Thursday, November 28, 2019

Nước cờ chết người của Tư Mã Viêm

Người ngu làm việc ngu là chuyện thường, có thêm hay bớt một việc đại ngu cũng không thay đổi thế cục, vốn là kết quả chồng chất của vô số cái ngu. Nhiều hoàng đế ngu lại may có những đại thần tài cán giúp đỡ, có khi được lưu danh sử sách là minh quân. Điều đó cũng công bằng vì ít ra họ còn cho lương thần cơ hội bộc lộ tài năng. Nhà lãnh đạo thông minh cũng có thể có sai lầm, thường là nhỏ nhặt đến mức người thường cũng không mắc phải. Kế hoạch của họ có thể rất tinh xảo, nhưng cái tinh xảo đó sẽ phóng to sai lầm nhỏ lên vạn lần. Và vì họ là chúa thông minh nên thủ hạ dù tài giỏi cũng chỉ quen tán thưởng. Người ta nói gần cây cao thì cớm nắng là thế.
Tư Mã Viêm là một trong 5 hoàng đế xuất sắc nhất Trung Quốc, chấm dứt thế cục Tam Quốc, thống nhất đất nước, sáng lập nhà Tấn. Viêm là con Tư Mã Chiêu, cháu Tư Mã Ý, nối đời cầm quyền nhà Nguỵ. Viêm dung mạo khôi ngô kỳ vĩ, tiếng vang như chuông, mắt sáng như sao, long lanh có thần khí, tay vượn buông dài quá gối, dáng đi như hổ bước, ngồi như rồng cuộn. Điều đặc biệt là mái tóc dài 9 thước, dày và xanh mướt. Khi lên triều, sắc mặt Viêm không giận mà có uy, tuổi trẻ mà vẫn làm các lão thần sợ phục. Viêm lại có tư chất thông minh, tính toán vượt xa các đại thần, nên quyết đoán như thần, trăm lần không sai một. Hơn xa cha là Chiêu, bác là Sư và ông là Ý. Cả đời Viêm có một sai lầm thảm hoạ, tuy không ảnh hưởng gì đến cuộc đời Viêm nhưng làm nhà Tấn và dân tộc Trung Hoa suy bại, xoá sổ hoàn toàn công lao xây dựng sức mạnh và giá trị văn hoá từ mấy nghìn năm của các triều đại Chu Tần Hán mở đường cho ngoại bang vào đè đầu cưỡi cổ làm loạn Hoa Hạ. Vì vậy Viêm gây hại gấp bội so với hai hoàng đế ngu muội nổi tiếng Hoàn và Linh nhà Hán.
Sau khi thống nhất thiên hạ, trong nhiều năm Viêm suy nghĩ về việc bảo vệ cho nhà Tấn được hùng mạnh lâu dài. Nhận thấy hoàng thất nhà Hán và của ba nước thời Tam Quốc đều yếu, không giúp được cho vua khi có loạn, để mặc các sứ quân làm loạn bức hiếp thiên tử, Viêm bèn phân phong cho các con, em, chú bác và các ông (anh em Tư Mã Ý) làm vương giữ binh quyền để trợ giúp vua khi có loạn. Không phải Viêm không tính tới việc hoàng thất tranh giành ngôi Hoàng đế. Viêm tính rằng nếu một vương làm loạn các đại thần giỏi giang có uy vọng như Dương Tuấn, Vệ Quán, Giả Sung sẽ bày mưu và triệu các vương khác về dẹp loạn. Kế hoạch của Viêm có thể là hoàn hảo nếu người nối dõi là một người có trí khôn trung bình hoặc hoàng hậu là một nguòi ít thông minh và tham vọng quyền lực hơn Giả Nam Phong, con gái Giả Sung.
Tư Mã Trung, người nối ngôi Viêm, là một kẻ ngớ ngẩn, dở dại, là bung xung để Giả Hậu, các đại thần và các vương thanh trừng chém giết lẫn nhau. Kết quả chiến loạn hơn mười lăm năm, nhiều đại thần bị thanh trừng, diệt tộc, 8 vương tham gia tranh đoạt chết 7, số công hầu bị chết không tính xuể, đất nước điêu linh. Trung Hoa yếu đi cả về kinh tế và quân sự, các giá trị đạo đức bị tổn thất nghiêm trọng. Nhân dịp đó các tộc Hung nô phương Bắc xâm nhập vào Trung Nguyên, nhà Tấn phải xiêu dạt về phương Nam mở đầu cho thời kỳ Ngũ Hồ loạn Hoa rồi tới Thập lục quốc. Sử gọi nội loạn nhà Tấn do Tư Mã Viêm gây ra là Bát vương chi loạn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

4 comments:

  1. Pham Duc Linh: Nhà Tấn thu cả thiên hạ, sau tàn quá nhanh. Có gì hơi giống Thái Bình Thiên Quốc về sau, các Vương quay ra chém nhau đầu tiên nên mới bung nhanh vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Thái Bình Thiên Quốc là người dưng chém giết lẫn nhau. Quân lại ô hợp đương nhiên là như thế. Nhà Tấn là trong nhà tàn sát lẫn nhau, vua thì ngớ ngẩn, hậu thì quá gian manh.

      Delete
  2. Nghia Doan: Tóm lại của cải thiên hạ thì để thiên hạ quản, đừng đem người trong nhà ra mà nhử, rồi tàn sát lẫn nhau và cả thiên hạ, có phải thế không anh? Được phong đất, phong chức mà chỉ vì quan hệ không thể bền bằng nhờ tài cán (gì đó) mà được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Người trong hoàng thất thì tính pháp lý lên làm vua cũng ngang bằng vua, do đó sẽ là đối thủ lớn nhất của vua. Người ngoài họ không có tính pháp lý đó.

      Delete