Sunday, August 25, 2019

Nuốt thực lực kẻ địch

Theo lý thì sau chiến tranh, người chiến thắng sẽ mạnh lên, người thua thì yếu đi. Nhưng cũng không thiếu ví dụ, người thắng cuộc lại yếu đi, dẫn đến suy bại. Nhất là trong cục diện đa phương, nếu một anh mạnh nuốt anh yếu hơn, không khéo sẽ suy yếu và bị các đối thủ cạnh tranh ngang tầm, chưa kể các thế lực mạnh hơn hẳn nuốt, và chưa kể việc nuốt không xong bị sa lầy. Chính vì vậy trong cục diện đa phương, các nước nhỏ vẫn có thể sống tốt, không bị thôn tính, trong khi đó các nước mạnh và to hơn có thể chật vật để tồn tại. Cùng là nuốt, nhưng bí quyết của việc mạnh lên chính là nuốt được thực lực của kẻ địch, yếu đi chính là tàn phá bên địch thành bình địa để rồi phải nuôi báo cô. Đó chính là bản chất của việc lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Cục diện Tam Quốc hình thành do ba nước Thục, Ngô, Ngụy nuốt được các thế lực địa phương. Chúng ta hãy xem cách nuốt thực lực của họ.
Ngụy của Tào Tháo, vốn ban đầu chỉ nắm được một châu nhỏ là Duyện Châu, lại nằm ở trung tâm, nên phải chống địch tứ phía. Phía Bắc có Viên Thiệu, đất rộng mênh mông, binh sĩ thiện chiến, phía Tây ban đầu có Đổng Trác, Lã Bố, Lý Thôi Quách Tỵ, sau là Mã Siêu, Hàn Toại là những quân phiệt khét tiếng, phía Đông phải chống Viên Thuật, Lưu Bị-Đào Khiêm, phía Nam là Trương Tú-Lưu Biểu. Không bên nào phải thọ địch nhiều như Ngụy. Nếu không có chiến lược đúng, tình thế của Tháo cũng như tình thế của nước Trịnh thời Xuân Thu, kẹt giữa các thế lực lớn, ai cũng đến xâu xé. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho Ngụy phát triển. Đầu tiên, Tháo chỉ dám thu phục dư đảng của Khăn Vàng thu được Hứa Chử, Từ Hoảng, Điển Vi, diệt Lã Bố thu được Trương Liêu, diệt Viên Thiệu thu được binh sĩ Hà Bắc, Trương Cáp, diệt Mã Siêu thu được binh sĩ Tây Lương, phát hiện ra Quách Hoài, Tư Mã Ý, diệt Trương Lỗ thu Bàng Đức, diệt Lưu Biểu thu Sái Mạo, Trương Doãn, Khoái Việt và thủy quân Kinh Châu. Cách nuốt thực lực của Tháo là biến kẻ địch thành người thân cận, trung thành tuyệt đối và trong đội ngũ của mình. Vì thế Ngụy là mạnh nhất. Tất nhiên, Tháo có lợi thế nắm được vua nên có danh nghĩa sai khiến chư hầu, nhưng điều đó chỉ có nghĩa với bọn nho sĩ như kiểu Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục, Giả Hủ. Điển hình cho chính sách nuốt thực lực của Tháo là mặc dù tiêu diệt các lực lượng chống đối như Phục Hoàn, Đổng Thừa một các triệt để, Tháo sẵn sàng đốt toàn bộ hồ sơ tang vật của những người làm nội ứng cho Viên Thiệu. 
Bên Thục, Lưu Bị cũng có cách thu phục, nuốt thực lực của địch. Các đại thần cao cấp như Đổng Doãn, Pháp Chính, Lý Nghiêm đều vốn ở phe đối lập. Tuy vậy trong tập đoàn của Bị, phe phái vẫn rất rõ. Phe theo Bị từ đầu như Lượng, Phi, Vũ, Vân, Chúc, Phương, Phong, Ung, Càn, Tịch. Phe theo Bị từ Kinh Châu như Diên, Trung, Mã Lương,... Nội bộ trong Xuyên đã có 3 phe rõ rệt, là phe Đông Châu (dân ngụ cư) và phe sĩ tộc Tây Xuyên, sau khi Bị chiếm Thục có thêm một phe nữa là những người mở cửa đón Bị là đồ đảng của Pháp Chính, Bành Dạng, Trương Tùng. Cách nuốt thực lực kẻ địch của Bị không thể tiêu hóa được mà chỉ ẩn dấu vấn đề. Vì thế các phe này không nhất quán và vẫn kình chống lẫn nhau. Tuy vậy, Bị khi còn sống vẫn kết nối và sử dụng được các lực lượng này, bằng một chính sách phân chia quyền lợi tạo ra cân bằng tạm thời. Khi Bị nằm xuống, Lượng phải ra sức dẹp thanh trừng, các phe phái. Đến khi Lượng chết, quyền bính lại bị chia sẻ. Nói bên Thục có lợi thế nhân hòa là không đúng. Thục chỉ có ưu thế địa thế hiểm trở, dễ phòng ngự, lương thực đủ, nhưng yếu nhất về thực lực.
Phe Ngô hình thành do Tôn Sách dùng vũ lực thu thập các lực lượng yếu ở phía Nam. Tuy vậy, do chính sách dung hợp, nuốt thực lực địch kém nên bỏ mạng. Tôn Quyền có chính sách nuốt thực lực của đối phương bằng quan hệ trực tiếp, có thể nói là đứng đầu về thủ đoạn "nhân hòa". Thu phục Cam Ninh, Thái Sử Tử, dùng Chu Du, Lỗ Túc, Lục Tốn. Quyền thu phục bề tôi và cư xử như bằng hữu anh em mà không cần đem lợi ra nhử. Do đó bên Ngô tuy về phương diện chính danh là kém nhất, nhưng nhân tài vẫn đông hơn bên Thục và rất trung thành.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen.VIDI72)

2 comments:

  1. Nguyễn Minh Tuấn: Lưu Bị là điển hình của kẻ giả nhân.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Aiviet Nguyen: Nguyễn Minh Tuấn, Làm chính trị giả nhân là thường

      Delete