Trần Đại Nghĩa
Trần Đại Nghĩa là bí danh của ông Phạm Quang Lễ (1913 - 1997). Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1933, ông đỗ Thủ khoa cả hai kỳ thi Tú tài Việt và Tú tài Tây. Hai năm sau ông du học Pháp nhờ chương trình học bổng của hội Ái hữu trường trung học Chasseloup - Laubat Sài Gòn.
Tại Pháp, ông tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Sau đó về lại Pháp làm Kỹ sư trưởng ở hãng Nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với mức lương 22 lạng vàng một tháng.
Tháng 5/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp thương thuyết nhằm cố tránh một giải pháp phải đổ máu nhưng cuối cùng thất bại trước âm mưu quyết quay trở lại đô hộ Việt Nam một lần nữa của người Pháp. Trong thời gian này ông được gặp Hồ Chí Minh và trình bày nguyện vọng về nước cống hiến.
Tháng 9/1946, ông theo chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc, trở thành vị cục trưởng đầu tiên của Cục quân giới (tháng 12/1946), kiêm cục trưởng Cục pháo binh (từ tháng 5/1949).
Ông là nhà sáng chế các loại vũ khí có uy lực lớn như Bazooka, SKZ, Bom bay,...trong Kháng chiến chống Pháp; cùng các đồng sự nghiên cứu các giải pháp chống các khí tài hiện đại của Mỹ như Thủy lôi, mìn, bom bi, cây Nhiệt đới, cải tiến nâng tầm cao của tên lửa SAM-2...trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.
Ngày 30/4/1975, ông ghi vào sổ tay: "Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành"
Ông là người một đời tận tụy cống hiến, không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Sau 1954, về Hà Nội, gia đình ông được tổ chức sắp xếp ở tại số 56 Hàng Chuối, cùng một gia đình khác. Cấp dưới đến nhà thấy nhà cửa chật chội nói với ông: “Sao thủ trưởng không lên tiếng? Thủ trưởng phải được ở một chỗ tốt hơn như thế này”. Ông gạt đi: “Thế này là tốt lắm rồi. Có người còn không có nhà mà ở”
Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, quân đội và Chính phủ, ông vẫn sống cuộc đời thanh bạch. Cuối thập niên 80, ông đưa gia đình vào Nam sinh sống, Thành phố cấp cho ông một căn nhà nhỏ có từ thời trước 1975 trong con ngõ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận. Năm này qua năm khác, những nhà khác xây cao lên, xây to ra, có nhà bên cạnh còn lấn chiếm đất nhà ông, bà nhắc ông, ông cũng bảo “kệ người ta, họ thích lấn thì cứ cho họ lấn, mình vẫn còn nhà để ở”.
Sinh thời ông có lần bộc bạch “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”
Ông qua đời tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9/8/1997, thọ 85 tuổi. Cùng với các giải thưởng mang tên "Trần Đại Nghĩa", tên của ông hiện cũng được đặt cho nhiều trường học, đường phố tại TP. Hồ Chí Minh, quê hương Vĩnh Long của ông và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Mời các bạn tìm hiểu thêm về ông ở trang dưới đây
https://dantri.com.vn/…/gstran-dai-nghia-va-nhung-cong-hien…
https://dantri.com.vn/…/gstran-dai-nghia-va-nhung-cong-hien…
No comments:
Post a Comment