Saturday, August 14, 2021

Câu chuyện từ dầu mỏ

 CÂU CHUYỆN VỀ XÂY DỰNG NHÀ MÁY LỌC HOÁ DẦU.

Nhà máy lọc hoá dầu đầu tiên của Việt Nam đáng lẽ đã có tại Tuy Hạ- Long Thành- Đồng Nai.

Nhà máy này do Liên Xô cấp vốn, nó được khởi công xây dựng khu cơ sở ban đầu vào năm 1986, nhưng sau đó Liên Xô rơi vào khủng hoảng toàn diện, cắt bỏ đầu tư, để lại nhiều hạng mục dang dở, và chính thức chết hẳn năm 1990. 

Sau này, Việt Nam mới quyết định xây dựng nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất bằng nguồn vốn của mình.

Khi đó các chuyên gia Liên Xô trong các buổi nói chuyện với kỹ sư Việt Nam, đã bật mí là Việt Nam không nên xây dựng nhà máy lọc hoá dầu.

Trưởng phòng Kỹ thuật của Liên Xô tên là Zerovski nói:

- Muốn xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) công suất 6 triệu tấn/ năm, thì nguồn cung dầu thô phải ổn định trong vòng 60 năm, từ một loại dầu thô trong cùng một mỏ (một giếng, hoặc nhiều giếng có chất lượng như nhau) thì mới có lãi.

- Nếu phải nhập khẩu dầu thô thì chỉ được nhập một loại phù hợp với thiết bị công nghệ đã được lựa chọn của nhà máy. Như vậy mình sẽ lệ thuộc một nhà cung cấp, sẽ bị ép giá, không chủ động trong sản xuất. Bởi vì không có thiết bị công nghệ nào có thể đáp ứng được tất cả các loại dầu thô.

- Những nước chưa sản xuất được thiết bị công nghệ cho NMLHD phải nhập khẩu để xây dựng, và cho thay thế bảo dưỡng, sửa chữa, chưa làm chủ được vận hành… thì không nên bỏ vốn xây dựng NMLHD, vì các chi phí này rất lớn trong tuổi đời khai thác.

Theo như chuyên gia Zerovski tiết lộ thì trữ lượng dầu thô của Việt Nam không đủ đáp ứng cho NMLHD 6 triệu/ năm trong vòng 60 năm nên kiểu gì cũng phải nhập khẩu. Vì vậy Việt Nam không nên xây dựng NMLHD bằng nguồn vốn nhà nước.

Sau này NMLHD Dung Quất đã phạm sai lầm đúng như chuyên gia Zerovski cảnh báo.

Zerovski còn cung cấp thêm thông tin:

Ở các nước có trữ lượng dầu thô lớn như Ả Rập, Cô Oét… chính phủ không xây dựng NMLHD. 

Họ cho các tập đoàn lớn nước ngoài vào thăm dò, khai thác. Chính phủ cấp hạn ngạch từng năm, và thu thuế theo tấn. 

Chính phủ cũng quy hoạch các khu để cho xây dựng NMLHD, các tập đoàn nước ngoài bỏ tiền ra xây dựng NMLHD theo quy hoạch. Chính phủ thu thuế theo từng loại sản phẩm một cách hợp lý để hai bên cùng có lợi.

Làm như thế, nhưng thực chất chính phủ vẫn nắm đằng chuôi, vì có chuyện gì họ cắt nguồn cung, đầu vào.

Một điều rất quan trọng, dầu thô là tài nguyên quốc gia thu qua thuế là khó có thể tham nhũng, ăn cắp. 

Nếu để cho tư nhân trong nước, hoặc dùng nguồn vốn chính phủ đầu tư NMLHD sẽ đẻ ra lợi ích các nhóm. Các nhóm này sẽ lũng đoạn kinh tế, chính trị.

Zerovsky cũng tiết lộ, Campuchia có trữ lượng dầu thô cũng ngang Việt Nam, nhưng Hun Sen rất khôn không cho khai thác. Vì cho khai thác sẽ xảy ra mất ổn định chính trị. Campuchia chưa thể tự chủ và đủ khả năng quản lý sẽ bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài dắt mũi, quan chức sẽ bị mua chuộc tham nhũng. Tài nguyên sẽ mất, đất nước mất ổn định, lung lay quyền lực của ông ta.

Zerovski là một kỹ sư Người Nga rất hiền lành, tài giỏi và chân thành. Ông cởi mở và hay chuyện. Liên Xô qua chuyện kể của ông đều mang tính châm biếm và hài hước. Mỗi lần kể xong một câu chuyện ông đều nháy mắt hóm hỉnh: 

“Tao nói thế, nhưng đừng mách sếp của tao nhé. Chuyện chính trị là của chúng nó, chúng mình đừng nhảy theo cho mệt. Liên Xô không nuôi mãi được Việt Nam đâu, chúng mày lo mà về Sài Gòn kiếm việc. Đừng bảo tao nói nhé”

Quả tình như vậy, hơn một năm sau, hàng trăm kỹ sư bơ vơ mất việc làm, chạy tứ tung về Sài Gòn, ra Hà Nội tìm việc. 

Tất cả lao vào kiếm sống trong thời nhộm nhoạm, tranh tối, tranh sáng bắt đầu của kinh tế thị trường.

Anh Quoc  (THAM KHẢO TRÊN MẠNG)

No comments:

Post a Comment