1. Quách tự Phụng Hiếu Gia người quận Dĩnh Xuyên, Kinh Châu là nơi có nhiều danh sĩ. Nổi tiếng thì có Bàng Đức Công, Tư Mã Huy, bọn trẻ thì có Bàng Thống, Gia Cát Lượng, Thôi Châu Bình, Thạch Thao, Từ Thứ đã nổi tiếng khắp thiên hạ. Quách Gia tự cho mình sắc sảo hơn cả, bèn tự dấu mình, nên người đương thời không ai biết. Có người hỏi "Ngài mai danh ẩn tích thế này há chẳng mai một tài năng ư?" Gia cười đáp "Tài của ta chỉ một người dùng được, ý đang đợi minh chủ."
Viên Thiệu khởi binh ở U Ký, Hà Bắc, binh lắm, lương nhiều, tướng đông, mưu sĩ như nấm, lại được tiếng là ba đời tam công, làm minh chủ chư hầu, là thế lực mạnh nhất, coi như nắm thiên hạ trong tay. Gia nghe tiếng, bèn lên Ký Châu ra mắt Thiệu. Thiệu thích nghe mưu kế lạ, lại trọng người tài bèn đãi Gia rất hậu. Được chừng nửa năm Gia bèn bỏ đi. Trước khi đi gặp bạn đồng liêu là Quách Đồ và Tân Bình. Bình và Đồ hỏi:"Chúa công đãi túc hạ rất hậu, lại là người nhún mình trọng kẻ sĩ, lại chịu khó nghe mọi người. Sao lại bỏ đi." Gia nói "Kẻ sĩ tìm được người xứng đáng để theo mới gọi là trí. Nay Viên Thiệu nhún nhường nhưng không thực tâm. Thích nghe mưu kế nhưng chẳng dám thi hành. Ai cũng trọng đãi nhưng cuối cùng chẳng nghe ai. Thiệu có lòng nhân đức của công tử con nhà giàu chưa hề biết khổ. Không phải là người chia ngọt xẻ bùi trong hoạn nạn. Theo Thiệu, thực lòng bày mưu cao sẽ mang họa. Tả hữu sau này sẽ giết hại lẫn nhau. Ta há lãng phí thân nam tử ở đây. Chẳng thà để thời gian với phong hoa tuyết nguyệt" Bèn dứt áo ra đi, tay gươm tay đàn, lang thang chốn giang hồ, biệt tăm tích, không màng chuyện đời.
Bấy giờ mưu sĩ của Tào Tháo là Hí Chí Tài, chẳng may bệnh nặng qua đời. Tháo lo lắm bèn hỏi ý Tuân Úc. Úc nói "Để bày mưu sâu, thiên hạ chỉ có hai người Giả Hủ và Quách Gia thôi. Này Hủ đang ở trong quân Lý Thôi, Quách Tỵ. Còn Gia trước theo Viên Thiệu nay không biết đi đâu. Tháo bèn bỏ ngàn vàng sai người tìm Quách Gia. Tháo gặp Gia nói chuyện suốt đêm nói "Tuân Lệnh Quân là Trương Tử Phòng, nhà ngươi mới là Trần Bình của ta." Gia cười đáp "Chúa công cần kế lớn của Trương Lương, Quản Trọng, Nhạc Nghị, Khương Thượng tôi cũng có sẵn. E rằng chưa cần gấp mà thôi." Tháo nói "Người hiểu bụng ta chỉ có Phụng Hiếu." Gia lui ra ngửa mặt lên trời cười "Người này thực đáng làm chủ của Gia".
Rồi Gia bày mưu cho Tháo lần lượt bình Lã Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu. Kế nào cũng khác cách nghĩ của người khác, lần nào cũng thành công, chủ yếu dựa vào cách nhìn người, nắm được tâm lý và chỗ yếu của kẻ địch như trong lòng bàn tay, vô cùng xác đáng. Trần Quần nói với Gia "Nay trong triều có ông và Tuân Lệnh Quân, tài cao át chúng. Tuân Lệnh Quân mực thước, ai cũng mến. Ông lại phóng túng, chẳng giữ gìn, lại chẳng giao du với ai." Gia chỉ cười không đáp. Quần bèn chỉ trích Gia giữa triều. Gia nghe được lại càng làm quá lên. Tháo thấy vậy lại càng trọng đãi và tin Gia, coi như cật ruột.
2. Quản Trọng được Hoàn Công trọng dụng cho giữ quyền tướng quốc, còn tôn làm Trọng Phụ, ý kính trọng như cha. Khi Hoàn Công làm bá chủ chư hầu, nước Tề hùng mạnh, Trọng bèn xây nhà rực rỡ, đàn sáo suốt ngày. Có người trách. Trọng cười "Tôi xa xỉ chơi bời là để che tiếng cho chúa công xa xỉ chơi bời đó thôi". Người đó không cho là phải. Hoàn Công nghe nói, yên tâm giao hết quyền cho Trọng.
3. Lệnh Lỗi Dương nói: " Mưu kế có hai đường dương và âm. Dương mưu là kế lớn, theo đạo lý, lâu mới có kết quả, it người dám bày, vì các nhà chính trị hay sốt ruột, muốn nhìn thấy kết quả ngay. Vì thế dương mưu thường bị cho là viển vông. Vì nghe ra hợp lý nên nghĩ rằng ai cũng biết. Nhưng chỉ lệch một chân tơ kẽ tóc là dương mưu không thành. Âm mưu là kế sâu, dùng cho việc khẩn cấp, chủ yếu dựa vào tâm tính người. Vì vậy các nhà chính trị thích âm mưu nhưng lại nghi ngại người bày ra nó. Kẻ bày âm mưu phải tự giữ mình. Giả Hủ bày mưu nhỏ làm Tào Tháo khốn đốn. Sau theo Tháo, bày mưu nhỏ đốt lương Viên Thiệu, chia rẽ Mã Siêu Hàn Toại, nhưng rốt cuộc cũng luôn kiệm lời để giữ mình. Vì thế dương mưu có thể bàn, âm mưu phải chờ minh chúa."
Nguyễn Ái Việt (DEBRECEN.vidi72)
No comments:
Post a Comment