Friday, October 6, 2023

Câu chuyện Ai Cập

 Nỗi buồn sông Nile

Một bữa, đang ở châu Âu, nhìn bản đồ tui nghĩ, hay là mình stop ở Ai Cập chơi vài hôm rồi bay về VN, nó cũng nằm trên đường đi. Xong tui làm visa, lấy vé, rồi đến Cai-rô. Vẫn còn đó những di tích nổi danh lẫy lừng, 1 bước đi trên đường là 1 bước chạm vào lịch sử. Xúc động lắm. 

Nhưng đọng lại sau chuyến đi là nỗi buồn. Ai Cập là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của loài người thời kỳ cổ đại. Nhưng con cháu họ đã không còn bằng người xưa, không còn nhiều người có đầu óc lớn lao kinh bang tế thế như cha ông họ. Nền kinh tế Ai Cập đang trong nhóm trung bình thấp, dù lợi thế là dòng sông Nile dài nhất thế giới chảy qua, 1 lượng nước ngọt vô cùng quý giá. Nhưng đầu óc con người nó quyết định tất cả. Đường phố là nơi thể hiện tư duy của 1 dân tộc, nó lộn xộn hay trật tự, ngăn nắp hay xô bồ, sạch sẽ hay bẩn rác, nhường nhịn hay giành giật,...tất cả đều là tư duy của dân tộc nơi đó. Họ nghĩ sao trong đầu thì cuộc sống của họ nó vậy, trong từng cá nhân, từng gia đình, từng khu phố, từng xóm làng, từng quốc gia. 

Bạn tui là chủ 1 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở đây. Ông xuất lựu, cam, quýt, chà là..... Ông nói chán lắm, tụi trẻ Ai Cập bây giờ nó không chịu làm ăn thật, cứ lên thành phố rồi ngồi ôm máy tính quánh game, quánh chứng khoán, quánh tiền ảo quốc tế...vì làm thật thì cực thân mà lâu tiền. Dân chúng phần cứ manh mún nhỏ lẻ với dăm ba cái kiếm tiền be bé mỗi ngày, dù học hành rất giỏi. Đứa có cơ hội du học thì tìm cách ở lại bên đó chứ không về. Ai Cập không có những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, những nhãn hiệu toàn cầu vì thiếu những đầu óc lớn. Tao nhìn sang quốc gia bên cạnh Israel thấy họ phát triển mà sốt ruột, thanh niên họ làm ầm ầm, khởi nghiệp ầm ầm, lao động cật lực dưới trời nóng lạnh, cũng sa mạc y chang, bên đó không có nước như bên này nhưng họ phủ xanh hết, còn bên này thì chỉ là cát. Mày mở bản đồ nhìn đi. Quán cà phê ở Cai Rô mày nhìn đi, thanh niên ngồi ôm ĐT máy tính nhiều lắm, không có hùng hục làm như thanh niên bên kia biên giới. Thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita), theo quỹ tiền tệ quốc tế IMF, năm 2022 mỗi người Ai Cập chỉ có 3.600 đô, trong khi bên Israel đã là 55.500 đô Mỹ, dù xuất phát điểm bên này hơn. Nhưng, nói tụi nhỏ không nghe. Tụi nó không muốn cực. Người trẻ, đang tuổi hừng hực mà chọn việc nhẹ nhàng là góp thêm gánh nặng cho đất nước và kéo lùi lịch sử. Tui nói, ở đâu có người trẻ hào hứng mở doanh nghiệp, mở nhà máy xí nghiệp ở khắp làng mạc thôn xóm như Israel, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,...thì nơi đó sẽ trù phú giàu mạnh. Một người yêu dân tộc của mình, yêu quê hương xứ sở nơi mình sinh ra thì chỉ đóng góp có vậy thôi, đó đơn giản là nhiệm vụ của thời đại mình đang sống. Ổng gật đầu đồng ý. Nói thì có vẻ lý thuyết nhưng nếu một người sống mà không có lý tưởng, thì sẽ buồn chán với mọi thứ, ngay cả lúc có tiền. 

Ở bảo tàng gì đó giờ tự nhiên quên (có thể là Memphis), thấy lá cờ quốc gia của họ xác xơ trong gió, tui chỉ anh hướng dẫn, ảnh tự ái nói, none of your business (không phải việc của mày). Nhưng tui nói, thì tao góp ý là xây dựng, mày thấy chưa đẹp thì sửa cho đẹp. Mỗi công dân phải có trách nhiệm làm sạch đẹp thơm tho cho mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con đường, mỗi xóm làng chứ sao nói vậy. Ảnh im lặng. Tui liền đi tìm gặp người khác đang ngồi trong văn phòng, kéo ra chỉ cho được. Anh này cám ơn rối rít, nói sẽ sửa đổi ngay. 

Phải vậy chớ.

Ăn Trưa Cùng Tony

No comments:

Post a Comment