Người ta bảo Du thuyết là thuật thuyết phục người nghe mà Tô Tần và Trương Nghi học từ Vương Hủ. Nhưng đó là điều đáng ngờ. Chẳng ai biết Quỷ Cốc tử tiên sinh có thật hay không. Theo lời truyền, Ngài ở trong hang núi Quỷ Cốc, luyện thuật thông linh, mong trường thọ. Học trò của Ngài không rõ có những ai, bao nhiều người và học những gì.
Chúng ta chỉ biết Ngài có 4 học trò xuống núi, để lại tên tuổi cho đời. Hai người chuyên về binh pháp là Bàng Quyên, tướng quốc nước Ngụy, đánh đông dẹp bắc, nổi danh chư hầu, hai là Tôn Tẫn, quân sư nước Tề. Kết cục, hai người tàn hại nhau, Quyên chặt chân Tẫn, Tẫn phục binh giết Quyên ở Mã Lăng. Ngoài chiến tích để trả thù riêng đó, không thấy Tẫn có chính tích gì cho đời. Hai người được cho là chuyên về du thuyết thực ra là hai chính trị gia khét tiếng đời Chiến Quốc là Tô Tần, một lúc đeo ấn tướng quốc 6 nước chư hầu, oai quyền át cả thiên tử nhà Chu và Trương Nghi, khi làm Thừa tướng ở Tần, khi làm tướng quốc Sở, Hàn, Ngụy, công danh phú quý không tính xiết. Tần chủ trương hợp tung chống việc bành trướng của nước Tần ngày đang một mạnh từ thời Vệ Ưởng, Nghi chủ trương liên hoành, phá hợp tung. Hai cặp học trò của Quỷ Cốc Tử, nếu học cùng thầy, thì cũng như tay phải đánh nhau với tay trái. Như Tẫn và Quyên, là tay phải chặt đứt tay trái.
Tác phẩm được cho là của Vương Hủ để lại cho đời là bộ Tam thập lục kế, tuy không phải là đồ bỏ đi, nhưng không có gì uyên áo cao thâm, có vẻ là ngụy thư do một tay học trò thi hỏng nào đó ở đời Minh Thanh bất đắc chỉ mà viết ra, có thể lấy trí mà suy dựa trên kinh nghiệm sống trong dân gian không có gì khó khăn. Vì thế tôi cho rằng Vương Hủ chưa chắc đã tồn tại, nếu có chưa chắc đã dạy binh pháp cho Tẫn, Quyên hay chính trị cho Tần, Nghi. Đó là những điều đơm đặt cũng như việc nói Lã Bất Vi đời Tần, Địch Thanh thời Tống sau này đều có người cho là học trò của Quỷ Cốc Tử.
Hơn nữa Trương Nghi trước khi nhập Tần, lảng vảng cầu cạnh ở dinh tướng quốc nước Hàn, bị nghi là ăn cắp và bị đánh suýt bỏ mạng. Nếu giỏi du thuyết vào lúc đó sao Nghi không du thuyết nổi tướng nước Hàn, phải cầu cạnh, hay chí ít cũng đủ sức thuyết phục mình không phải ăn cắp. Tô Tần nghe nói đóng cửa nằm đọc sách 9 năm, không ngửng đầu dậy làm bất cứ việc gì, bị chị dâu nhiếc móc, không cho ăn cơm, xấu hổ mới bỏ nhà đi lập nghiệp.
Có lẽ hoàn cảnh như thế đã un đúc ý chí để Tần và Nghi soạn ra Du thuyết kinh, thuật về thuyết phục chính trị, có lẽ không thuận cho việc thuyết phục những người ti bỉ như tướng nước Hàn hay thiển cận thực dụng như con dâu nhà họ Tô. Thực ra, việc thuyết phục các vua chư hầu thời đó đã rất phổ biến, nhiều người làm như Ngu Khanh, Trâu Diễn, Công Tôn Long, Hàn Phi, Vệ Ưởng, Phạm Thư,... đều là những thuyết khách-chính trị gia nổi tiếng. Trang Chu, Mặc Địch, Khổng Khâu,... thực chất cũng là thuyết khách. Hàn Phi còn viết cả một thiên Thuyết Nan để nói về cái sự khó của việc thuyết phục các vua chư hầu. Nhưng thành công như Tần và Nghi thì chỉ có hai ông. Vì thế tôi cho rằng Du thuyết pháp phải do hai ông sáng tạo ra. Nếu có học Vương Hủ đi nữa, chắc thời trẻ học đọc viết và mấy đạo lý tầm thường.
Bản chất của thuyết phục chính trị gồm ba phần: 1) Phân tích được thế cuộc và các bên có ảnh hưởng tới thế cuộc 2) Các lợi ích có thể chia sẻ tranh giành giữa các bên 3) Các yếu tố bên trong của các bên có thể ảnh hưởng tới mục tiêu lợi ích.
Du thuyết là việc tráo bài, chia lại, đặc biệt phải có rất nhiều bánh vẽ để trộn lẫn với bánh thật, như trong bài nói dối. Nếu 3 bước trên đều thạo, hơn kém nhau chỉ ở sáng tạo ra bánh vẽ mà thôi.
Khó là ở kiến thức liên hoàn, sắp xếp cho có kịch bản mạch lạc, cuốn hút người nghe. Vì thế kiến văn vừa phải rộng, nhưng nắm được bản chất có tý triết lý, không dông dài vu khoát vào tiểu tiết.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)
No comments:
Post a Comment