M Ẹ T Ô I - V ÀI N É T C H Â N D U N G
Đã rất nhiều lần, không đếm được là bao nhiêu, tôi đã ngồi thừ trước trang giấy, muốn viết về Mẹ. Thế rồi giấy vẫn trắng, ý vẫn nguyên, điều định viết mãi không thành.
Thôi thì nhân 20 năm ngày giỗ mẹ, tôi ghi lại ở đây vài ấn tượng hằn sâu trong trí nhớ.
1. NỖI ĐAU CỦA MẸ
Mẹ ngồi tựa lưng vào cái tủ sách cao, trước mặt là cuốn tạp chí Illustration mở rộng. Tôi chạy lại, ngạc nhiên thấy mẹ khóc, nước mắt dòng dòng.
- Sao mẹ khóc? – tôi ôm lấy mẹ.
Mẹ không trả lời, chỉ cho tôi nhìn cái hình trong báo. Đó là một dãy đầu người nhem nhuốc lăn lóc trên mặt đất.
- Đây là các bác của con – mẹ nói, còn khóc to hơn.
Tôi còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau của mẹ. Tôi chỉ biết lấy bàn tay bé nhỏ lau nước mắt cho mẹ.
Tôi đâu có biết các bác mà một thời mẹ tôi từng gặp, từng yêu mến, từng kính trọng ở Nam Đồng thư xã.
2. THẾ HỆ ÁI QUỐC CUỒNG
Rồi tôi lớn lên, thấy trong nhà mình có nhiều người lớn mà tôi gọi bằng các bác. Họ thoắt đến, thoắt đi trong đêm tối.
Cha tôi sai tôi lấy gạch non vẽ một con cò trên bức tường nhà máy rượu ở đầu phố. Con cò không có mắt. Các bác đến nhà tôi nhất thiết phải đi qua bức vẽ ấy. Nếu nó có mắt, họ phải rẽ sang ngả khác.
Người ở trong nhà tôi, số 65 phố Sergent Larrivet, lâu nhất, nhiều lần nhất, là Bác Cả Hà Đông, tức ông Nguyễn Lương Bằng và Bác Ba Lâm, tức ông Bùi Lâm. Một ông sau này là phó chủ tịch nước, ông kia làm phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.
Thời ấy, tôi không có chú nào. Mọi người, dù ít tuổi hơn cha mẹ tôi, tôi đều gọi là bác.
Các bác có chung một mục đích: chống Pháp, giành độc lập. Trong lòng họ không có gì khác ngoài tình yêu đất nước và cuộc chiến đấu vì đất nước.
Mẹ tôi nuôi ăn, lo mặc cho các đồng chí đến nhà mình, như lẽ tự nhiên.
Chuyện sau này họ trở thành cái gì là chuyện sau này. Các thế hệ sau vẫn cần ghi nhớ: một thời đã từng có những người yêu nước cuồng nhiệt.
3. ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
Cuộc duyệt binh đầu tiên khi cách mạng thành công rất hoành tráng, theo cách nói bây giờ.
Chị Tường, người giúp việc trong nhà chúng tôi, người được cha mẹ tôi dạy dỗ để bảo vệ các bạn cách mạng của ông bà, được ông Nguyễn Lương Bằng mời lên lễ đài xem duyệt binh.
Tôi tin ông Nguyễn Lương Bằng hành động đúng với giáo điều cách mạng. Ông quên người tham gia cách mạng, nuôi nấng đồng chí. Ông nhớ người có địa vị thấp kém mà cách mạng phải tâng lên.
Ông không biết mẹ tôi, người nuôi các đồng chí trong đó có ông, thì đứng ở vỉa hè, chiêm ngưỡng đoàn quân đi qua nhà.
4. TÌNH ĐỒNG CHÍ
Cha tôi và tôi bị bỏ tù trong cái gọi là “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”.
Mẹ tôi đến gặp ông Nguyễn Lương Bằng. Ông bảo:
- Tập thể quyết định, tôi làm gì được.”
Có một cái thở dài, chứng tỏ ông thương cha tôi.
Khi cha tôi được thả, nhưng còn bị phát vãng ở Nam Định, ông Nguyễn Lương Bằng có đến thăm, an ủi ông, và biếu một hộp sâm.
Cha tôi bảo ông:
- Anh không làm nên tội. Anh chỉ là công bộc, là tay sai. Tôi giận anh làm gì.
Rồi bảo mẹ tôi:
- Cái hộp này bà xem ai nghèo mà cần đến thì cho họ.
Thời gian ấy ông Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo công việc thanh tra, được coi là người cầm thanh kiếm bảo vệ đảng.
5. QUÁN CHÈ CHÉN
Mẹ tôi có một cái thùng bán chè chén và thuốc lá ở trước cửa nhà mình, số 5 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Khi có ông bạn cũ, nay làm to, đến thăm, biếu cha tôi một bao Ba Số 5, ông bảo các con:
- Mang ra cho mẹ bán.
Người mời một điếu ông cũng không hút, bảo đưa cho bà.
6. CÂY CỘT CÁI CỦA NGÔI NHÀ TRONG BÃO TÁP
Khi cả hai cha con tôi bị bỏ tù, bà vẫn bình thản:
- Chúng ta còn đồng bào, các con ạ. Đồng chí có thể phản bội. Đồng bào thì không bao giờ.
Mẹ tôi luôn đúng trong niềm tin không gì có thể lay chuyển này.
No comments:
Post a Comment