Sunday, February 27, 2022

VÌ SAO NGHỀ KIẾN TRÚC TẠI VIỆT NAM KHÓ PHÁT TRIỂN?

 Là ngành nghề có chuẩn đầu vào đại học tương đối khó và đòi năng khiếu nghệ thuật nhất định, thế nhưng khác với các đồng nghiệp trên thế giới, Kiền trúc sư Việt nam không được xem trọng đúng mức và tuổi nghề thường khá ngắn. Còn ngành kiến trúc của Việt Nam thì  cũng chưa bao giờ được đánh giá cao. Tại sao như vậy?

Xét về địa hình, Việt Nam không có mặt bằng rộng để thi triển các công trình kiến trúc tầm cỡ. Địa hình  đa phần là đồi núi, thung lũng nhỏ hẹp, không có nhiều bình nguyên lớn, vùng đồng bằng thì thấp trũng ao hồ đan xen nên cũng không dễ hình thành được những khu đô thị lớn để kiến trúc có "đất" phát triển dần dần thành lý luận, thành học thuyết.

Nhiều thế kỷ không có tích lũy tư bản lớn bền vững. "Có thực mới vực được đạo", tài nguyên vật lực thay vì được phân tán cho nhiều cá nhân đa dạng lý chí, đa dạng ý tưởng rồi từ đó mỗi người một ý đa dạng sáng tạo thì lại chỉ tập trung trong tay giai cấp thống trị nên các tiền đề phát triển chỉ bó hẹp trong giới hạn hiểu biết và ý chí của một người hoặc một nhóm nhỏ thì sáng tạo kiểu gì? 

Về nguyên lý, "Trí tuệ phát triển trong sự tĩnh lặng", một kiến trúc sư muốn có nhiều sáng tạo độc đáo, xuất chúng tạo thành xu thế dẫn dắt thì thay vì phải luôn chân luôn tay cày cuốc kiếm tiền cần phải có nhiều thời gian tập trung, suy tư. Việc đó có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì vậy nó đòi hỏi phải có thể trạng tốt, có nguồn tài chính ổn định để "lười biếng" chỉ ăn với nghiên cứu không bị phân tâm bởi chuyện cơm áo gạo tiền.

Ở Trung Quốc thời phong kiến cũng đã từng có những gia tộc thịnh vượng vài thế hệ nuôi dưỡng trí thức (môn khách) trong nhà chỉ để dùng khi hữu sự. Hoặc ở phương Tây hình thành được tầng lớp quý tộc (có tích lũy tư bản, có trí tuệ, có những nhu cầu tinh thần cao như âm nhạc, thẩm mỹ....) nuôi dưỡng trí thức để thỏa mãn đam mê tinh thần hoặc chu cấp cho họ để đặt hàng những sản phẩm sáng tạo về khoa học, nghệ thuật...còn Việt Nam thì không.

Có thể phải mất 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng chỉ cần "1 ý tưởng" xuất hiện cũng làm thay đổi cả thế giới chứ đừng nói thay đổi quốc gia hay doanh nghiệp, ví dụ như Mác và Ăng ghen là một điển hình. Tích luỹ tư bản là cơ sở để cho các KTS tạo ra được những thành tựu lớn. Ở VN sau mấy nghìn năm vẫn không hình thành được tầng lớp quý tộc, tư bản để dẫn dắt xã hội phát triển cũng như tạo cơ sở cho KTS sáng tạo. 

Thời nhà Trần cũng đã hình thành mầm mống tầng lớp quý tộc phong kiến nhưng cũng chỉ là thoảng qua rồi lụi tàn. Vì tầng lớp quý tộc không phát triển được nên cả chuỗi dài lịch sử xã hội Việt Nam vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn với nông dân và xã hội nông nghiệp không bứt phá được chứ đừng nói đến những nhu cầu cao như kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Hiện nay trong xu thế phát triển chung của thế giới Việt Nam cũng đang manh nha hình thành tầng lớp "tư bản" mới nhưng vì đa phần giàu do ăn xổi nên về cơ bản nhu cầu chung của các nhà tư bản này vẫn chỉ là tiền, "nhà không có gì ngoài tiền", và cũng vì “không có gì ngoài tiền” nên chẳng bền được lâu, rất khó kỳ vọng họ sẽ là điểm tựa cho những sự sáng tạo lớn của kiến trúc sư. (Lý do tại sao ở VN tầng lớp quý tộc, tư bản không thể tồn tại lâu hoặc tầng lớp quý tộc phương Tây bền vững hơn ở Trung Quốc thì sẽ bàn ở bài viết khác).

Còn xét trước mắt, nguyên nhân là do động lực phát triển của KTS không cao. Dân trí và thể trạng xã hội thấp nên tầm nhìn và nhu cầu thấp, ví dụ như xây “lâu đài” nhưng quy hoạch khuôn viên sân vườn bé như cái vườn rau, khác nào như mang cây cổ thụ trồng trong chậu, chỉ là một dạng bonsai không thể lớn được; đất nhỏ nhưng phòng ngủ phải to cầu thang thì bé cũng được; hoặc đầu tư mấy tỷ nhưng vài chục triệu tiền thiết kế cũng căn ke tiếc rẻ, chỉ thích miễn phí, thậm chí còn ranh mãnh ăn cắp ý tưởng của KTS chứ không muốn trả tiền. Tuy nhiên lại sính sự hào nhoáng nên sẵn sàng bỏ ra nhiều trăm triệu hoặc tiền tỷ để học theo phong cách Tây nửa vời, điển hình là gần đây nổi lên hiện tượng buôn hoặc nhái nội thất Châu Âu bán cho giới nhà giàu mới nổi

Và quan trọng nhất là người ta coi việc ăn cắp "chất xám" là bình thường nên không có sự bảo hộ trí tuệ đoàng hoàng dẫn đến "nguồn cung" chất xám thấp, KTS không có động lực đủ lớn để sáng tạo phát triển ngành nghề. Một KTS phương Tây hoặc một nhà khoa học, một triết gia có thể quyết tâm dành nửa cuộc đời sống kham khổ để sáng tạo vì họ tin rằng và thực tế là khi thành tựu họ sẽ có cuộc sống giàu sang vinh hiển, nhưng KTS hoặc khoa học gia, triết gia...của VN thì không thể, vì chỉ sau một thời gian ngắn công khai thành tựu của họ sẽ bị mô phỏng với giá rất rẻ mà không làm gì được, nửa đời người đã hy sinh cho sáng tạo coi như bỏ, nửa đời sau thì mông lung, đa phần khốn khó. Rất hiếm người có thể vừa thành công về học thuật vừa thành công về vật chất. Nên không ai sẵn sàng tận hiến cho học thuật hay sáng tạo. 

Ở Việt Nam các KTS hầu hết chỉ có khoảng 10-15 năm tuổi nghề là nhiều và cũng không có thành tựu gì đáng kể ngoài những kiến thức của phương Tây đã được học trong trường. Khi tầm ngoài 40 tuổi trở ra thì đa phần không sống được với nghề, nếu khá khá một chút thì cũng đều phải kiêm thêm cả thầu thi công, làm dự án hoặc bán đồ nội thất. Gần đây cũng có KTS được nhiều giải thưởng quốc tế với mô hình kiến trúc sống gần với thiên nhiên khi đưa nhiều cây xanh vào trong nhà và lên mái. Nhưng đó không hẳn là thành tựu sáng tạo mà chỉ là một sản phẩm lạ nhất thời hấp dẫn chứ không nhiều giá trị. Nhất là với điều kiện khí hậu Việt Nam trồng cây trên mái chỉ gây ẩm mốc nuôi ruồi muỗi và làm giảm tuổi thọ công trình, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Cho nên được giải thưởng từ nước ngoài nơi có khí hậu lạnh cũng là vì yếu tố "lạ" thôi. 

Nên nếu không có sự thay đổi nào đó mang tính đột biến ít nhất là một trong những nguyên nhân chính ở trên thì người Việt muôn đời cũng chỉ đi theo đuôi thế giới để sao chép, lắp ghép vớ vẩn từ tư tưởng triết học, mô hình quản trị quốc gia cho đến căn nhà, và  người KTS cũng rất thiệt thòi với tuổi nghề ngắn ngủi.

No comments:

Post a Comment