Saturday, April 17, 2021

Tư liệu về đường kách mệnh: Chuyện sai lầm của ngày xưa làm theo Tàu đỏ

 Cải cách ruộng đất

—- chuyện kể lại, qua Nguyen Xuan Long

Những hồi ức thời cải cách ruộng đất của bố tôi. Hồi đang học đại học, trong một vài lần về thăm nhà mới bắt đầu được nghe ông kể, có những hôm tràn cả đêm. Nhưng cũng có nhiều chi tiết hôm nay mình mới được đọc. Gộp luôn ba bài để vào đây cho tiện đọc, vửa chia sẻ với anh em bè bạn, vừa để những ký ức của ông không bị quyên lãng.

THỜI GIAN GỢI NHỚ... 

 Nguyễn Xuân Lực

1/ Mùa Bắn

Tôi nhớ vụ cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở quê tôi được khởi sự vào khoảng tháng 9 Ất Mùi 1955. Nó diễn ra hết vụ đông-xuân 55-56 sang đến hè thì đội rút. 

Khi đội CCRĐ về, ngay lập tức khắp hang cùng ngõ hẻm các khẩu hiệu viết trên nong, nia, các mảnh cót, các tấm ván... được bày la liệt. "Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên! ". "Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại". "Dựa hẳn bần cố nông, đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ địa chủ". "Đánh đổ giai cấp địa chủ và phong kiến, thực hiện người cày có ruộng"... Những khẩu hiệu đó và một số khẩu hiệu khác như "Đả đảo tên địa chủ cường hào gian ác... nọ, thằng địa chủ phản động... kia” được lũ trẻ trâu hằng đêm khua trống mõ hô vang trời, dậy đất khắp làng trên xóm dưới hô hét sát nhà nạn nhân. 

Các đội viên CCRĐ mọi nơi, mọi lúc đi "bắt rễ xâu chuỗi" với các gia đình bần cố và tổ chức bày dạy cách đấu tố địa chủ. Đội viên, các khổ chủ "sáng dạ" lên thị phạm "đấu tố mẫu"cho mọi người học hỏi. Địa chủ được giả định là gốc cây hay cái cột nhà nào đó. Những cuộc diễn tập như thế được chuẩn bị công phu như tập một vở kịch vậy. Trước khi đấu một tên địa chủ nào đó, đều có sự phân công, ai lên trước, ai lên sau, đảm bảo cuộc đấu tố không bị gián đoạn. Cả mùa đông năm 1955 chủ yếu là đấu tố. Địa chủ thường chỉ bị đấu, tố một đêm ở điếm của xóm. Khi dân quân vừa dẫn địa chủ đến cửa điếm, tiếng hô đả đảo vang trời. Địa chủ chưa kịp hoàn hồn, vài nông dân tranh nhau lên đấu tố. Phải nói họ rất thuộc bài kẻ thét, người khóc rất ăn nhịp!!!  Đến hôm nông dân đến tịch thu nhà cửa, tài sản lại đấu một lần nữa. Lần đấu này cả vợ lẫn chồng bị kéo ra hai góc vườn để nông dân đấu, trong lúc rất đông các người lớn cùng trẻ choai choai ND (nông dân) vào khiêng dọn tài sản. Mọi loại giấy tờ, sách vở đều bị đốt hết. 

Còn địa chủ cường hào gian ác, phản động bị đưa ra trường đấu xã. Như xã Thanh Tài, đấu trường xã là chợ Quánh, trước cửa nhà Cố Tể, cho cả xã đấu, đấu cả ngày. Tùy theo đội, có người đấu một trận, có người đấu vài ba trận. Việc đấu tố từng cá nhân chủ yếu diễn ra trong mùa đông 1955. Một số "lọt lưới", ra giêng tiếp tục đấu. Mùa Xuân Bính Thân 1956, được coi là Mùa Bắn. 

11 tháng giêng, Thanh Tài bắn ba người. 

12 tháng hai, Thanh Luân bắn hai người. 

14 tháng hai, Thanh Tài bắn một người. 

Cùng dịp này Thanh Ngọc bắn hai người. Thanh Luân sau ngày 12 bắn thêm một người nữa. 

Thanh Ngọc ngoài hai người tôi biết rõ là ông Trần Nh và ông Ng. H. KH. Người thứ 3 thứ tư nếu có, tôi không nhớ. Vì lúc đó tôi 12 tuổi. Mỗi xã hồi CCRĐ chỉ bằng khoảng 1/3 xã hiện nay, nhưng ít ra phải bắn ba người. Thanh Tài vượt lên bốn. Huyện Thanh Chương hồi CCRĐ có 42 xã, nếu bình quân mỗi xã 3 người bị bắn, thì cả huyện có 3 nhân 42 bằng 126. Chưa kể số người tự tử vì quá uất ức, oan trái. Kinh chưa! 

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nạn nhân bị đội CCRĐ bắn ở Thanh Tài vào sáng nay 14/2 Bính Thân 1956. Ông ấy là Nguyễn Hữu KH 34 tuổi, một y sĩ hay y tá cùng vợ phụ trách trạm xá, nhà hộ sinh xã ít ra là từ 1952. Hình như hai vợ chồng từ Quảng Bình ra. Dân Thanh Tài ghi nhận công lao chữa bệnh tận tình, có hiệu quả của hai vợ chồng ông. Vợ chồng ông Kh bấy giờ có hai con gái. Con đầu là Nguyễn Thị Thu học lớp một với tôi. Con gái thứ hai tên là Nguyễn thị Thủy. Cả hai con gái, dưới con mắt trẻ con 12, đã thấy xinh xắn dễ thương. Hai vợ chồng ông Kh, rất đẹp đôi, đẹp người. Năm 1954, theo tôi biết, qua ông KH. ông Chuẩn đã tài trợ và tổ chức việc chế tạo xe đạp nước gỗ đặt ở cống bên cạnh Đền Bảo An, hút nước sông Lam, chống cái hạn hán kinh người trước vụ lụt cũng kinh khủng năm 1954.

Nghe nói ông Kh định nghỉ phép vào mùa thu 1955. Nhưng nghe tin Đội CCRĐ về, ông ta nán lại chào Đội rồi đi phép sau. Không ngờ, trong đội CC về lúc đó có thằng tên là Chi (không nhớ là chức vụ gì) có mối thù riêng với ông KH. Số là, trước khi làm y sĩ, ông KH. từng làm lính đoan. Con tên Chi từng là tên buôn lậu. Một lần nào đó Chi bị ông Kh bắt. Không nghe nói Chi buôn lậu hàng gì, ông Kh phạt Chi nặng nhẹ ra sao. Bây giờ tình cờ Chi gặp Kh, trong một bối cảnh trớ trêu. Thế là... A lê hâp! Ông Kh bị bắt giữ và đấu cho lên bờ, xuống ruộng, tả tơi như một con nai tơ trước lũ sư tử. Tội ông KH được các khổ chủ tố lợi dụng chữa bệnh để hiếp dâm, cướp của (Bà C ở Quánh tố). Chữa bệnh nhẹ thành nặng, giết chết bao nhiêu người,làm tàn phế bao nhiêu người...

Tôi không biết thằng Chi và cái đội CC hồi đó cùng đám"khổ chủ" lấy ơn trả oán, đã vu cho ông KH tội phản động ra sao, giết người thế nào, mấy mạng người đủ để khớp với điều 6 khoản 3 chương 2 mục 1, rồi bắn ông ở cái tuổi ba tư, một người từ nơi khác đến làm cái nghề Tây y, vợ đỡ đẻ, cứu chữa bao người dân Thanh Tài thời mông muội! Lý giải điều trên, nhiều người cho là do thâm thù cá nhân giữa thằng Chi với ông KH. Cũng có thể do chỉ tiêu số án tử hình trên số địa chủ và số dân của xã. Thanh Tài bắn 4 Người, với chúng là "được mùa" to, chắc được cấp trên khen thưởng. 

Về vụ bắn ông Kh tôi chỉ tả sơ bộ những phút kinh hoàng sau khi tên Chi đọc cái gọi là bản án, đến đoạn: với những tội trạng trên, tên Ng. H. Kh đã phạm vào điều 6 khoản 3 chương 2 mục 1, Tử hình. Thằng Chi cùng các thành viên Tòa án nhân dân đặc biệt đứng lên hô đả đảo! Đả đảo. Cả đấu trường bắn cạnh dòng sông Lam vang dội tận bên kia Rú Lâm vọng sang. Nạn nhân khuỵu xuống. Một cánh tay đen trụi như sắt bập vào gáy như cái kìm sắt khổng lồ ngoạm vào cổ nạn nhân. Và với sức bình sinh của một lực điền,cái kìm sắt siết chặt. Nạn nhân không kêu thêm một tiếng nào. Miệng nạn nhân vừa buộc há ra.Một cục giẻ được nhét ngay vào. Nạn nhân như cây chuối bị đám trâu quần cho tả tơi, khuỵu hẳn xuống, hai tay bị trói vẫn vái vái mấy cái trong tuyệt vọng. Hai, ba dân quân móc tay vào nách nạn nhân kéo lê cái thân xác nhàu nát, oặt oẹo từ vành móng ngựa trượt trên bãi cát trói vào cái cột đã chôn sẵn phía dưới chân đê. Hai tay súng dân quân có hai chú bộ đội phục viên hộ trợ, nổ súng. 

Hôm ấy trời không nắng không mưa. Cuộc bắn giết đúng quy trình và sớm sủa. Chiều hôm ấy hai chị em tôi lên Thanh Luân lượm bẹ măng nứa về làm nón. Vườn nhà ông đồ Kiểng là điểm đến vì có bụi nứa rất to. Hai chị em lầm lũi đi, lầm lũi thu lượm. Vụ bắn ông KH còn ám ảnh, lại đến vườn nhà ông Ph cũng vừa bị bắn hôm 12. Cả hai chị em cứ sờ sợ, gai gai trong người. Vì vậy nhặt được một bó con con hai chị em bảo nhau về. Chiều tà, mặt trời tự nhiên lòe lên. Đúng là màu nắng hoàng hôn ma quái. Qua mấy bãi tha ma cũ để về nhà, hai chị em đi như chạy. 

Hôm nay là ngày Giỗ thứ 65 của ông Kh. Sau khi ông KH chết, nghe nói cháu Thuỷ cũng chết. Có thể là chết bệnh, cũng có thể chết đói. Người ngụ cư. Tứ cố vô thân mà! Tội thế! Cái Thu nếu bình thường, nay cũng khoảng 75/76 tuổi. Không chắc ông Kh có người làm giỗ hôm nay. Dù thế nào, bài viết này như một nén hương thắp cho các nạn nhân trong MÙA BẮN trong đó có ông Ng. H. KH. 

Tái bút (26/3/2021): Tôi chần chừ mãi, không định viết tiếp cái vụ trên. Nhưng phần vì thời gian gợi nhớ làm tôi không ngủ được, nghĩ miên man. Biết rằng CCRĐ có sai, Cụ Hồ đã chảy nước mắt và nhận lỗi quốc dân. Nhưng những sai lầm, những tội ác, những hệ lụy của nó, vẫn chưa đủ là một bài học cho cho các lớp người sau. Thực tế lịch sử rất phũ phàng đã minh chứng điều đó. Vì vậy nhắc lại cái ác, cái giả trá, cái bất lương đã qua để góp phần nhắc nhở con cháu mình, đâu dám bảo ban ai, phải sống Chân - Thiện - Nhân, tránh xa cái Tham -Sân - Si để làm người lương thiện.

2/ Mùa QUẢ THỰC

Từ "Quả thực" với nghĩa một danh từ, thì theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là: các tài sản vật chất tịch thu của địa chủ trong CCRĐ được chia cho nông dân. Theo tôi biết quả thực trước CCRĐ và sau CCRĐ cho đến nay không còn nữa. Và theo đó từ quả thực với nghĩa danh từ thì hầu như không còn tồn tại. Với nghĩa phó từ, ví dụ: "Quả thực cuộc CCRĐ ở VN đã mắc sai lầm nghiêm trọng", tôi không giải nghĩa nữa thì ta vẫn thường dùng. 

Tôi coi mùa quả thực là một mục tiêu quan trọng của CCRĐ, nó là động lực cho các cuộc đấu tố. Sau khi mùa bắn kết thúc vào trong nửa cuối tháng 2 Bính Thân 1956, tiếp theo là các phiên xét xử các nạn nhân bị án tù. Ở Thanh Tài có các nạn nhân sau.

1/ Ông Trần Phan Đ. (Tiên Kiều) 20 năm tù giam. 

2/ Ông Trần Đình Nh. (Quánh) 18 năm tù giam. 

3/ Ông Nguyễn Văn Đ. (PĐ) 15 năm 

4/ Ông Võ Bá Ch. (TK) 8 năm. 

5/ Ông Nguyễn Xuân O. (Tiên Kiều) 5 năm. 

6/ Ông Trịnh Văn Đ. (ĐT) 8 năm. 

7/ Ông Trịnh Văn H. (ĐT) 5 năm. 

Bảy người trên bị giam cho đến khi sửa sai thì được trả tự do. Trước khi trả tự do, được học vài bài chính trị ở Vinh trong đó có bài phát biểu của ông Nguyễn Chí Thanh (lời kể ô CH). Tiếp đến là phiên tòa xét xử toàn bộ giai cấp địa chủ. Sáng hôm diễn ra phiên toà, dân quân dẫn giải tất cả các ông, bà địa chủ trong toàn xã về đấu trường CCRĐ ở Chợ Quánh. Tôi nhẩm tính có hơn 30 địa chủ, không kể 4 người bị bắn. Hôm ấy không phải đấu tố, tập trung để toà "nghị án". Đây là đối tượng không phải đi tù. Được "khoan hồng miễn án". Họ bị tuyến bố là toàn bộ ruộng đất, nhà cửa, trâu bò, nông cụ và các vật dụng khác bị tịch thu. Có bản án riêng cho từng địa chủ. Địa chủ thường, kháng chiến được trừ lại cái nhà bếp (nhà ngang). 

Khẩu hiệu lúc này vẫn như cũ, nhưng thêm một số câu như:

*Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại.

*Hoan nghênh tòa án nhân dân đặc biệt xét xử toàn bộ giai cấp địa chủ. 

*Đề cao cảnh giác đập tan âm mưu phân tán, cất giấu tài sản của bọn địa chủ. 

*Kiên quyết đánh đổ bọn địa chủ phản động ngóc đầu dậy. 

*Nông dân tránh suy bì tị nạnh trong khi chia của đấu tranh. 

Bọn thiếu niên nhi đồng hằng đêm vẫn trống, mõ sinh tiền, đèn đuốc rồng rắn đi cổ động hô hét khản cổ các khẩu hiệu trên. Đêm đêm dân quân du kích, các cốt cán chia nhau mật phục ở bờ rào sát nhà địa chủ. Thậm chí họ ém sát vách bếp, sát giường ngủ để nghe, nhìn nắm tình hình. 

Nhà tôi dạo ấy làm nón chong đèn thâu đêm, nói chuyện vô tư. Có đêm đang say sưa làm việc để kịp phiên chợ sáng, một cốt cán vào quát: "Bay mần chi mà thức khuya, nói chuyện, không cho ND (nông dân) ngủ à?!"

Có hôm ra cửa sau đi đấy, bỗng một bóng đen vụt biến vào đêm. Không khí những ngày đó kéo dài, tôi từng viết:

Con ma trùng cải cách vẫn chập chờn ngoài ngõ 

Lũ tiểu yêu quẩn quanh như ma xó 

Mỗi ngôi nhà địa chủ như một ngôi mộ mới chôn. 

Ngay ban ngày láng giềng (dù tốt), anh em ruột thịt không dám đến nhà nhau. Sợ vạ lây. Sợ vu tội. Tất cả tình hình trên nhằm để có một MÙA QUẢ THỰC bội thu. Sau khi đã tuyên án trong phiên toà xét xử toàn bộ giai cấp địa chủ về, bản án được thi hành ngay lập tức. 

Là con địa chủ, dù chỉ 12 tuổi, tôi cũng không được đi coi các cuộc tịch thu. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày "hôm ấy hôm gì"ở nhà tôi. Đó là một buổi trưa một ngày đầu tháng 3, Bính Thân 1956. Cơm nước vừa xong cũng đã quá trưa, một đoàn dân quân, nam nữ, các bà nông dân âm ầm xông vào nhà. Cái án thư được khiêng ra góc sân cho cậu Ph (19 tuổi) ghi ghi chép chép cái gì đó. Mẹ tôi bị đưa ra ngoài cổng, cha tôi họ đưa ra phía đầu hồi nhà cho ND đấu. Anh, chị em tôi họ đưa đi đâu tôi không biết và sau này cũng quên hỏi lại. 

Riêng tôi bị dượng Thới, một dân quân ác ôn dẫn giải lại lại ngồi trên giá cối giã gạo nhà bà Em Thiết để dượng hỏi cung. Khi đi ra cổng tôi thấy mụ Chắt T đang đấu mẹ tôi. Có lẽ vừa sợ vừa thương mẹ nên tôi đã không cầm được nước mắt. Cùng lúc ấy mọi người vào nhà trên, nhà dưới khiêng, vác, nhặt, nhạnh bất cứ thứ gì họ muốn. Tôi bị dân quân Thới đưa đi cho đến chập tối mới được thả về. Dân quân Thới hỏi tôi mấy câu:

-- Ai xui mi lấy que đâm vào tên nông dân trong cái thẻ nhận đất quả thực? 

-- Không ai xui cả, mà cũng không ai đâm que... cả. Chập tối tôi chộ (thấy) có ngài (người) vào vườn nhà bầy tui cặm (cắm) cái chi là lạ, tò mò, tôi chạy lại coi, có mần chi mô. (Hóa ra ruộng đất vườn tược họ đã chia cho ND trước khi vào tịch thu nhà cửa).

-- Vườn của ND, năng dám nói của nhà mi. Hắn quát lại tôi. 

 Ai xui mi tối đứng trong bụi cây nhát ma để ND hại ko dám đi họp?

--Mô có. Tui và thằng Tích Bà Thởu nghịch với chắc nơi cơn bưởi bà Nhoạn, khi đi cổ động về. Dượng ko tin kêu thằng Tích ra hỏi coi có đúng không. Mần chi có chuyện nhát ma. 

-- Cha mẹ mi có cất giấu của cải ở mô, hay gưởi sang nhà ai thì nói thật đi tau tha cho các tội trên. 

-- Mần chi có mà giấu. Ai dám cho gưởi mà gưởi, dượng?

Cứ lằng nhằng vậy cho đến khi đoàn người vào tịch thu nhà tôi về cả rồi, dượng cũng cho tôi về. Về đến nhà thấy Cha Mẹ tôi phờ phạc. Mẹ tôi lầm bầm: "không biết mần năng cấy con mụ chắt T mà cũng đấu tau. Hắn cào móng tay rách cả trán mẹ, con nà! Cái con...". Tôi không nghe Cha nói gì. Ông ngồi buồn, mệt mỏi, tư lự... Các anh chị tôi lo nép dọn cái đống áo cũ, dẻ rách vất bừa bãi. Chắc họ tìm vàng bạc... Nhà sạch bách chẳng còn gì nữa. Không biết cái luật tịch thu thời ấy mặt mũi ra sao, nhưng khi tịch thu xong, họ không nghĩ đến cái gia đình bảy miệng ăn này, đêm nay họ ăn cái gì, ngủ ở đâu, từ ngày mai họ sống chết ra sao. Không ai nghĩ cho cả. Viết đến đây lại nhớ đến trích đoạn Kiều, Nguyễn Du "... sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao /Người nách thước, kẻ tay dao/... Sạch sành sanh vét…"

Trong xóm tôi mùa quả thực họ lấy được 10 cái nhà ngói, 3 nhà gianh trâu bò, bê nghé chưa đến 15 con. Thương Bà Hàn Ba có con rể là Nguyễn Tài Đại từng làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thức Tư nhà giáo nổi tiếng, sau này ở viện tu thư, con trai đầu đang làm việc, đảng viên. Vì ôngnày bị quy phản động, bà mẹ địa chủ. Do đó đã ngoài 70 tuổi, Cụ vẫn bị đuổi khỏi 5 gian nhà gianh, ra ở một mình trong cái lều ông cố nông tên là Mới Ngạn sát bãi tha ma Cồn Đàng ở cuối xóm. Ông Mới Ngạn được chia nửa gian nhà Ông Tú Han. Nhà Bác tôi bị tịch thu toàn bộ. Hai bác mất rồi, 5 anh chị em và một cháu tay trắng bị đuổi ra túp lều rách ông Hoe Chuy ở. Trẻ không tha, già không thương! Thương tâm đến nhường nào! 

Cái Mùa Quả Thực, cũng không mấy bội thu như đội CC kỳ vọng. Bởi là thế này.

* "Của chìm" tất cả các" địa chủ" như vàng bạc châu báu chỉ còn lại vàng mắt và bạc mặt thì sẵn. Đến như chum, vãi nồi đồng, bát đĩa sứ tàu, vải vóc, mấy đồng cân vàng nữ trang... sập gụ, tủ chè...đã đội nón lên chợ Rạng, chợ Dùng... bán đóng thuế NN những năm năm mươi hai, năm ba. Từ 1951 đến 1954, để huy động lương thực cho kháng chiến, sắc thuế nông nghiệp thay đổi, đánh rất nặng, nhất là vùng tự do. Tiếp đến trận hạn hán kinh người, rồi trận đại hồng thuỷ 1954. Những gia đình có từ hơn mẫu ruộng trở lên được ăn cái "no đòn" thuế NN hồi ấy. Để cầm đằng chuôi, nhà nước thu thuế cả năm dồn vào vụ chiêm. Thóc thuế thiếu cho đóng bằng tiền. Thế là nhà nhà phải bán khoai ngô, đỗ lạc, chum, vại, nồi đồng. Tất cả cho thuế.

* Trận lụt 1954 coi như quét sạch mọi nhà. Túm lại, nhân tai có thêm thiên tai hỗ trợ đã quét sạch tài sản các địa chủ trước khi mùa quả thực đến. 

Những gì họ tịch thu được của riêng xóm tôi làm quả thực bao gồm:

*Nhà cửa, trâu bò như đã con số nói trên. Ngoài ra còn có những tài sản sau:

* Nông sản vụ mùa 1955, được niêm phong từ cuối tháng 10.

* Nông sản toàn bộ vụ chiêm năm 1956, đang nằm ngoài đồng. 

* Toàn bộ ruộng đất canh tác, vườn tược.

Tóm lại nguồn sống,điều kiện sống trước mắt và lâu dài của địa chủ bị tước đoạt sạch sành sanh. 

Địa chủ thường được chia mỗi khẩu bình quân hơn 11 thước ruộng, ko kể vườn ở (suy ra từ nhà tôi). Còn địa chủ bị đuổi hoàn toàn ra khỏi nhà, đi ở nhà cố nông thì họ cho không đáng kể. 

Trong mùa quả thực nói trên có chuyện nghe cười chảy nước mắt. Đó là trường hợp vào tịch thu nhà bà đồ Trênh. Có thể bà là địa chủ kháng chiến vì có người con trai đi bộ đội chống Pháp. Bà đồ Trênh người Nghi Lộc, chồng bà người quê tôi nhưng mất lâu rồi. Đội CC và ND vào tịch thu cũng làm đúng quy trình. Khi đấu bà bảo: "Tôi là địa chủ phà sàn (phá sản) lậu rôi (lâu rồi) cọ chì mô nựa (có chi mô nữa) mà lậy (mà lấy). Quả có vậy. Nhà bà cạnh điếm của xóm, bọn tôi đi cổ động vẫn hay vào. Sau khi vào ngáo ngơ một hồi, không có gì đáng tiền, mấy cậu dân quân choai choai chửi đổng mấy câu "Tổ cấy thằng cha hắn! Nhà kéo ngọn nè không mắc cũng đòi làm địa chủ...!"Đó là nghe mấy dân quân về kể với nhau vô tình tôi nghe được. 

Cùng với việc tịch thu nhà cửa, vườn tược, thì ruộng đất cùng hoa màu trên đất cũng được chia quả thực cho ND. Họ đua nhau đi cắm thẻ nhận ruộng. Cái thẻ cắm đầu vườn nhà tôi là một mảnh cắt từ chiếc nong cũ kích thước 50.40(cm), cặp vào một đoạn tre cao khoảng 1,5m. Trên đó ghi N. X. Thành 13 Th. Những thẻ khác cũng tương tự. 

Mùa quả thực tuy không bội thu như mong muốn, nhưng một số bần cố rất phấn khởi. Đơn giản họ được cướp không trâu bò, nhà cửa, ruộng vườn, các vật dụng sinh hoạt, kể cả vải vóc, áo quần trong rương, trong hòm mà ko ai chống đối cả. Ngon quá đi còn gì! Chỉ có các ông bà địa chủ hoặc các anh chị biết lo, thì mới lo. Lo sau khi đuổi ra khỏi nhà, cái bát mẻ cũng không còn, lo khi trở lại cái nhà bếp trống rỗng,… không biết lấy gì, làm gì mà ăn. Những ngày tới sống sót thế nào đây?!!... Từ tháng 3 cho đến cuối năm ấy, “con ma trùng cải cách vẫn chập chờn ngoài ngõ/ Lũ tiểu yêu vẫn quẩn quanh như ma xó/ Mỗi ngôi nhà địa chủ, như ngôi mộ mới chôn."

Tôi nhớ mùa Xuân 1957 thì có chủ trương sửa sai. Và rồi, mùa Quả Thực cũng theo đó dần đi vào dĩ vãng. Một luồng gió mới đầy sinh khí thổi về. Những nhát dao chém bừa phứa của CCRĐ tưởng như lành ngay. Ai ngờ những cái vết thương đó rất độc, không chịu liền da cho đến đời con và di hại đến đời cháu các nạn nhân thời ấy.

Hà Nội – Hải Phòng -Nghệ An, mùa Xuân năm Tân Sửu 2021.

3/ NGHỀ NÓN QUÊ TÔI - Một Sứ Mệnh Lịch Sử (tiếp theo và hết) 

Như đã nói ở phần trước, nhà tôi làm nón mạnh bắt đầu từ đầu 1956. Nhà có 7 người, chú em út 4 tuổi chưa làm gì. Chú em áp út và mẹ tôi phanh lá nón. Cha tôi cứ vót sẵn tre, nứa ra hình thù vành nón, bó thành nắm, anh, chị, và tôi chỉ việc khoanh vào khuôn làm thành các thứ hạng vành. Nhân lực chủ yếu là anh và chị tôi. Tôi và chú em áp út mê cờ gánh, đi cà kheo, đánh đáo tường, nên đôi khi cũng chểnh mảng. Hồi ấy không đến nỗi đói ăn, chỉ đói ngủ. Để chống ngủ gật, đôi khi phải bôi cả cao hổ vào mắt để mà thức. 

Một tháng có 6 phiên chợ Rộ (2,7,12,17,22,27) thì có 6 cái đêm hôm trước thường phải thức gần hoặc trắng đêm. Là bởi vì phải hoàn thành kế hoạch "trên "giao. Lẽ ra thời gian còn lại chỉ hoàn thiện 9 nón là đủ khuya rồi, lại mở thêm 1/2 cái nữa, thế là phải trắng đêm để hoàn thiện, kịp mờ sáng hôm sau kịp phiên chợ. Dù sáng ra Mẹ phải dậy sớm đi chợ, nhưng đêm bà vẫn ngồi thức cùng con, nhìn con làm (chỉ còn phần việc của từng cá nhân, không làm chung được). Có khi Bà rang cho ít ngô, sang hơn thì có lạc rang để chống buồn ngủ, ngủ gật. Ám ảnh cho đến bây giờ là, hôm nào có cúng giỗ nhằm vào đêm phải làm nước rút kịp chợ sáng hôm thì, thôi rồi lượm ơi! Bạn biết vì sao rồi chớ? Là vì bữa đó có "chất tươi" được "căng rốn dễ gãi " đây, nhưng nghĩ đến cái đống công việc phải làm sau khi đã "no xôi chán chè" rồi thì ngủ là vua thôi. Nhưng không thể! Và những đêm như vậy phải vật vã với cơn đói ngủ dữ dội hơn. Đêm khuya tĩnh mịch, xung quanh xóm làng đã ngủ từ bao giờ, chỉ còn nhà tôi đỏ đèn và tiếng khuôn nón đẩy đưa lịch kịch. Có đêm đang làm, đang nói chuyện, bổng có cốt cán xông vào nói như nạt :"Bọn bay mần chi thức khuya còn nói chuyện không cho nông dân ngủ à?(!!)". "Mần nón kịp chợ sáng mai, chơ có mần chi chú?"Anh tôi trả lời. 

Đây là thời gian chưa sửa sai, nhà tôi sát vách nhà nông dân đến ở quả thực nhà tôi. Sau khi hoàn thành một đêm làm việc, mấy anh em mới soạn chỗ ngủ. Chỗ ngủ là mấy tấm ván giật gối một đầu lên cái địa thu,đầu kia đè trên nền nhà,cho mấy người nằm. Mẹ và chị tôi nằm trên cái chõng tre cũ. Hai đứa em ngủ trước, lên trên cái ràn vốn để rơm rạ cho trâu (bấy giờ trâu đã bị tịch thu rồi), tôi lên sau. Phải nói cả năm 56 và nửa đầu 57 chỉ có mấy nhà địa chủ và rất ít nhà nông dân làm nón, nên nón bán được giá lắm. 

Niên khóa 1956-1957 tôi học lớp 4, chị gái kề tôi học cùng lớp với tôi sau khi bỏ học mất 2 năm (54-55,55-56). Giờ nhớ lại, hồi cấp 1, về nhà chẳng học chút nào cả. Bài làm ở lớp cả. Năm học lớp 4 ngồi cùng bàn với Trần Đình Nhoãn (mất 6/2017), Nguyễn Thế Long (Đại tá QĐ), tôi ngồi giữa. Hôm đó thầy ra đề bài Tập làm văn: Hãy tả anh bộ đội. Tan lớp 3 đứa ngồi lại làm bài luôn. Tên anh bộ đội được đặt theo thứ tự: Gảy, Đàn, Bầu. Ngồi giữa, tôi nhận tên Đàn, còn Long và Nhoãn chia nhau tên Gảy và tên Bầu. Hai thằng tỵ với tôi, tên Đàn của tôi đẹp (!!!)... Lại nói chuyện vừa đi học vừa làm nón. Năm ấy tôi nhớ lớp 4 học chiều. Mà học chiều rất dễ bị đi học chậm giờ. Để khắc phục không có đồng hồ, tôi thường cắm que bóng nắng làm cự. Đó là hôm trời nắng, còn trời mưa, trời râm, giải pháp đó bị vô hiệu. Tôi còn đỡ, chị gái tôi quá siêng, quá "tham"làm, cứ làm rốn (làm cố), may thêm mấy vành nữa, hoặc làm nốt bộ vành để tối về còn mở tiếp nón mới... thế là muộn giờ. Ôm sách là chạy một mạch lên đình Mậu Tài, lớp 4 học ở đó. Cũng may thầy Thanh cũng quý hai chị em nên không trách cứ gì.

Anh tôi đi chợ Rộ bán nón cho đến khoảng tháng 9/1957 thì mẹ và chị tôi đi. Chị tôi học xong lớp 4 đành nghỉ học. Mẹ tôi quyết định vậy và để anh tôi học lại lớp 6 Cấp 2 Đại Định. Chú em áp út vào lớp 1. Lúc này Cha tôi đã mất được một giỗ. Nhà còn 6 nhân khẩu mà 3 người đi học, chỉ còn mẹ và chị xoay xở. Chính nghề nón là cứu tinh nhà tôi trong trong một năm rưỡi trước và thời gian tiếp theo cho mãi tới thập niên 60. 

Và cũng từ giữa 1957 trở đi, nghề nón đã là nghề kiếm sống quan trọng của xóm tôi. Hồi đó, khi HTX mua bán thành lập, chúng tôi còn làm để nhập cho họ. Địa điểm nhập nón đầu tiên là nhà Thờ Cụ Tú, khi đó ông Lương Mai được chia quả thực về đó. Việc bán nón cho HTX không được duy trì lâu. Trong xóm nổi lên mấy nhà làm nón có tiếng là Ông Cúc, Ông Nhoãn, Ông Võ và nhất là Ông Chế. Sửa sai Ông Chế được trả tự do. Với số nhân khẩu 13, hai vợ chồng Ông Chế, 9 con, 2 Ông Bà nội. Dàn con 9 người, con Cá sinh năm 1944, sau đó đều như vắt chanh 2 năm một đứa. Có chăng gián đoạn một chút hồi CCRĐ (56 - 57). Bằng tài xoay xở, tháo vát, sự siêng năng cần cù hai Ông bà đưa chín người con vượt qua sóng gió bằng những Chiếc Nón Thần kỳ diệu để đến bờ bến mới như ngày nay. Trong 9 người con thì có 8 người học xong cao đẳng, đại học. Các con Ông Bà đều có vợ (chồng), nghề nghiệp hắn hoi, có nhà cửa ở vị trí tốt. Nhiều người quê tôi phải tri ân nghề nón, nhưng tôi nghĩ nhà Ông Bà Chế sẽ tri ân nhiều nhất!

Nghề nón quê tôi vẫn tiếp tục phát triển và còn theo chân các cô gái lấy chồng tứ xứ. Nghề nón cũng theo các "bạch diện thư sinh" xuống Vinh, lên Đô Lương, lên Thanh Tiên, xuống chợ Cồn... 

Nhớ thời gian 1958, ND bắt đầu vào HTX cấp thấp, địa chủ, phú nông chưa được vào. Tuy sửa sai nhưng ruộng đất không được trả thêm. Hóa ra đó lại là lợi thế cho nghề nón. Làm nón lợi nhuận cao hơn làm ruộng HTX, thành thử xẩy ra tình trạng trốn việc nông nghiệp ở nhà làm nón. Các đội trưởng sản xuất cũng mệt vì tình hình trên. Làm nón có tiền tích trữ lương thực, nông sản, vì vậy mấy nhà địa chủ tránh được cái giáp hạt tháng Ba thường niên. 

Năm 1960 HTX lên cấp cao. Xã viên đi làm theo kẻng, trống. Giá trị ngày công ngày càng thảm hại. Đặc biệt khi chiến tranh lan ra miền bắc. Có hàng nghìn lý do giải thích sự thảm hại trên. Nghề nón vẫn là cứu cánh cho những nhà ít lao động chính mà đông con đi học. Những năm 60, nón được mang lên chợ Lường bán. Chợ Lường ở Đô Lương cách nhà 22, 23km. Chúng tôi phải đi từ chiều hôm trước tá túc qua đêm ở nhà người quen, vào một trường học nào đó ngủ nhờ. Không như bây giờ, trường có bảo vệ, hồi đó cứ tự tiện vào phòng học mà ngủ. Tôi đã ngủ như vậy ở trường cấp 1 Liên sơn. Mấy lần đi với Ông Nhoãn, Ông Chế vào tá túc nhà bà Cu Kỷ, chỗ trọ học của Nhoãn. Chợ Lường cứ 10 ngày một phiên. Vòng quay thưa nên đỡ căng hơn là đi chợ Dùng, chợ Rộ. Đó là thời gian từ 1960. Đi chợ Lường đàn ông thanh niên là chính không có các bà. Cũng vui. Đường xa nói được lắm chuyện. Hôm nào bán chạy, buổi trưa vào cửa hàng ăn ngã ba Đô Lương ăn hắn hoi. Chiều tạt vào Phở Doạt ở Dùng. Tối về có ít kẹo cho người ở nhà. Hôm nào mưa gió bán tháo, thì hơi bị ôi. Không trách chi Tố Hữu viết "chào 61 đỉnh cao muôn trượng... Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh..."cũng phải. 

Quê tôi từ nửa cuối năm 56 đến năm 60 bọn địa chủ được làm ăn cá thể, không có mấy ruộng nên phát triển nghề nón tốt. Lại được sửa sai từ nửa cuối 57 nên dễ thở hẳn. Hồi sửa sai người ta đưa ông Nguyễn Xuân Tố, một người đức độ, từng bị bắt giam trong CCRĐ, và mới được tự do. Ông là đảng viên lão thành nên dân rất tín nhiệm. Từ tình hình trên, đời sống mọi mặt của bọn địa chủ cũng được cải thiện. Khoảng những năm 58-60, xã có đội văn nghệ nổi tiếng, thu hút cả con em địa chỉ, liên hệ vào: Chú Ngh, O V., O Ch., A A. Chú Q.... Có thể kể hết tên các diễn viên khác, nhưng thôi. Người xóm tôi vẫn đông nhất. Những diễn viên trên cũng là những người làm nón cừ khôi. Từ năm 58 trở đi, nghề nón đã phổ cập một trăm phần trăm cư dân xóm tôi. Từ năm 61 đến những năm 68, nhớ không nhầm thì số học sinh cấp 3 xóm tôi đông nhất. (Bạn nào ở Tiên Kiều xác quyết được số liệu, xin cho tôi biết giả định trên, xin cảm ơn).

Những năm cuối của thế kỷ trước, nghề nón heo hút dần. Đặc biệt khi cơ chế thị trường bung ra đến nay, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nghề nón hầu như mai một. Không có dịp quan sát thực tế chỉ qua bạn ở gần quê, nên xin dừng lại kết luận như trên. Chỉ trong mấy năm phát sinh và phát triển, trong một bối cảnh xã hội đặc biệt, nhưng NGHỀ NÓN QUÊ TÔI đã làm tròn một Sứ Mệnh Lịch Sử như một vị cứu tinh lúc hoạn nạn nhất cho một bộ phận Người là nạn nhân của một thời tao loạn nhất mà tôi là một trong những người trong cuộc. 

Sinh - Thành - Bại - Diệt, âu là là nằm trong lẽ Vô Thường, là quy luật muôn đời vậy. Bài viết này như nén hương còm tưởng nhớ Người Tổ nghề nón quê tôi, cùng nhiều bạn nghề khả kính đã quá cố. 

Nguyễn Xuân Lực, HP, 1:25, ngày 16/4/2021

(Copy từ FB-Nghia Doan)

1 comment:

  1. Hoàng Quôc Thành
    Y chang CMVH ở bên Tàu . Giờ vẫn còn thằng thờ Tàu . Uất thật .

    ReplyDelete