Thursday, February 1, 2024

Sức mạnh của ngôn ngữ

 Tư duy hình thành nhờ ngôn ngữ

     1. Vấn đề này là hiển nhiên đối với tôi, một người làm nghề dạy học và nghiên cứu khoa học công nghệ. Einstein nói đại ý nếu bạn không thể nói cho một đứa trẻ hiểu về một vấn đề, có nghĩa là bạn chưa hiểu nó. Hiểu trước hết là phải diễn đạt được, bởi vì quá trình học là sử dụng ngôn ngữ để hấp thụ tri thức, tư duy bằng ngôn ngữ và hình tượng để tạo ra tri thức mới và cuối cùng phải diễn đạt được bằng ngôn ngữ. 

     2. Tuy vậy đó là chỗ bất đồng của hai tay tổ của ngành tâm lý học phát triển nhận thức (cũng là tâm lý học giáo dục) là Jean Piaget và Lev Vygotsky, mặc dù hai ông đồng ý với nhau ở rất nhiều điểm. Piaget cho rằng quá trình nhận thức là hệ quá của một quá trình phát triển bên trong của trẻ theo từng giai đoạn trưởng thành. Vygotsky lại cho rằng nhận thức phụ thuộc vào tương tác với xã hội thông qua ngôn ngữ. Sau này Piaget nói rằng, đó là quan điểm của ông vào trước năm 1934 khi Vygotsky vừa qua đời. 

    3. Phương pháp giáo dục của tôi ngay cả trước khi biết tới Vygotsky là dựa trên đọc, tóm lược, tư duy và diễn đạt nhờ ngôn ngữ. Nếu con của bạn chưa giỏi, trước hết xem lại việc đọc sách, đã ham thích đọc sách và đã đọc sách đúng hay chưa, sau đó là xem việc diễn đạt. 

    4. Quan điểm này sẽ dẫn tới một số câu hỏi hệ trọng. Nếu tư duy (hay việc nhận thức) phụ thuộc vào việc sử dụng ngôn ngữ và tương tác xã hội. Điều đó có nghĩa là chất lượng xã hội và ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng tới tư duy. Hệ quả cuối cùng thì không có gì bất ngờ. Một số xã hội, ngôn ngữ nhất định sẽ khó phát triển tư duy hơn một số xã hội và ngôn ngữ khác. Tôi không có ý định nói chất lượng xã hội và tư duy sẽ tương ứng 1-1 với GDP, tâm thức xã hội hay bộ máy hành chính. Tuy vậy, chắc chắn phải có một tương quan nào đó. 

     5. Vấn đề là làm thế nào để đo được mức độ ảnh hưởng của xã hội và ngôn ngữ tới sự hình thành tư duy. Nói một cách khác: có những đặc trưng nào của xã hội hoặc ngôn ngữ cho phép tăng tốc độ đọc, phổ cập tri thức, giao lưu tư tưởng hiệu quả và khơi gợi sự sáng tạo qua các khái niệm được mã hóa bằng từ ngữ.

    6.  Cuối cùng, chúng ta lại trở lại những gì tôi (và Đỗ Vũ) đã viết trong Báo cáo Chính tả tiếng Việt năm 2010: viết sai, nói sai sẽ nghĩ bậy làm bậy và sẽ càng viết và nói sai. Rõ ràng có một tương quan giữa những gì chúng ta nói, viết với cách tư duy dẫn tới hành động và số phận. 

    7. Từ những năm 1960, Ngô Tùng Phong cũng cho rằng chỉnh đốn ngôn ngữ và tổ chức xã hội là con đường dẫn tới sự thịnh vượng của quốc gia. Ông cho rằng ngôn ngữ cần được chỉnh đốn để có sức biểu đạt ý tưởng mạnh mẽ hơn, vừa phải có sức phổ biến dễ dàng hơn các tri thức mới. Có lẽ đợi một phong trào xã hội sẽ quá nhiêu khê, diệu vợi hơn là bắt đầu trong mỗi phòng học, mỗi thầy giáo và mỗi học sinh. Sử dụng ngôn ngữ sẽ là trọng tâm để rèn luyện tư duy và cũng để chỉnh đốn ngôn ngữ.

Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)

No comments:

Post a Comment