Friday, March 19, 2021

GS. LOVÁSZ LÁSZLÓ ĐOẠT GIẢI ABEL

 Báo Hung hôm nay rộ tin GS. VS. Lovász László, cựu Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế (2007-2010) được Giải Abel, được xem như Giải Nobel trong Toán học. Nhiều bài phỏng vấn ổng rất hay, mà mình không đủ chuyên môn để dịch. Khoảng 16 năm trước mình có được đi nghe ông thuyết giảng (hay nói chuyện thì đúng hơn) 1 buổi về ứng dụng của toán lý thuyết trong đời sống - trong loạt bài giảng những kiến thức phổ cập cho người không trong chuyên ngành Toán (Mindentudás Egyeteme) - vô cùng thú vị.

GS. Lovász László (sinh năm 1948) là học sinh chuyên Toán trường Fazekas Mihály (Budapest) trong thời gian 1962-1966, và 3 lần liền đoạt HCV trong các kỳ Toán Quốc tế (1964, 1965 và 1966). Ông là “trùm sò” về Tổ hợp, đã cùng một trong những tên tuổi lớn nhất (và kỳ dị nhất) của Toán lý thuyết thế kỷ thứ 20 là Erdős Pál lập ra tạp chí “Combinatorica” (1981). GS. Lovász László cũng là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (2014-2020), Viện trưởng Viện Toán học Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE).

Trước khi đoạt Giải Abel, GS. Lovász László đã sở hữu rất nhiều giải thưởng quan trọng về khoa học, như Giải Fulkerson (1982, 212), Giải thưởng Nhà nước Hungary (1985), Giải Pólya (1979), Giải Brouwer Medal (1993), Giải Wolf (1999), Giải Knuth Prize (1999), Giải Gödel (2001), Giải Neumann János (2006), Giải Széchenyi (2008), Giải Kyoto Prize in Basic Sciences (2010), Giải Kyoto (2010), và là thành viên của Hội Toán học Mỹ (American Mathematical Society, 2012), Công dân Danh dự Budapest (2018).

GS. Lovász László cũng đã từng sang Hà Nội giảng bài trong Hội nghị Tính toán Hiệu năng cao, và là thầy của GS. Vũ Hà Văn, một trong những gương mặt toán học sáng giá nhất hiện tại của Việt Nam. Trước ông, cũng đã có hai nhà toán học Hungary nhận Giải Abel, là Lax Péter (2005) và Szemerédi Endre (2012).

Nguyễn Hoàng Linh

Vu Hoai Chuong (bổ sung):

Đọc tiểu sử của GS Lovász László, chắc ít người chú ý đến chi tiết sau đây:

1966-ban kezdte meg egyetemi tanulmányait az ELTE matematikus szakán. 1971-ben szerezte diplomáját. 1970-ben védte meg a matematikai tudományok kandidátusi, 1977-ben akadémiai doktori értekezését.

Như vậy ông nhận học vị tiến sĩ (kandidátus) toán học năm 1970, trước khi nhận bằng cử nhân năm 1971.

Hồi đó báo chí Hung đã đăng về chuyện này. Khi là sinh viên năm thứ tư đại học, ông nộp một công trình trong nhóm SV nghiên cứu khoa học (tudományos diákkör). Công trình có nhiều kết quả mới nên các phản biện đề nghị đặc cách công nhận ông là kandidátus. Một phản biện còn đánh giá công trình của ông xứng đáng với luận án TSKH.

Nền giáo dục Hungary rất nghiêm khắc, tuy là tiến sĩ nhưng ông vẫn phải học thêm năm cuối mới có bằng cử nhân. Theo tôi hiểu, học vị TS là thành quả nghiên cứu chuyên sâu về một hướng hẹp, còn bằng cử nhân bảo đảm kiến thức toàn diện để có thể làm việc, giảng dạy trong ngành.

Trong 5 năm sinh viên, ông bị 1 điểm 4 về hình học.

26 comments:

  1. Xuan le Khanh
    2010, Ngô Bảo Châu đoạt giải Field, thấy nói tương đương giải Nobel toán học. Bây giờ lại được biết giải Abel cũng tương đương. Vậy giải nào gần Nobel hơn?

    ReplyDelete
    Replies
    1. A Nguyen Quang
      Xuan le Khanh, Giải Field cho các nhà toán học trẻ có tuổi dưới 40, và giải vài ngàn $; còn giải Abel không có giới hạn tuổi và 0,9 triệu $

      Delete
    2. Viet Son
      Đúng là một tài năng toán học.
      Anh có thể giải thích thêm về giải Abel không? Ví như ai là chủ thể đứng ra xét duyệt và cấp giải? Thế giới có nhiều người đoạt giải không? Tiền thưởng đi kèm thế nào?..vv...

      Delete
    3. Vu Hoai Chuong
      Viet Son, Năm 2001 chính phủ Na Uy công bố lập ra một giải thưởng toán học theo mẫu của giải thưởng Nobel, đặt tên là Abel để kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà toán học Na Uy Niels Henrik Abel (1802-1829). Giải đi kèm với số tiền thưởng là 6 triệu tiền Krone Na Uy, có giá trị tương đương với 740.000 € hoặc 992.000 USD (theo tỷ giá năm 2010). Kể từ năm 2020 giá trị tiền thưởng tăng lên đến 7,5 triệu Krone Na Uy. Giải do một ủy ban quốc tế 5 thành viên quyết định. Từ năm 2004 đến 2006 nhà toán học Lovász László là thành viên ủy ban này.
      Một giải toán học khác là huy chương Fields đi kèm với khoản tiền thưởng là 15.000 đô la Canada tương đương 14.400 USD.
      Dưới đây là danh sách những người đã được nhận giải Abel. Trong số này có 5 vị đã nhận huy chương Fields từ 35-50 năm trước.
      2003: Jean-Pierre Serre (Pháp), huy chương Field 1954.
      2004: Michael Atiyah (Anh), Isadore Singer (Mỹ)
      2005: Lax Péter (Hungary-Mỹ)
      2006: Lennart Carleson (Thụy Điển)
      2007: S. R. Srinivasa Varadhan (Ấn Độ-Mỹ)
      2008: Jacques Tits (Bỉ-Pháp), John G. Thompson (Mỹ), huy chương Fields 1970
      2009 : Mikhail Gromov (Nga-Pháp)
      2010 : John Tate (Mỹ)
      2011 : John Milnor (Mỹ) huy chương Fields 1962
      2012 : Szemerédi Endre (Hungary-Mỹ)
      2013 : Pierre Deligne (Bỉ), huy chương Fields 1978.
      2014 : Yakov G. Sinai (Nga-Mỹ)
      2015 : John Forbes Nash (Mỹ), Louis Nirenberg (Canada-Mỹ)
      2016 : Andrew Wiles (Anh)
      2017 : Yves Meyer (Pháp)
      2018 : Robert Langlands (Canada)
      2019 : Karen Uhlenbeck (Mỹ)
      2010 : Hillél Fürstenberg (Israel-Mỹ), Grigory Margulis (Nga-Mỹ), huy chương Fields 1978
      2021 : Lovász László (Hungary), Avi Wigderson (Israel-Mỹ)

      Delete
  2. Muu Le Dung
    Tôi nhớ ở truòng ĐH EOTVOS hàng năm có kỳ thi Toán giành cho tất cả mọi người chưa là GS. Bài làm ở nhà trong 2- tuần. Khi còn là học sinh phổ thông Lovasz đã nhiều lần đoạt giải.
    Tôi còn nhớ khi là sv năm thứ 3 tôi cũng có ý định thi, nhưng đọc đề thì chưa hiểu hết các khái niệm có trong đề.
    Lovasz đã được ĐH Princeton mời qua giảng dạy nhiều năm, nhưng sau đó khi con cái lớn gia đình lại trở về Hungary. Một lần tôi hỏi là vì sao lại bỏ USA về thì vợ Lovasz (cũng là nhà toán học) bảo về vì các con. Bà nói ở đó mà thiếu cẩn thận thì con cái dễ thành hyppi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khang Do Ba
      Le Dung, Đó là kỳ thi Schweitzer Miklós Emlékverseny, dành cho những ai tốt nghiệp ĐH không quá 1 năm. Em vẫn nhớ hồi ở ELTE cũng mấy năm thử sức mình với kỳ thi này, nhưng chưa bao giờ chạm được tới giải khuyến khích 🙂. Tự hào duy nhất là có 1 lời giải được Lovasz trích lại và khen trong Matematikai Lapok 🙂 Nhớ lại, mỗi năm, 2 tuần lễ thi Schweitzer tầng 11 ký túc xá Budaorsi như một bệnh viện tâm thần vì ngoài hành lang luôn có các sinh viên đi lang thang, mắt đăm chiêu, mồm lẩm bẩm 🙂

      Delete
    2. Binh Tran
      Khang Do Ba, Anh thế là quá siêu rồi! (y) Điểm lại đến bây giờ thì hình như chỉ có Vũ Hà Văn và Tạ Thế Anh là 2 sv Việt nam được giải thôi 🙂 Hồi sv em toàn botay.com . Sau này một lần được chọn một bài vào đề thi năm 2013 🙂 :
      https://www.bolyai.hu/files/Schweitzer_2013_jelentes.pdf

      Delete
  3. Nguyen Huu Ninh
    GS Lovasz Laszlo học đại học ơ Szeged hay đá bóng với hội ký túc xá có khá nhiều sinh viên VN cùng đá. Lúc ông được bầu viện sĩ thông tấn và đọc bài “giữ ghế”, mấy đứa con nhỏ bảo “bố ơi nhà thiếu gì ghế mà phải lên Budapest giữ ghế”. Laci trả lời là “không đâu, đây là ghế đặc biệt”. Năm 2017 tôi sang Hungary dự kỷ niệm 650 năm thành lập Đại học Pécs gặp lại GS Lovasz đang là chủ tịch MTA và cựu chủ tịch MTA GS Palinkas, cả hai người cũng đều học Đại học Szeged. Xin nồng nhiệt chúc mừng GS Lovasz Laszlo và cảm ơn nền giáo dục của Hungary

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vu Hoai Chuong
      Nguyen Huu Ninh, GS Lovász László không học ở Szeged mà tốt nghiệp ngành toán Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (ELTE) tại Budapest và làm việc ở đây 4 năm.
      Từ 1975 đến 1982 ông là PGS rồi GS Đại học József Attila tại Szeged. Trong khoảng thời gian này, năm 1979 ông được bầu làm viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Hungary (31 tuổi, quá trẻ).
      Như vậy nếu anh em sinh viên VN ở Szeged đá bóng với ông thì đã đá với PGS / GS và viện sĩ thông tấn, chứ không phải đá với sinh viên.
      (Trích lý lịch khoa học do chính ông đăng lên):
      Curriculum Vitae
      László Lovász
      Born: March 9, 1948 in Budapest, Hungary
      Family: Married, 4 children
      Citizenship: Hungary, United States
      Degrees:
      Dr.Rher.Nat., Eötvös Loránd University, Budapest, Hungary, 1971
      Candidate of Math. Sci., Hungarian Academy of Sciences, Budapest,
      Hungary, 1970
      Dr.Math.Sci., Hungarian Academy of Sciences, Budapest, Hungary, 1977
      Academies:
      Hungarian Academy of Sciences, corresp. member, 1979; reg.member,
      1985.
      Positions held:
      Research Associate, Eötvös Loránd University, Budapest, 1971-75.
      Docent, József Attila University, Szeged, 1975-78.
      Professor, Chair of Geometry, József Attila University, Szeged, 1978-82.
      Professor, Chair of Computer Science, Eötvös Loránd University, Budapest, 1983-1993.
      Professor, Dept. of Computer Science, Yale University, 1993-1999.

      Delete
    2. Nguyen Huu Ninh
      Vu Hoai Chuong, Vâng chính xác anh. Lúc đó báo Szeged đã đăng câu chuyện về GS. Lovasz .khi nhận ghế viện sĩ

      Delete
    3. Nguyen Hoang Linh
      Vu Hoai Chuong, đá bóng với PGS là vinh dự lắm anh 🙂.

      Delete
    4. Nguyen Huu Ninh
      Hồi đấy PGS Lovasz rất trẻ khoài đá bóng với sinh viện mấy anh Việt Nam học toán lý hay đá bóng cùng ông áy.

      Delete
    5. Nguyen Huu Ninh
      Còn cựu chủ tịch MTA GS Jozsef Palinkad học vạt ly mình học sinh học ở cùng ký túc xá đi học về là đá bong sân mini. Bây giờ mỗi lần gặp nhau toàn nói chuyện đá bóng hồi đó suốt 5 năm liền

      Delete
    6. Nguyen Huu Ninh
      Câu chuỵen vui là mấy anh Việt Nam đá bóng thiếu ngưòi bảo nhau xem Laci dạy xong chưa goi ra cho đủ người

      Delete
    7. Nguyen Huu Ninh
      GS Palinkas với mình và GS Kariko Katalin cùng thời với nhau ở ký túc xá Herman Otto suốt ngày gặp nhau buổi tối học đói là hỏi nhau xem có gì không trong tủ lạnh. Hai vị nay cuối tuân về quê mang táo mỡ ngỗng lên là chia nhau mình được 1 phần cất tủ. Sang Hung gặp nhau rất khoái GS Palinkas la chủ tịch MTA mơi sang họp World Science Forum tổ chức o Viện Hàn Lâm đãi 3 ngày tơi bời

      Delete
    8. Vu Hoai Chuong
      Nguyen Huu Ninh, Năm 1979, 31 tuổi, GS Lovász đã là viện sĩ thông tấn. Chúc mừng Ninh được đá bóng với viện sĩ. Có lẽ anh em VN ở ngoài Szeged không ai có vinh dự đó.

      Delete
    9. Nguyen Huu Ninh
      Năm 2017 em sang gặp cả 2 GS ơ Pecs đều kể chuyện cũ rát khoái trí. Họ vẫn như xua bạn bè với nhau rất vui vẻ. Có cái thuận là mình cần việc gì thì cả 2 GS vói tư cachchủ tịch MTA xử lý rất nhanh và giới thiệu đúng chỗ Hiện em vẫn đang hợp tác với Hung về giống cây Hông chống biến đổi khí hậu đợi hết covid lại đi Hung và Mỹ

      Delete
    10. Nguyễn Văn Hôt
      70-71 Ông có xuống K.L.T.E, Debrecen thuyết trình Gyűrű elmélet

      Delete
  4. Viet Pham
    Ông Lovasz L là người Hungary thứ 3 đoạt giải Abel kể từ khi có giải 2003 tới nay, hai vị kia đoạt giải khi ở Hoa kì, ông Lovasz đoạt giải khi ớ Hung, tuy có thời gian dài làm việc tại Hoa kì.
    Giải Field có từ 1933, được trao 4 năm một lần trong hội nghị toán quốc tế cho tối đa 4 người/ lần. Giải này trao cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. Kèm huy chương là tiền tượng trưng 5 ngàn đô.
    Vì không có giải Nobel toán ( do cụ Nobel không đi chúc) nên hoàng gia Na-Uy lập ra giải Abel từ 2003, trao hàng năm và bình chọn như các giải Nobel, giải này có số tiền thưởng khoảng 1 triệu đô như các giải Nobel khác.
    Abel và Field đều là hai giải danh giá nhất trong lĩnh vực toán học và đều được coi như giải Nobel. Coi như thì không phải chữ Là.
    Hai giải tương tự Vô địch bóng đá thế giới và vô địch bóng đá olimpic

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Hoang Linh
      Viet Pham, Ai được cả Abel, Field và Wolf thì là Nobel tuyệt đối 🙂.

      Delete
    2. Vu Hoai Chuong
      Nguyen Hoang Linh, Có 5 nhà toán học được cả 3 giải Fields, Wolf và Abel như danh sách dưới đây. Trong đó sáng giá nhất là J.P. Serre: người trẻ nhất được huy chương Fields (28 tuổi) và người đầu tiên được giải Abel (2003).
      Qua 5 vị này ta thấy họ được giải Abel sau khi nhận huy chương Fields từ 35 năm đến 49 năm. Riêng tôi đánh giá giải Abel cao hơn vì là kết quả cộng thêm của mấy chục năm lao động sáng tạo đó.
      Jean-Pierre Serre (1926) Pháp, Fields Medal 1954, Wolf Prize 2000, Abel Prize 2003.(2003-1954=48 năm)
      John Willard Milnor (1931) Mỹ, Fields Medal 1962, Wolf Prize 1989, Abel Prize 2011. (2011-1962=49 năm)
      John Griggs Thompson (1932) Mỹ, Fields Medal 1970, Wolf Prize 1992, Abel Prize 2008. (2008-1970=38 năm)
      Pierre René, Viscount Deligne (1944) Bỉ, Fields Medal 1978, Wolf Prize 2008, Abel Prize 2013. (2013-1978=35 năm)
      Grigory Aleksandrovich Margulis (1946), Nga-Mỹ, Fields Medal 1978, Wolf Prize 2005, Abel Prize 2020.(2020-1978=42 năm).

      Delete
    3. Nguyễn Văn Hôt
      Abel là nhà toán học lớn của Norwey, ô cũng nghĩ ra khái niệm " nhóm Abel" trong toán học

      Delete
  5. Tinh Cao Cao Văn Tinh
    Là một sinh viên cực giỏi và chăm chỉ cách đay 50 nam ở trường đại học tổng hợp Budapest Hungary . Chúc mừng thành tích kiệt xuất nền toán học Hungary và trường ELTE

    ReplyDelete
  6. Lê Minh (DEBRECEN.vidi69):
    Lovász László học đại học tại Szeged !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thai Do
      Lê Minh, Mấy ông LHS VN học ở Deb trường to và uy tín hơn trường ở Szeged nhiều sao kg được cái gì nhỉ ?

      Delete
    2. Lê Minh
      Người TÀI thường được sinh ra ở những môi trường khắc nghiệt bạn ạ !

      Delete