Thursday, February 18, 2021

Tấm bia bị đục phá

 NHÂN ĐỌC BÀI “ĐỤC BIA RỒI ĐỤC LUÔN CẢ THƠ” TRONG NHÓM NHÀ MÌNH VÀO ĐÚNG NGÀY 17.2 

“Nhiều người hẳn đã quen thuộc với hình ảnh cột bia Khánh Khê ở Lạng Sơn dưới đây (ghi nhận sự hi sinh của 650 chiến sĩ thuộc sư đoàn 337 trên biên giới phía Bắc cản bước quân thù năm 1979) cách đây vài năm được báo chí phát hiện là đã bị đục bỏ dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược" - một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.” (Hết trích)

Cầu Khánh Khê nằm trên quốc lộ 1B (nối Đồng Đăng, Lạng Sơn với Đồng Hỷ, Thái Nguyên), bắc qua con sông Kỳ Cùng, ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Văn Quan và Cao Lộc của Lạng Sơn. Đây cũng là con sông duy nhất ở Việt Nam bắt đầu trên lãnh thổ Việt Nam và chảy ngược sang Trung Quốc. Thời chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc, tháng 2.1979, cầu Khánh Khê là điểm chốt chặn cuối cùng trên toàn tuyến phòng thủ phía này của bộ đội ta. Do phía chính diện quân xâm lược Trung Quốc bị bộ đội ta chặn đánh quyết liệt không thể nhanh chóng chiếm được thị xã Lạng Sơn (lúc đó LS mới là thị xã tỉnh lỵ) như toan tính ban đầu, nên quân xâm lược mở cánh vu hồi đánh thọc xuống phía Nam nhằm chiếm Đồng Mỏ rồi phối hợp quặt lên phía Bắc chiếm thị xã LS. Nhằm đập tan mưu đồ của quân xâm lược, sư đoàn bộ binh 337 đang làm kinh tế ở Nghệ An nhận lệnh cấp tốc hành quân lên LS chiếm lĩnh trận địa tại mặt trận này. Bộ đội ta đã thiết lập tuyến phòng thủ có chiều sâu để chặn đánh quân xâm lược. Thời gian chiến sự tuy không dài, nhưng vô cùng khốc liệt. Thương vong của cả hai bên đều rất lớn. Tổn thất của bộ đội ta đã được ghi rõ trong đoạn trích ở trên. Nhưng bộ đội sư đoàn 337 và các lực lượng tại chỗ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững trận địa, đánh tan cánh quân vu hồi của địch. Để ghi nhớ chiến thắng cầu Khánh Khê, ngay cuối năm 1979 đơn vị bộ đội chủ lực mặt trận này là sư đoàn 337 đã dựng một tấm bia bằng bê tông cốt thép khá lớn phía đầu cầu thuộc huyện Văn Quan. Tấm ảnh nổi tiếng nhất của tấm bia này thực ra chỉ là phần chân tấm bia ban đầu, vì phần trên đã bị trận lũ lịch sử năm 1984 cuốn trôi. Người dân đã đặt một bát hương lớn lên phía trên mặt bia để hương khói cho các liệt sĩ. Theo người dân ở đây, thỉnh thoảng vào ban đêm họ vẫn gặp linh hồn các liệt sĩ quanh quẩn nơi tấm bia!

Phần trên tấm bia bị nước lũ quấn mất không biết có hoa văn hay đề chữ gì không. Ở phần chân vẫn đọc được chữ còn chữ mất. Cựu chiến binh sư đoàn 337 từng tham chiến ở đây cho biết nguyên văn dòng chữ đề là: "Tại đây, Sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược.” Những chữ "quân Trung Quốc xâm lược" sau đó liên tục bị kẻ nào đó đêm đêm lén đục bỏ. Bộ đội ta đắp lại. Chúng lại đục bỏ. Không biết là quân gian bên này hay bên kia biên giới. Tuy thuộc vùng biên giới nhưng vị trí cầu Khánh Khê không nằm quá sát đường biên. Tình hình này cứ nhùng nhằng thế mãi. Rồi bắt đầu thời kỳ hòa hoãn, bình thường hóa quan hệ hai nước, phần phế tích của tấm bia lịch sử bị lãng quên. Mãi mấy năm gần đây, khi đường 1B được xây dựng lại, cầu Khánh Khê được dịch chuyển khỏi vị trí cũ cho thẳng tuyến thì chuyện Bia chiến thắng cầu Khánh Khê mới nóng lại. Vừa do cầu Khánh Khê mới di chuyển ra vị trí khác, thêm nữa là công trình thủy điện gần đó sẽ dâng nước làm ngập hẳn chân tấm bia nên chính quyền quyết định xây đài tưởng niệm mới trên quả đồi phía đầu cầu bên kia thuộc huyện Cao Lộc. Nhà bia trên đỉnh đồi cao ráo, bề thế. Thay cho phế tích tấm bia bê tông lịch sử giờ là tấm bia đá hai mặt to đẹp, khắc chữ vàng rõ nét. Điều gây tranh cãi chính là dù có đọc kiểu gì đi chăng nữa thì cũng không thể tìm thấy chữ "Trung quốc" nào, cho dù là có chữ "ĐỊCH" và chữ "XÂM LƯỢC"! Nghe như khẩu khí "TÀU LẠ" hay "TÀU NƯỚC NGOÀI" hiện nay. Buồn mênh mang!

P/S: Sư đoàn 337 sau chiến dịch này được mang thêm tên gọi vẻ vang là Đoàn Khánh Khê. Trở về thời bình, sư đoàn 337 hay Đoàn Khánh Khê đảm đương nhiệm vụ kép nên mang tên là Đoàn kinh tế - quốc phòng 337. Mùa bão lũ năm 2020, đơn vị, đang đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đã chịu tổn thất nặng nề khi núi lở vùi lấp doanh trại khiến hơn hai mươi cán bộ chiến sĩ hy sinh.

Hiencx Hiencx (HÀ NỘI MÃI TRONG TIM)

No comments:

Post a Comment