(tiếp theo)
Cuộc đời Oleg Antonov là tấm gương cho sự gắn bó giữa hai dân tộc Nga và Ukraine. Nhưng không phải giữa họ chưa từng có những hố hận thù sâu thẳm.
Người Ukraine vẫn nhớ nạn đói Holodomor (Голодомор) do Stalin gây ra trong những năm 1929-1932. Lúa mỳ và các loại lương thực khác của Ukraine bị vơ vét hết để bán lấy ngoại tệ cho công nghiệp hóa. Stalin muốn dùng nó để bẻ gãy sự kháng cự của các lực lượng chống đối chính sách Nga hóa“. Nông dân bị tịch thu ruộng đất, bị dồn vào các hợp tác xã. Lượng thực tích trữ trong nhà bị chính quyền thu sạch. Người bị đói không được ra khỏi vùng để kiếm ăn. Đói thê thảm, người ta phải ăn cả thịt người chết. Nhiều nghiên cứu đưa ra con số từ 3-6 triệu người Ukraine chết đói trong Holodomor.[1]
Khi Đức tấn công Liên-Xô, một số lực lượng phục thù Ukraine đã tập hợp xung quanh hai tổ chức Organisation of Ukrainian Nationalists (OUN) và Ukrainian Insurgent Army (UPA), hợp tác với phát xít Đức chống lại Liên Xô.[2]
Nhưng sự gần gũi về văn hóa, lịch sử đã giúp hai dân tộc này trở lại chung sống với nhau khi chiến tranh chấm dứt. Hàng triệu cặp vợ chồng Nga-Ukraine và những câu chuyện như máy bay Antonov đã xóa nhòa vết thương xưa. Sau khi Liên xô tan vỡ rồi Ukraine thành một nước độc lập, cuộc sống ở Donetsk, Luhansk hay trên bán đao Crimea vẫn an bình, tiếng Nga và tiếng Ukraine vẫn sử dụng như nhau.
Trong khi ở Ukraine có 18% người Nga sinh sống, thì hơn 80% là người bản xứ và các chủng tộc Âu châu khác. Tôn giáo lớn nhất là Orthodox Church of Ukraine (OCU). Ảnh hưởng của văn hóa Âu ở đây lớn hơn ở Nga rất nhiều. Người Ukraine cảm thấy mình gần gũi với châu Âu, với Ba-Lan, Tiệp, Slovakia hơn là với Nga. Điều này dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Yanukovich thân Nga, khi ông này bác bỏ hiệp định hợp tác với EU hôm 21.11.2013.
Yanukovich thẳng tay đàn áp bằng đạn thật khiến hàng trăm người chết và bị thương trên quảng trường Maidan. Cuộc nổi dậy bùng nố khiến nhà độc tài phải bỏ chạy hôm 21.2.2014, dưới sự bảo vệ của lực lượng đặc nhiệm Nga Spetsnaz.[3] Chính phủ mới ra đời.
Việc Ukraine hướng tây là một lựa chọn liên quan đến lịch sử, văn hóa của họ, nhưng bị Putin coi là mối đe dọa. Ông ta lo sợ thể chế dân chủ, cuộc sống tự do ở đó sẽ khiến dân Nga không còn chịu nằm yên nghe ông nói sao làm vậy. Thế là ngày 27.02.2014 Putin chiếm bán đảo Crimea, trong khi chính quyền mới ở Kiew chưa có chút ý đồ gì về NATO.
Ukraine từng là một nước có bom hạt nhân, từng là một lò sản xuất vũ khí nổi tiếng của Liên-Xô, nhưng suốt từ 1991 đã ngủ quên, đã để cho Nga thao túng bộ máy an ninh và quân đội, không nâng cao sức đề kháng của mình. Nga chiếm Crimea không hề bị kháng cự.
Và cũng từ đó bỗng nổi lên câu chuyện „Người Nga bị đàn áp và đòi ly khai„ ở vùng Donbas.
Những vết thương xưa bỗng được khoét lại. Ukraine nổi giận, đưa quân đến Donbas đánh nhau với quân ly khai. Nội chiến Donbas không chỉ gây tang tóc cho cư dân, cả gốc Nga lẫn gốc Ukraine, không chỉ phá hoại công cuộc dân chủ hóa Ukraine, mà còn thổi bùng ngọn lửa „dân tộc cực đoan“.
Thực hư ra sao về việc Putin đòi „xóa bỏ Chủ nghĩa Phát xít ở Ukraine“?
Tân phát xit (neonazi) là một căn bệnh của loài người, ở bất cứ nước nào. Ngay ở các nước Ả-Rập cũng tồn tại các nhóm neonazi. Ở Việt Nam, chỉ qua mấy trận bóng đá quốc tế, người ta đã thấy mùi phát xít trên mạng. Ở Nga bọn đầu trọc skinhead còn đông hơn ở Ukraine hay ở Đức. Những kẻ theo tư tưởng Supremacy (thượng đẳng trắng) ở Mỹ là điển hình của neonazi.
„Tiểu đoàn Azov“ (Battalion Azov) [4] ở Donbas, tập hợp của các thế lực neonazi ở Ukraine, ra đời tại cảng Mariupol bên bờ biển Azov trong những ngày đầu của nội chiến, khi quân ly khai tấn công thành phố. Quân Azov được tài trợ bởi các chính khách và doanh nhân có tư tưởng cực đoan ở trong và ngoài Ukraine. Chúng đã gây nhiều tội ác với người gốc Nga từ 2014 đến nay. Nếu không có đám ly khai ở Donbas thì 2.500 tên Skinhead này sẽ chỉ là lũ gây rối trong một quốc gia 40 triệu dân.
Chính quyền Kyiv nói rằng họ không liên quan đến tiểu đoàn Azov, cũng như điện Kremlin nói là không liên quan đến quân đánh thuê Wagner.
Cho dù quân đội Ukraine có hợp tác với „Tiểu đoàn Azov“ trong cuộc chiến chống ly khai ở Donbas (Như các phong trào chống Pháp ở VN đã hợp tác với quân phỉ „Cờ đen“ của Lưu Vĩnh Phúc ở Bắc Bộ cuối thế kỷ 19) thì đó chỉ là một chiến thuật đáng phê phán, nhưng không phải là bản chất của nhà nước Ukraine.
Giờ đây Putin cũng thấy lố nên rút khỏi mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa phát xit ở Ukraine.
Nếu Putin thực chất muốn diệt đám giặc cỏ này thì chỉ cần một trung đoàn đặc nhiệm có không quân hỗ trợ, hợp tác với quân ly khai là trong một tuần là xóa sổ chúng. Nhưng khi Putin bác bỏ quyền tồn tại của nước Ukraine, đưa đại quân tấn công, phá hủy các thành phố, giết chết rất nhiều dân thường ở đó, ông ta đã hành động như một tên phát xít chính hiệu.
Cần phân biệt phát xít và tân phát xít. Tuy cùng một nguồn gốc: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt, chế độ độc tài v.v. nhưng chế độ phát xít là một dạng nhà nước, khi nó bác bỏ quyền sống của các dân tộc khác, dùng vũ lực tiêu diệt họ. Tân phát xit, (neonazi) chủ yếu là các nhóm cực hữu, chỉ tìm cách gây ảnh hưởng trong một quốc gia. Các nhà nước của Hitler, Mussolini, Nhật hoàng, Stalin, Putin hay Tập Cận Bình khác với các nhóm neonazi hung hăng nhưng không có tiềm lực ở chỗ đó.
Giá như còn Bộ Chính trị (BCT) như thời đảng Cộng sản Liên Xô thì Putin đã bị truất từ lâu. BCT đã hạ bệ Khrutshev khi thấy tình thế lâm nguy. BCT đã chi phối quyết định của tất cả các Tổng bí thư, từ Malenkov (1953) đến Gorbachov (1991), trừ Stalin.
Putin là một Stalin không có đảng cộng sản, lại là một người Nga nên nguy hiểm hơn nhiều. Nguy hiểm vì ông ta kết tinh chủ nghĩa „đại Nga“ vào lúc mà dân tộc Nga đang hụt hẫng. Trong khi hàng chục ngàn trí thức Nga bất chấp dùi cui và nhà tù, rầm rộ biểu tình chống cuộc chiến Ukraine thì một bộ phận lớn người Nga vẫn hậu thuẫn cho Putin.
Điều này cắt nghĩa sự sợ hãi và dè dặt của phương Tây đối với Putin. Cho dù NATO 2022 khác xa đồng minh chống Hitler 1938, nhưng việc Ba-Lan, Đức và kể cả siêu cường Mỹ nằm tít bên kia đại dương đùn đấy cho nhau việc cấp máy bay MG-29 cho Kyiv là biểu hiện của nỗi sợ. Người ta không chỉ sợ cho an ninh quốc gia, mà còn lo sợ một cuộc thế chiến thứ 3 bằng hạt nhân.
Mối lo này không phái là vô căn cứ. Khi Putin chửi chính phủ Ukraine là „một lũ xì ke ma túy“, người ta thấy ông mắc bệnh tâm thần. Đáng sợ nhất là bệnh nhân tâm thần cầm va-ly hạt nhân khi mà hai kẻ còn lại luôn cúi gầm mặt trước ông ta.
Phương tây có cách xử lý các nhóm neonazi trong từng nước, nhưng họ luôn rụt rè trong đối đầu với các nhà nước phát xit. Họ đã bán đứng Tiệp Khắc năm 1938 cho Hitler, đã chần chừ trước các đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, ở Đài Loan và nhắm mắt trong vụ Hongkong. Cho đến ngày chót, họ vẫn không tin là Putin dám phát động chiến tranh. Khi chiến tranh nổ ra, họ không tin là Ukraine dám chống cự nên mời Zelenskyi đi tỵ nạn. Họ còn tính đến một chính phủ Ukraine lưu vong thân phương tây đề phòng khi Zelenskyi bị giết.
Chính nhà chính trị nghiệp dư Zelenskyi đã cứu khối „Đại diện cho Dân chủ-Tự do“ khỏi sụp đổ. Chàng trai này đã khước từ lời mời tỵ nạn, quyết ở lại chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Quyết định của Zelenskyi đã khiến phương tây bừng tỉnh và đoàn kết lại. Thế giới sẽ ra sao, nếu Zelenskyi, linh hồn của cuộc kháng chiến Ukraine bỏ chạy hôm 25.02? Mỗi lần lên sóng trong chiếc áo lính, tôi chỉ thấy anh nói thẳng vào những vấn đề cụ thể, không rào đón, không dùng nhiều mỹ từ.
Tôi tin rằng, nếu Ukraine chiến thắng rồi Zelenskyi được coi là anh hùng dân tộc, được cả thế giới tung hô, anh sẽ không diễn trò đấu Judo, lái máy bay hay cưỡi ngựa, dù năng khiếu diễn viên của anh hơn hẳn tay Rambo ở Kremlin.
Còn quá sớm để nghĩ đến lúc đó. Giờ đây anh công dân dũng cảm này phải sống sót qua cơn bão lửa của tên Rambo phát xít.
Trong khi đó chính phủ Đức sợ giá xăng lên cao nếu phải cấm vận dầu của Putin.
(còn tiếp)
Nguyễn Xuân Thọ
No comments:
Post a Comment