TIẾU LÂM CHÍNH TRỊ ĐÔNG ÂU (1)
Giải trí chút, cách đây cũng vài chục năm, mình có sưu tầm và dịch từ kho tiếu lâm chính trị Đông Âu chừng 400 mẩu gì đó, định sắp xếp theo trình tự thời gian, rồi sẽ viết chú giải cho từng câu chuyện. Vì những cái này, thường là gắn với những sự kiện và thời kỳ lịch sử, đương nhiên bản thân chúng đọc cũng buồn cười rồi, nhưng đọc xong mà biết thêm các info khác, sẽ thấy “ngấm” hơn, nhiều khi “đau” hơn.
Tuy nhiên, về sau, phần vì lười, phần vì không có động lực gì, nên bỏ xó. Định rút ngắn công việc lại, viết một cái giới thiệu chung “Tiếng cười thời cộng sản ở Đông Âu”, mà được một đoạn rồi cũng vứt lăn lóc đâu đó - có lẽ khi nào đó sẽ phải hoàn tất. Giữa chừng, một số mẩu này mình có gửi cho trang talawas - sau đó nhiều câu chuyện được/ bị phát tán đủ chỗ, nhưng không hề thấy tên mình đâu nữa 🙂.
Chiến sự nhiều quá đôi khi cũng mệt, cần thư giãn chút!
Minh họa: Phương tiện chống trộm ở xứ “thiên đường” 🙂.
*
* Thập niên 50 thế kỷ trước. Bộ Nội vụ Liên Xô mở cuộc thi tiếu lâm chính trị, thời hạn nộp bài là 7/11 (nhân Cách mạng Tháng Mười).
Một anh chàng hiếu kỳ gọi điện hỏi:
- Thưa các đồng chí, giải nhất là gì ạ?
- Hậu hĩnh lắm! 15 năm tù khổ sai Siberia! 🙂.
* - Một con rắn có thể bị gãy xương sống không?
- Có, nếu nó theo đường lối của Đảng... 🙂.
* Trong Đảng, người ta thường xuyên tổ chức các vụ thanh trừng và khai trừ những đảng viên “thù địch”, “xâm nhập”, “dao động”, “hai mặt”... Ủy ban Kiểm tra hỏi:
- Khi thực hiện đường lối của Đảng, đồng chí có dao động không?
- Xin thưa, tôi luôn dao động theo đường lối của Đảng...
* Trong xà-lim, năm 1937.
- Cậu bị mấy năm tù?
- 25.
- Vì tội gì?
- Tớ vô tội.
- Nói láo! Vô tội thì chỉ bị 10 năm thôi. 🙂.
* - A lô, KGB phải không?
- Đúng. Có chuyện gì vậy?
- Xin thưa, con vẹt của tôi bay mất rồi.
- Thì sao?
- Nếu chẳng may tìm thấy nó, xin các đồng chí viết vào biên bản rằng tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến những quan điểm chính trị của nó. 🙂.
* Một nhà báo Phương Tây đến một nước CS và tranh thủ hỏi xem người dân suy nghĩ gì về chế độ. Nhà báo gặp một người dân ngồi chơi ngoài vỉa hè liền đưa micro ra và hỏi :
- Anh có thể cho biết ý kiến của mình về đ/c lãnh đạo cao nhất của mình không?
Người này nhìn trước nhìn sau kéo nhà báo vào nhà mình rồi nói thì thầm:
- Nói thật với anh tôi quý đ/c đó lắm.
- Sao khen lãnh đạo mà anh lại phải lén lút thế?
- Anh thông cảm, ờ đây chê lãnh đạo thì bị công an bắt mà khen lãnh đạo thì dễ bị người dân đánh… 🙂.
* Giờ toán trong quân đội Hung:
- cos x = 1,2
- Nhưng thưa đồng chí đại tá, theo như tôi biết thì hàm số cosinus không thể cho ra giá trị lớn hơn 1 được ạ? - một học viên thắc mắc.
- Tôi tiết lộ cho cậu một bí mật nhé, nhưng chớ có nói cho ai biết. Thời còn lính Nga ở nước mình, họ còn bảo cos x có thể bằng 1 triệu mà chúng tôi cũng phải câm họng đấy! 🙂.
* - Kẻ thù ko thể khoan nhượng của nền báo chí cách mạng chúng ta?
- Sự thật 🙂.
* Anh Mỹ và anh Hung thi nhau phét lác.
- Bên Mỹ chúng tớ tàu hỏa chạy nhanh đến mức nếu tớ muốn tát ông trưởng ga này, thì ông trưởng ga tiếp tới lại bị ăn đòn.
- Còn bên Hung bọn tớ thì chả mấy khi có tàu: bạn tớ muốn tự sát, cậu ấy nằm xuống đường ray nhưng rồi... chết đói ở đó! 🙂.
* Giờ Địa lý, cô hỏi trò:
- Nước ta có chung đường biên giới với những nước nào?
- Thưa cô, với những nước XYZ (liệt kê), SGK em thuộc lòng ạ. Tuy nhiên, ko hiểu sao bố em lại nói trong gia đình là, nước ta có đường biên giới với bất cứ nước nào mà đồng chí Stalin muốn? 🙂.
* Biên giới Hung - Liên Xô. Bỗng nhiên, hai chàng biên phòng Nga và Hung cùng nhìn thấy một va-li đầy vàng. Chàng Nga nhanh nhẩu:
- Mình đừng báo cáo cấp trên nhé, chia theo tinh thần hữu nghị anh em đi!
Chàng Hung nhấm nhẳng:
- Không hữu nghị hữu nghiếc gì sất! Chia đôi! 🙂.
* Trong một dịp khai quật ở Ai Cập, người ta tìm thấy một bộ xác ướp mới. Các nhà khảo cổ học trên toàn thế giới không làm sao biết được đó là xác ướp của ai. Cuối cùng, người ta phải mời các chuyên gia Xô-viết. Ba chuyên gia Liên Xô xắn tay áo và đề nghị mọi người ra khỏi phòng có chứa bộ xác ướp. Được một chút, họ đi ra, mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa:
- Hoàng đế Ramses thứ hai mươi ba.
- Tuyệt vời! Sao các ngài biết được?
- Bị “đấu tranh” dữ quá, thằng chó phải khai rồi! 🙂.
* Tại Liên Xô, vào thập niên 60.
Bộ Văn hóa mở một cuộc thi vẽ, đề tài cố nhiên là cuộc đời của đồng chí Lenin. Tuy nhiên, ban tổ chức muốn thay đổi đôi chút vì dân tình đã quá chán chường những đề tài muôn thuở như “Đồng chí Lenin ở điện Smolny”, “Đồng chí Lenin trên chiến hạm Rạng đông” hay “Đồng chí Lenin tại Đại hội Quốc tế Cộng sản”. Vì vậy, họ muốn tìm một cái gì mới mẻ.
Một đề tài mới cho cuộc thi được nghĩ ra: “Đồng chí Lenin ở Warszawa”. Hàng loạt bức tranh được gửi đến ban tổ chức, các giám khảo phải làm việc rất căng thẳng.
Nhưng có một tấm không hề phù hợp với đề tài, thậm chí ban giám khảo cũng không hiểu ý nghĩa của nó, do đó người ta phải triệu tay họa sĩ đến.
Chàng họa sĩ xuất hiện trước Hội đồng, lập tức anh bị hỏi:
- Tấm ảnh này dính gì đến đề tài “Đồng chí Lenin ở Warszawa”?
Trong tranh, một nam và một nữ đồng chí đang trong tư thế làm tình. Người ta hỏi họa sĩ:
- Nữ đồng chí này là ai?
Anh họa sĩ đáp:
- Thưa, là nữ đồng chí Nadezhda Krupskaya ạ.
- Tốt. Nhưng đồng chí này không phải đồng chí Lenin! Đồng chí ấy là ai vậy?
- Dạ, là đồng chí tài-xế của đồng chí Lenin a..
- Thế đồng chí Lenin ở đâu?
- Dạ, đồng chí Lenin ở Warszawa ạ. 🙂.
* - Hệ thống Xô-viết ưu việt hơn các hệ thống khác ở chỗ nào?
- Hệ thống Xô-viết ưu việt ở chỗ nó có khả năng giải quyết được những khó khăn không thể nảy sinh ở các hệ thống khác. 🙂.
* - Nếu tớ không nhầm, loại nước hoa này là của ngoại phải không?
- Đúng vậy, từ Phương Tây thối nát đấy.
- Ừ, có thể nó thối thật, nhưng hương vị của nó mới vương giả làm sao! 🙂.
* - Bà ơi, bác Lenin tốt lắm phải không?
- Ừ, cháu ạ, bác tốt lắm.
- Thế bác Stalin xấu lắm phải không?
- Xấu, cháu ạ, bác ấy xấu lắm.
- Còn bác Khrushchev, bác ấy cũng tốt hở bà?
- Rồi sau mình sẽ biết, cháu ạ, nếu bác ấy qua đời. 🙂.
* - Cái gì tồn tại vĩnh viễn ở Liên Xô?
- Những khó khăn quá độ. 🙂.
* Một trăm năm sau, trong chủ nghĩa cộng sản, cháu hỏi bà:
- Bà ơi, xếp hàng là gì hở bà?
- Cháu biết đấy, lâu lắm rồi, từ thời xã hội chủ nghĩa cơ, người ta đứng thành hàng dài để mua bơ và lạp xường.
- Thế “bơ” với “lạp xường” là gì hở bà? 🙂.
* - Trong chủ nghĩa cộng sản còn nạn trộm cắp không?
- Không. Người ta đã ăn cắp hết trong chủ nghĩa xã hội rồi. 🙂.
(Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Linh
No comments:
Post a Comment