Tuesday, March 29, 2022

Hà Nội của tôi

 Thưa các bạn trang ảnh HN xưa. Tôi rât hạnh phúc khi được thưởng thức những bức ảnh của các bạn post lên. Tôi ko có điều kiện sưu tập ảnh như các bạn. Hôm nay tôi xin phép được chia sẻ với các bạn tình cảm của tôi, một người con của HN. Rất mong các ad thông cảm cho đăng để góp vui cùng các bạn với những kỷ niệm xưa về Hà Nội.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

HÀ NỘI TUỔI THƠ TÔI

Hà nội của tôi phố cũ vẫn gầy

Vẫn những hàng cây đợi ai trong nắng

Vang đâu đó

Tiếng rao quà ngõ vắng

Cho âm thanh ngày rơi …

Hà nội trong tôi

Ôm sắc trời thu xanh cao 

Nơi Tháp bút , đài nghiên chào đón

Mặt hồ 

Có bóng gươm thiêng chìm lắng 

Liễu rủ nỗi chờ 

Thê húc đợi trong thơ …

Tuổi học trò theo gió sông Hồng mơ 

Gửi cánh diều thả bao khát vọng

Hoài theo mãi một màu lam xa ngái

Để nặng lòng

Trăn trở nỗi phù sa …

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà nội . Hiện nay , cuộc sống của tôi lại gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh . Cho dù cuộc sống giữa chốn phồn hoa này sôi động , đầy bộn bề nhưng thẳm sâu trong tôi vẫn lưu giữ một nguồn tình cảm thiêng liêng - nguồn hoài niệm da diết về Hà nội. Với tình cảm một người con của Hà nội thân thương đang ở xa Hà nội , qua trang viết này tôi xin được chia sẻ những kỷ niệm của tôi về Hà nội – nơi có khung trời ký ức riêng ,lưu giữ “ một thời thơ thiếu nhỏ “ của tôi với tất cả các bạn là người Hà nội và với tất cả các bạn ở khắp nơi có tình yêu hướng về Hà nội.

Hà nội ký ức tuổi thơ tôi là những ngày rong chơi cùng lũ trẻ trong Khối ( tương tự như Cụm bây giờ ) . Đó là những buổi trưa hè chốn ngủ rủ nhau đi theo lũ đàn anh câu cá cờ ( có nơi gọi là cá săn sắt ) , Đó là những hôm lang thang đi kiếm nút chai bia ( hình như bia Trúc Bạch thì phải ) và những nút chai xi – rô ở những cừa hàng bán nước giải khát về gõ phẳng ra làm “ xèng “ , cùng với đồng “ cái chì “ chơi đánh đáo mà chúng tôi thường gọi là “ chơi xèng “ . Tôi còn hình dung được mùi cháy khét của mặt đường nhựa giữa trưa hè chang chang đổ nắng . Lũ trẻ con chúng tôi mang những cọc “ xèng “ ra đường ray tàu điện rải lên chờ tàu điện chạy qua để bánh tàu nghiến thành những đồng “ xèng “ phẳng lì , trông rất đẹp . Tôi rất ham đánh “xèng “ và chơi cũng rất “ mả “ , thường thắng được nhiều “xèng “ và bán cho lũ bị thua cứ 5 xu là 30 đồng “xèng “ . 5 xu ngày ấy rất giá trị vì chỉ có 2 xu là mua được một phích nước đun sôi ở cửa hàng phục vụ thôi ! Rồi những cuộc chơi bi “ hầm “ . Bị hầm om lâu đến giờ ăn cơm mà vẫn chưa được tha cho về nhà . Cay cú lắm nhưng mà rất vui . Chúng tôi còn nhiều trò chơi với nhau vào thời đó như : “ Trồng nụ trồng hoa “ , “ Thả đỉa ba ba “ , “ Rồng rắn lên mây “ , “ Chi chi chành chành “ … với những bài đồng dao ngộ nghĩnh , chẳng biết có tự thuở nào . Ngày nay , chẳng hiểu sao lũ trẻ lại tự nhiên quên đi và hầu như không còn chơi nữa .

Tuổi thơ êm đềm của lứa tuổi chúng tôi cùng Hà nội chẳng kéo dài được lâu . Cuộc chiến leo thang phá hoại bằng không quân của Mỹ đã khiến những lũ trẻ chúng tôi phải rời xa Hà nội đi sơ tán . Những chiều buồn nơi thôn quê tôi nhớ nhà , nhớ Hà nội của tôi ghê lắm . Trong trại trẻ chúng tôi đã có đứa trốn trại bỏ về Hà nội bị các cô , chú tìm lại đánh phạt đòn đến tím mông trước toàn trại để làm gương và răn đe . Chúng tôi biết Hà nội là trung tâm oanh tạc của máy bay Mỹ . Lo cho gia đình và Hà nội , đêm đêm chỉ biết mang nỗi nhớ nhìn về phía có ánh đèn vàng – nơi đó là Hà nội của tôi .

Rồi Mỹ cũng chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc ( hình như cuối năm 1968 ) , chúng tôi trở về Hà nội . Hà nội tuổi thơ tôi thời gian này là những năm tháng của tuổi học trò với những bước chân tôi hàng ngày đi học dọc theo con phố Ngô Quyền , một con phố có nhiều cây me , cây sấu cổ thụ và nhiều khu nhà biệt thự có sân rải sỏi trong vườn với những ô cửa màu xanh lúc nào cũng đóng im ỉm như nuôi giấu những bí mật , để tuổi thơ tôi cứ phải thả trí tưởng tượng tò mò mà chẳng bao giờ được biết . Còn nhớ , có lần đi học về chúng tôi cùng nhau cởi dép cao su để ném me và một chiếc dép của tôi đã vụt qua bức tường bay vào … thăm khu nhà biệt thự . Thế là chiều hôm ấy , còn một mình tôi cứ phải ngồi chờ , chờ mãi đến xẩm tối mới có một chiếc ô tô con vào biệt thự . Thu hết can đảm cho đỡ run , tôi mới dám gọi bà lão vừa ra mở cổng cho tôi vào lấy chiếc dép . Bà lão nhìn tôi như móc thịt , rồi cũng lấy cho tôi chiếc dép và không quên tặng tôi mấy cái cốc đầu đau điếng , kèm theo lời đe doạ lần sau sẽ tịch thu chứ không cho vào lấy lại . 

Phố Ngô Quyền còn là nơi toạ lạc của toà nhà Bắc Bộ Phủ ( nay là Nhà Khách Chính Phủ ) , phía đối diện với vườn hoa Con Cóc . Tôi còn nhớ ở hàng rào sắt bên ngoài nơi gần cổng chính toà nhà này có rất nhiều vết đạn. Còn có cả một viên đạn đồng vẫn găm vào một thanh sắt . Những lần đi học qua , tôi vẫn thích … sờ vào viên đạn ấy .

Có lẽ , sẽ có nhiều người Hà nội như tôi vẫn còn nuối tiếc về khu nhà Bách Hoá Tổng Hợp Hà nội . Cứ mỗi lần có dịp đi qua phố Hàng Bài , Tràng Tiền là tôi lại ngậm ngùi nhớ về khu nhà Bách hoá to nhất của Hà nội thời “ Bao cấp “ ấy . Tôi nhớ , có lần vào những ngày giáp tết , lũ trẻ học sinh chúng tôi rủ nhau vào chơi trong Tổng Hợp để … đốt pháo .Chúng tôi chia nhau mỗi đứa mấy quả pháo tép ( loại pháo thân bé như quê hương nhưng nổ rất đanh ) rồi tản ra thi nhau đốt và chạy thục mạng vì có đứa hô : “ Bảo vệ đuổi “ . Đến giờ , tôi cũng vẫn còn nhớ tiếng pháo đốt ngày ấy , tuy là pháo tép nhưng nổ trong nhà Tổng Hợp nó khác – to và đanh hơn rất nhiều. 

Tổng hợp ngày ấy nhộn nhịp lắm. Khách hàng là những anh bộ đội vai còn đeo ba lô , là các bác các anh chị công nhân trong bộ bảo hộ lao động , là những người dân Hà nội và những người dân tỉnh lẻ đi mua sắm và tranh thủ … ngắm hàng . Từ tầng 1 lên tầng 2 , nơi nào có những mặt hàng hiếm đang bán là có cảnh chen chúc , rồng rắn xếp hàng để mua . Đã nhiều lần tôi được mẹ và chị gái cho cùng đi mua sắm ở Tổng Hợp. Tôi được thoả sức ngắm nghía cơ man nào là hàng hoá đủ các loại . Được ngắm các cô nhân viên bán hàng .Cô nào cũng ăn mặc đẹp , da mặt và tay cứ … trắng muốt !

Nhiều người , kể cả những người ở Hà nội vẫn quen gọi những phố trong khu phố cổ là phố Tàu . Thực ra , người Tàu ở đây không nhiều . Đa phần ở những phố này là những người tỉnh lẻ mang nghề thủ công truyền thống quê nhà lên Hà nội định cư sinh sống lâu đời , tập chung theo từng dòng họ . Câu “ Hà nội 36 phố phường “ chỉ cho ta thấy sự quần tụ của nhiều đại diện làng nghề thủ công xưa tập trung nơi đất Kinh kỳ đô hội này . Những cửa hàng buôn bán ở khu phố cổ rất thấp , thường không cao quá hai tầng . Tôi còn nhớ thời “ Bao cấp “ , cứ vào khoảng 9 đến 10 giờ tối là hầu như các nhà hàng phố đã đóng kín hết cửa rồi . Điểm đặc trưng của những khoang cửa ở khu phố cổ là cửa được ghép bằng những tấm gỗ đánh số , có hèm âm dương . Tôi vẫn nhớ hình ảnh những bà cụ ngồi bán hàng , đầu vấn khăn nhung the , tay nghiền cối trầu , mắt rất lanh lợi đon đả chào mời khách hàng . Những năm tháng đổi mới sau này , hầu như những tấm cửa gỗ hèm âm dương này đã được thay thế bằng những cánh cửa sắt kéo , cửa cuốn cho tiện dụng . Nhưng với tôi , những cánh cửa sắt kia đã xoá đi một hình ảnh đặc trưng rất rõ nét cho bộ mặt của một cửa hàng khu phố cổ - những tấm cửa gỗ hèm âm dương !

Chúng tôi lớn lên trưởng thành cùng Hà nội khi chế độ bao cấp làm chủ đạo trong nền kinh tế đất nước . Tuổi trẻ của chúng tôi ôm nhiều hoài bão cho lý tường vào đời . Trong những năm tháng tôi đi học xa Hà nội , lần nào trở về tôi cũng mang trong mình nỗi khát khao sớm được nhìn thấy phố . Từ xa , khi nhìn thấy cầu Long Biên là tôi đã thấy tim mình đập rộn rồi ; lên đến trên cầu lại nhìn về Hà nội tiếp , cứ hướng theo nóc toà nhà Bác Cổ và sau này là hộp đèn đồng hồ Bưu điện Bờ hồ là thấy mình đang càng về rất gần Hà nội . 

Rồi những “ trai thanh , gái lịch “ Hà nội chúng tôi đã biết yêu Hà nội không chỉ là những con phố nhỏ lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ . Chúng tôi yêu Hà nội theo những vòng xe đèo nhau lên Hồ tây ăn bánh tôm , ăn ốc nóng . Hồ tây rất rộng và chúng tôi “ khai thác “được nhiều chỗ để bơi lội , trò chuyện . Những đêm trăng thanh gió mát , dạo xe trên đường Cổ Ngư , ngồi trên bãi cỏ ngắm các đôi tình nhân , ngắm mặt hồ ảo huyền trong đêm rất thú vị .Cũng từ khi tôi biết đến những vùng ngoại ô , tôi mới cảm nhận Hà nội của mình thật đẹp .

Còn rất nhiều những kỷ niệm về Hồ tây trong tôi . Đặc biệt nhất là những dấu ấn của tình cảm lứa đôi mà cứ mỗi độ thu về , trong tôi lại không khỏi bâng khuâng , man mác khi nhớ về Hà nội .Tôi có ghi lại những cảm xúc đó trong ca khúc THU VÀNG - ca khúc tôi sáng tác khi còn ở Hà nội , và tôi cũng đã post lên blog này để chia sẻ cùng các bạn .

Nhớ về Hà nội không thể tôi không nhớ đến Sông Hồng , con sông gắn bó với ký ức tuổi thơ của tôi rất nhiều. Tôi có những buổi chiều được bố dắt ra hóng mát dưới triền sông , theo những bãi ngô , dẫm lên những con sóng nhẹ gợn cát phù sa mát lịm dưới chân .Tôi có những chiều mê mải theo lũ trẻ bãi sông đi chao tôm bằng những cái rá trên những bè nứa chạy dài , làm bố mẹ tôi phải phiền lòng lo lắng . Tôi cũng có những chiều tắm trên những mảng bè nứa , ngắm ánh hoàng hôn trải trên sóng sông Hồng soi bóng cầu Long Biên vắt qua lung linh lộng gió . Những khoảnh khắc ấy vẫn mãi in đậm trong tôi về một Hà nội của tôi - thanh bình lắm ! êm đềm lắm ! …

Hà nội đã không còn Bách Hoá Tổng Hợp . Cả cái nhà 12 Bờ Hồ chuyên bán đồ chơi cho thiếu nhi cũng không còn nữa . Dạo quanh Bờ Hồ tìm về ký ức những năm tháng tuổi thơ , lần nào tôi cũng không khỏi thấy lòng mình nao nao mất mát . Đâu rồi tiếng leng keng của tàu điện vào , rời bến . Đâu rồi tiếng khua kéo vui tai của ông lão bán nộm “ thịt bò khô “ khu vực nơi Tháp Bút . Đâu rồi những ông già Tàu thắt Tạp - dề bên những khay gỗ luôn lau sạch bóng , trên có tảng bánh “ Chín tầng mây “ với những xắt bánh hình thoi quyến rũ đủ sắc màu , mềm mại bên tháp Hoà Phong ( một bến tàu điện lẻ bên bờ hồ phía đối diện nhà Bưu điện thành phố bây giờ ) và những ông bán “ Táo dầm “ với những cóng táo ngâm nước đường đặc sánh cùng những xiên táo vàng bóng nhẫy như phủ mật ngọt lịm bên hồ … Rồi bà bán Thạch đá ở vườn hoa Chí Linh chỉ xuất hiện trong những đêm hè và dường như cũng chỉ để phục vụ cho những đôi nam thanh , nữ tú đi chơi về khuya tạt vào giải khát . Đâu rồi , bóng chú lùn quày quả bên xe kem Hàng Vôi dưới gốc me ngày ấy …

PHỐ

Một sáng về ngỡ lạ hình bóng phố

Không … phố vẫn ồn ào , vẫn đáng yêu sao

Phố - ánh hào hoa , phố - bước lạ quen

Vẫn thấy phố ấm lên từng góc phố …

Lũ trẻ tung tăng phố nắng cười

Chẳng gió đùa nhưng mắt phố vui

Ông vá xe ngồi đâu - gốc bàng côi

Dăm gánh rau tươi xanh ngời cổng chợ

Em chẳng thấy quán trà giờ cửa hé

Sáng ánh duyên nhà bóng mẹ thoáng qua

Cây Bằng lăng chùm quả gọi về thơ

Hạ tím nhớ một mùa ai thả nhớ …

Phố vẫn đong đưa gánh quà nẻo phố

Thả trôi rơi hương phố mỗi mùa qua

Chật chội quá – mà lòng ta giữ phố

Bước hàng rong - phố gánh những kiếp đời …

Phố thương ơi lối cũ tuổi thơ rời

Còn đứng đó hàng cây thầm nhắc nhớ

Vẫn đợi em mơ một lần về phố

Đọng nỗi chờ tình bên phố trong thơ …

Các bạn ơi ! Vẫn biết chẳng có gì là tồn tại mãi với thời gian . Kỷ niệm của tuổi thơ giờ chỉ còn trong ký ức . Nhưng , những gì thuộc về Hà nội xưa đã gắn bó với tuổi thơ tôi , khi lớn lên phải đi xa Hà nội tôi mới thực sự thấy nhớ , thấy cuộn dâng trong tôi một tình yêu mang một nỗi niềm riêng khao khát : Mơ … một ngày tôi được trở về ...

Lamca Pham

1 comment:

  1. Tác giả ko nhắc đến trận bom kinh hoàng năm 1972.
    Những câu chuyện khác rất thú vị. Đúng là chuyện của trẻ con HN ngày xưa.

    ReplyDelete