Saturday, August 19, 2017

T25: Chỉ 1/1000 hy vọng

T25 là tên gọi của Trại 25, bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là một cái "lán" lọt thỏm ở dãy sau cùng của BV, nơi người nhà của bệnh nhân khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC) chờ tin của người thân. Thân nhân bệnh nhân từ nhiều nơi đến đây, họ ăn/ngủ trên một dãy sạp, kê ghế, trải chiếu, làm thành một cái "trại tập trung" tất cả những gì hớt hải, nhốn nháo lẫn thẫn thờ/ủ dột... thường thấy ở các BV hiện nay. Hàng trăm người chờ nghe tiếng loa thông báo, nằm ngồi la liệt trên lối vào, dưới đường xuống hầm giữ xe và cả trên nắp cống...
Chỗ này không có trong sơ đồ BV. Trại 25 là tên gọi cũ từ những năm 70s (lúc đó các khu điều trị tại BV đều được đánh số và gọi chung là "trại").

Năm 1971, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho chính quyền VNCH (qua hình thức bồi thường chiến tranh) để tái xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy trên diện tích 53.000 m² cùng với trang thiết bị hiện đại. Chợ Rẫy trở thành một trong những bệnh viện hàng đầu ĐNA lúc bấy giờ. Công trình được hoàn thành vào tháng 6 năm 1974 với khu nhà 11 tầng.

Tấm bảng này đã tồn tại 43 năm từ thời VNCH (Ảnh chụp ngày 08.8.2017)

BV Chợ Rẫy (Ảnh chụp khu nhà chính ngày 08.8.2017)

Quy mô ban đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy là 500 giường, số giường bệnh thực tế không ngừng tăng lên theo nhu cầu khám, chữa bệnh của dân chúng, đến năm 1999 là 1.242 giường, đến nay là 1.800 giường. Hiện có hơn 3.322 kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt đang được áp dụng tại bệnh viện. Số người bệnh nội trú trung bình là 2.544 người/ngày, người bệnh ngoại trú khám bệnh trung bình 3.500 người/ngày
Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, xếp hạng đặc biệt, tuyến kỹ thuật sau cùng của 37 tỉnh, thành phố miền Nam, trực thuộc Bộ Y tế.

Chị Gấm được chuyển từ BV đa khoa Khánh Hòa tới khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy lúc 23h15 ngày 28.7 và mất lúc 23h14 ngày 09.8.2017. Mười hai ngày cuối cùng của chị đã trở thành bi kịch vì điều duy nhất để người thân và bạn bè của chị cũng như các bác sĩ, nhân viên cứu chữa cho chị hy vọng như một phép lạ đã không xảy ra.

Cũng như mọi người ở Trại 25, mỗi ngày anh Minh và con trai được vào thăm chị Gấm từ 15h đến 15h30. Việc chữa trị và chăm sóc bệnh nhân ở Khoa HSCC (chỉ có 24 giường cho những ca nguy kịch nhất) đều do các BS/nhân viên của khoa đảm trách. Những người ra vào thăm bệnh nhân ở khoa này đều phải tuân theo những thủ tục vô trùng bắt buộc thực hiện ở hành lang bên ngoài. Khoa HSCC chỉ cấp giấy vào thăm bệnh nhân cho 2 người/lần trước giờ thăm 10 phút, ngoài ra người thân chỉ được phép tiếp xúc với bệnh nhân khi cần (những lúc đưa bệnh nhân làm các khám nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán/chữa trị như chụp CT, siêu âm v.v.). Tôi đã thấy anh Minh gần như đuối sức và thiếu ngủ vào đêm thức trắng đầu tiên ở Chợ Rẫy sau 1 tuần cả hai cha con phải liên tục chăm sóc chị Gấm ở Nha Trang. Vì vậy, ai cũng nói bây giờ là lúc hai cha con phải thay nhau nghỉ ngơi để lấy sức, nhưng anh Minh vẫn là người rất chu toàn và lo cho con trai nhiều hơn, dù bạn bè đều nói đây là những lúc phải mạnh mẽ vượt qua/phải trải nghiệm mới có thể trưởng thành, không nên duy trì chế độ "bao cấp" vì con đã lớn rồi.

Chị Gấm đã được tập thể y khoa của Chợ Rẫy tập trung cứu chữa, 11 GSBS đã hội chẩn tập trung vào việc phục hồi sức khỏe của chị để có thể mổ tim (trước khi chị Gấm mất vài ngày). BS Tiến, Phó giám đốc BV đã chia buồn cùng anh Minh và gia đình sau khi hay tin chị Gấm mất và đã cho biết diễn biến của chị trong ngày cuối như sau: "...hôm nay anh em đã cố gắng làm siêu âm tim qua thực quản nhưng thấy tình trạng chưa cho phép nên có làm siêu âm tim qua thành ngực: tình trạng tim còn đủ duy trì huyết động. Sau đó tiến triển xấu đi nhanh. Bệnh nhân Gấm bị nhiều bệnh nan y cùng lúc nên thật sự khó và nặng. Anh em Chợ Rẫy đã cố gắng nhưng không thành công mong gia đình thông cảm."

Bệnh chị Gấm rất nặng, một ca nguy kịch là điều ai cũng thấy qua tình trạng của chị. Ngay sau khi biết chị bị 1 loại virus xâm nhập, theo đường máu khu trú tại van tim và phá hoại/làm sùi van tim, các BS đã thấy vô cùng khó để có thể mổ tim do thể trạng chị Gấm quá yếu. Theo BS Khanh, BS chuyên khoa Gây mê Hồi sức (BV Việt Đức, HN), cho biết trong 1 lần trao đổi với anh Minh khi biết chị Gấm phải mổ tim thì khả năng qua được/sống sót của chị Gấm chỉ là 1/1000 mà thôi.

3 comments:

  1. Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập vào năm 1900, lúc đó có tên chính thức tiếng Pháp là Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn) tại Sài Gòn. Đây là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất cùng với Viện Pasteur Sài Gòn thành lập vào năm 1891, Viện Pasteur Nha Trang thành lập vào năm 1895.

    Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên nền đất cao có diện tích trên 50.000 m² với các tòa nhà kiểu pháp, cao 2 tầng, vốn trước đây là chợ mua bán của người Hoa, có tên là chợ Rẫy. Và từ đó, người dân vẫn quen gọi là bệnh viện Chợ Rẫy và tên này được dùng chính thức cho đến ngày nay.
    Năm 1919: đổi tên thành Hôpital Indigene de Cochinchine (bệnh viện bản xứ Nam Kỳ).
    Năm 1938: đổi tên thành Hôpital Lalung Bonnaire.
    Năm 1945: đổi tên thành Hôpital 415. Sau đó, tách thành hai phòng khám Hàm Nghi và Nam Việt.
    Năm 1957, hai phòng khám trên sáp nhập lại thành bệnh viện Chợ Rẫy. Đây đánh dấu thời điểm bệnh viện mang tên Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy ngoài chức năng là cơ sở điều trị còn là trường sở của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Chợ Rẫy là bệnh viện thực tập các môn nội khoa, ngoại khoa, tai-mũi-họng, nhãn khoa cùng là nơi giảng dạy môn cơ thể học.
    (Wikipedia)

    ReplyDelete
  2. Từ ngày 03 tháng 02/2010, Bệnh viện Chợ Rẫy là một bệnh viện đa khoa trung ương được xếp hạng đặc biệt, là dấu mốc quan trọng để tập thể cán bộ & nhân viên bệnh viện tiếp tục phấn đấu xây dựng bệnh viện ”Chất lượng – Văn minh – Hiện đại”, xứng đáng với tầm mức/vai trò của BV được giao phó.
    Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Bệnh viện luôn giữ vững sự ổn định và phát triển, quản lý và vận hành tốt bệnh viện đồng bộ và hiện đại, với kỹ thuật và công nghệ luôn được đổi mới và áp dụng, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên có đủ trình độ và đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng bệnh viện, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân khu vực phía Nam, cả nước và người nước ngoài.
    (theo Wikipedia)

    ReplyDelete
  3. Trong bài, có đoạn được tham khảo/trích từ phóng sự "T25 - Trại tập trung từ lời mời sinh tử" (PN Thứ sáu,09/6/2017)

    ReplyDelete