khác gì kiểu chính quyền Trung Cộng chiếm biển Đông với đường lưỡi bò lếu láo.

5. Thiếu tầm nhìn chiến lược: Được giao phó mảnh đất Kinh Châu vô cùng chiến lược, là đầu mối giao thông và vận chuyển lương thực của quân Thục với lời dặn "Đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo" của Khổng Minh, nhưng khi ngồi giữ Kinh Châu chưa nóng chỗ, Quan Vũ đã làm trái lệnh bằng cách cự tuyệt thông gia với Tôn Quyền một cách vô cùng ngang ngược để rồi chuốc lấy thảm bại mất Kinh Châu và mất luôn cả mạng. Một người cầm quân đánh trận suốt nửa đời người mà tầm nhìn quân sự lại hạn hẹp đến như thế thì có gì đáng ca ngợi?

6. Ngông cuồng khinh người: Đây chính là tử huyệt của Quan Vũ. Đánh nhau với lão tướng Hoàng Trung trên 70 tuổi không thắng nổi, nhưng lại không chịu nhận sắc phong ngũ hổ tướng khi biết Hoàng Trung cũng có trong danh sách và gọi Hoàng Trung là "tên lính già" một cách hỗn xược. Tới khi Gia Cát Cẩn được chúa tể Giang Đông Tôn Quyền sai sang Kinh Châu xin kết thông gia để con trai Tôn Quyền lấy con gái Quan Vũ làm vợ, một lần nữa Vũ lại ngạo mạn từ chối bằng câu nói cực kỳ xúc phạm : " Con gái của loài hổ sao có thể gả cho con của loài chó." (hổ nữ bất giá khuyển nhi). Nếu xét về thân phận, Tôn Quyền xuất thân ba đời quý tộc ở Giang Đông, còn Quan Vũ trước khi về với Lưu Bị chỉ là một người bán đậu hũ ngoài chợ. Ngang ngược hơn, Vũ còn đòi lôi ông mai Gia Cát Cẩn ra chém mặc dù biết Cẩn là anh ruột của Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị. Và sự kiêu ngạo của Quan Vũ đã phải trả giá đắt khi bại trận vì khinh địch hai tướng trẻ của Đông Ngô là Lữ Mông và Lục Tốn để ôm hận mà chết.

7. Đến chết vẫn cố chấp và nhỏ mọn: Khi bắt được Quan Vũ, Tôn Quyền mặc dù bị Vũ làm nhục trước đó vẫn không có ý giết ông một phần vì mến tài, một phần muốn liên kết với Lưu Bị chống Tào, nhưng Quan Vũ nằng nặc đòi chết để bảo toàn khí tiết buộc lòng Tôn Quyền phải mang ra chém. Nhưng sau khi chết, hồn Quan Vũ lại không cam lòng hóa thành quỷ vật chết Lữ Mông, mắng chửi Tôn Quyền rồi vật vờ ở núi Ngọc Toàn đòi trả mạng cho tới khi thiền sư Phổ Tĩnh giảng cho hiểu cái đạo lý đơn giản rằng ông ra trận chém bao nhiêu người sao chẳng ai đòi mạng ông, Vũ mới chịu thôi.

Tại sao Quan Vũ được tôn thờ?

Thật ngạc nhiên khi một võ tướng bình thường, nếu không muốn nói là đầy khuyết điểm như Quan Vũ lại được tô vẽ quá mức và tôn thờ như một gương trung liệt hoàn hảo. Nếu tỉnh táo suy xét việc thờ Quan Công là một chiêu bài chính trị vô cùng khôn khéo của chế độ phong kiến Trung Quốc.

1. Khởi xướng việc thờ Quan Vũ không ai khác hơn là Tào Tháo khi Tôn Quyền gửi đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để cho Lưu Bị chuyển hướng tấn công. Nhận biết màn gắp lửa bỏ tay người này, Tháo đã chơi chiêu rất cao tay phong chức tước cho Quan Vũ và làm ma chay linh đình với lễ của vương hầu, còn sai làm thân Quan Vũ bằng trầm hương ráp đầu vào an táng. Điều này nhằm mục đích xoa dịu cơn giận của Lưu Bị tránh chiến tranh xảy ra mà còn cho thiên hạ biết mình là người biết trọng trung thần nghĩa sĩ của triều Hán. Quả nhiên, Lưu Bị chuyển hướng tấn công Đông Ngô thay vì đánh Ngụy vì cho rằng việc báo thù quan trọng hơn.

2. Quan Vũ là nhân vật duy nhất được cả ba đạo lớn của Trung Quốc thờ phụng: Khổng giáo phong cho ông làm Võ Thánh, ngang hàng với Văn Thánh là Khổng Tử. Đạo Lão phong Quan Vũ làm Quan Thánh Đế Quân chuyên bảo vệ nghĩa khí trừ tà ma, còn đạo Phật tôn xưng Quan Vũ làm Già Lam Bồ Tát mặc cho ông sinh thời giết người như ngóe. Điều này cũng là một chiêu bài của chế độ phong kiến Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn luôn tồn tại của ba tôn giáo Nho, Lão và Phật để dễ bề kiểm soát và cai trị.

3. Phong trào thờ Quan Vũ nổi lên thịnh nhất là thời nhà Thanh, một triều đình ngoại tộc không phải người Hán. Rút kinh nghiệm của nhà Nguyên Mông khi xâm lược Trung Quốc bị dân Hán oán ghét, giai cấp thống trị Mãn Thanh khuyến khích lập miếu thờ Quan Vũ để xoa dịu tinh thần chống đối của người Hán và ràng buộc tinh thần trung quân ái quốc của Quan Vũ vào giai cấp nho sĩ, buộc họ noi gương Quan Thánh trung thành với triều đình. Chiêu bài “Hàng Hán bất hàng Tào” được sử dụng rất hữu hiệu để chiêu dụ những quan lại người Hán có tinh thần phản Thanh phục Minh.

Qua những dẫn chứng nêu trên, hình tượng anh hùng của Quan Vũ được dựng nên có dụng ý chứ không hẳn là dựa trên thực tế vì con người thực của Quan Vũ mang đầy những khuyết điểm. Những người tôn thờ Quan Vũ từ bao đời nay đã bị nhồi sọ bởi tư tưởng trung thành tuyệt đối với nhà cầm quyền bất kể sai đúng để bị lợi dụng hi sinh vì hai tiếng "anh hùng".

Barry Huỳnh Chí Viễn

No comments:

Post a Comment