NỮ GIÁO SƯ TOÁN HỌC ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM : CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN GIỮA HỌC HÀM VÀ HỌC VỊ TIẾN SĨ
Bà là Hoàng Xuân Sính (sinh ngày 8/9/1933).
Bà là một nữ chính khách, nhà quản lý giáo dục, nhà toán học, giáo sư Tiến sĩ khoa học và nhà giáo Nhân dân VN. Bà là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam.
THÂN THẾ SỰ NGHIỆP VÀ CÁC GIẢI THƯỞNG
Bà là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Suốt thời niên thiếu gia đình bà sống tại nhà số 102 phố Hàng Bông, Hà Nội. Mẹ của bà mất sớm khi bà mới được 8 tuổi, cha của bà là ông Hoàng Thúc Tấn, sau đó đã tục huyền với một nữ doanh nhân chuyên về vải sợi.
Trong nhiều tài liệu, bà thường được ghi chú là "cháu gái của giáo sư Hoàng Xuân Hãn". Tuy nhiên, đây chỉ là mối giao tiếp thân tình giữa hai người chứ không phải là quan hệ họ hàng.
Bà làm nghiên cứu sinh trong nước dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck. Luận án Tiến sĩ Toán học của bà có nhan đề "Các Gr-phạm trù" được bảo vệ tại Đại học Paris 7 vào năm 1975. Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức ở Vancouver (Canada).
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Paris, bà trở về Việt Nam, bắt đầu công việc giảng dạy toán học và biên soạn sách giáo khoa đại học cũng như phổ thông. Bà từng là chủ nhiệm bộ môn Đại số kiêm trưởng khoa Toán-Tin học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long- Đại học Tư thục đầu tiên của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (15/12/1988). Hiện nay, bà đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường. Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam. Nhiều lần bà được giao trọng trách là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Bà cũng dành thời gian tham gia vào nhiều hoạt động xã hội đa dạng như Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Bà làm luận án TS trong thời chiến tranh, bom đạn. Hồi đó bà đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm, nhà trường không có chế độ cho cán bộ nghỉ để làm tiến sĩ. Đi sơ tán ban ngày dạy học, đêm bà ngồi viết luận án dưới ánh đèn dầu. Viết bằng tiếng Pháp trong sự hướng dẫn của thầy ở xa. Xong gửi ra nước ngoài ghi danh, đăng ký bảo vệ như một thí sinh bình thường. Có cả hội đồng chấm xem luận án này có xứng đáng được bảo vệ không. Khi nhận được sự chấp thuận từ Pháp được phép sang bảo vệ luận án, thì có nhiều ý kiến không đồng tình cho bà đi vì sợ bà đi sẽ không về. Người ủng hộ tích cực nhất giai đoạn đó là bà Hà Thị Quế - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà chỉ xuất thân là một du kích, không có điều kiện học hành nhiều, nhưng đã đưa ra lý lẽ ủng hộ rất thuyết phục. Bà nói, “thứ nhất tôi 40 tuổi rồi, ở nước ngoài 40 tuổi xin việc rất khó, không có việc thì sống bằng gì; Thứ hai con tôi ở nhà, mà không người phụ nữ nào bỏ con cả... Vậy cứ yên tâm cho tôi đi…”
Luận án viết xong từ năm 1972, ba năm sau nhờ sự can thiệp đấu tranh của Hội Phụ nữ, năm 1975 bà mới được sang Pháp bảo vệ...
THÀNH TÍCH NỔI BẬT
•Bà tham gia Đại hội Toán học quốc tế ở Vancouver năm 1974.
•Bà được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" - đây là giải thưởng danh giá, cao quý nhất để tôn vinh các cá nhân xuất sắc, có những hoạt động, đóng góp to lớn cho ngành giáo dục nước nhà.
•Bà được tặng Giải thưởng Kovalevskaia và được chính phủ Pháp trao tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân bà cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp-Việt.
CHÚNG TA ĐANG NHẦM LẪN GIỮA HỌC HÀM VÀ HỌC VỊ TIẾN SĨ
Nhiều người nỗ lực để lấy bằng tiến sĩ để có cái danh cá nhân, chạy theo hư danh, còn chất lượng chuyên môn thế nào luôn là dấu hỏi lớn cho các nhà quản lý, cho xã hội. Mới đây (2017) Bộ GD-ĐT công bố dự thảo đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm. Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính cho rằng, đào tạo sau đại học ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị, vì nhiều người đi học lấy bằng không phải vì mong muốn làm việc tốt hơn mà là để thăng tiến chức vụ.
Trước đề án mới, bà cho rằng việc đào tạo là cần thiết bởi hiện nay tiến sĩ nghiên cứu khoa học và tiến sĩ giảng dạy là rất thiếu. Nếu đề án này được thực hiện, chọn được đúng người giỏi thì không còn hiện tượng “cơm chấm cơm”, thạc sỹ đào tạo đại học và thạc sỹ. Và việc đào tạo tiến sĩ đúng nghĩa thực chất phải song hành cùng chế độ đãi ngộ sau đào tạo…
TIẾN SĨ KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM QUẢN LÝ
Thời gian qua, có một thực tế là sinh viên học đại học xong ra trường không xin được việc rồi lại đi làm thạc sỹ, tiến sĩ? Và rất nhiều người đi làm tiến sĩ chỉ để lấy “danh” và không liên quan tới giảng dạy. Đó thực sự rất bất hợp lý. Có 3 vấn đề rất đáng chú ý:
1/ Đối với bậc phổ thông các trường phấn đấu để học sinh đỗ vào đại học;
2/ Đối với bậc đại học các trường phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp có việc làm;
3/ Đối với bậc sau đại học thì ta có một hiện tượng lạ lùng, đó là không phải phấn đấu gì hết.
“Cho tới nay tôi chưa thấy có quy chế về thạc sỹ nghiên cứu ở nước ta và tôi đã đọc một văn bản của Bộ Giáo dục đề cập tới thạc sỹ nghiên cứu trong tương lai sắp tới, tôi xin hoan nghênh. Cho nên khi làm tiến sĩ, các thày hướng dẫn phải chấp nhận nghiên cứu sinh chỉ có thạc sỹ nghề nghiệp và đành phải làm hộ hoặc cho ra lò những luận án tồi. Vả lại người đi làm thạc sỹ hay tiến sĩ của nước ta hầu như chỉ nhằm tiến thân, không hề mong muốn có thêm kiến thức để làm việc tốt hơn”.
Câu chuyện đào tạo tiến sĩ của ta dư luận xã hội đã bức xúc nhiều rồi. Chúng ta làm ẩu nên mới vỡ bục ra, mới có chuyện tiến sĩ mà một chữ tiếng Anh không biết, báo cáo khoa học đọc không hiểu. Đây là hệ quả của cả một quá trình dài tư duy đào tạo sau đại học theo kiểu tạm bợ, ẩu tả, làm cho xong...
Có tham khảo các tài liệu chính thống.
Copy từ FB-anh Nguyễn Văn Hôt (DEBRECEN)
No comments:
Post a Comment