Thursday, February 17, 2022

LỊCH SỬ QUA ẢNH: Cuộc chiến tranh biên giới chống Tàu đỏ

Những ngày tháng 2! Chỉ muốn note lại đây bức ảnh này, để nhắc về một thời đã qua.

Bức ảnh do ký giả người Đức — Thomas Billhardt — chụp năm 1979 tại biên giới phía Bắc, khi cuộc chiến giữa quân xâm lược Trung Quốc và VN vẫn đang hồi khốc liệt. Bức ảnh sau đó được đăng trên bìa tạp chí của Đoàn thanh niên tự do CHDC Đức. 

Thomas Billhardt nhớ lại:

❝Tôi vẫn còn nhớ bức ảnh về những người lính Việt Nam ở Lạng Sơn. Thật ra, ngay từ đầu tôi đã muốn chụp một bức ảnh rất khác. Chiến tranh không phải trò đùa. Và bởi tôi chợt nghĩ rằng, những chàng trai trẻ dễ mến này, rất có thể sẽ phải hy sinh vào ngay ngày mai.

Chính vì thế, tôi muốn chụp một bức ảnh khác. Một bức ảnh có thể là sống động và lột tả được chủ nghĩa anh hùng hơn là bi thương của chiến tranh. Tôi leo lên một chiếc bàn và muốn hướng những người lính nhìn vào ống kính, để chụp một bức ảnh tập thể nhưng vẫn thể hiện được từng cá thể. Ngay lúc đó, một nhà báo Liên Xô (cũ) cũng nhảy lên bàn cùng tôi. Anh đề nghị những người lính hãy giơ cao khẩu súng AK của họ lên và hô vang. Bức ảnh sau đó đã được chọn làm bìa cho cuốn sách ảnh về Việt Nam 1979.❞

Thomas Billhardt dù là một ký giả quốc tế, nhưng lại dành nhiều tình cảm cho một đất nước cách ông nửa vòng trái đất. Ảnh của Thomas Billhardt về Việt Nam luôn mang lại những cảm xúc mạnh khủng khiếp. Nó thân thuộc như thứ mùi vị mà ta vẫn gọi là quê hương dù không thể diễn tả nó một cách rõ ràng, mạch lạc. Nó gợi mở, kể những câu chuyện phía sau từng bức ảnh, khiến ta phải suy ngẫm về thời gian, không gian và về cả cuộc đời. Để rồi cuối cùng, những gì còn đọng lại chỉ là cảm xúc đồng cảm sâu sắc không chỉ với nhân vật trong ảnh, mà còn cả với người bấm máy nên bức ảnh ấy. 

Như bức ảnh này. Tôi tự hỏi, những người lính trẻ ngay trong tấm hình, bao nhiêu người sẽ hi sinh vào ngày mai? Bao nhiêu người được trở về nhà sau cuộc chiến? Bao nhiêu người sẽ còn lành lặn tay chân, trí óc? Và bao nhiêu người sẽ còn sống cho đến ngày hôm nay? 

Nếu may mắn còn sống, họ sẽ sống thế nào? Có còn viết tiếp được những giấc mơ của mình thời tuổi trẻ hay không? Họ dang dở việc học hành, từ bỏ thanh xuân, gia đình... chỉ để một tấc đất của cha ông cũng không ai được phép xâm phạm. Họ nhắc ta không được quên, dù chỉ trong một giây, một phút rằng quê hương là như thế đó!

Xin cúi đầu trước những người lính, những người anh hùng của dân tộc.

Xin ngả mũ trước những ký giả, phóng viên chiến trường. Sự dấn thân và hy sinh của họ luôn là điều tất cả chúng ta phải trân trọng bằng tất cả tấm lòng. Bởi những bức ảnh ấy, có thể được đánh đổi bằng mồ hôi, máu, nước mắt và cả sinh mạng của chính họ để trở thành chứng nhân lịch sử của ngày hôm nay!

© son.le

No comments:

Post a Comment