Friday, November 8, 2019

Từ Thứ hàng Tào

Từ Thứ tự Nguyên Trực. Khi trẻ chuộng sức mạnh, muốn làm nên sự nghiệp như Hoắc Khứ Bệnh, Vệ Thanh, bèn theo nghề cung kiếm. Thứ thường sử cặp song kiếm, nhiếp hồn đối phương trong nháy mắt, rồi vỗ vai khẳng khái kết bạn. Thường tự cho rằng mình là quân tử kiếm, không cầu thắng làm thiên hạ vô địch, mà chỉ bảo vệ lẽ phải.
Một ngày nọ, bạn của Thứ bị cường hào ép chết, người nhà đến khóc lóc với Thứ. Thứ ngửa mặt lên trời than: Tiếc cho đôi song kiếm của ta lại phải ra tay với bọn chuột nhắt. Nhưng thù bạn không báo sao gọi là quân tử kiếm. Bèn một mình xách song kiếm đang đêm vượt tường vào nhà cường hào lấy mạng kẻ thù, rồi cao chạy xa bay. Quan phủ cáo thị khắp nơi truy nã Thứ. Có người biết hành tung của Thứ nhưng cũng không dám báo.
Thứ cùng đường, có người giới thiệu cho bọn lục lâm dư đảng Khăn Vàng, ngày chẹn đường kiếm tiền mãi lộ. Thứ thở dài: Một thân võ nghệ siêu quần, chí lớn trùm đời, mà tới bước làm tên cướp đường thế này đúng là trời định. Có lẽ đó là số kiếm của nghề cung kiếm, Bèn chôn song kiếm bên sông, thề không động tới đao kiếm và dứt áo ra đi.
Thứ có hai người bạn cũ là Thạch Thao và Thôi Quân, nghe Thứ sử Kinh Châu là Lưu Biểu có hùng chí, văn tài lại đang thu nạp hào kiệt, bèn nhằm phương Nam mà đi. Đến vùng Long Trung lại quen được các bạn mới là Gia Cát Lượng, Bàng Thống, tôn Tư Mã Huy làm anh, Bàng Đức Công làm thầy, ngày đêm chuyên cần đọc sách. Trong vài năm ôm hết kinh luân thiên hạ. Thứ cũng chuyên cần cày cấy có được sản nghiệp khá khá, bèn đón mẹ về ở cùng, thờ rất hiếu.
Một ngày kia, nghe Lưu Bị đóng ở Tân Dã là Tả Tướng quân nhà Hán là người có hùng tâm, bèn đến xin ra mắt, Bị bèn dùng Thứ làm mưu sĩ. Bị lại nghe lời Thứ đến mời Lượng
về cùng làm quân sư, ngày đêm bàn việc thiên hạ. Từ đó mới có Long Trung Sách, mưu đồ chia ba thiên hạ thành thế chân vạc. Sách đó Lượng là tay thủ bút, Bị là người có tầm nhìn, Thứ là người thêm màu sắc và đường nét vậy. Có người cho rằng Long Trung Sách là do Lượng viết sẵn khi còn ngủ ở Ngọa Long Cương, thật là sai lầm.
Nhưng rồi Tào Tháo đem quân trăm vạn nam hạ. Lưu Biểu mất không đúng lúc. Con trai thứ là Lưu Tông đem 9 quận Kinh Tương đầu hàng Tào Tháo. Bị cũng Thứ, Lượng dẫn đám tướng võ Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, kịch chiến với quân Tào tại Tân Dã thất bại. Thứ bèn bày mưu "Nếu ta đánh nhau với Tào bây giờ chẳng khác trứng chọi đá. Nếu vừa đánh vừa lui sớm muộn cũng bị Tào Tháo bắt. Chi bằng chúa công cho Quan Vũ đem quân bản bộ chạy gấp về Giang Hạ, thu lấy quân thủy bộ của Lưu Kỳ, lập sẵn phòng tuyến thứ hai ở đó. Khi đó Tháo như cây cung căng hết sức bật, dễ dầu gì nuốt sống được ta." Bị nói "Ý kiến của quân sư rất cao. Nhưng nay đang cần sức chống Tào. Mất Vũ là mất nửa sinh lực của quân ta." Thứ nói "Đây cũng ví như để giành giống cho mùa sau. Nếu ở đây, kéo dài được thêm vài ngày rồi cũng mất cả. Có điều chúa công cần rõ, đây là canh bạc mạo hiểm, những người ở lại cần giữ được chân quân Tào để Vũ có thời gian chuẩn bị." Bị nói "Ta cần biết, nếu quân Tào kéo tới Giang Hạ, ta sẽ đánh tiếp thế nào. Điều thứ hai, làm sao để cầm chân quân Tào trong 10 ngày".
Thứ đáp "Thủy quân Giang Hạ khét tiếng thiên hạ. Năm xưa Tôn Kiên oai dũng như vậy mà mất mạng dưới tay Hoàng Tổ và Tô Phi. Tháo không giỏi thủy chiến, chỉ cậy vào quân bộ, ắt sẽ phải tụ ở Nam Quận, Công An, Xích Bích lâu dài, khi đó ta có thể uốn ba tấc lưỡi thuyết Đông Ngô vào cuộc".
Lượng nói "Tôi có quen Lỗ Tử Kính đại tướng Đông Ngô, có thể nhờ ông ấy tiến dẫn với Ngô hầu. Tôi tin rằng Ngô sẽ không muốn để Tào nuốt bên ta, vì sau đó sẽ đến lượt họ. Vì vậy có thể thuyết phục được. Khi Ngô và Tào đại chiến, chúng ta sẽ thu thập các quận ở Kinh Châu. Còn việc cầm chân quân Tào có lẽ nên nhờ thêm sức trăm họ".
Bị bèn phái Vũ mang 2000 quân kỵ bản bộ chạy ngày đêm trước tới Giang Hạ đoạt binh phù của Lưu Kỳ và có được 2 vạn quân thủy và một vạn quân bộ, cờ quạt san sát lập phòng tuyến theo thế ỷ đốc chờ sẵn.
Hôm sau Lượng cho cáo thị "Ai không muốn ở lại với Tào thì theo Lưu Sứ quân về Kinh Châu". Trăm họ, phần đông không biết mô tê gì bèn gồng gánh theo Bị khá đông. Quân tuyển phong bên Tào đang tiến như bay đánh vấp phải một đoàn người trẻ con cụ già đàn bà gồng gánh lôi thôi nên không biết làm thể nào bèn phải dừng ngựa hạ trại được đại quân tới. Tào Tháo nghe tin báo cũng không biết được sự thực thế nào bèn sai đại quân tiến gấp nhưng cũng mất 5 ngày mới tới được Đương Dương.
Tại Đương Dương, Từ Thứ quyết định chia đôi quân, bố trí 2000 quân của Trương Phi lui về lập phòng tuyến tại sườn dốc Tràng Bản. Cánh quân của Triệu Vân sẽ có nhiệm vụ tử thủ bảo vệ trận địa để đại quân của Bị rút lui nếu đại chiến bất lợi. Theo kế hoạch của Từ Thứ, tại Đương Dương chỉ cần duy trì được 3 ngày. Vì vậy ngày đầu tiên, Bị cho treo miễn chiến bài, với dòng chữ "quân đi xa mỏi mệt, không chiến".
Tào Tháo nghe thám tử hồi báo, vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ nói "Huyền Đức muốn dựng cờ nhân nghĩa như Tống Tương Công ngày xưa ư. Cung kính không gì bằng theo ý.", bèn cho quân cắm trại nghỉ ngơi hai ngày. Trình Dục nói: "Thưa chúa công, tuy quân đi xa mỏi mệt, như gân đang săn khí đang hăng, đánh ngay vẫn có lợi thế hơn. Tôi e nghỉ 2 ngày lòng quân trễ nải." Tháo cười "Ta đánh trận cả đời lẽ nào không biết, nghỉ ngơi 5 ngày quân mới trễ nải. Quân ta đi bộ hàng trăm dặm, nghỉ hai ngày không nhiều. Có điều ta chưa hiểu tại sao Huyền Đức lại tốt bụng như thế."
Hai hôm sau Tào -Lưu đại chiến tại Đương Dương, dân chúng bất đắc dĩ chứng kiến cảnh đâm chém máu chảy thành sông, khóc như ri. Quân Tào chiếm ưu thế áp đảo nên cũng không vội vã, tránh thương vong vô ích. Khi trời sập tối, toàn bộ đại quân của Lưu Bị với các tướng Lưu Phong, My Chúc, My Phương, đã rút khỏi chiến trường di chuyển về Tràng Bản chỉ còn lại quân bản bộ của Triệu Vân là 500 người và nhiều nhóm nạn dân. Vân cho đốt hàng ngàn đống lửa. Tháo quan sát từ xa tưởng đại quân Lưu Bị hạ trại bèn cho khua chiêng thu quân và gửi khoái mã đem thư miễn chiến sang quân Lưu hẹn giờ Mão hôm sau đối trận.
Trình Dục nói với Tháo "Tôi đã bắt được mẹ Từ Thứ, xin cho yết kiến Thừa Tướng." Tháo cho mời vào, đối đáp rất trọng hậu. Tháo nói "Ta là Thừa tướng Đại Hán, thống nhất thiên hạ để xã tắc khỏi phân tranh, muốn dẹp yên những tên chống đối mong lão mẫu hiểu cho." Từ Mẫu nói "Trước kia tôi chưa được gặp ngài. Nay mới biết ngài quang minh chính đại. Xin tình nguyện viết thư khuyên con về hàng nhà Hán." Tháo rất mừng lại khoản đãi Từ Mẫu trọng hậu hơn.
Sáng hôm sau, giờ Mùi quân Tháo tiến lên chỉ gặp quân bản bộ của Triệu Vân. Vân ra sức đánh, đến trưa chỉ còn vài chục tên tướng tâm phúc, theo hẹn với Từ Thứ, mở đường máu thoát ra khỏi chiến trường. Trên đường Vân có gặp một chiếc xe, chỉ có một đứa trẻ nằm khóc, nhìn ra chính là Lưu Thiện con trai của Bị. Vân bèn buộc Thiện vào người và chạy về Tràng Bản.
Chiều hôm đó quân Tào tiến tới dốc Tràng Bản, thấy quân Trương Phi trấn giữ ở đó, cờ xí rợp trời, trống chiêng inh ỏi. Trương Phi trắng trẻo, tuấn tú, cao lớn thong dong cưỡi ngựa trong vô cùng nhàn nhã. Tháo bất giác thấy kính phục, nhớ lại hồi luận võ nghệ ở Hứa Đô Quan Vũ có nói Trương Phi võ nghệ còn cáo siêu hơn Vũ. Bèn cho quân hạ trại, hẹn sáng mai giao chiến.
Sáng hôm sau, Tháo cho đội tiên phong của Tào Nhân, Nhạc Tiến xuất trận. Trương Phi cầm cự được từ sáng đến tối, Qua ngày thứ hai, Tháo cho xuất toàn quân đại tấn công, Bị cũng đem quân tới nghênh chiến, tới chiều quân của Bị đại bại, từng tốp một trốn chạy khỏi chiến trường. Tháo bèn cho thu quân ăn mừng chiến thắng và hẹn ngày mai sẽ phá nốt tàn quân của Bị.
Đến nửa đêm quân kỵ của Phi cũng nhổ trại chạy về Giang Hạ tập hợp với quân của Bị và Vũ.
Hai ngày sau, tại Giang Hạ, Bị, Vũ, Phi gặp nhau mở tiệc ăn mừng. Công đầu thuộc về Từ Thứ. Rượu đang vui, Từ Thứ ôm mặt khóc. Bị kinh ngạc hỏi duyên cớ. Thứ nói "Chẳng may lão mẫu đã bị Tào bắt được. Đã có thư khuyên tôi hàng Hán. Vì vậy tiệc hôm nay là lần cuối của tôi với chúa công."
Bị khẳng khái nghe lời "Ta rất tiếc, nhưng mẫu tử tình thâm, Nguyên Trực hãy lo cho mẹ." Thứ nói "Chúa công đã có Khổng Minh giúp tôi cũng yên tâm. Sau này trong việc quân tôi xin tiến cử thêm Bàng Sĩ Nguyên. Việc lớn lo gì không thành"
Lượng nói "Các nước đánh nhau, không bức bách mẹ cha của nhau. Ngày xưa Hạng Vũ còn không giết Thái Công. Chắc Tào Tháo không hại mẹ tiên sinh. Tôi cho rằng Trung nguyên kẻ sĩ nhiều, tiên sinh về đó cũng chỉ mai một tên tuổi. Theo Lưu Sứ Quân chúng ta sẽ là Trương Lương, Hàn Tín."
Thứ vẫn quyết ý ra đi. Bị lưu luyến như không dám ép.
Trước khi sang bên Tào, Thứ ghé nhà Bàng Thống khẩn khoản nhờ Thống giúp Bị. Thống giận nói "người coi ta là món đồ thay thế cúng tế chăng" bèn không nhận lời.
Sau này, Lượng làm đến Thừa tướng nhà Thục, nghe tin bọn Từ Thứ, Thạch Thao, Thôi Quân bên Tào chức chỉ tới trung lang tướng, bèn ngậm ngùi than thở.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

No comments:

Post a Comment