C H U Y Ệ N N H À 5 - B Á C L A N G T H A N H
Một hôm, tôi ngần ngừ nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Cho con hỏi mẹ chuyện này.
Mẹ tôi đang đọc sách.
- Gì, con?
Tôi không biết nên bắt đầu câu hỏi thế nào. Nó sẽ giống sự trách móc:
- Tên con là bố hay mẹ đặt hở mẹ?
Mẹ tôi mở to mắt:
- Sao tự nhiên con lại hỏi thế?
Tôi ngập ngừng:
- Là con hỏi cho biết thôi
- Con không thích nó à?
- Không phải con không thích. Cơ mà nó giống tên con gái, mẹ ạ.
Mẹ tôi bật cười:
- Người ta không hiểu đấy thôi, chứ nó là một cái tên hay, có ý nghĩa lắm đấy.
- Nhưng là mẹ hay bố đặt?
- Không phải mẹ, cũng không phải bố - mẹ tôi thần mặt, không trả lời ngay - Là bác Lang Thanh.
Mẹ tôi thở dài. Bà buồn khi nhắc tới bác Lang Thanh.
Bác mới bị bắt, đang ở trong tù, mẹ nói tôi mới biết.
Bác Lang Thanh không phải khách thường xuyên trong nhà tôi. Ông thoáng đến, thoáng đi, nhưng là người bố mẹ tôi chờ đón.
Người dong dỏng cao, đi cà nhắc, gương mặt dài với đường nét phân minh, nhưng khắc khổ, đôi mắt sáng mà cái nhìn lại hiền.
Trong số bè bạn của cha mẹ tôi, ông là người đặc biệt. Ông là người bạn duy nhất mà cha mẹ tôi xưng “em” . Cha mẹ tôi coi ông như ruột thịt.
Nghe mẹ tôi kể thì bác Lang Thanh bị tù nhiều hơn bất cứ ai trong những nhà cách mạng - trên ba chục năm cả thảy. Chính quyền thuộc địa ngán ông lắm. Có lần ông bị nhọt ở chân, giám thị nhà tù đã nhờ bác sĩ Pháp cắt luôn gân chân ông. Một lần khác, ông đau bụng, bác sĩ cắt béng một khúc ruột dài.
Ra tù trong tình trạng ốm yếu ông nhờ các đồng chí cáng ông đi hoạt động. Cũng như mẹ tôi, những đồng chí của ông là đảng viên Quốc Dân Đảng. Sau, ông vào Đảng Cộng sản, nhưng với các đồng chí Quốc Dân Đảng ông mãi mãi giữ tình bạn chung thuỷ. Vì tình bạn ấy, sau này nhiều người nghĩ ông không phải đảng viên cộng sản, có người còn viết ông thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách). Ông cười:
- Thuộc đảng nào không quan trọng, cháu ạ. Quan trọng là mình có phải người cách mạng hay không?
Tôi không ghi về bác Lang Thanh như một người nghiên cứu tiểu sử, cho nên những gì tôi nghe kể chắc chắn không đầy đủ.
Sau Tháng Tám 1945 tôi mới biết tên thật của bác là Đinh Chương Dương.
Chẳng riêng cha mẹ tôi, đến chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng xưng “em” với bác. Tôi có ghi chuyện ấy trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày: “ Chỉ một lần tôi nghe thấy ông Hồ xưng em với người khác - đó là với nhà cách mạng lão thành Đinh Chương Dương. Trước Bắc bộ phủ là cả một rừng cờ và hoa bên trên biển người xao động, trong tiếng nhạc binh trầm hùng, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Tôi đi cùng bác Đinh. Bác Đinh lúc bấy giờ đã yếu lắm, phải tựa vào vai tôi mà bước.
Vì đến muộn, chúng tôi chật vật mãi mới len được qua đám đông để vào Bắc bộ phủ. Nhìn thấy bác Đinh từ xa, bác Hồ lật đật từ trên thềm cao chạy xuống, đỡ tay ông: "Bác tới thăm em làm chi, khổ quá, bác chưa được khỏe mà". Trả lời câu hỏi thăm của bác Đinh, bác Hồ ưỡn ngực ra, cười lớn tiếng: "Hồi nầy em khá nhiều rồi, bác ạ".
Tính về tuổi tác, về quá trình hoạt động cách mạng, bác Hồ có coi bác Đinh Chương Dương như đàn anh cũng là phải phép.
Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là nhà nước cho bác Đinh hưởng một khoản phụ cấp hằng tháng vừa bằng lương tôi, cán sự 3, một nhà báo quèn.
Nghe cha tôi kể thì chính bác Lang Thanh đã đưa cha tôi vào đường cách mạng, khi ông còn là học sinh được ông anh cả là bác Phán Linh làm việc ở toà sứ Tuyên Quang mang theo. Cái tỉnh lỵ nọ chẳng có gì lôi cuốn cậu học trò ra đi từ cái làng quê bùn lầy nước đọng. Cậu buồn, cậu nhớ nhà, vì thế cứ tan học là cậu lang thang khắp chốn trong mấy phố xá đìu hiu.
Gần toà sứ có một ngọn đồi thấp không hiểu sao lại được gọi là núi - Núi Cố. Những người tù khổ sai thường được giải ra khỏi trại giam ra đấy làm “cỏ vê”. Tù là loại người đặc biệt, bao giờ cũng gợi tò mò ở những người sống ngoài nhà tù. Họ trước kia có thể là những kẻ giết người máu lạnh, những tên cướp hung hãn, và thứ người gì nữa không biết, nhưng nay họ đều giống nhau ở gương mặt lầm lì. Họ lẳng lặng làm công việc mà những người lính khố đỏ áp giải bắt họ làm.
Cậu học sinh lân la đến với những người tù khổ sai. Ở Núi Cố cậu đã gặp người thay đổi cuộc đời cậu.
Người tù cách mạng với những câu chuyện tâm tình về lịch sử đất nước, về thân phận nô lệ của nhân dân và cuộc đấu tranh giành độc lập cuốn hút cậu học sinh.
Cậu bừng tỉnh. Khi ấy cậu chẳng biết làm gì hơn là nhịn tiền quà sáng chị dâu cho để mua báo cho những người tù đọc, mua cho họ các thứ cần thiết chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục .
Năm 1997, ở Paris, tôi tìm được một người bạn thân của cha tôi từ những năm xa xưa là ông Ngô Thế Tân. Ông cũng là người giúp đỡ nhiều cho hoạt động cách mạng của cha tôi, mẹ tôi kể. Vợ ông, bà Lê Thị Lựu là bạn học của mẹ tôi.
Cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe chuyện đời mình. Những gì tôi biết là qua lời kể của mẹ tôi và bạn bè ông bà.
Ông Ngô Thế Tân là người có thể cho tôi biết thêm về cha tôi thuở thiếu thời. Nhưng thật tiếc, tôi không gặp được ông. Khi ấy ông Tân ở Nice, một tỉnh miền Nam nước Pháp, còn tôi thì vừa chân ướt chân ráo đến Paris, cuộc sống chưa ổn định, tôi rất muốn gặp mà không đi được vì không có tiền để mua vé tàu. Đến lúc có thể đi gặp ông thì ông không còn nữa.
Trên điện thoại, ông Tân ôn lại kỷ niệm với cha tôi thời hai người ở Tuyên Quang:
- Chẳng hiểu bằng cách nào mà bố cháu dám một mình tổ chức một cuộc gặp mặt ban đêm với những người có cảm tình với cách mạng ở khu rừng bên kia bến đò Ghềnh Quýt.. Bác có mặt, không phải do bố cháu rủ mà do một bạn khác. Hồi ấy hai đứa có quen nhau, nhưng chưa thân. Nghe giọng, bác nhận ra là bố cháu. Giọng Nam Định của bố cháu không lẫn vào đâu được.
Cái cách hoạt động cách mạng như thế thật ngây thơ. Nhưng nó là sự sôi nổi chân thành của một thiếu niên khi bước vào đường cách mạng.
Nhiều năm trước, một lần tôi tình cờ đọc được bức thư cha tôi viết dở cho ông Tân. Trong thư có đoạn viết:
- Mình hiểu cậu muốn về giúp nước. Đã sống ổn định ở bên ấy rồi, cậu cứ ở yên đấy, về bây giờ chẳng ích lợi cho ai. Cái lý tưởng trước kia của chúng ta không giống những gì đang diễn ra trong thực tế. Chưa biết rồi ra sẽ thế nào…
Bức thư không gửi bằng đường bưu điện mà nhờ người ở Pháp về thăm nhà chuyển tận tay. Trong một xã hội mà mọi mối quan hệ với người ở ngoài nước ngày ấy đều bị bí mật giám sát, cha tôi phải thận trọng. Cách mạng không đồng nghĩa với tự do. Cha tôi đã nhìn thấy mặt trái của nó.
Ông Tân nghe cha tôi, không về.
Ông gửi cho người bạn cách mạng năm xưa một chiếc Mobilette màu xanh lam. Không hiểu vì lẽ gì người Hà Nội gọi loại xe gắn máy hai thì này là “cá xanh”. Cha tôi rất quý con “cá xanh” bạn cho. Có nó, ông có phương tiện đi lại, mà không phải nhận ô tô theo tiêu chuẩn vụ trưởng Vụ Lễ tân thường phải tiếp khách nước ngoài.
Ông bảo:
- Nước ta nghèo, dân ốm nặng còn không có xe tải thương. Có mấy phố Hà Nội đi xe đạp cũng được, hà tất phải ô tô.
Nhưng không dùng ô tô cũng có cái bất tiện. Một lần ông cưỡi “cá xanh” tới dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Liên Xô, lính gác ở cửa sứ quán đã không cho ông vào, vì các quan chức được mời dự đều đi ô tô, không ai đi xe đạp hoặc xe máy.
Sau khi mất liên lạc với ông Đinh Chương Dương và những người tù chính trị bất ngờ bị chuyển đi, cha tôi nghĩ chỉ có thể bắt liên lạc được với những người cách mạng bằng cách chính mình phải vào tù, ở đó thể nào ông cũng gặp được họ.
Trở về quê, ông sang tỉnh lỵ Thái Bình, tự mình viết truyền đơn hô hào đánh Pháp giành độc lập. Chẳng cần tài giỏi gì mật thám cũng tìm ngay ra thủ phạm. Cha tôi bị tống giam.
Báo hại mấy bà chị thương em phải đội thức ăn đánh đường sang Thái Bình nuôi em. Ông anh cả làm thông phán Toà Sứ ở Hà Nội phải chạy vạy, gõ mọi cửa có thể gõ, để xin cho ông em vị thành niên thoát án tù hoặc nhà trừng giới.
Nhưng kế sách ngớ ngẩn của cha tôi thế mà thành. Trong trại giam Thái Bình ông đã gặp những người ông mong gặp.
Ông bước hẳn vào đường cách mạng từ đó.
Bác Lang Thanh còn có vị trí đặc biệt đối với cha mẹ tôi còn ở chỗ ông là người tác thành cho cuộc hôn nhân nhiều trở ngại của hai người.
Vào khoảng đầu những năm 20 thế kỷ trước, tinh thần đấu tranh chống Pháp dâng cao trong mọi tầng lớp dân chúng. Đó là thời kỳ mà sau này được ghi vào sử sách là “những tổ chức cách mạng mọc lên như nấm”. Những người cách mạng Việt Nam khi ấy rất quan tâm tới việc sáp nhập các tổ chức manh mún tự mọc lên thành một lực lượng nếu chưa thể thống nhất thì cũng thành một tổ chức lớn.
Cha tôi bắt đầu hoạt động cách mạng theo chân bác Đinh Chương Dương từ năm 1923, gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1925. Từ đấy ông trở thành người cộng sản.
Mẹ tôi và các bạn học sinh trong trường nữ học Brieux, đặc biệt là với bà Trịnh Thị Điền cũng thành lập tổ chức yêu nước của mình. Bà là vợ ông Đỗ Đình Thiện, một nhà cách mạng, mà người ta thường gọi là nhà tư sản dân tộc nổi tiếng trong Tuần lễ Vàng những năm 1945-1946. .
Theo sự chỉ đạo của ông Đinh Chương Dương, cha tôi thay mặt Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tìm gặp tổ chức nữ học sinh do mẹ tôi làm đại diện. Mối tình giữa hai người yêu nước nảy nở từ đấy.
Bà ngoại tôi không ưng mối tình ấy. Cho dù là con của người tham gia phong trào chống Pháp, bà ngoại tôi không muốn con gái mình lấy một chàng trai nghề nghiệp bấp bênh, nay việc này mai việc khác, trong khi mẹ tôi được nhiều ông thông ông phán ngấp nghé.
Đùng một cái, mẹ tôi ngã bệnh thương hàn. Bệnh trở nặng, hết ông lang này đến ông lang kia bó tay. Trong khi đó thì bà ngày một lả dần. Cha tôi đánh bạo đến xin bà ngoại tôi để cho ông lang là bạn mình chữa. Trong tình thế ngặt nghèo bà ngoại tôi đành ưng thuận.
- Mẹ các cháu lúc ấy đã bắt chuồn chuồn rồi – bà ngoại tôi kể - Không thì bà đã đuổi bố các cháu ra khỏi nhà. Biết bà không bằng lòng mà vẫn lăn xả vào van xin, liều thế đấy. Âu cũng là cái duyên cái số, bà mới có lũ chúng mày.
Ông lang đến bắt mạch, bốc thuốc, túc trực ngày đêm bên giường bênh. Mẹ tôi hồi tỉnh dần. Rồi khỏi. Ông lang không lấy tiền công, tiền thuốc, chỉ vật nài xin bà ngoại tôi rủ lòng thương cho cha tôi được làm rể. Mang ơn cứu tử, bà ngoại tôi đành thuận.
- Ông ấy tốt lắm, người nhà trời đấy, các cháu ạ.
Nói về bác Đinh Chương Dương, bà ngoại tôi kết luận.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với bác Lang Thanh lần chót rất buồn.
Sau khi bố tôi bị đảng của ông bắt giam vì tội "xét lại chống đảng", tháng 10 năm 1967, mẹ tôi đưa các con vào HàĐông thăm bác.
Bác Đinh khi ấy nằm liệt trên giường, ra hiệu cho chúng tôi lại gần, gắng lết tới thành giường để ôm lấy từng đứa, áp vào má mình.
Tôi có ghi lại vắn tắt cuộc gặp mặt lần ấy như sau:
“Huỳnh ơi! Huỳnh ơi! Huỳnh ơi!” Nghe tin dữ, bác Đinh đang nằm liệt đập tay xuống giường kêu lên ba lần, khóc nức nở.
Nhìn người già lăn lộn khóc lóc, lòng tôi đau quặn.
Mẹ tôi nói với bác Đinh:
- Em cũng có thể bị chúng nó bắt, bởi vì em cũng biết nhiều điều bí mật chồng em biết. Nếu em bị bắt thì cháu Hiên sẽ thay mặt vợ chồng em vào thăm bác, cháu Hiên bị bắt thì còn cháu Phương, còn lại đứa nào trong mười đứa con em thì sẽ còn có đứa vào đây thăm bác”.
Rồi mẹ tôi nghẹn ngào, nụ cười méo xệch:
- Đẻ nhiều đâm ra những lúc như thế này lại có lợi, bác ạ!.
Bác Đinh hỏi tôi:
- Cháu có nhớ chuyện “giật giải mũ” không?
Tôi thưa có. Bác nói:
- Người xưa còn thế được, người nay mà thế a?!”
Nhắc chuyện giật giải mũ, bác Đinh có ý trách ông Hồ Chí Minh. Không bước ra khỏi giường bệnh, ông đâu có biết lúc ấy ông Hồ chẳng còn bao nhiêu quyền lự, ông không phải là thủ phạm chính của vụ bắt bớ bất nhân. Ông im lặng vì ông không thể can thiệp, hoặc ông không dám can thiệp. Sự im lặng đặt ông vào vị trí đồng phạm.
Hôm ấy mẹ tôi và chúng tôi ở lại với bác Đinh cả buổi chiều. Tôi kể cho bác nghe về những người bạn cách mạng, đúng hơn là những đàn em của bác, bị bắt trong đợt trấn áp vừa xảy ra. Bác nhớ hết, không quên một ai. Nói đến ai bác lại đập tay xuống giường, lại nấc lên, nước mắt ròng ròng.
Khi tôi nhắc tới Kỳ Vân thì bác Đinh ngắt lời:
- Là Phạm Kỳ Vân chứ. Chính bác gửi anh này sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện của Hội Thanh Niên mà. Người trẻ mà tinh thần yêu nước thật lớn. Người cách mạng như Phạm Kỳ Vân mà còn bắt bỏ tù thì khốn nạn quá”.
Nhà cách mạng Đinh Chương Dương là người như thế.
Nhưng ông hoàn toàn vắng bóng trong sử ký cách mạng.
Người ta đã quên ông.
Người ta cố tình quên ông.
Cuộc cách mạng mà vì nó ông hiến dâng cả đời mình đã rẽ sang ngả khác mất rồi.
No comments:
Post a Comment