Tuesday, April 6, 2021

Đế quốc Mông Cổ

 Tồn tại trong thế kỷ 13-14, là Đế quốc Du mục lớn nhất trên thế giới, Thành Cát Tư Hãn đã mở rộng đế chế của mình trải từ Đông Âu đến bờ biển Nhật Bản, bao gồm vùng Sibêri, cao nguyên Iran và Trung Đông, một phần tiểu lục địa Ấn Độ và mở rộng xuống phía Nam đến Đông Nam Á.

Mông Cổ nổi tiếng với đội quân tàn sát bằng sức mạnh hủy diệt đã lập nên 1 Đế chế rộng lớn với câu nói: "Ta là sự trừng phạt của trời. Nếu các ngươi không sai phạm, trời đã không cử ta xuống đây". Thành Cát Tư Hãn được nhớ đến vì sức mạnh ý chí mãnh liệt, khả năng thuyết phục và đặc trưng Mông Cổ của mình.

Một trong những đặc trưng đó ở ông là thiên tài quân sự, muốn thống lĩnh cả thế giới phải có 1 đạo quân như trên trời tràn xuống, đó là 1 đạo quân thiện chiến chưa từng có. Chiến binh Mông Cổ là những khinh kỵ binh cơ động linh hoạt với nhiều chiến thuật nhanh chóng và bất ngờ.

Để thực hiện việc xâm chiếm/mở rộng lãnh thổ, Thành Cát Tư Hãn tổ chức đội quân Mông Cổ thành các nhóm theo cơ số 10 (10 lính là một arban (thập hộ), 100 là một zuun (bách hộ), 1.000 là một myangan (thiên hộ), 10.000 là một tumen (vạn hộ) và mỗi một nhóm binh sĩ có một thủ lĩnh có trách nhiệm báo cáo với cấp trên cho đến tận tumen. Cơ cấu mệnh lệnh này tạo ra một sự mềm dẻo cao và cho phép quân đội Mông Cổ có khả năng tấn công ồ ạt, chia thành các nhóm nhỏ hơn để bao vây và dẫn dắt kẻ thù vào ổ mai phục hay chia thành các nhóm nhỏ 10 người để áp chế các nhóm tàn quân đã tan vỡ và đang trốn chạy. Quân đội Mông Cổ là đội quân rất mềm dẻo vì sự kiên định của binh sĩ. Mỗi người lính Mông Cổ có thể có từ 2 đến 4 ngựa cho phép họ phi nước đại trong vài ngày mà không cần nghỉ ngơi hay bị mệt mỏi. Binh sĩ Mông Cổ cũng có thể sống vài ngày chỉ cần uống máu ngựa và ăn thịt bò Tây Tạng khô khi thời tiết khắc nghiệt.

Binh lính Mông Cổ là các khinh kỵ binh (kỵ binh nhẹ) so với các kỵ sĩ châu Âu, điều này cho phép họ tiến hành các chiến thuật và rút lui nhanh chóng. Đây là một thông lệ đối với các đội quân linh hoạt. Người Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông là sự hoàn hảo của loại hình quân khinh kỵ bắn cung. Một trong những chiến thuật mà người Mông Cổ sử dụng trong chiến tranh là sự giả vờ rút lui giữa trận đánh, quân Mông Cổ có thể rút lui bất thình lình, làm cho quân đối phương tin rằng người Mông Cổ đã thua trận. Chỉ sau đó trong một khoảng cách nhất định thì họ mới hiểu là đã bị quân Mông Cổ bao vây và cuối cùng là hàng trận mưa tên bắn về phía họ. Người Mông Cổ không thích hợp với các cuộc cận chiến, họ thích tấn công từ một khoảng cách nhất định bằng cung tên, tận dụng khả năng bắn cung điêu luyện khi đang cưỡi ngựa vốn là ưu thế của họ. Vũ khí chủ yếu của người Mông Cổ là cung của người Hung và kiếm lưỡi cong, nhẹ và hiệu quả để mang vác và đánh nhau hơn là kiếm dài và nặng của người châu Âu.

Triết lý quân sự của Thành Cát Tư Hãn nói chung là đánh bại kẻ thù với ít tổn thất và rủi ro nhất cho người Mông Cổ, dựa trên lòng trung thành và tài năng trong việc lựa chọn các tướng lĩnh và binh sĩ.

Thành Cát Tư Hãn còn sử dụng một cuộc chiến khác để tác động vào tinh thần của đối phương. Nếu nhận thấy ở đó có sự chống cự và thấy đó là 1 vị trí quan trọng, ông có thể đưa ra cơ hội để họ đầu hàng và cống nộp. Nếu lời đề nghị bị từ chối, ông sẽ tiêu diệt cả thành phố hay thị trấn đó nhưng lại để cho một số người chạy trốn nhằm loan truyền tin về tổn thất của họ cho cư dân của các thành phố khác. Khi những tin đồn về sức mạnh của đội quân Mông Cổ đã lan rộng thì sẽ rất khó cho các thủ lĩnh của các thành phố đó trong việc thuyết phục người dân của họ chống lại Thành Cát Tư Hãn. Quan điểm của ông đối với các kẻ thù là: đầu hàng và chịu cống nộp hoặc là chết. Khi họ đã đầu hàng, Thành Cát Tư Hãn thông thường giữ cho thành phố đó được nguyên vẹn và đảm bảo cho họ sự bảo vệ để họ trở thành nguồn nhân lực và quân nhu cho các chiến dịch trong tương lai. Nếu họ chống lại, ông thực hiện quyền sinh sát của người cai trị một cách tàn nhẫn. Người ta cho rằng ông đã tiết kiệm nhiều tổn thất sinh mạng cho quân đội Mông Cổ nhờ chiến tranh tâm lý và sự hăm dọa đối với kẻ thù.

Công nghệ là một mặt quan trọng trong chiến thuật của ông. Những thiết bị vây hãm là một phần quan trọng trong các cuộc chiến, đặc biệt trong việc tấn công các thành phố đã tăng cường phòng thủ. Ông sử dụng các nhà kỹ thuật Trung Quốc am hiểu về các thiết bị vây hãm trong quân đội của mình. Các thiết bị này được tháo rời và vận chuyển bằng ngựa và được lắp ráp lại ở nơi mà chúng cần sử dụng.

Mặt khác, các tướng Mông Cổ là những chiến binh với mức độ độc lập cao trong các quyết định khi họ tỏ rõ lòng trung thành với Thành Cát Tư Hãn trong một thời gian dài. Người ta cho rằng, để chuẩn bị cho chiến tranh, các thủ lĩnh có thể cử 200 kỵ binh đi theo 4 hướng khác nhau để do thám các hoạt động của kẻ thù và đôi khi binh sĩ có thể đi tới 300 km trong 1 hay 2 ngày, điều này là thông thường trong thời đại của đội quân Mông Cổ.

Mặc dù chiến lược của người Mông Cổ (sẽ) có sự thay đổi tùy theo phản ứng của kẻ thù, nhưng chiến thuật cơ bản của họ vẫn chỉ là một. Quân Mông Cổ giao chiến theo hàng dọc, thông thường có ba cánh quân, hai cánh bên hông có thể tách ra từ cánh quân trung tâm khi họ tính toán xem nơi nào họ có thể thọc vào. Các cánh quân bên hông có quân số tương đương có thể đi sâu vào lãnh thổ kẻ thù và bắt đầu chôn vùi kẻ thù bằng các toán quân được chia thành các cơ, đội 10, 100, 1.000, 10.000 binh sĩ với các thủ lĩnh của họ, nó tạo ra một lực lượng chiến đấu rất tinh tế và có tổ chức cao, gần như không thể ngăn chặn nổi bởi những đội quân nông dân của người châu Âu hay Trung Quốc. Khi họ hiện diện ở một nơi nào đó và do thám các thành phố và cánh đồng xung quanh, họ có thể bằng cách nào đó nhập lại với cánh quân trung tâm và đưa ra đòn đánh quyết định với đội quân chính của kẻ thù. Tư tưởng và ưu thế của việc sử dụng các lực lượng bên hông là lan truyền đe dọa, khủng bố (người Mông Cổ rất giỏi việc này), thu thập tin tức tình báo từ các kẻ thù của họ và loại bỏ các đơn vị nhỏ hơn của kẻ thù để cho họ không thể hỗ trợ lẫn nhau. Nói cách khác, nó là một dạng của khái niệm phân chia và chế ngự. Các cánh quân bên hông này gửi các thông điệp thông qua tình báo cho các cánh quân khác về những gì xảy ra trên hướng của họ và họ có cần sự hỗ trợ từ các cánh quân đó hoặc hỗ trợ các cánh quân đó hay không. Quân đội Mông Cổ có các cuộc giao chiến với các đội quân nhỏ lẻ trên các cánh đồng trước khi tiêu diệt lực lượng đối địch chính, điều này làm tăng ưu thế của họ trong việc loại trừ khả năng thông tin từ nơi này sang nơi khác của đối phương. Người Mông Cổ giỏi chiến tranh vây hãm, giỏi làm lệch dòng chảy của các dòng sông cũng như cắt đứt lương thực, thực phẩm cho các thành phố và gửi những người tỵ nạn tới các thành phố khác để tạo sức ép về kinh tế-xã hội cho các thành phố này (lương thực, thực phẩm, nơi ăn ở v.v).

Với cách thức đó, đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã đánh bại những kẻ thù của mình. Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á-Âu để bành trướng lãnh thổ đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán, đồng thời ông cũng thi hành chính sách tự do tôn giáo, cho phép tín đồ mọi tôn giáo được tự do hành đạo. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo với những người chống đối. Theo ước tính, đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã giết hơn 40 triệu người tại các lãnh thổ mà họ xâm chiếm.

Tóm lược từ nhiều nguồn (Net)

12 comments:

  1. Phan Anh Sơn
    Bài có nhiều thông tin rất hay, em cám ơn anh đã chia sẻ!

    ReplyDelete
  2. Những kỵ binh Mông Cổ ko mạnh bằng những hiệp sĩ châu Âu, họ ko tài giỏi hơn những kỵ binh Macedonia hay Ottoman, nhưng khi lực lượng kỵ binh Mông Cổ hợp lực tác chiến, họ là mạnh nhất. Họ như những con sói hoang trên chiến trường, sinh ra trên lưng ngựa và sinh ra để chiến đấu.

    ReplyDelete
  3. Khanh Phanvan
    Từ đâu họ bị suy vong vậy?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Do tranh chấp quyền lực (chủ yếu từ hậu quả của các cuộc chiến tranh kế vị).
      Tiếc rằng những thành quả của Thành Cát Tư Hãn tập hợp cả những giá trị của phương Đông và phương Tây đều ko được kế thừa.
      Nếu đế chế này tồn tại lâu hơn và phát triển rực rỡ hơn, có thể 1 kỷ nguyên khác đã mở ra cho châu Á?

      Delete
  4. Chu Kim Anh
    Phim Ky hoàng hậu nói về đời hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn anh ạ

    ReplyDelete
  5. Bùi Thị Nghi
    Bài viết tuyệt vời! Chú Bình chịu khó đọc và tìm hiểu lịch sử như vậy! Đội quân của Thành Cát Tư Hãn thật hùng mạnh,vang bóng một thời! Nhưng vẫn chịu thua đội quân của tướng Trần Hưng Đạo trong cuộc chiến bảo vệ đất nước,3 lần chiến thắng quân Nguyên!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bùi Thị Nghi, em chỉ sao y/gom từ các bài trên mạng thôi ạ.
      VN và Ấn Độ là 2 ngoại lệ ở Nam Á và ĐNA.
      Đến nay, Trần Hưng Đạo và Hội nghị Diên Hồng vẫn là những nhân vật và dấu tích ko phai mờ trong những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc ta.

      Delete
  6. Nguyen Q Quy
    quân Mông đi xa hơn nữa, kg chỉ đến đông Âu. Chính xác hơn, quân mông đến tận St Gallen, Thuỵ sĩ. Giờ trong 1 làng, còn nhiều ng gốc mông

    ReplyDelete
  7. Liem Tran
    Bài hay quá Cao Bình ơi, đúng là sức mạnh kinh hoàng của Mông Cổ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc còn rất nhiều cái hay nữa về Thành Cát Tư Hãn và đội quân của ông mà mình vẫn chưa tìm hết bởi ko đủ thời gian.
      Cảm ơn bạn đã đọc và có nhận xét như thế!

      Delete